Chủ trương đặc biệt mở đường xử đại án
06/02/2018 TTO - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao NGUYỄN HÒA BÌNH khẳng định điều này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về những đại án đã, đang và sẽ xét xử (như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí VN, OceanBank, Ngân hàng Xây dựng VN...).Phiên tòa xét xử vụ tham ô, cố ý làm trái tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là một trong những phiên tòa cải cách tư pháp. Trong ảnh: các bị cáo được nói lời sau cùng tại phiên tòa - Ảnh: TTXVN
"Các vụ đại án vừa qua được dư luận quan tâm vì cùng với tính chất vụ án rất nghiêm trọng, quy mô rất lớn thì trong vụ án còn có những chủ thể đặc biệt. Và với những chủ thể đặc biệt phải có chủ trương đặc biệt, quyết định đặc biệt để mở đường cho việc khởi tố, truy tố, xét xử" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình mở đầu cuộc trao đổi.
Đến nay, tòa án đã công bố được 50.000 bản án, hơn 2 triệu lượt người đã truy cập để đánh giá về bản án, có ngày có đến 30.000 - 40.000 lượt. Chỉ cần một nửa số người dân xem bản án góp ý kiến thôi là có quá nhiều bài học đối với các thẩm phán - Chánh án NGUYỄN HÒA BÌNH
Không điều gì bị bỏ qua
* Quyết định đặc biệt đó chắc chắn là đến từ cấp rất cao, không chỉ trong hệ thống cơ quan tố tụng?
- Đúng vậy! Để có được những phiên tòa được dư luận đánh giá tốt như thời gian qua, các cơ quan tố tụng phối hợp rất tốt, dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nếu như không quyết liệt, không có quyết tâm chính trị cao thì sẽ không có những phiên xét xử các vụ án như vừa qua, không có việc kỷ luật ủy viên Bộ Chính trị, thôi ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội...
Thông qua việc Trịnh Xuân Thanh về đầu thú, Giang Kim Đạt bị bắt sau hàng ngàn ngày trốn chạy còn đưa ra thông điệp là đối tượng tham nhũng sẽ không có hi vọng phạm tội xong chạy ra nước ngoài trốn tránh pháp luật.
Tôi có niềm tin là các nước văn minh không phải là nơi cư ngụ của tội phạm, không quốc gia nào đồng ý chứa chấp tội phạm tham nhũng, nhất là những quốc gia là thành viên có trách nhiệm của Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc. Đây là khía cạnh rất tích cực.
* Chánh án nói "không có vùng cấm", đây là điều dư luận chờ đợi. Nhưng trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với các bị cáo Phạm Công Danh và Trầm Bê thì việc xác định nguồn tiền, thu hồi nguồn tiền thất thoát dường như có sự chưa được thống nhất?
- Bây giờ vụ án đang trong quá trình xét xử. Cần phải tôn trọng tính độc lập của hội đồng xét xử (HĐXX). Tôi tin rằng HĐXX sẽ không bỏ qua, chúng ta chờ đợi và rất hi vọng là ngày 7-2 (ngày HĐXX dự định tuyên án) sẽ có những quyết định tính đến những điều này.
Tôn trọng kết quả tranh tụng
* Đi cụ thể vào những phiên đại án, ông đánh giá ra sao về kết quả vụ án cũng như quá trình tiến hành tố tụng?
- Trong năm 2017 đã xét xử nhiều vụ án lớn, trong đó có nhiều vụ án do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo như các vụ Vũ Quốc Hảo, Giang Kim Đạt, Phạm Công Danh, vụ OceanBank, vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng... Sắp tới là vụ góp vốn 800 tỉ vào OceanBank của Tập đoàn Dầu khí.
Kết quả điều tra truy tố và các phiên xử đã diễn ra đúng người đúng tội, đúng quy định pháp luật. Hầu hết các phiên tòa đều đảm bảo thời gian tranh tụng của các bên, không bị hạn chế.
Quan trọng nhất là tất cả những vấn đề được nêu trong quá trình tranh tụng đã được giải quyết đến cùng, không bị bỏ lửng và được ghi nhận trong các bản án.
Ví dụ như trong phiên xử phúc thẩm vụ án VN Pharma, HĐXX phúc thẩm đã căn cứ vào kết quả tranh tụng để hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.
Trong phiên xét xử sơ thẩm vụ OceanBank (lần 1) tòa cũng đã căn cứ vào hồ sơ và kết quả điều tra công khai tại phiên tòa để trả hồ sơ vì trước đó các cơ quan tố tụng đã khởi tố, truy tố không đúng tội danh. Nhờ đó, mở ra giai đoạn 2 của vụ án một cách chính xác.
Sắp tới, một vài vụ án công luận cũng sẽ chứng kiến kết quả tranh tụng được ghi nhận trong quá trình xét xử và chi phối quyết định của HĐXX.
Đối với án tham nhũng, đã có nhiều bản án tử hình với Giang Kim Đạt, Nguyễn Xuân Sơn, chung thân Trịnh Xuân Thanh... Đó là những bị cáo có vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Nhưng với các đối tượng làm công, thực hiện công việc theo yêu cầu của cấp trên và không được hưởng lợi từ các tài sản phạm tội mà có, họ cũng được đào tạo cơ bản, là các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực và có nhân thân tốt, phần lớn tuổi đời còn rất trẻ... thì mức án tuyên được giảm khá nhiều. Đây là tính nhân văn của bản án.
Vì thế mới có đến hơn 20 bị cáo được nhận mức án treo trong vụ án OceanBank, 6 bị cáo nhận án treo trong vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh xảy ra tại PVN, PVC.
Nhiều bị cáo khác được tuyên đúng bằng thời gian tạm giam để kịp về nhà ăn tết. Sự phân hóa mức án này căn cứ hoàn toàn vào hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Triệu tập thẩm phán, kiểm sát viên nếu cần
* Tuy nhiên trong dư luận vẫn có nhiều băn khoăn, chẳng hạn về thời gian quyết định đưa vụ án ra xét xử quá nhanh, hoặc trong vụ PVN, PVC có hàng chục ngàn bút lục nhưng luật sư chỉ có 10 ngày để nghiên cứu trước khi xử?
- Tôi khẳng định các phiên xét xử đại án vừa qua đã xét xử nhanh nhưng không vi phạm tố tụng. Tôi biết đây cũng là câu hỏi dư luận đặt ra nhưng trong quy định của luật thì tất cả các thời hạn đều được đảm bảo, các cơ quan tiến hành tố tụng đều tuân thủ.
Cũng có ý kiến đặt ra việc này làm giới hạn quyền bào chữa, nhưng luật quy định, quyết định đưa vụ án ra xét xử phải đưa cho bị cáo, luật sư, các bên liên quan tối thiểu trước 10 ngày và tòa án đã tuân thủ quy định đó.
Còn việc có hàng chục ngàn bút lục trong hồ sơ vụ án xảy ra tại PVN, PVC mà luật sư nói không đủ thời gian đọc hồ sơ, tôi cho rằng là không có luật sư nào cần đọc hết toàn bộ chục ngàn bút lục mà chỉ đọc những bút lục liên quan vụ việc bảo vệ thân chủ.
Cơ quan tiến hành tố tụng tuân thủ các yêu cầu của pháp luật chứ không phải tuân thủ yêu cầu của các bên.
Tôi cũng chứng kiến các HĐXX làm việc ngày đêm, có phương pháp tiếp cận hồ sơ rất tốt, làm không kể thứ bảy, chủ nhật. Áp lực từ khối lượng công việc rất lớn, luật sư không thể đọc hết bút lục nhưng HĐXX thì phải đọc.
Thứ hai là phải phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở làm đúng các quy định của luật pháp, làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình, độc lập kiểm soát lẫn nhau và chủ động tiếp cận với hồ sơ vụ án từ giai đoạn đầu, đó là một kinh nghiệm. Không ai được vi phạm nguyên tắc độc lập, vi phạm nguyên tắc kiểm soát quyền lực theo quy định.
* Tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại PVN (vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm) lần đầu tiên HĐXX đã triệu tập điều tra viên. Quy tắc này sẽ tiếp tục được áp dụng ra sao thời gian tới?
- Đây đúng là việc chưa có tiền lệ, nhằm làm rõ sự thật vụ án. Trong tương lai với quy định Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì các HĐXX thậm chí ở phiên phúc thẩm có thể triệu tập thẩm phán, kiểm sát viên của phiên sơ thẩm, và ở phiên giám đốc thẩm thì có thể triệu tập cả kiểm sát viên, thẩm phán của 2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm.
Một điểm nhấn nữa là các phiên tòa đã diễn ra trong không khí dân chủ, công khai minh bạch, các luật sư cũng đánh giá như vậy. Như phiên tòa xét xử các bị cáo ở PVN có phóng viên của 84 báo đài tham gia, thậm chí còn có cả người nước ngoài theo dõi phiên tòa.
Tôi cũng muốn có lời khen ngợi cho HĐXX là chất lượng các bản án rất tốt, bản án của vụ OceanBank, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh...
Có rất nhiều nhận định, kết luận của HĐXX trở thành tít tựa của các báo, đây là những án văn chuẩn xác, sắc sảo. Giá trị tuyên truyền, thuyết phục người dân, khuất phục tội phạm rất cao.
Không "chạy vòng vo" để có chức vụ
* Ngành tòa án đã thực hiện đưa công khai bản án trên cổng thông tin điện tử của TAND tối cao, trả lời chất vấn trước Quốc hội, chánh án có nói "rất áp lực" nhưng tin tưởng về kết quả lâu bền của sự công khai này. Căn cứ nào để ngành tòa án tin tưởng vào điều này?
- Việc công khai bản án là quyết định rất dũng cảm của ngành tòa án, là cơ chế công khai minh bạch để người dân, các cơ quan dân cử giám sát các hoạt động của thẩm phán, tránh các tiêu cực trong xét xử.
Tôi cũng yêu cầu các thẩm phán phải xem lại các nhận xét đánh giá bản án của người dân để sửa chữa, tự rút ra bài học cho mình. Đây là con đường tự học và nâng cao kinh nghiệm của thẩm phán một cách hiệu quả.
Đến nay, tòa án đã công bố được 50.000 bản án, hơn 2 triệu lượt người đã truy cập để đánh giá về bản án, có ngày có đến 30.000 - 40.000 lượt trên cổng thông tin điện tử của TAND tối cao.
Chỉ cần một nửa số người dân xem bản án góp ý kiến thôi là có quá nhiều bài học đối với các thẩm phán.
* Quan trọng nhất trong cải cách là yếu tố con người. Để thực sự có đội ngũ thẩm phán giỏi, công tâm, ngành tòa án sẽ làm những gì?
- Thời gian tới, từ thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp đều phải trải qua những cuộc thi công bằng và đảm bảo trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm nghiệp vụ. Tòa án cũng sẽ tổ chức thi luôn các chức vụ quản lý trong tòa, đợt thi đầu tiên đã được triển khai tại TAND tối cao.
Tất cả để minh bạch, chọn đúng người, đúng chất lượng, hướng đến chất lượng thực sự chứ không còn chạy vòng vo, lo quen lo thân nữa. Đó chính là điều mà nhân dân mong đợi.
Quyết thu hồi tài sản tham nhũng!
* Nhân dân quan tâm là cơ quan chức năng sẽ thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào, thưa chánh án?
- Đây là vấn đề cả thế giới phải đối mặt, khi tỉ lệ tài sản thu hồi của các vụ tham nhũng ở các nước đều dưới 10%. Tài sản thu hồi trong các vụ án lớn thời gian qua nhiều hơn trước rất nhiều, có những vụ thu được cả ngàn tỉ.
Với những vụ án tới, tại phiên tòa sẽ cố gắng làm rõ nguồn gốc tài sản.
Đặc biệt, các thẩm phán đã nhận được chỉ đạo là với những tài sản phạm tội mà có, tài sản bị thiệt hại do phạm tội phải thu thật triệt để, không để thoát được.
Kể cả những tài sản đã gửi cho người khác đứng tên thì tòa cũng sẽ thu, nếu chứng minh được đó là tài sản do tham nhũng mà có.
HOÀNG ĐIỆP - VIỄN SỰ - MAI HOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét