Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2019

“Thần linh pháp quyền” sao vẫn chưa có ở VN?

“Thần linh pháp quyền” sao vẫn chưa có ở Việt Nam?
Nguyễn Hữu Đổng - Tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa được coi là “kẻ thù thứ nhất” của người cộng sản. Tính kiêu ngạo này đã làm cho nhiều người cộng sản, đặc biệt khi được làm “quan cách mạng” thì trở thành người mắc phải “nạn mù chữ” [5, tr. 218] – “kẻ thù thứ hai” cực kỳ nguy hiểm của người cộng sản. Do mù chữ, nên nhiều đảng viên cộng sản là nhà cầm quyền, nhà nghiên cứu không có tư duy khoa học về các khái niệm, như “độc lập”, “tự do”, “hạnh phúc”, “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa cộng sản”. Về thực chất, quốc gia Việt Nam là chưa có độc lập, bởi vì tư tưởng của “đảng cầm quyền” vẫn đang bị phụ thuộc vào “ý thức hệ” của “chủ nghĩa xã hội không tưởng” – chủ nghĩa xã hội “không phát triển” (không tiến bộ)
Image result for “Thần linh pháp quyền”
Khái niệm “thần linh pháp quyền” được Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) nêu ra trong bài thơ “Việt Nam yêu cầu ca” – nội dung chuyển thể từ Bản yêu sách tám điểm của những người yêu nước An Nam gửi Hội nghị Véc-xây (Pháp) năm 1919 – như sau: “Bảy xin hiến pháp ban hành. Trăm đều phải có thần linh pháp quyền” [1, t. 1, tr. 472]. Đã một trăm năm trôi qua, trong đó có hơn 40 năm đất nước hòa bình, thống nhất, nhưng tại sao Việt Nam vẫn chưa có thần linh pháp quyền để bảo đảm các quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân? Để hiểu được tại sao như vậy, trước hết cần phải nhận thức rõ tính chất, bản chất, thực chất của “thần linh”, “pháp quyền” và mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan giữa chúng.

Thần linh là gì?

Khái niệm (hiện tượng) thần linh bao gồm các từ “thần” và “linh”. Từ thần trong khái niệm thần linh là nói về “lực lượng siêu tự nhiên được tôn thờ, coi là linh thiêng, có thể gây họa hoặc làm phúc cho người đời, theo quan niệm duy tâm hoặc theo quan niệm của tôn giáo”, hay phần “linh hồn, yếu tố vô hình tạo nên sức sống” [2, tr. 924]; tức thần là nói về bản chất của “sự sống” (linh hồn) ở bên trong, tương tự như “phi vật chất sống” (sống bằng phi vật chất) của con người.

Từ linh trong khái niệm thần linh là nói về “điều linh thiêng” [3] của “hồn người chết” [2, tr. 570], tương tự như thể xác (tính chất “cái chết”) hay “vật chất sống” (sống bằng vật chất) ở bên ngoài con người. Giữa linh hồn (phi vật chất: sự sống) và linh thiêng (vật chất: cái chết) là tồn tại thực chất thần linh (ý thức) hay “tinh thần sống” (sống bằng tinh thần) của con người.

Mô hình cấu trúc giữa sự sống và cái chết của con người có thể được biểu thị như sau: sự sống bên trong (bản chất linh hồn: phi vật chất) – tồn tại ở giữa (thực chất thần linh: ý thức) – cái chết bên ngoài (tính chất thiêng liêng: vật chất).

Theo đó, mô hình cấu trúc thực chất của thần linh trong thế giới tự nhiên và xã hội có thể được biểu thị như sau: linh hồn (phi vật chất: sự sống) – thần linh (ý thức: tinh thần) – linh thiêng (vật chất: cái chết). Mô hình cấu trúc này được xuất phát từ cách tư duy khoa học như sau: “Không có sống thì chết cũng không có. Không có chết thì sống cũng không có” [1, t. 7, tr. 590].

Từ các phân tích cho thấy, ở giữa hình thức phi vật chất (sự sống - linh hồn) và vật chất (cái chết - linh thiêng) là ý thức (tinh thần - thần linh) tồn tại cân bằng theo mô hình cấu trúc như sau: phi vật chất – ý thức – vật chất. Theo đó, thần linh có thể được nhìn nhận là hình thức cân bằng của ý thức tồn tại ở giữa phi vật chất và vật chất trong thế giới tự nhiên và xã hội.

So sánh với các chữ số 3, 7, 0, thể khí nóng, lạnh và thể trạng con người cho thấy rằng, vật chất có thể được nhìn nhận tương tự như phần “thân” (khí lạnh: chữ số 3); phi vật chất tương tự như phần “đầu” (khí nóng: chữ số 7); ý thức tương tự như phần “cổ” (cân bằng ở giữa khí lạnh và nóng: chữ số 0).

Nói cách khác, trong thế giới tự nhiên và xã hội, nếu không tồn tại sự sống con người gắn với “phần “thân” – lạnh (30℃)” (vật chất, linh thiêng), “phần “đầu” – nóng (70℃)” (phi vật chất, linh hồn) và “phần “cổ” – cân bằng giữa lạnh và nóng (37℃)” (ý thức, tinh thần) [4] thì cũng chẳng có thần linh!!!

Pháp quyền là gì?


Khái niệm pháp quyền bao gồm các từ “pháp” và “quyền”. Từ pháp trong khái niệm pháp quyền là nói về “pháp bảo” (nguyên tắc pháp quyền), hay “phương pháp hiệu nghiệm quý giá để giải quyết một vấn đề lớn nào đó” [2, tr. 767]. Từ quyền trong khái niệm pháp quyền là nói về tính chất pháp quyền, hay “pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi” [2, tr. 815]. Giữa pháp và quyền là tồn tại thực chất (nguyên tắc, nguyên lý) pháp luật, pháp quyền bảo đảm các quyền của nhân dân (cá nhân, nhóm, cộng đồng) trong quốc gia, xã hội loài người.

Pháp luật là nói về các cơ quan lập pháp (tính chất độc lập), hành pháp (bản chất đối lập) và tư pháp (thực chất trung lập) xây dựng, thực thi hiến pháp, các đạo luật nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, công lý về quyền lợi, giá trị, tinh thần giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong quốc gia, xã hội loài người.

Điều đó có nghĩa, pháp quyền có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện thực chất hệ thống tri thức học thuật theo quy luật, hiện thực khách quan về mô hình cấu trúc “tam quyền phân lập” (cơ chế tam quyền phân lập) giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhằm xây dựng, thực thi hiến pháp, các đạo luật để bảo vệ “sự thực và công lý” [1, t. 4, tr. 82], bảo đảm “luật phát triển” [1, t. 7, tr. 41], tức bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, công lý về quyền lợi, giá trị, tinh thần giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong quốc gia, xã hội loài người.

Mối liên hệ giữa thần linh và pháp quyền


Thần linh và pháp quyền có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong quốc gia, xã hội loài người. Trong mối liên hệ giữa chúng, thì khái niệm thần linh là nói về mục tiêu bảo vệ quyền của các loài, trong đó có loài người; pháp quyền là nói về phương pháp thực hiện mục tiêu; còn thần linh pháp quyền là nói về nguyên tắc bảo đảm đạt được mục tiêu.

Nguyên tắc thần linh pháp quyền là khái niệm nói về tính chất cái chết (linh thiêng), bản chất sự sống (linh hồn), thực chất tinh thần (ý thức) của con người trong thế giới tự nhiên và xã hội. Tôn trọng thần linh pháp quyền tức là tôn trọng cơ chế tam quyền phân lập để bảo vệ sự sống, sự thực và công lý, bảo đảm “mọi quyền lực đều là của nhân dân” [1, t. 8, tr. 262] trong quốc gia, xã hội loài người.

Điều đó cũng có nghĩa là, để bảo vệ chủ quyền nhân dân (nhân quyền), chủ quyền quốc gia (quốc quyền hay an ninh quốc gia), tức bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân trong quốc gia, bảo vệ cộng đồng các loài, trong đó có loài người tồn tại bền vững (lâu bền, vững chắc, lâu dài) trên trái đất này, thì cần phải có cơ chế tam quyền phân lập, hay thần linh pháp quyền. Cơ chế tam quyền phân lập nêu trên được coi là một phát minh vĩ đại của khoa học xã hội và nhân văn trong xã hội loài người, do John Locke và Montesquieu nêu ra ở tác phẩm “Tinh thần pháp luật” (năm 1748).

Những điều phân tích trên đây cho thấy rằng, thần linh pháp quyền trong câu thơ của Hồ Chí Minh nêu ra cách đây một trăm năm là khái niệm biểu hiện tính triết lý, khoa học và nhân văn sâu sắc. Tức mặc dù còn có những sai lầm trong con đường cứu nước, Hồ Chí Minh có thể được coi là người theo “chủ nghĩa dân tộc” (người yêu nước chân chính), tức biết nhìn nhận và theo “chủ nghĩa xã hội phát triển” (thương yêu nhân loại khổ đau) [1, t. 11, tr. 158], chứ hoàn toàn không phải là người “vô thần” – người không có ý thức hay “mù quáng” đi theo “chủ nghĩa cộng sản” (chủ nghĩa xã hội không tưởng, không có ý thức sống, không biết thương yêu nhân loại khổ đau) giống như một số đảng viên cộng sản trong chính quyền ở Việt Nam và một số quốc gia khác hiện nay: Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Venezuela. Lào.

Về thực chất, nhiều đảng viên cộng sản ở Việt Nam và các quốc gia nêu trên đã không biểu hiện sự chân thực về tư tưởng, hành động của mình, tức họ đã tôn thờ chủ nghĩa xã hội chuyên chính hay đặc sắc, tôn thờ “chủ nghĩa cộng sản” – cụm từ không khoa học (không thật, giả dối); bởi cụm từ “cộng sản” chỉ là tính chất (hình thức thật sự: vật chất - cái chết) chứ không có bản chất (nội dung sự thật: phi vật chất – sự sống) và thực chất (nguyên lý thật: ý thức – thần linh).

Tại sao đã một trăm năm trôi qua, nhưng thần linh pháp quyền vẫn chưa có ở Việt Nam?

Thần linh pháp quyền chưa có ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện nay được xuất phát bởi tư duy chưa khoa học hay tư duy chưa thật của con người, đặc biệt là những người cộng sản; tức con người đã không nhận thức rõ mô hình cấu trúc của khái niệm nói chung, khái niệm “sự sống”, “ý thức”, “sự thật” (khoa học) nói riêng – cái cẩm nang để có thể tìm ra nguồn gốc của sự sống, từ đó có biện pháp bảo vệ, duy trì sự sống các loài, trong đó có loài người. Có hai nguyên nhân cơ bản đã làm cho thần linh pháp quyền chưa thể có ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, do “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa” của nhiều đảng viên cộng sản [5, tr. 217].

Tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa được coi là “kẻ thù thứ nhất” của người cộng sản. Tính kiêu ngạo này đã làm cho nhiều người cộng sản, đặc biệt khi được làm “quan cách mạng” thì trở thành người mắc phải “nạn mù chữ” [5, tr. 218] – “kẻ thù thứ hai” cực kỳ nguy hiểm của người cộng sản. Do mù chữ, nên nhiều đảng viên cộng sản là nhà cầm quyền, nhà nghiên cứu không có tư duy khoa học về các khái niệm, như “độc lập”, “tự do”, “hạnh phúc”, “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa cộng sản”.

Về thực chất, quốc gia Việt Nam là chưa có độc lập, bởi vì tư tưởng của “đảng cầm quyền” vẫn đang bị phụ thuộc vào “ý thức hệ” của “chủ nghĩa xã hội không tưởng” – chủ nghĩa xã hội “không phát triển” (không tiến bộ). Về bản chất, chủ nghĩa xã hội là một cụm từ “chưa khoa học” (chưa thật) [6]; bởi vì nó chưa rõ mục tiêu của xã hội phát triển, chưa có phương pháp dân chủ để thực hiện mục tiêu, chưa có nguyên tắc pháp quyền để bảo đảm đạt được mục tiêu.

Hiện nay, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn “kiên định” tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, mà không biết rằng, cần phải vận dụng sáng tạo trong học tập tư tưởng của chủ nghĩa này: “Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta” [1, t. 11, tr. 611].

C. Mác, V.I. Lênin là người có tư tưởng “duy vật” (chủ nghĩa duy vật: tính chất linh thiêng – cái chết), thiếu tư tưởng “duy lý” (chủ nghĩa duy lý: bản chất linh hồn – sự sống), chống đối tư tưởng “duy tâm” (chủ nghĩa duy tâm: thực chất thần linh – ý thức). Do vậy, Đảng cộng sản đi theo chủ nghĩa Mác – Lênin tức là đi theo “chủ nghĩa duy vật” (chủ nghĩa hình thức của “khoa học duy vật”) - chủ nghĩa đang làm “cản trở sự phát triển của nghiên cứu khoa học về tinh thần và tâm linh” - nguồn gốc hình thành bản “Tuyên ngôn về một nền khoa học hậu duy vật” [7].

Nói cách khác, kiên định theo chủ nghĩa Mác – Lênin tức là Đảng cộng sản Việt Nam đã biểu hiện mức độ trầm trọng của căn bệnh chủ nghĩa hình thức. Theo chủ nghĩa này, Đảng cộng sản đã và đang đưa cả dân tộc Việt Nam đi vào “con đường chết” (dân tộc lạc hậu, lãng phí tài lực, nhân lực, vật lực của quốc gia; con người mất niềm tin vào cuộc sống; đất nước chậm phát triển, mất dần chủ quyền quốc gia vào tay thế lực của chủ nghĩa bá quyền cộng sản Trung Quốc). 

Dân tộc Việt Nam chỉ có thể tồn tại được khi các nhà cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam biết nhận lỗi lầm trước toàn thể quốc dân, đồng bào người Việt trong và ngoài nước, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tức là, các nhà cầm quyền cần phải thiết thực trong phòng, “chống chủ nghĩa hình thức, chống xa rời quần chúng. Phải trừ hết bệnh phô trương, lãng phí” [1, t. 11, tr. 473].

Thứ hai, do sự “giáo điều” (kinh nghiệm chủ nghĩa) của nhiều đảng viên cộng sản [1, t. 7, tr. 575].

Hiện nay, nhiều “trí thức” (trí thức của Đảng cộng sản chứ không phải “trí thức của nhân dân”), đặc biệt là các nhà khoa học nghiên cứu pháp luật, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong “Hội đồng lý luận trung ương” đã “thần thánh” hóa đường lối của Đảng cộng sản, không coi trọng “đường lối của nhân dân” [1, t. 8, tr. 423] (đường lối quần chúng). Các đảng viên cộng sản này đã không biết “thực hành dân chủ rộng rãi” [1, t. 15, tr. 622] trong Đảng nói riêng, trong quốc gia nói chung; chẳng hạn, như: chưa bảo đảm dân chủ xã hội (tổ chức bầu cử chưa dân chủ, nhân dân chưa được làm chủ thật sự); cấm báo chí tư nhân tổ chức và hoạt động độc lập, trong khi Lênin đã nêu rõ rằng, đây là “hiện tượng thông thường” trong xây dựng chủ nghĩa xã hội [8].

Cấm báo chí tư nhân, dân chủ chưa thật trong quốc gia tức là các đảng viên cộng sản trong chính quyền đã không lắng nghe thông tin chân thật của nhân dân, không lắng nghe sự phản biện chân thành của các công dân, nhà báo, nhà khoa học, nhà trí thức chân chính. Nói cách khác, Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang ngăn cản nhân dân nói thẳng, nói thật, hay “thật thà phê bình” (phê bình chân thành) [1, t. 7, tr. 115] các sai lầm cơ bản (không đúng đắn) của Đảng, Quốc hội, Tòa án, Viện Kiểm sát, Chính phủ, chính quyền các cấp cả về tư tưởng và hành động.

Các sai lầm nêu trên là biểu hiện tư tưởng, hành động phản tiến bộ (thoái bộ, suy thoái), phủ nhận cơ chế tam quyền phân lập văn minh trong quốc gia của các đảng viên trong Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Chính sự suy thoái từ “đầu não” Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng đã dẫn đến những hành động độc đoán, sùng bái cá nhân, sùng bái quyền lực, coi chủ nghĩa Mác – Lênin như một “kinh thánh” [1, t. 7, tr. 120] của nhiều đảng viên cộng sản; dẫn đến các tệ nạn, như: cúng bái “thần linh”, “thần thánh” (coi đảng viên lão thành có vai trò chủ chốt trong Bộ chính trị tương tự như Chúa, Phật); cúng “oan gia trái chủ” (giải oan, giải hạn); xây “chùa lớn” để kinh doanh, bao cấp “doanh nghiệp nhà nước”, xây tượng đài “to, nhiều” để trục lợi, làm mất niềm tin của nhân dân; hay tôn thờ “thần tượng” của nhiều công dân kém trí tuệ do hậu quả của nền giáo dục “phản tiến bộ” (phản giáo dục), tệ nạn “quan liêu, tham nhũng, lãng phí” của nhiều công dân làm việc trong chính quyền, quốc gia nói chung, vấn nạn “đạo văn” (phản văn hóa) trong đội ngũ trí thức trung thành với Đảng cộng sản, kiên định đi theo chủ nghĩa xã hội chuyên chính, chủ nghĩa cộng sản nói riêng.

Các tệ nạn nêu trên đã và đang làm cho nhiều người dân Việt Nam phải “sống nghèo khổ” (sống không đáng sống), phải “chết oan uổng” (chết không đáng chết), phải bán “sức lao động” rẻ mạt của mình (bán sự sống: linh hồn; bán cái chết: linh thiêng; mất niềm tin vào cuộc sống: thần linh) – tức sống, chết, tồn tại của nhiều người dân trong quốc gia không được hạnh phúc. Do vậy, về thực chất, thần linh pháp quyền là chưa thể có ở Việt Nam.

Làm thế nào để có thần linh pháp quyền ở Việt Nam?

Tác giả bài viết đưa ra hai giải pháp sau đây:

Một là, Đảng cộng sản cần phải từ bỏ vai trò là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước” ở Việt Nam [9]. Tại sao lại như vậy? Bởi vì, về thực chất, “lãnh đạo là làm đày tớ” [1, t. 15, tr. 292], cho nên Đảng cộng sản – tức các “công dân ưu tú” trong nhân dân – đã và đang trở thành những người “làm đày tớ” cho “Nhà nước” (Chính phủ, Quốc hội, Tòa án, Viện Kiểm sát tối cao). Điều đó là trái với tư tưởng tiến bộ của Hồ Chí Minh: “Chính phủ, từ Hồ Chủ tịch cho đến các vị ủy ban… đều là đày tớ của nhân dân” [1, t. 10, tr. 572]. Nói cách khác, Đảng cộng sản Việt Nam cần phải từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình trong quốc gia Việt Nam là bởi vì nhiều đảng viên, đặc biệt là Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương đã và đang không “biết lãnh đạo” [10], hơn nữa, đang hành động trái với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nếu Đảng cộng sản còn muốn giữ vai trò lãnh đạo của mình trong quốc gia, thì cần phải thay đổi tên Đảng, tên nước, thay đổi chế độ, để xã hội tiến bộ, phát triển bền vững; thay đổi thiết chế chính quyền, để hình thành nên các “thể chế” văn minh trong quốc gia, như “thể chế chính trị - xã hội pháp quyền dân chủ” [11], hay các thể chế văn hóa, chính trị, kinh tế, thực hành dân chủ, pháp quyền ở Việt Nam.

Nhìn nhận một cách hình ảnh (so sánh với Trời, Đất, Con người) như Hồ Chí Minh hay đề cập đến, thì thể chế cũng tương tự như ba ông thần linh từ trên Trời (Mặt Trời, Vũ Trụ) xuống hạ Giới (Trái Đất) để giữ gìn “hòa bình và dân chủ” [1, t. 4, tr. 104] cho quốc gia bằng các hình thức nghi lễ Tôn giáo như sau: “thể chế kinh tế” (tính chất), tương tự như “Phật” (Phật giáo) – quyền lợi, độc lập, vật chất; “thể chế văn hóa” (bản chất), tương tự như “Chúa” (Chúa giáo) – giá trị, tự do, phi vật chất; “thể chế chính trị” (thực chất), tương tự như “Đạo” (Đạo giáo) – tinh thần, hạnh phúc, ý thức.

Các thể chế nêu trên có vai trò to lớn trong “quản trị quốc gia”. Khái niệm quản trị “quốc gia” được nhìn nhận là khoa học (thật), còn khái niệm quản lý “nhà nước” là “phản khoa học” (không thật) [12]. Quốc gia Việt Nam “khó có thể phát triển được, tức “đôi chân” (thể chế kinh tế) khó có thể đi được nếu không có sự giúp đỡ, “định hướng” đường đi bởi các “giác quan” (thể chế văn hóa), không có sự giúp sức để loại bỏ các rào cản, hay “mở đường” đi bởi “đôi tay” (thể chế chính trị)” [13].

Hai là, các đảng viên cộng sản trong Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương cần phải biết khiêm tốn, “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” [14], tức dám thừa nhận các sai lầm, khuyết điểm của Đảng cộng sản trước nhân dân về tư tưởng, hành động từ khi thành lập cho đến nay; biết hy sinh lợi ích của nhóm mình (Đảng cộng sản), tức chống “chủ nghĩa nhóm” (lợi ích nhóm vị kỷ); biết hy sinh lợi ích của cá nhân mình (người đảng viên cộng sản), tức chống “chủ nghĩa cá nhân” (lợi ích cá nhân vị kỷ). Chẳng hạn, như: không thể để tình trạng một mình Đảng cộng sản độc đoán lãnh đạo, cầm quyền trong quốc gia Việt Nam; không thể để tình trạng có trường hợp đảng viên là Tổng bí thư, ủy viên Bộ chính trị sử dụng cả trăm, nghìn mét vuông đất của “quốc dân” (nhân dân trong quốc gia) làm nơi thờ tự, tưởng niệm, chôn cất “thi hài” khi qua đời (chết).

Đồng thời, Đảng cộng sản (đảng cầm quyền hiện nay) cần phải tổ chức một hội nghị “Hòa giải dân tộc” thật sự để bàn bạc cùng với các trí thức chân thật (trí thức của nhân dân) người Việt Nam trong và ngoài nước, mọi tổ chức chính trị, xã hội dân sự trong quốc gia, xây dựng các “đảng chính trị” tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân; đồng thời, thông qua bầu cử dân chủ thật sự, hình thành nên một đảng chính trị tiên phong (lãnh đạo) để đóng vai trò “đi đầu” (gương mẫu) “phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân” [1, t. 15, tr. 623] nhằm xây dựng, thực hiện chủ nghĩa xã hội dân chủ pháp quyền phát triển ở Việt Nam [12].

Hiện nay, Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một đảng chính trị, mà chỉ là “đảng cai trị” (đảng thống trị), bởi vì cụm từ “cộng sản” đã không biểu hiện sự chân thật để bảo đảm tính khoa học của đảng chính trị; hơn nữa, khi tình trạng tham nhũng hiện nay đã trở thành “quốc nạn”, tức là trong quốc gia Việt Nam “còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được” [5, tr. 218]. Điều đó có nghĩa, quốc gia có Đảng cộng sản lãnh đạo, cầm quyền là quốc gia không tồn tại “con đường chính trị đúng” [1, t. 5, tr. 625] để nhân dân có thể đi tới các mục tiêu công bằng (độc lập), bình đẳng (tự do) và công lý (hạnh phúc).

http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenHDong_ThanLinhPhapQuyen.html

………………..

Tài liệu trích dẫn:

[1] CD-ROM Hồ Chí Minh, Toàn tập, Xuất bản lần thứ ba, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.

[2] Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng.

[3] https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-ma-dieu-linh-thieng-cua-so-7-trong-ngay-thuong-binh-liet-si-712859.html



[4] https://vietnamnet.vn/vn/blog/khong-co-con-nguoi-hanh-phuc-khong-the-co-quoc-gia-hanh-phuc-436774.html



[5] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va - 1978.

[6] http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenHDong_ViSaoCachMangNgaThatBai.html



[7] https://www.trithucvn.net/khoa-hoc/tuyen-ngon-ve-mot-nen-khoa-hoc-hau-duy-vat.html









[8] https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/co-can-bao-chi-tu-nhan-o-viet-nam.html



[9] Điều 4 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

[10] http://www.xaydungdang.org.vn/Home/tutuonghochiminh/2017/10262/Can-bo-can-biet-lanh-dao-de-lam-day-to-nhan-dan.aspx



[11] http://tcnn.vn/news/detail/41686/Tuan-thu-quy-luat-khach-quan-trong-xay-dung-co-che-kiem-soat-quyen-luc-nha-nuoc-o-Viet-Nam.html



[12] http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenHDong_BaoVeChuQuyen.html



[13] http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/1736-van-hoa-chinh-tri.html



[14] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 64.



Tác giả gửi cho viet-studies ngày 8-11-19

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét