Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

'Nhiều lãnh đạo có doanh nghiệp sân sau': Đau xót...

Phải bỏ chữ "tỉnh" đi mới thật đúng.
'Nhiều lãnh đạo tỉnh có doanh nghiệp sân sau': Đau xót...
Can thiệp hành chính vào các hoạt động kinh tế còn rất mạnh dẫn đến các doanh nghiệp thân hữu phát triển dưới nhiều hình thức. Trước phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng về thực tế nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, chính hiện tượng thiếu công khai, minh bạch đã tạo điều kiện để các công ty sân sau nảy nở.
Quan hệ thân hữu làm xấu đi môi trường 
đầu tư sản xuất kinh doanh của quốc gia
Đó là lý do để rất nhiều doanh nghiệp không đầu tư vào khoa học công nghệ mà chỉ đầu tư vào các mối quan hệ. Họ muốn rằng, bằng cách đó, họ sẽ đạt được nhiều lợi lộc hơn nhiều so với đầu tư vào khoa học công nghệ.

"Điều đáng lo ngại ở Việt Nam là sự can thiệp hành chính vào các hoạt động kinh doanh còn rất lớn, dẫn đến các công ty sân sau, doanh nghiệp thân hữu phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau", chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.

Chia sẻ quan điểm về tình trạng này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) khẳng định, doanh nghiệp sân sau hay doanh nghiệp thân hữu không phải hiện tượng mới lạ trong nền kinh tế các nước trên thế giới, kể cả nước đã có nền kinh tế phát triển.


"Việc một số nhóm lợi ích dùng các chính sách, biện pháp để có được ưu tiên đặc biệt cho doanh nghiệp thân hữu, sân sau là điều mà hầu hết các nước đều chống, vì nó làm méo mó hoạt động kinh tế, xấu đi môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh của các quốc gia đó. Nó làm thui chột động lực phát triển của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đặc biệt là sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể trong nền kinh tế quốc dân.

Có nhiều trường hợp, sự cấu kết giữa người làm chính sách hoặc nhóm chính trị với các doanh nghiệpcó thể bẻ queo chính sách của các quốc gia, làm một số doanh nghiệp được hưởng những lợi ích không đáng được hưởng và được ưu tiên trong việc thực hiện những vấn đề riêng biệt mà các doanh nghiệp khác không cạnh tranh được.

Một mặt, nó làm cho các doanh nghiệp khác không lớn lên được, mặt khác, nó cũng khiến bản thân những doanh nghiệp thân hữu nói trên cũng không lớn lên được vì thực chất họ không cần có năng lực tài chính, không cần có yêu cầu quản lý tài giỏi, không cần phải có công nghệ kỹ thuật cao mà chỉ cần có mối quan hệ thân hữu là được hưởng các dự án, các ưu đãi khác nhau.

Sau khi ký được các hợp đồng, dự án, doanh nghiệp thân hữu có thể bán lại, hoặc thuê người khác làm dưới dạng B phẩy để thi công các dự án đó, còn họ không phải làm gì.

Nhưng khi hội nhập, ra môi trường đầu tư quốc tế, chính các doanh nghiệp này sẽ chết chìm ngay vì họ không hề có thực lực", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Ở Việt Nam, điều đau xót là quan hệ giữa các nhóm lợi ích với các doanh nghiệp thân hữu, doanh nghiệp sân sau đã trở thành vấn đề trầm trọng trong nền kinh tế, vị chuyên gia nhận xét.

Nhắc lại câu "Thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ", ông Thịnh cho biết nó đã trở thành câu cửa miệng, trong đó có thể thấy rõ 2 vấn đề: quan hệ ở đây là quan hệ thân hữu để có được các lợi ích, dự án. Tiền tệ nghĩa là phải hối lộ, tham nhũng, dùng chi phí gầm bàn.


"Nếu các hoạt động kinh tế cứ theo các yêu cầu đó thì có nghĩa chúng ta tự đóng cửa, tự chết, doanh nghiệp cứ nhỏ mãi, không lớn lên được", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Ông cho biết, không thể nói đến môi trường đầu tư tốt đẹp khi tình trạng doanh nghiệp thân hữu vẫn tồn tại. Do đó, phải chấn chỉnh hoạt động của các nhóm doanh nghiệp để từ đó tạo ra sự công khai, minh bạch trong mọi vấn đề, sự cạnh tranh, bình đẳng, thực hiện nghĩa vụ sòng phẳng với cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế. Đây là một trong những nhiệm vụ nóng bỏng nhằm góp phần cải tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

"Đây là một bài toán không dễ vì đã liên quan đến doanh nghiệp thân hữu nghĩa là phải liên quan đến những nhóm lợi ích có quyền lực trong việc đề ra chính sách, lãnh đạo nền kinh tế và trong xã hội. Họ có thể thay đổi cả đường hướng của chính sách và các biện pháp cụ thể để tác động đến hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tình trạng này còn liên quan đến những doanh nghiệp có thế mạnh về mặt quyền lực, tiền tệ, có quyền phân phát, bán lẻ các dự án cho các đơn vị khác.

Dù vậy, để hội nhập được, phát triển bền vững nền kinh tế, Việt Nam dứt khoát phải xử lý tình trạng doanh nghiệp thân hữu, để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh trong môi trường công khai, minh bạch, bình đẳng.

Muốn vậy, phải có sự vào cuộc kiên quyết của người đứng đầu, đặc biệt là sự cương quyết của Trung ương.

Ngoài ra, cơ chế quản lý giám sát của Việt Nam thời gian qua còn thiếu thực chất. Do đó, cần có cơ chế quản lý, giám sát tốt để người ta muốn làm sai cũng khó, đảm bảo người làm sai sẽ bị xử lý nghiêm khắc", vị chuyên gia nói.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng có thể khắc phục tình trạng doanh nghiệp sân sau bằng cách triệt để thực hiện công khai, minh bạch. Muốn vậy, phải quy định rất rõ các nội dung phải công bố, thời hạn phải công bố.

"Chẳng hạn, đối với dự án cần đấu thầu, phải công bố trước thời hạn khoảng 3 tháng để người dân, doanh nghiệp biết thời gian đấu thầu mà chuẩn bị.

Bên cạnh đó, phải quy định rất rõ nội dung định công bố là gì, dự án thế nào, yêu cầu ra sao, đòi hỏi nhà đấu thầu như thế nào. Có như vậy doanh nghiệp mới tham gia được, còn nếu chỉ công bố một vài thông tin rồi thông tin chi tiết, cần thiết lại đưa cho doanh nghiệp thân hữu thì việc công khai chỉ là hình thức và nó không dẫn đến minh bạch", ông Doanh chỉ rõ.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra thực tế, nhiều quy định pháp luật của Việt Nam còn mang tính hình thức.

"Ví dụ, luật ngân sách quy định dự thảo ngân sách phải được công bố công khai nhưng lại không quy định rõ nội dung công khai là cái gì, chỉ công bố tổng thu, tổng chi, chi thường xuyên, chi đầu tư. Với thông tin đó, không ai giám sát được cái gì.

Vì thế, luật pháp Việt Nam cần phải quy định chi tiết, cụ thể những cái gì phải công bố ra để người dân có thể giám sát được.

Bản báo cáo ngân sách của Pháp dày 1.900 trang, công bố ngân sách trên website của Chính phủ Thụy Điển dày 2.000 trang, trong đó quy định rất rõ Thủ tướng đi đâu, đi vé máy thế nào, mất bao tiền, ở khách sạn bao nhiêu..., tất cả đều có quy định và được công bố.


Đằng này, Việt Nam chỉ công bố như trên thì không ai làm được gì và không có ích gì. Đó là công khai mà không minh bạch", vị chuyên gia cho biết.
Thành Luân

http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/nhieu-lanh-dao-tinh-co-doanh-nghiep-san-sau-dau-xot-3357999/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét