Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

Bước chân về phương Đông của Thúy Nga Paris

Bước chân về phương Đông của Thúy Nga Paris

Cẩm Hà, viết từ Sài Gòn, 22 tháng 11 2019
Dõi theo cách Thúy Nga đồng hành cùng sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, tôi nhận ra khác với nhiều trung tâm băng nhạc khác, Thúy Nga sớm chuyển mình thoát ra khỏi sự ám ảnh về quá khứ bi thương. Trung tâm từ lâu chú trọng sử dụng nghệ thuật để truyền tải các bài học lịch sử và giá trị dân tộc, đồng thời đảm bảo sự đa dạng tuyệt đối về gu thưởng lãm nghệ thuật.

Người dẫn chương trình Nguyễn Ngọc Ngạn và 
Nguyễn Cao Kỳ Duyên quen thuộc với khán giả
Trong chuyến đi tới Singapore lần này, tôi mang theo một kỷ vật nho nhỏ: chiếc vòng cổ kim loại màu nâu vàng có đính đá. Nữ ca sĩ Ái Vân tặng mẹ tôi chiếc vòng này khi gặp bố tôi ở Đức vào đầu năm 1991. Tôi vẫn còn giữ bức thiệp cô Vân viết về cho gia đình: "Anh chị có giận em không? Em mong anh chị sẽ hiểu cho em. Chúc hai cô công chúa của anh chị luôn dễ thương, xinh đẹp…"


Tôi vốn yêu thích các chương trình ca nhạc của trung tâm Thúy Nga từ lâu, trước cả khi cô Ái Vân gia nhập trung tâm và tỏa sáng với các bài hát song ca cùng Elvis Phương và các hoạt cảnh dân ca Bắc Bộ. Khi còn nhỏ, tôi thường xuyên cùng gia đình đi xem các chương trình văn nghệ dù tình hình kinh tế toàn miền Bắc lúc ấy vô cùng khó khăn.

Đứa trẻ 10 tuổi lúc ấy là tôi háo hức đón nhận những băng video Paris by night đầu tiên từ hải ngoại gửi về. Tôi thấy lạ với chiếc khoác áo màu màu đen lấp lánh của Elvis Phương khi hát Mười năm tình cũ. Tôi ấn tượng với Linda Trang Đài gợi cảm trong chiếc quần vằn lăn lê bò toài hát Gimme your love tonight. Đó là cuốn số 4 phát hành năm 1987.

Kể từ đó, trung tâm Thúy Nga đã trải qua một hành trình hơn ba thập niên với những cải tiến không ngừng. Những buổi trình diễn, những băng ghi hình Paris by night trở thành các đại tiệc âm nhạc. Một số nhà phê bình đánh giá các chương trình Paris by night có tính tạp kỹ bởi sự lồng ghép của các tiết mục hài, thời trang cùng sự kết hợp của nhiều thể loại và màu sắc âm nhạc. Tôi khó đồng tình với những nhận xét như vậy.

Một chương trình nghệ thuật chạm mốc 40 tuổi sẽ không chỉ nhờ sự đầu tư về kỹ thuật hoặc sự hiện diện của các gương mặt nghệ sĩ hạng A. Dõi theo cách Thúy Nga đồng hành cùng sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, tôi nhận ra khác với nhiều trung tâm băng nhạc khác, Thúy Nga sớm chuyển mình thoát ra khỏi sự ám ảnh về quá khứ bi thương. Trung tâm từ lâu chú trọng sử dụng nghệ thuật để truyền tải các bài học lịch sử và giá trị dân tộc, đồng thời đảm bảo sự đa dạng tuyệt đối về gu thưởng lãm nghệ thuật.

Giám đốc Trung tâm Thúy Nga Tô Ngọc Thủy (thứ hai từ trái sang) cùng các nghệ sĩ

Thúy Nga chiếm được cảm tình của nhiều giới, nhiều lứa tuổi, lấy lòng người hâm mộ từ Bắc chí Nam, từ đồng bào hải ngoại tới người trong nước chính là nhờ duy trì rất xuất sắc sự đa dạng ấy.

Người miền Bắc yêu hoạt cảnh Tát nước đầu đình, Đèn cù, Em đi chùa Hương… của Ái Vân, đắm chìm với Trên đỉnh phù vân ma mị của Ngọc Hạ. Người miền Trung thấy mình lai láng với Lý mười thương với Quang Lê. Người miền Nam nổi da gà với màn hóa thân xuất sắc của Như Quỳnh trong Đêm chôn dầu vượt biển hoặc giọng hát ngọt lịm của Mai Thiên Vân với Gõ cửa trái tim.

Các băng video của Thúy Nga trở thành món ăn tinh thần chung của nhiều gia đình. Người lớn tuổi được nghe Hương Lan, Khánh Ly, Chế Linh... Lớp trung niên nghe Bằng Kiều, Tuấn Ngọc, Khánh Hà... Các bạn trẻ nhún nhảy với Tóc Tiên, Mai Tiến Dũng và Hoàng Mỹ An… Trẻ con thậm chí cười được với những mẩu chuyện hài của MC Nguyễn Ngọc Ngạn.

Nhiều nghệ sĩ người Việt ở hải ngoại và Việt Nam đều đã hợp tác với Thúy Nga

Tôi không thân quen với những người lèo lái Thúy Nga nhưng chia sẻ với họ về tầm nhìn khôn quan và thức thời. Thúy Nga không tự trói mình trong một khuôn khổ âm nhạc và không ngả về một tầng lớp nào cụ thể. Thúy Nga chọn trung thành với sự đa dạng.

Có lẽ các nhà sản xuất hiểu rằng để phục vụ khán giả của một đất nước trải qua nhiều biến cố thăng trầm như Việt Nam, chìa khóa thành công của bất kỳ sản phẩm âm nhạc nào, hoặc rộng hơn của bất kỳ tư tưởng sáng tạo nào chính là sự dung hòa và cân bằng của nhiều hệ giá trị và thẩm mỹ.

Việc đưa nhãn quan cá nhân hoặc động cơ chính trị vào để lăng xê giá trị nghệ thuật này hoặc vùi dập giá trị nghệ thuật kia là những tính toán phản tác dụng và khó tìm được sự đồng thuận.

Dân tộc Việt Nam, với chiều dài địa lý và lịch sử mở cõi đã luôn mang trong mình sự hấp thu đa dạng rất đáng tự hào về địa chính trị, tôn giáo, phong cách sống và nhu cầu sinh hoạt tinh thần. Những sản phẩm nghệ thuật của trung tâm Thúy Nga hướng tới sứ mệnh "tiếng hát nối nguồn cội" như bày tỏ trong cuốn mới nhất số 129 với chủ đề Dynasty (Triều đại). Nhờ vậy, các chương trình Paris by night luôn có tầm vóc vượt lên trên những chương trình ca nhạc thông thường.

Ở khía cạnh kỹ thuật, các nhà làm nghệ thuật nếu chỉ khôn ngoan mà thiếu đi trình độ thẩm mỹ dễ biến mình thành công cụ minh họa. Cho dù hướng tới sứ mệnh cao cả, những sản phẩm của Thúy Nga, nếu ít sức sống sẽ không thể giữ chân người hâm mộ và đặc biệt là các nhà tài trợ. Sự yêu mến dài lâu dành cho các sản phẩm của Thúy Nga nằm ở năng lực sáng tạo mạnh mẽ của các đạo diễn, biên đạo và nhà sản xuất.

Những ca sĩ cộng tác với trung tâm Thúy Nga tiến bộ rất nhanh về nghề nghiệp chính là nhờ được thỏa sức sáng tạo trong thế giới âm nhạc của Thúy Nga. Như Bằng Kiều chia sẻ, anh đến với Thúy Nga trong tư thế một ca sĩ nhạc trẻ nhưng đã được khuyến khích để trở thành người hát chủ lực dòng nhạc thính phòng, dòng nhạc bất hủ và lấn sân sang bolero.

Ngọc Anh nhanh chóng để sang một bên những bài hát hào quang của Phú Quang và chứng tỏ mình có thể làm chủ vũ đạo và thổi hồn vào các bài hát trữ tình của Phạm Duy, Lam Phương.

Những hoạt cảnh, đại cảnh trong các chương trình Paris by night dù đông người nhưng không rối. Từng nhân vật, người mẹ, người vợ, cô gái trẻ, người nông dân… hiện lên với dung mạo rõ nét và biểu cảm sinh động.

Với mỗi một chương trình, dường như nhà sản xuất đều cố gắng giới thiệu một tiết mục mang tính kinh điển. Đó là một thế mạnh mà cho tới nay, chưa có một chương trình ca nhạc nào do người Việt sản xuất có thể cạnh tranh được với trung tâm Thúy Nga.

Năm 2016, tôi vui mừng khi các ca sĩ ruột của trung tâm Thúy Nga sang Singapore trình diễn chương trình văn nghệ kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhạc sĩ Lam Phương.

Chương trình là một live show ca nhạc, không gắn với thương hiệu Paris by night mặc dù có sự hiện diện của hai nhà sản xuất của Thúy Nga là chị Marie Tô và anh Paul Huỳnh cùng cặp MC danh tiếng Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Lúc ấy, tôi đã thầm mường tượng những bước đi hướng tới phương Đông, hướng tới quê nhà của trung tâm Thúy Nga.

Và tôi nghĩ một lần nữa, trung tâm Thúy Nga lại đang có những bước chuyển mình đáng cổ vũ trên con đường chinh phục những đỉnh cao sáng tạo của nghệ thuật và trên hành trình kết nối những người Việt hai bên bờ đại dương.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Paris By Night 130 chủ đề "Glamour" sẽ được thu hình tại Singapore vào ngày 23 - 24 tháng 11 năm 2019.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50516746

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét