Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

Thưa cô, em thường nhịn ăn tới trường!

Tò mò đọc bài này vì cái tiêu đề. Đọc xong mới biết đây chỉ là bài tuyên truyền của ngành ông Nhạ vì trong bài có nhiều câu nhà báo nhét vào mồm cô giáo chứ chắc cô không nói vô lý như vậy. Có một seri bài như thế này, chắc là để tri ân các thầy cô giáo dịp 20/11 năm nay. Nhưng không sao, điều quan trọng là có cô Thoa tận tụy với học sinh thật, có học sinh dân tộc đang rất nghèo thật. Hết sức cảm phục và chân thành cám ơn cô giáo trẻ đã hy sinh tuổi xuân của mình để gieo con chữ cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn... Đất nước mình có rất nhiều giáo viên tốt, hết lòng vì học trò như thế. Chỉ có điều trong khi họ lao động vất vả thì đám quan chức ngành giáo dục ở Hà Nội chỉ biết ngồi phòng lạnh làm và nói những điều viển vông, ngu xuẩn.
Thưa cô, em thường nhịn ăn tới trường!
15/11/2019 Thùy Linh (GDVN) - Cô Thoa kể, những năm đầu chưa thành lập trường bán trú các em phải đi lại khó khăn đặc biệt là trời mưa rét, có những em phải đi học từ 5h sáng đi bộ hơn 3 tiếng mới đến trường, nhiều lúc nhìn thấy các em đi đến trường nào ủng, nào áo mưa chống gậy đến trường vừa ướt, vừa lấm bẩn… nhiều hôm hỏi các em đi sớm như vậy đã kịp ăn gì chưa thì nhận được câu trả lời : “Thưa cô em toàn nhịn thôi, có hôm ăn tạm ít cơm nguội với măng ớt rồi đi” mà thấy sống mũi mình cay cay. 

Cô Nguyễn Thị Thoa với hành trình đi vận động 
học sinh đến trường (Ảnh nhân vật cung cấp)
Năm 2006, tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên, tạm biệt quê hương Bắc Giang giống như một số bạn trẻ khác, Nguyễn Thị Thoa (sinh năm 1984) thôi thúc mình phải làm gì để tuổi thanh xuân thật có ý nghĩa. Như một cái duyên đến với nghề, tân cử nhân này đã làm đơn tình nguyện lên công tác tại Lạng Sơn - mảnh đất mà từ khi sinh ra cô Thoa chưa một lần đặt chân đến chỉ được biết qua sách vở, qua lời bạn bè đây là mảnh đất bắt đầu từ km số 0 của Quốc lộ 1A, nơi có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, có đỉnh Mẫu Sơn, có nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá, có hoa hồi ngát hương trong thơ ca. 

Cô Thoa nhớ lại thời điểm đó: “Bước chân lên Lạng Sơn, cầm trên tay quyết định đến công tác ở Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Minh Phát không biết đó là đâu, bước ra khỏi phòng giáo dục và đào tạo Lộc Bình không người quen, trên tay chỉ có vài bộ quần áo, tôi hỏi bác xe ôm chở vào xã Minh Phát, ai cũng lắc đầu từ chối không đi vì trời vừa mưa xong.

Trời thì ngả về chiều thực sự hoang mang, nước mắt tuôn trào, may mắn được một bác xe ôm đồng ý chở vào trường với giá 300.000 đồng. Sau 2 tiếng đồng hồ vượt con đường đất quanh co, heo hút hiện ra trước mắt là một ngôi trường gồm 2 dãy phòng học cấp bốn với khoảng sân khá rộng được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, dựa lưng vào khe núi.

Vào đến trường thì trời đã nhá nhem tối, ra chào đón tôi là thầy Hiệu trường còn khá trẻ tuổi với nụ cười ấm áp, vài cô giáo trẻ ở lại trường.

Kết thúc ngày đầu tiên đến với nghề là bữa cơm tối ấm áp cùng những người đồng nghiệp mới quen dưới ánh đèn dầu ở một nơi lạ lẫm”.


Được biết, Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Minh Phát nằm ở trên địa bàn thuộc xã vùng ba với hai dân tộc sinh sống chủ yếu là Nùng và Sán chỉ. Trường cách trung tâm thị trấn Lộc Bình 22km, đường đất đi lại khó khăn nên cô Thoa cùng đồng nghiệp đều ở lại trường, cuối tuần một số thầy cô ở trong huyện trở về đoàn tụ cùng gia đình, riêng cô Thoa thỉnh thoảng mới có dịp về thăm mẹ và các em.

Nơi công tác heo hút cộng với những buổi đầu lên lớp học trò ngơ ngác, bỡ ngỡ vì có cô giáo lạ không phải người Lạng Sơn nên giọng nói hơi khó nghe. Còn cô giáo nghe học sinh nói chuyện cũng không hiểu gì vì các em toàn giao tiếp bằng tiếng dân tộc đã khiến cô Thoa muốn bỏ nghề.

Nhất là khi làm được một tháng thì nhận được tin bố mất, khi về chịu tang, lúc đó cô không muốn trở lại trường vì mất phương hướng mà gia đình rất khó khăn, mẹ hay ốm yếu, hai em trai còn nhỏ (em thứ nhất học lớp 11, em thứ hai học lớp 8).

Thế nhưng nhận được sự động viên của ông nội, thầy hiệu trưởng và đồng nghiệp, sau 1 tuần, cô giáo trẻ gạt nước mắt sang một bên và lại khăn gói lên đường đến trường.

Rõ ràng, trong công tác giảng dạy là một giáo viên ở vùng thuận lợi đã khó nhưng là giáo viên vùng III như cô Thoa thì khó khăn sẽ chồng chất. 


Cô Thoa tham gia báo cáo kết quả thảo luận tại lớp tập huấn phát triển năng lực do sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn tổ chức (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cô Thoa kể, những năm đầu chưa thành lập trường bán trú các em phải đi lại khó khăn đặc biệt là trời mưa rét, có những em phải đi học từ 5h sáng đi bộ hơn 3 tiếng mới đến trường, nhiều lúc nhìn thấy các em đi đến trường nào ủng, nào áo mưa chống gậy đến trường vừa ướt, vừa lấm bẩn… nhiều hôm hỏi các em đi sớm như vậy đã kịp ăn gì chưa thì nhận được câu trả lời : “Thưa cô em toàn nhịn thôi, có hôm ăn tạm ít cơm nguội với măng ớt rồi đi” mà thấy sống mũi mình cay cay.

Thấu hiểu học trò khó, khổ như vậy mới đến được con chữ nên bản thân là một giáo viên cô Thoa không cho phép mình lười biếng, chán nản, chính vì vậy cô luôn chú trọng chuyên môn như đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra đánh giá để mang đến cho các em những tiết học thú vị, các em thích được đến trường.

Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của bộ môn do cô Thoa phụ trách ngày càng tăng từ năm 2007-2008 đến năm 2018-2019 chất lượng giảng dạy môn Sinh – Địa tỷ lệ học sinh giỏi tăng từ 15,4% lên 25,6%; tỷ lệ học sinh yếu bộ môn giảm từ 4,5% xuống 0%.

Đặc biệt trong các kỳ thao giảng các cấp cô Thoa đã đạt một số thành tích như: Ba năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện và năm học 2015-2016 đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. 


Học sinh trong tiết dạy của cô Thoa về thực hành băng bó vết thương gãy xương (Môn Sinh học 8) - Ảnh nhân vật cung cấp

Bên cạnh công tác giảng dạy, từ năm 2013-2014, cô Thoa được lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Kể từ đó đến nay cô Thoa đã hướng dẫn được nhiều học sinh thực hiện 11 đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật và đạt thành tích.

Ví như đề tài “Phương pháp sản xuất phân bón hữu cơ từ thân cây cỏ” đạt giải Nhì cấp huyện, giải Ba cấp tỉnh.

Đề tài “Thuốc chữa chống mọt cho ngũ cốc” đạt giải Nhất cấp huyện, giải Ba cấp tỉnh…

Khi tôi hỏi ngày 20/11 của cô như thế nào thì cô Thoa nói: “Cứ mỗi dịp 20/11, tôi nhận được những lời tri ân của các em học sinh từ tin nhắn, cuộc điện thoại và những bó hoa tươi thắm. Đặc biệt có những học sinh thành đạt trong nhiều lĩnh vực quay về trường thăm cô. Đó là niềm hạnh phúc, niềm vinh quang, niềm tự hào của nghề giáo”.

Thời gian thấm thoát trôi qua, đến nay đã gắn bó được với ngôi trường này 13 năm với nhiều thăng trầm, áp lực nhưng theo cô Thoa, khi có tấm lòng, có tình thương, có lòng yêu nghề thì ở đâu cũng sẽ gieo được những tâm hồn, những hạt giống tốt. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét