Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Đặc khu KT ở VN: Khi Quốc hội đi ngược lòng dân

Đọc đoạn bôi đỏ dưới đây thấy sốt ruột. Đến báo chính thống còn phải lên tiếng phản đối quyết liệt, khẳng định ĐKKT sẽ gây tổn hại nghiêm trọng và lâu dài đến tương lai phát triển quốc gia. Không hiểu sao Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội vẫn quyết tâm đi ngược lại lòng dân như thế này ?
Đặc khu kinh tế ở Việt Nam: Những thử nghiệm và thất bại
04/06/2018 LTS. Giới quan sát nhận định nếu không có những biến động rất lớn, Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế - ĐKKT) thiết kế riêng cho Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ được Quốc hội thông qua trong phiên họp này. Thậm chí khi chưa có luật, Quảng Ninh - địa phương được đánh giá là sốt sắng nhất với ĐKKT - đã huy động hơn 55 ngàn tỉ đồng trong và ngoài ngân sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng Vân Đồn. Dự thảo luật đặc khu kinh tế chưa khoa học, dễ bị đầu cơ, thất thu ngân sách
GS. Võ Đại Lược, tác giả đề xuất mô hình đặc khu
 được đưa vào nghị quyết Đại hội VII. Ảnh Bizlive
Nhiều ưu đãi vượt trội, nhu cầu nguồn lực đầu tư rất lớn (lên đến 1,57 triệu tỉ đồng đến 2030 theo quan điểm của Bộ Tài chính), lo ngại về an ninh quốc phòng... nhưng mô hình này sẽ được triển khai đồng loạt. Khi ấy, sự trục trặc của ĐKKT không gói gọn trong địa giới hành chính của địa phương, mà gây tổn hại nghiêm trọng và lâu dài đến tương lai phát triển quốc gia.

Không phải đến bây giờ ĐKKT mới thành chuyện chính sự. Cách nay gần ba thập niên, mô hình này đã được đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng. Hơn mười năm sau, ý tưởng này xuất hiện với một hình dạng khác: Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Tuy nhiên, “phòng thí nghiệm thể chế” này cơ bản không thành công.

Nhắc lại câu chuyện Chu Lai, Người Đô Thị tiếp cận hai người trong cuộc. Nhân chứng thứ nhất là GS. Võ Đại Lược - tác giả của đề xuất - cũng là người có công sưu tầm các tài liệu về ĐKKT và cho in thành sách. Thứ hai là ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

GS. Võ Đại Lược: Không hiểu sao lại chọn Chu Lai
Tại sao nhiều nước đã phát triển đặc khu kinh tế mấy chục năm nay, mà bây giờ Việt Nam mới chuẩn bị hình thành luật về ĐKKT?
Thực ra, ý tưởng về xây dựng ĐKKT, tôi đã đề xuất ngay trong đề án chống lạm phát giai đoạn 1989 - 1991. Và, đề xuất đó của tôi đã đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng VII, và hơn nữa, còn được thí điểm. Trong mười mấy địa điểm được đưa ra, không hiểu tại sao người ta lại chọn Chu Lai. 
Không, Việt Nam trước đây không gọi là ĐKKT mà gọi là khu kinh tế mở. Mặc dù, trong đề án vẫn ghi là ĐKKT, chắc họ ngại ngần gì đấy. Các vị ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, và bản thân Quảng Nam lúc đó cũng đã đi thăm các ĐKKT trên khu vực, nhưng khi về lại xây dựng ra khu công nghiệp. Nhưng đấy là khu kinh tế mở...?
Thật thú vị, xin ông giải thích tiếp...
ĐKKT chủ yếu dùng để thu hút các nguồn lực nước ngoài, chứ không phải các nguồn lực trong nước. Nhưng sau 5 năm tổng kết, rồi 10 năm tổng kết, Chu Lai rốt cuộc chỉ có toàn doanh nghiệp Việt Nam, và một vài doanh nghiệp nước ngoài nhỏ lẻ. Trong đó, từ khi khu kinh tế mở ra đời năm 2003, doanh nghiệp lớn nhất là Ô tô Trường Hải, bây giờ sau 15 năm vẫn là Trường Hải Ô tô.
Và tổng kết của Quảng Nam về Khu kinh tế mở Chu Lai đã kết luận rằng nó vẫn chỉ dừng lại ở khu công nghiệp, bởi nó không có thể chế kinh tế - hành chính gì vượt trội, vốn là đặc trưng của ĐKKT, như Thẩm Quyến, Phố Đông (Thượng Hải), hay Sán Đầu (Trung Quốc). Nhà nước chỉ chấp nhận các ưu đãi cho Chu Lai mà thôi.
Lỗi này là do bên trên không cho, hay bên dưới không xin? 
Bên dưới cũng chưa hiểu và đề nghị bên trên cho, và bên trên cũng không hiểu lắm, nên cũng không gợi ý cho bên dưới. 
Sau Chu Lai, Việt Nam không có thí điểm nào khác về ĐKKT?
Có chứ, nhưng vì thất bại nên ít ai để ý. Đó là Dubai, sau đó ít lâu, xin thành lập một khu đô thị mới ở Bắc Phú Yên với tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ USD. Đoàn đàm phán của Việt Nam suốt một năm làm việc với Dubai không xong, vì họ được chỉ đạo chỉ đàm phán trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam. Phía Dubai không chấp thuận.
Bà cố vấn đoàn đàm phán của Dubai là người Úc gốc Việt, rất bức xúc vì kết quả đàm phán một năm trời vẫn là số không. Qua một số quen biết với lãnh đạo cấp cao, bà đã xin trình đề án của phía Dubai cho Bộ Chính trị. Tập tài liệu dày 300 trang, do phía Dubai cung cấp, đưa ra quy chế của khu đô thị ấy, tôi được giao đọc và biết đấy là quy chế ĐKKT. Tôi làm một bản báo cáo tóm tắt, chỉ rõ rằng nếu chấp nhận Việt Nam được gì, và nếu không chấp nhận Việt Nam lỡ gì.
Sau khi thảo luận, Bộ Chính trị đã nhất trí giao cho Chính phủ ký một biên bản ghi nhớ. Nhưng rủi thay, đến cuối 2008 nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, và tập đoàn đó ở Dubai vỡ nợ, nên dự án bị dừng.
Chưa hết. Đến năm 2014, một tập đoàn tài chính của Mỹ đến Việt Nam, vào Vân Phong để xin xây dựng một trung tâm tài chính hiện đại thứ 13 trên thế giới. Và họ tuyên bố khi xây xong, trung tâm ở Bắc Vân Phong sẽ là trung tâm hiện đại nhất thế giới. 
Tổng vốn đầu tư của tập đoàn tài chính này khoảng 300 tỷ USD. Trong đề án có nhiều hạng mục, ví dụ như xây một sân bay quốc tế 5 sao hiện đại nhất Đông Á. Tập đoàn này đã bỏ ra 20 triệu USD để thuê các luật sư hàng đầu thế giới soạn ra một thể chế riêng. 
Tôi được Khánh Hòa mời vào làm tư vấn, và tôi là người viết đề án trình lên Chính phủ, rồi Bộ Chính trị. Tôi viết đề án trong sáu tháng, gặp hết UBND tỉnh, các sở của Khánh Hòa, rồi xin ý kiến các bộ ngành, và được nhất trí hoàn toàn. Khi lãnh đạo Chính phủ trình ra Bộ Chính trị, không hề có ý kiến phản đối.
Thưa ông, đề án này thực hiện đến đâu mà không thấy báo chí đưa tin?
Không thực hiện được, do một số lý do mà tôi không tiện nói ra đây. Nhưng hoàn toàn không phải từ phía nhà đầu tư. 
Dự luật về ĐKKT không phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam. Nó được xây dựng theo hướng nào?
Có hai phần. Phần thứ nhất là về ĐKKT nói chung, phần thứ hai là quy định riêng cho từng ĐKKT, gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Trong ba địa điểm này, theo ông, nơi nào khả thi để có thể xây dựng ĐKKT?
Chỉ có Bắc Vân Phong là xem như đã được nhà đầu tư chiến lược lựa chọn (và trượt không vì thiếu khả thi). Còn Vân Đồn và Phú Quốc chưa có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nào chọn cả. 
Vậy tại sao Vân Đồn và Phú Quốc được chọn?
Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ninh khóa trước đã rất hăng say về chuyện xây dựng ĐKKT ở Vân Đồn. Ông ta đã không ít lần cử người đến gặp tôi để trao đổi ý kiến về ĐKKT ở Vân Đồn. Ông cũng cho tổ chức không ít hội thảo về đề tài này, và lần nào cũng mời tôi tham dự. Đề án ĐKKT của Vân Đồn do chính ông viết, và trực tiếp trình bày với Bộ Chính trị, và được chấp thuận.
Trước Đại hội Đảng XII, vấn đề hình thành luật ĐKKT và ba khu để làm ĐKKT đã xong. Ngoài Vân Đồn như tôi đã kể, Bắc Vân Phong đã thuyết phục được nhà đầu tư nước ngoài, còn Phú Quốc thì chắc anh đã hiểu, thuộc tỉnh Kiên Giang, và, như tôi đã nói, mọi chuyện được quyết trước Đại hội Đảng XII. 
Theo ý kiến của riêng ông, người đã đề xuất xây dựng các ĐKKT cách đây gần 30 năm, việc ra luật chỉ quy định ba ĐKKT có ổn không?
Tôi cho rằng không nên. Luật về ĐKKT chỉ nên đưa những định hướng chung, những nguyên tắc chung cho tất cả các đặc khu. Còn với mỗi đặc khu, nếu có nhà đầu tư đến, sẽ ra đời và hoạt động được, thì nên có một nghị định riêng.
Còn nếu làm như trên, có nghĩa là áp đặt từ trên xuống, và trói nhà đầu tư. Bây giờ nhà đầu tư vào, nhưng không thích hợp với luật đấy, coi như nhà đầu tư đó bị loại. Nhà đầu tư phải đến, nghiên cứu địa điểm, rồi mới trình ra một thể chế hành chính và kinh tế phù hợp để hoạt động. Tôi nghĩ nhà đầu tư sẽ lắc đầu ngay khi nhìn thấy luật này, họ không muốn chơi theo luật cứng nhắc của Việt Nam. Có thể luật ấy chỉ thích hợp với những nhà đầu tư vớ vẩn, không thích hợp với các nhà đầu tư danh tiếng.
Ý kiến thứ hai của tôi là không nên đóng khung vào ba nơi, cấm các nơi khác không làm. Bởi vì xét về sự lựa chọn địa điểm, xem như Việt Nam đã chọn nhà đầu tư. Người làm tài chính thích ở Bắc Vân Phong, người làm du lịch có thể thích ở Vân Đồn và Phú Quốc. Nhưng họ có thể chọn Bắc Phú Yên như Dubai đã chọn, hay các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam trở vào vì bờ biển quá tuyệt vời. Còn những nhà đầu tư khác họ có thể chọn TP. HCM, hay Hà Nội. Tại sao lại không cho họ vào? 
Tôi cho rằng cách làm hiện nay là bất cập, không phù hợp với thông lệ quốc tế, và cũng không phù hợp với điều kiện Việt Nam. 
Huỳnh Phan thực hiện
http://nguoidothi.net.vn/dac-khu-kinh-te-o-viet-nam-nhung-thu-nghiem-va-that-bai-13907.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét