GS Hoàng Ngọc Hiến là nhà nghiên cứu văn học hàng đầu của VN. Tôi rất kính trọng bác từ khi đọc các bài của bác viết năm 1979, khi đó bác bị ông Lê Đức Thọ quy là khởi xướng và lãnh đạo phong trào "Hậu Nhân văn giai phẩm" với mục tiêu xét lại, phê phán và hạ bệ nền văn học nghệ thuật cách mạng dối trá, phải đạo, viết theo cái mình muốn chứ không theo cái thực tế đau thương khủng khiếp của chiến tranh. Đó là nền văn học nghệ thuật "quan phương, minh họa", phục vụ mục tiêu của các nhà chính trị đương thời và theo chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra tùy thời đoạn, hoàn toàn xa rời thực tế. Tôi đã viết nhiều lần về chuyện về bác Hiến trên Blog này. Chỉ đáng tiếc câu của ông Thọ rất nổi tiếng, một số người có trách nhiệm đã dẫn lại câu nói đó trong các cuộc họp bàn xử lý các nhà văn "Hậu Nhân văn giai phẩm" hay thông báo về việc này, bản thân tôi đã trực tiếp nghe,... nhưng bây giờ tra Google không thấy ai viết lại chuyện này, câu này... Trong bài này bác Hiến có kể lại chuyện bác bị xử lý. Hồi đó rất căng thẳng. Tố Hữu, Lê Đức Thọ bỏ họp Trung ương, Quốc hội, trực tiếp tham dự, chỉ đạo vụ này từ đầu chí cuối. May mà cuối cùng các ông cũng nhận ra bác Hiến không có ý định khởi xướng và lãnh đạo phong trào, càng không có ý định lật đổ sự lãnh đạo của Đảng trong văn học nghệ thuật. Bài viết của bác chỉ là phát triển những kiến thức sau thời gian nghiên cứu ở Liên Xô. Do đó bác thoát nạn, chỉ bị cắt chức, thuyên chuyển công tác và hạ bậc lương. Tuy nhiên, nhiều người hưởng ứng bác đã bị xử lý nặng, đặc biệt toàn bộ ban lãnh đạo tạp chi Văn nghệ quân đội (Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Hải Hồ...), nơi in bài của bác Hiến (tháng 7/1979), đều bị cắt chức và bị kỷ luật nặng. Nhà văn Nguyễn Minh Châu mà tiểu thuyết dấu chân người lính của ông được ông Lê Đức Thọ đánh giá là tác phẩm văn học cách mạng xuất sắc nhất thời chống Mỹ tại buổi kiểm điểm nhà văn, đã bị.... Nhà văn Nguyên Ngọc viết bản Đề cương đề dẫn thảo luận ở Hội nghị Đảng viên bàn về sáng tác văn học 1979 để hưởng ứng đã bị mất chức bí thư đảng đoàn Hội nhà văn vì trong đó ông viết "Quan niệm thô thiển về chức năng của văn học cũng dung tục hoá mối quan hệ giữa văn học và chính trị. Nó tuyệt đối hoá chính trị, tuyệt đối hoá sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học, mà quên rằng với tư cách là những hình thái ý thức xã hội, chính trị và văn học, qua những sự khúc xạ gần xa khác nhau đều là phản ánh hiện thực đấu tranh xã hội. Chúng tôi nghĩ Đảng không bao giờ đòi hỏi văn học nghệ thuật minh hoạ chính trị, trái lại Đảng yêu cầu, còn cao hơn nhiều, văn học nghệ thuật với sức mạnh riêng của nó, làm phong phú thêm cho chính trị bằng những khám phá và sáng tạo của riêng mình, không thay thế được...". Trong "Hồi ký" của mình, GS Nguyễn Đăng Mạnh đã viết về Nguyên Ngọc như sau: "Hồi làm bí thư đảng đoàn Hội nhà văn (1979), Nguyên Ngọc tổ chức một cuộc hội nghị nhà văn đảng viên. Anh đưa ra một bản đề cương chống giáo điều, đổi mới văn học. Tố Hữu đến, lên phát biểu đã phê phán quyết liệt bản đề cương, coi là hiện tượng ngược dòng. Vậy mà khi kết luận hội nghị, Nguyên Ngọc vẫn khẳng định bản đề cương đã được hội nghị nhất trí tán thành. Rõ ràng là bất chấp thái độ Tố Hữu… Tối hôm đó ở 4 Lý Nam Đế (Trụ sở Văn nghệ quân đội), Nguyên Ngọc đang ngồi với Nguyễn Khải, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trọng Oánh, Giang Nam, thì Chế Lan Viên đi bộ từ 51 Trần Hưng Đạo đến: “Tôi khuyên các anh đến xin lỗi anh Tố Hữu, tôi đưa các anh đến”. Không ai nói gì. Nguyên Ngọc trả lời: “Cám ơn anh, tôi tự thấy chả có gì phải xin lỗi cả. Còn nếu cần đến anh Tố Hữu thì tự tôi đến cũng được, không cần anh phải dẫn đi. (Chế Lan Viên ghét Nguyễn Đình Thi, muốn đưa Nguyên Ngọc lên để hạ Nguyễn Đình Thi. Vì thế không muốn Nguyên Ngọc đổ)". Xem nguồn trong bài lưu tiếp theo.
Hoàng Ngọc Hiến – Cái nước mình nó thế
Th9 12, 2019 Phạm Thị Hoài và Trương Hồng Quang thực hiện
Phạm Thị Hoài - Sinh thời, nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học Hoàng Ngọc Hiến là một trong những trí thức phê phán giàu ảnh hưởng tại Việt Nam. Ông nổi tiếng với khái niệm „văn học phải đạo“ để chỉ nền văn học chính thống xã hội chủ nghĩa. Ông cũng được coi là người phát hiện và ủng hộ Nguyễn Huy Thiệp, định hướng rõ rệt cho phong trào văn học thời Đổi Mới. Mười lăm năm trước, năm 2004, diễn đàn talawas mà tôi là người phụ trách chính có một cuộc phỏng vấn với Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nhân một lần ông ghé thăm Berlin. Tuy nhiên, ở phút cuối, ông đã đề nghị talawas hủy đăng bài, vì thời điểm chưa thích hợp. Ông qua đời đầu năm 2011. Trước đó không lâu, talawas cũng ngừng hoạt động. Nay tôi chính thức công bố toàn văn bài phỏng vấn dài gần một vạn chữ này trên trang lưu trữ cá nhân pro&contra của mình. Một số trích đoạn cũng đồng thời được đăng trên tuần báo Trẻ.
GS Hoàng Ngọc Hiến 2004. Ảnh của talawas.
talawas: Thưa ông Hoàng Ngọc Hiến, cách đây 17 năm, bài viết „Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió“ của ông là khởi đầu của cuộc tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp mà giai đoạn căng thẳng nhất diễn ra khoảng một năm sau đó, liên quan đến chùm truyện ngắn Kiếm sắc–Vàng lửa – Phẩm tiết. Mới đây, trong bài viết “Ngẫu hứng qua mây gió” đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội [1], Trần Đăng Khoa có nhắc đến cuộc tranh luận này. Điều đặc biệt ở bài viết này là việc đặt lại vấn đề, nói đúng hơn là sự xét lại những giá trị tưởng chừng đã được công nhận trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp ở giai đoạn Đổi mới, đồng thời cũng là sự xét lại những quan niệm tưởng chừng đã đạt tới sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu và trong công luận văn học. Ông đánh giá như thế nào về việc này?