Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Tại sao VN có thể đánh bại đội tuyển Thái Lan ?

Tại sao VN có thể đánh bại đội tuyển Thái Lan ?
1. Khi bình luận trong bài "Vì sao phản kháng xã hội đang nổ ra khắp thế giới ...", tôi đã đưa ra một cảnh báo: Đại phản kháng xã hội ở VN đã thực sự bắt đầu, chỉ có Chủ tịch nước và Tổng bí thư nào hiểu được điều đó, thì đất nước và người dân VN mới có tương lai; còn không, những thập kỷ và những thế hệ người VN tới đây sẽ tiếp tục là những thập kỷ và những thế hệ mất mát. Tôi nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của Chủ tịch nước và Tổng bí thư vì VN là thể chế độc quyền; một người quyết định tất cả. Điều này đã được quy định trong Hiến pháp và Điều lệ Đảng cầm quyền.
Tối hôm 14/11 đội tuyển bóng đá quốc gia VN lại tiếp tục đà thắng lợi khi đánh bại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE - The United Arab Emirates) với tỷ số khiêm tốn 1-0. Phải nói thực là tôi không hài lòng với tỷ số này lắm và nhất là thấy đội tuyển VN lên xuống quá chậm, chuyền bóng không chính xác, rê dắt luẩn quẩn và nhất là không tạo được nhiều cơ hội để dứt điểm nhưng khi có cơ hội thì dứt điểm kém. Tuy nhiên, có lẽ đây là chiến thuật câu giờ của ông HLV Park Hang-seo sau khi đội nhà đã ghi được bàn thắng, nên vẫn vui vẻ chấp nhận.

2. Kết hợp cảnh báo trên và những chiến thắng liên tiếp của độ tuyển bóng đá VN trước các đối thủ mạnh, nhất là Thái Lan, cho chúng ta bài học gì ? Theo tôi, có hai bài học lớn nhất sau.

Một là, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Chúng ta vẫn nói chở thuyền là dân và làm lật thuyền cũng là dân; dân là nhân tố quyết định... Điều này đúng về mặt lý thuyết và đúng về chiến lược dài hạn, nhưng sai vì quá dài hạn. 

Đúng là người dân có sức mạnh quyết định. Tuy nhiên dân là một đám đông không có tổ chức, không có tầm nhìn, không đoàn kết... nên không tạo thành sức mạnh. Người ta vẫn nói 1 người VN làm giỏi hơn 1 người Nhật, nhưng 3 người VN làm kém hơn 3 người Nhật. Chính vì nhận thức được điều này nên các chế độ độc tài luôn luôn tìm cách ngu dân và chia rẽ dân, làm cho dân không nhận thức được thực trạng đau xót của đất nước, không đoàn kết triệu người như một để tạo ra sức mạnh vô địch.

Đây là thực tiễn đang xảy ra khắp nơi, trừ tại các nước dân chủ. Hậu quả là các chế độ độc tài tồn tại quá lâu, tới dăm bảy chục năm là bình thường. Điển hình là các chế độ độc tài ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba hay các vương triều ở Trung Đông.

Trong bóng đá cũng vậy, mỗi cầu thủ VN là một tài năng thực sự, có sức mạnh thực sự, nhưng khi hợp thành một đội bóng thì mất sức mạnh. Vì sao ? Cũng tương tự như trên, vì chúng ta chưa có các huấn luyện viên tài có khả năng kết dính và phát huy sức mạnh của các cầu thủ.

Tình hình đảo ngược khi xuất hiện những nhà lãnh đạo hay huấn luyện viên có tài. Đây là những người biết cách tập hợp quần chúng, tạo ra sự đoàn kết của một tập thể lớn đủ sức lạnh làm thay đổi tình hình yếu kém tồn tại từ lâu. Để tập hợp được quần chúng, người lãnh đạo cần làm cho họ thấu hiểu tình hình, thích thú, đam mê và tin tưởng nghe theo và làm theo. Bên cạnh đó, người lãnh đạo phải biết cổ vũ, động viên toàn bộ đội ngũ, làm tất cả đều có động lực hành động. Tất nhiên, người lãnh đạo còn phải có thêm những tố chất quan trọng khác như có tầm nhìn chiến lược, xây dựng được các kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện được chiến lược, có nghị lực và quyết tâm, biết cách truyền nghị lực và quyết tâm đó cho toàn tập thể... Đây là những nền tảng để thành công.

Nước Nga có Boris Yeltsin dám thay đổi, biết cách tập hợp quần chúng để thay đổi, nên đã làm được điều thần kỳ làm làm chế độ độc tài Sô Viết sụp đổ. Tuy nhiên, ông lại không có tầm nhìn chiến lược và không xây dựng được các kế hoạch, chương trình hành động thích hợp nên thất bại sau khi giành được chính quyền. Rất may mắn nước Nga đã xuất hiện Vladimir Vladimirovich Putin thay thế, làm cho nước Nga trở lại thành một cường quốc đúng với địa vị của nước này trong lịch sử hàng nghìn năm trước. Tiếc thay, ở tầm quốc gia, VN chưa có một người như Yeltsin hay Putin.

Tuy nhiên, ở tầm bóng đá, VN đã có một người lãnh đạo tài năng, đó là ông Park Hang-seo. Nhờ HLV Park Hang-seo mà bóng đá VN mới được nổi lên như hiện nay. Nhưng ông là một người nước ngoài chứ không phải là người VN. Tại sao vậy ? Tại thể chế này không chấp nhận có người dân VN tài, chỉ chấp nhận có lãnh đạo tài, và dĩ nhiên tài theo cách hiểu của tập đoàn lãnh đạo chứ không phải theo quan niệm phổ biến trên thế giới và của người dân VN.

Hai là, người lãnh đạo biết cách tạo dựng niềm tin cho nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sức mạnh của chính mình. Chỉ khi người dân tin tưởng vào chính mình, tin mình có thể chiến thắng được bạo tàn, chiến thắng được đối thủ, thì khi hành động, họ mới thành công. Đảng ta trước đây đã thành công khi gieo vào suy nghĩ của mọi người dân về "kháng chiến nhất định thắng lợi", về "đến ngày thống nhất đất nước, sẽ xây dựng lại đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn"... nên mới có ngày 30/4/1975. Tiếc thay, ngay sau ngày này là những hành động không đi đôi với lời nói, niềm tin của người dân ngày càng mất dần...

Trong bóng đá, trước đây các cầu thủ VN không có niềm tin chiến thắng được người Thái nên mỗi khi đối đầu với người Thái là họ run sợ, tâm không ổn thì chân đá không dẻo, tay bắt không dính, thất bại là đương nhiên. Thành công lớn nhất của ông Park Hang-seo là làm cho các cầu thủ VN không sợ người Thái, tin tưởng nếu phát huy được sức mạnh cá nhân và tập thể thì nhất định sẽ chiến thắng. Và trên thực tế, ông đã thành công.

Còn 20 phút nữa trận cầu VN - Thái Lan sẽ bắt đầu. Tôi dừng ở đây để chuẩn bị xem. Cũng như ông Park Hang-seo và các cầu thủ, tôi rất tin tưởng VN sẽ giành thắng lợi trong trận cầu derby Đông Nam Á này. 

Dự báo tỷ số 1-0 nghiêng về phía đội tuyển VN.

Chúc các bạn có một buổi tối vui vẻ và một đêm tràn đầy hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét