Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

5 điều đáng nhớ về Karl Marx

5 điều đáng nhớ về Karl Marx
7 tháng 2 2018 - Ông tổ của chủ nghĩa cộng sản, Karl Marx (1818-1883) có cuộc đời đầy sóng gió và để lại nhiều câu chuyện đáng nhớ. Dù cuộc đời đầy vấn đề và các tác phẩm để lại gây nhiều tranh cãi, vừa được tôn thờ, vừa bị phỉ báng, Marx vẫn là nhân vật có ảnh hưởng lớn đến thế giới hôm nay. Ở Đức, dù hệ thống cộng sản không còn được ủng hộ, vẫn có điều tra dư luận hồi 2004 cho rằng ông là 'người Đức vĩ đại thứ ba trong lịch sử'.

Karl Max 'ngày càng nhỏ lại ở Bonn
1. Cả nhà cải đạo để tránh truy bức
Sinh năm 1818 ở Trier, Đức trong một gia đình có cha là luật sư, Karl Marx đến năm sáu tuổi mới làm lễ rửa tội theo đạo Tin Lành. Cha ông, Heinrich Marx, và mẹ, Henriette Pressburg, đều là người Do Thái thuộc dòng dõi giáo sỹ (rabbi) nhưng cải đạo sang Tin Lành để tránh bị phân biệt đối xử.

Ông nội của Karl Marx là giáo sỹ Do Thái nổi tiếng Meier Halevi Marx và cha ông chỉ đổi tên từ Herschel (tiếng Hebrew) sang Heinrich khi đã lớn tuổi.

Karl Marx là anh em họ xa của nhà thơ Đức Heinrich Heine, cũng xuất thân từ một gia đình Do Thái giàu có vùng sông Rhine.

Nguồn gốc gia đình cũng giúp Karl Marx đi theo truyền thống học thuật, và đào sâu các nguồn tri thức triết học.

Cũng có ý kiến nói ý tưởng về xã hội cộng sản tương lai đến với Marx qua ảnh hưởng của thuyết về Thiên đường có cả trong Do Thái và Ki Tô giáo.
2. Suýt chết thời sinh viên

Năm 17 tuổi, Karl Max vào Đại học Bonn, và nhập Hội Thơ của trường, đồng thời làm chủ tịch Hội bia rượu Trier Tavern Club.

Từng bị cảnh sát giam vì say xỉn, Marx thời sinh viên tiêu hoang tới mức cha ông phải đến chuộc nợ cho con trai nhiều lần.

Vì va chạm cá nhân, Karl Marx nhận lời thách đấu súng của một thành viên tổ chức Borussian Korps của Đại học Bonn.

Tên tuổi Karl Marx vẫn được nhắc đến nhiều nhất trên Internet, theo một điều tra năm 2013

Vụ đấu súng diễn ra nhưng Marx bị trúng đạn mà không chết, chỉ bị thương nhẹ, chảy máu mắt.

Cha ông đã lôi cậu con ra khỏi trường và bắt lên Berlin học để xa khỏi môi trường Bonn.

Chính tại đại học ở Berlin, Marx đâm ra say mê triết học của Hegel.
3. Nợ đầm đìa nhưng được bạn giúp

Làm nghề viết báo và bỏ công sức ra viết sách, Marx chưa bao giờ đủ tiền nuôi bà vợ quý tộc không biết làm gì và sáu người con.

Năm 1846, Marx cưới nữ nam tước Jenny von Westphalen, con gái một gia đình quý tộc cao cấp.

Cha của Jenny là Ludwig, người đã giới thiệu cho Marx đọc sách và tư tưởng xã hội chủ nghĩa và anh của bà là Ferdinand, Bộ trưởng Nội vụ của Phổ.

Nhưng cuộc đời Jenny von Westphalen khi làm vợ Marx là các cuộc chuyển nhà từ nơi này sang nơi khác, sống trong nghèo túng.

Người giúp nhiều nhất cho gia đình Marx là Frederick Engels, một nhà tư bản giàu có.

Khi họ sang Anh, Engels có nhà máy ở Manchester, không chỉ mua nhà cho Marx ở London mà còn trợ cấp 5 bảng Anh một tháng cho cả gia đình.

Marx chỉ nêu ra niềm tin 'xã hội cộng sản sẽ giải phóng công nhân' mà không nói chủ nghĩa cộng sản sẽ thay thế tư bản như một hình thái xã hội mới

Trước khi chết năm 1895, Engels để lại trong di chúc cho các con gái của Marx một phần tài sản trị giá 4,8 triệu đô la, bằng 128 triệu đô la Mỹ năm 2015.
4. Viết nhanh và khoẻ

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Karl Marx là bản Tuyên ngôn Chủ nghĩa Cộng sản, được ông hoàn tất chỉ trong 6 tuần.

Riêng cuốn Tư Bản Luận thì đến lúc qua đời ông vẫn chưa viết xong.

Cả tập hai và tập ba của Tư Bản Luận đều do Engels chỉnh sửa và in vào các năm 1885 và 1894, sau khi Marx đã qua đời.

Marx chỉ nêu ra niềm tin 'xã hội cộng sản sẽ giải phóng công nhân' mà không nói chủ nghĩa cộng sản sẽ thay thế tư bản như một hình thái xã hội mới.

Karl Marx và con gái lớn Jenny Caroline Marx

Phần 'chủ nghĩa cộng sản nhất định thắng thế' như một 'quy luật lịch sử' được cho là ý tưởng của Engels diễn giản ý Marx vì nhu cầu vận động cách mạng.
5. Suốt đời ốm yếu nhưng di sản thọ lâu

Sau vụ đấu súng thoát chết hồi trẻ, Marx bị bệnh tâm lý ám ảnh, và năm 1877 đã bị suy sụp tinh thần lần đầu.

Từ đó, ông thường xuyên phải dùng thuốc an thần có ma tuý (narcotics) để chống bệnh mất ngủ.

Marx cũng luôn đau đớn vì các bệnh gan, thấp khớp, đau đầu, đau răng.

Về sau, ông bị thêm bệnh ngoài da (hidradenitis suppurativa) và lối sống uống nhiều rượu, hút thuốc triền miên không giúp cho việc cải thiện sức khoẻ.

Sau khi Jenny chết vì ung thư gan năm 1881, thọ 67 tuổi, Marx bị sưng màng nhầy trong cổ và viêm xoang.

Hai năm sau, ông chết vì viêm phổi.

Ông được mai táng tại nghĩa địa Highgate, London cùng vợ.

Phải đến năm 1956, một nhóm tư nhân đặt nghệ sĩ Laurence Bradshaw bức tượng đầu Marx như ta thấy hiện nay.
Một nhóm sinh viên thiên tả từ Đức đến làm phim ở mộ Karl Marx trong nghĩa địa Highgate, London năm 2004. Bộ phim nói một điều tra dư luận tại Đức coi Marx là 'người Đức vĩ đại thứ ba trong lịch sử'.

Ngôi mộ mới gồm hài cốt của Marx, bà Jenny von Westphalen, cháu trai Henry Longuet, Helene Demuth, và con gái Eileen Marx.

Dù cuộc đời đầy vấn đề và các tác phẩm để lại gây nhiều tranh cãi, vừa được tôn thờ, vừa bị phỉ báng, Marx vẫn là nhân vật có ảnh hưởng lớn đến thế giới hôm nay.

Ở Đức, dù hệ thống cộng sản không còn được ủng hộ, vẫn có điều tra dư luận hồi 2004 cho rằng ông là 'người Đức vĩ đại thứ ba trong lịch sử'.

Năm 2013, một nhóm nhà khoa học săn tìm học giả có ảnh hưởng nhất thế giới từ xưa đến nay.

Họ tìm trên Internet để tìm xem ai là người thường được nhắc tới nhất và các phân tích phức tạp đem lại kết quả: người thắng cuộc là Karl Marx.

http://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-42966297

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét