Tiếng hò đã tắt trên những cung đường hẹp
29/11/2019 Không lẽ, qua bao đổi thay, tiếng hò ấy bỗng một ngày… tắt và gắt lại, như những cung đường hẹp, khúc khuỷu về đồng bằng? Rõ ràng, so với TP.HCM và các tỉnh phía Nam, các dự án kết nối giao thông với Hà Nội, trong đó có tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hải Phòng hầu như chưa phát huy hiệu quả kinh tế. Vậy, tại sao Bộ Giao thông Vận tải vẫn tha thiết triển khai lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tổng mức 100.000 tỷ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Trong khi, tuyến đường sắt Bắc - Nam mang tên Thống Nhất, thực tế chỉ dừng lại ở ga cuối là TP.HCM, còn toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa hề có một ý tưởng chứ đừng nói là quy hoạch, đầu tư.
Cao tốc Hà Nội - Lào Cai
Trong cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019, cụm 5 thành phố trực thuộc trung ương, số dự toán thu ngân sách năm 2019 của TP.HCM cao gấp 1,5 lần so với dự toán thu ngân sách của Hà Nội, gấp 6,2 lần so với Hải Phòng, gấp 14,58 lần so với Đà Nẵng và gấp 35,47 lần so với Cần Thơ. Trong khi tỷ lệ ngân sách địa phương được giữ lại của 5 thành phố trên, năm 2019 là: TP.HCM: 18%, Hà Nội: 35%, Hải Phòng: 78%, Đà Nẵng: 68%, Cần Thơ: 91%.Và thêm một “chỉ số” nữa để tham khảo: trong khoảng 1.000km đường cao tốc đã được xây dựng, vùng TP.HCM chỉ có 95km, miền Trung được 131km, còn lại chủ yếu là các dự án kết nối với Hà Nội. (Dẫn theo bài viết của tác giả Huỳnh Thế Du trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 28/11/2019).
Tham chiếu 44 dự án đường cao tốc trong quy hoạch, theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải thì tuyến đường vành đai 4 Hà Nội có chiều dài 90km, suất sinh lợi kinh tế là 14,5%, trong khi tuyến TP.HCM - Trung Lương dài 40km, suất sinh lợi kinh tế là 15,1%, tuyến Hà Nội - Lào Cai dài 264km, suất sinh lợi 11,7%, tuyến Hà Nội - Hải Phòng dài 105km, suất sinh lợi là 12%.
Dẫn đầu là tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu dài 76km, suất sinh lợi kinh tế là 24,4%, TP.HCM - Mộc Bài dài 55km, suất sinh lợi đạt 16,4%.
Rõ ràng, so với TP.HCM và các tỉnh phía Nam, các dự án kết nối giao thông với Hà Nội, trong đó có tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hải Phòng hầu như chưa phát huy hiệu quả kinh tế. Vậy, tại sao Bộ Giao thông Vận tải vẫn tha thiết triển khai lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tổng mức 100.000 tỷ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Trong khi, tuyến đường sắt Bắc - Nam mang tên Thống Nhất, thực tế chỉ dừng lại ở ga cuối là TP.HCM, còn toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa hề có một ý tưởng chứ đừng nói là quy hoạch, đầu tư.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị 23 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó nào là khẩn trương xây dựng thể chế điều phối vùng, đẩy mạnh chính sách phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng… Chỉ thị cũng xác định vai trò của TP.HCM trong việc “thúc đẩy liên kết với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ, đặc biệt trong kết nối hạ tầng, kinh tế, hỗ trợ đầu tư, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị khép kín”.
Thực tế, những con số dẫn giải trên đã cho thấy sự nghịch lý dai dẳng trong quy hoạch - đầu tư và hiệu quả khai thác của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải quốc gia - một trong những yếu tố quan trọng để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.
Những bờ bao bị vỡ, những bờ kè, hàng loạt nhà dân bị sụt, sập và biến mất trong đêm, những “cánh đồng chết” là một phần của hình ảnh đất chín rồng ngày hôm nay. Sau những chuyến vi hành cấp tốc, những cuộc chỉ đạo cấp thiết ngay trong những sự cố, tai ương đổ xuống; thì các kế hoạch cần triển khai sau đó là gì, chương trình hành động nào là trước mắt, chính sách nào là lâu dài, từ tầm vóc liên vùng cho đến từng địa phương, hầu như vẫn chưa chuyển động thật sự.
Sạt lở nghiêm trọng ở An Giang, nhấn chìm nhiều nhà dân
Giả dụ, 100.000 tỷ đồng kia được phân bổ tập trung cho các cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ… Giá như 100.000 tỷ đồng kia được đầu tư cho việc mở rộng, nâng cấp, bảo trì các tuyến tỉnh lộ, tuyến đường địa phương mà theo đánh giá của các chuyên gia, “xấu hơn nhiều so với các tuyến quốc lộ”, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Qua những công trình lộng lẫy, như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, ra khỏi khu vực đường dẫn rộng rãi của các cầu dây văng nói trên, hầu hết các tuyến đường bộ “thắt nút” trở lại, đường hẹp, mặt đường xấu.
Hôm tôi về An Giang, ngang qua Đồng Tháp, văng vẳng trong tiềm thức cái tiếng hò mênh mang, ngút ngàn. Trong những điệu thức hò vùng đồng bằng, hò Đồng Tháp có độ mở rộng và vang bởi gắn liền với vùng đất trù phú, thẳng cánh cò bay. Không lẽ, qua bao đổi thay, tiếng hò ấy bỗng một ngày… tắt và gắt lại, như những cung đường hẹp, khúc khuỷu về đồng bằng?
Ái Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét