Tại sao HLV phải cam kết thành tích với VFF?
LS. Lê Trọng Thêm(*) 28/11/2019 (TBKTSG) - Huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo và các HLV đội tuyển quốc gia trước đây đều phải cam kết thành tích mỗi khi ký kết hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Có nhiều người thắc mắc về ý nghĩa chuyên môn và pháp lý của các cam kết thành tích mà các HLV bóng đá phải thực hiện. Đi tìm lời giải cho câu hỏi này cần xuất phát từ quan hệ giữa HLV và VFF là gì, việc cam kết thành tích có giá trị pháp lý đến đâu?
Huấn luyện viên Park Hang Seo.
HLV làm việc như người lao động của VFFMặc dù với chức danh là HLV trưởng của đội tuyển quốc gia Việt Nam nhưng ông Park cũng làm việc cho VFF với tư cách pháp lý như những người lao động bình thường. Theo thông tin từ VFF, vào ngày 5-11-2019, giữa VFF và ông Park đã ký tiếp một hợp đồng mới với thời hạn ba năm. Dù chưa bao giờ đề cập rằng đây là hợp đồng lao động nhưng về bản chất pháp lý, VFF đã ký tiếp hợp đồng lao động xác định thời hạn ba năm với ông Park.
Tương tự như những người lao động nước ngoài khác, VFF và ông Park cũng cần phải có giấy phép lao động. Theo luật, thời hạn tối đa của giấy phép lao động không được quá hai năm. Đồng thời, văn bản luật cũng quy định rằng thời hạn của hợp đồng lao động phải tương ứng với thời hạn của giấy phép lao động.
Hợp đồng của ông Park và VFF cũng cần phải tuân thủ những nội dung như nội dung công việc, địa điểm làm việc, mức lương, hình thức trả lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi... Ngoài ra, ông Park, với tư cách là người lao động nước ngoài, phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức lũy tiến như người lao động khác có thu nhập phải chịu thuế. Theo đó, VFF thỏa thuận mức lương sau thuế, tức là mức lương thực nhận sau khi VFF đã khấu trừ tại nguồn tiền thuế thu nhập cá nhân.
Cam kết - cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành công việc
Trước đây, truyền thông hay đưa tin HLV nào đó bị câu lạc bộ sa thải sau chuỗi trận thua bi đát triền miên. Thực ra, nhìn dưới góc độ pháp lý, thuật ngữ “sa thải” (tiếng Anh là dismissal) được giới truyền thông sử dụng không chính xác. Bởi vì từ sa thải là thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ ra hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm các quy định của công ty khi làm việc.
Trong khi đó, việc bị cho thôi việc do năng lực cá nhân, thành tích cá nhân không đạt kỳ vọng của người sử dụng lao động sẽ được xem là hành động người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hơp đồng lao động với người lao động. Cần phân biệt rõ hành vi vi phạm các quy định đã có sẵn với trường hợp do năng lực cá nhân, lý do cá nhân người lao động không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao như cam kết giữa các bên.
Theo pháp luật lao động Việt Nam hiện hành, để VFF có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do HLV thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ (tiếng Anh hay dùng thuật ngữ poor performance) thì cần đáp ứng cả điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện cần là VFF thỏa thuận với HLV về mô tả công việc phải làm thật rõ ràng về mặt định tính.
Ví dụ, ông Park phải giữ vai trò làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 cùng lúc, trong trường hợp hai đội tuyển có lịch thi đấu chồng chéo nhau thì ông Park được trao quyền tổ chức ban huấn luyện. Đương nhiên, bản mô tả công việc này cần phải chi tiết hơn về các công việc mà một HLV phải thực hiện như huấn luyện, bồi dưỡng kỹ chiến thuật cho đội tuyển; phải “vi hành” đến các trận đấu quốc nội để phát hiện các tài năng là ứng viên lên tuyển...
Bên cạnh đó, ông Park và VFF cũng cần thỏa thuận điều kiện đủ là các chỉ tiêu về thành tích, hay gọi tắt là KPI (viết tắt của cụm từ Key Performance Index).
So với hệ thống pháp luật lao động cũ, Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn yêu cầu VFF phải xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc đối với HLV được thể hiện rõ trong quy chế của mình. Văn bản này làm cơ sở đánh giá HLV có thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ hay không.
Ví dụ, nếu VFF và HLV Park thỏa thuận về thành tích mà đội tuyển quốc gia và/hoặc U23 phải đạt được như vượt qua vòng loại, vượt qua bán kết hay có mặt trong trận chung kết... thì một khi ông Park không đạt được thành tích đó, VFF có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Giải quyết tranh chấp về hợp đồng như thế nào?
Việc tranh chấp về hợp đồng giữa HLV và các câu lạc bộ hoặc liên đoàn bóng đá của một quốc gia không phải là chuyện hiếm gặp. Đơn cử như vụ HLV Letard của Pháp khi dẫn dắt đội tuyển U23 Việt Nam tại giải đấu LG Cup 2002, VFF đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với vị HLV này không hợp pháp. Sau đó, HLV Letard đã có đơn khiếu nại lên Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và FIFA đã xử cho vị HLV này thắng với mức yêu cầu bồi thường 35.000 đô la Mỹ.
Không chấp nhận mức bồi thường khiêm tốn này, HLV Letard đã kiện ra Tòa án Trọng tài thể thao quốc tế (CAS). Ngày 30-9-2004, CAS ra phán quyết buộc VFF phải bồi thường cho HLV Letard số tiền 197.800 đô la Mỹ và 2.500 đô la Mỹ phụ phí. Nếu VFF không thực hiện phán quyết (vào hạn cuối là 10-1-2005), đội tuyển bóng đá Việt Nam có thể bị cấm thi đấu quốc tế trong hai năm.
Không phụ thuộc vào việc thẩm quyền các vụ án tranh chấp giữa HLV và đơn vị chủ quản thuê HLV được FIFA hay CAS điều tra xét xử, các HLV cũng hoàn toàn có quyền kiện bên thuê mướn mình theo hợp đồng lao động nếu họ với tư cách người sử dụng lao động vi phạm hợp đồng lao động, vi phạm các quy định của pháp luật về lao động của Việt Nam.
Đặc thù trong lĩnh vực bóng đá khác với các lĩnh vực khác là FIFA, CAS và các tổ chức bóng đá mà các quốc gia là thành viên cũng có những luật lệ riêng. Nếu một quốc gia, câu lạc bộ nào đó tham gia với tư cách thành viên thì phải tuân thủ các quy định, quy tắc mà các tổ chức này đặt ra. Mặc dù phần lớn các tổ chức này không có cơ quan để thực thi, cưỡng chế các phán quyết của mình, tuy nhiên, quyền lực mềm liên quan đến việc cho hay không cho một câu lạc bộ, một quốc gia nào đó được tham gia sân chơi do họ đưa ra luật chơi đã khiến hầu hết các phán quyết được tự nguyện thực thi trên thực tế.
Bài học tuyển dụng lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp
Nếu HLV được ký kết hợp đồng ba năm liên tục mà thành tích và kết quả thi đấu bết bát thì VFF phải làm gì? Chắc chắn là không thể nào tiếp tục giữ vị HLV này ở lại và chi trả một khoản tiền lương cùng phúc lợi khổng lồ. Nhưng không thể tiến hành sa thải khi HLV không hề vi phạm nội quy lao động. Thậm chí, VFF thực hiện quyền đơn phương mà không chặt chẽ và đúng pháp luật đôi khi dẫn đến tranh chấp, ảnh hưởng đến uy tín và gặp rủi ro phải thanh toán một khoản tiền bồi thường đáng kể.
Liên hệ với trường hợp doanh nghiệp đặt địa vị của mình như VFF, tuyển dụng một lãnh đạo cấp cao để hy vọng mang lại thành tích cao cho doanh nghiệp. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và giữ được vị thế của doanh nghiệp, khi tuyển dụng các nhân sự cấp cao, các doanh nghiệp cũng cần thực hiện đầy đủ các bước như ký kết hợp đồng lao động với điều khoản chi tiết, cụ thể, kèm theo là bản mô tả công việc rõ ràng.
Khi triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu mà doanh nghiệp kỳ vọng vào nhân sự cấp cao này, doanh nghiệp cần phải lập và ký xác nhận KPI. Vì điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc tối ưu chi phí nhân sự, mà còn giúp doanh nghiệp có “số lùi” khi cần “trảm tướng” thay người mới, mang lại sinh khí mới cho doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, những người làm thuê chuyên nghiệp cũng cần chuẩn bị tâm thế và kế hoạch để khi nhận trọng trách phải xác định là thực hiện được và quyết tâm thực hiện cho đến cùng.
(*) Công ty Luật LTT & Lawyers
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét