Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Triết lý BOT của Thủ tướng Phan Văn Khải 22 năm trước

Rất đồng tình với triết lý của Thủ tướng Phan Văn Khải. Hồi mới lên Thủ tướng (cách đây 20 năm), bác Khải xử lý việc gì cũng như gà mắc tóc, trong khi bác Nguyễn Tấn Dũng là phó thủ tướng thường trực nhưng làm gì cũng ào ào. Cán bộ trẻ chúng tôi thường chê bác Khải: "thủ tướng gì mà chậm, ký cái gì cũng phải hỏi cấp dưới", trong khi cũng chê bác Dũng: "ký bạt mạng, trình cái gì cũng ký, ký cái gì sai cái đấy". Anh em mong có một thủ tướng năng động, nhanh nhẹn hơn và một phó thủ tướng thường trực có đầu óc hơn. Đáng buồn là các cụ nói cấm có sai: "Ghét của nào trời trao của đấy". Chẳng ai ưa bác Dũng, thì bác Dũng lại thành Thủ tướng. Hồi bác Dũng mới lên Thủ tướng, chủ trì tổ chức hội nghị Bí thư, Chủ tịch, Bộ trưởng toàn quốc ở Trung tâm Hội nghị quốc gia, nghỉ giải lao mình thấy chẳng mấy ai muốn nói chuyện với bác; đến lúc tan họp, rất ít người ở lại dự tiệc do Thủ tướng chiêu đãi. Lúc đứng ở trước sảnh chờ ô tô vào đón, mình đã rất ngạc nhiên vì quan khách lũ lượt bỏ về như tan chợ. bác Đinh Văn Ân (nay là Trưởng ban của Đảng và trợ lý Tổng bí thư,) bảo có đứa nào ở lại ăn với nó đâu. Mình không tin nên đã phải chạy vào nhà ăn xem thế nào, thấy phòng ăn rộng mênh mông, phông màn khăn ăn đẹp như phòng cưới, mà quá thưa thớt người dự. Đất nước mình cũng lạ, không chỉ "Ghét của nào trời trao của đấy" với trường hợp bác Dũng, mà sau này cũng đều như thế, điển hình là trường hợp các cụ Tổng, mỗi cụ còn gan lỳ làm đến 2 khóa lận. Chỉ chứng kiến 1 năm cầm quyền của bác Dũng, mọi người đã bắt đầu mơ ước giá được người như bác Khải làm Thủ tướng thì tốt cho đất nước biết bao. 

Triết lý về BOT của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải 22 năm trước

Thủ tướng Phan Văn Khải chụp hình chung với tỷ phú Bill Gates. Ảnh tư liệu
08/12/2017 Chủ tịch SSI hồi tưởng lại câu chuyện 22 năm trước, khi Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ chối đề xuất cải tạo đường 5 bằng hình thức BOT với quan điểm "dân phải được tự do chọn đường đi cho mình". Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI vừa kể lại câu chuyện về "triết lý BOT" của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải 22 năm về trước, giữa lúc tranh cãi về BOT đang làm nóng công luận.

Theo ông Hưng, 22 năm trước, khi còn làm dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài, ông đã đưa một nhóm nhà đầu tư đến từ Dubai làm việc với ông Nguyễn Việt Tiến lúc ấy là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải về phương án huy động vốn cải tạo và nâng cấp đường 5 Hà Nội - Hải Phòng.


Nhóm của ông đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp và Phó Thủ tướng Phan Văn Khải trực tiếp nghe trình bày phương án đầu tư. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư bày tỏ muốn làm đường 5 theo hình thức BOT, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đã trả lời: “Chúng tôi hoan nghênh việc các ông quan tâm đầu tư vào giao thông Việt Nam nhưng nâng cấp đường 5 hiện tại thành BOT thì không phù hợp".

"Các ông có thể đầu tư BOT một đường mới hoàn toàn song song với đường 5 hiện tại, còn đường hiện tại nhà nước sẽ tự thu xếp vốn tu sửa. Dân chúng sẽ được tự do lựa chọn sử dụng đường hiện nay hay đường BOT mới. Hơn nữa đường 5 hiện tại đã được xây dựng bởi ngân sách nhà nước để nhân dân được tự do sử dụng nếu giờ chuyển thành dự án BOT là không hợp lý”, ông Phan Văn Khải nói.

Ông Nguyễn Duy Hưng bình luận: "Ý kiến của Phó thủ tướng Phan Văn Khải, sau đó là Thủ tướng, từ ngảy ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong buổi gặp hôm ấy có cả ông Nguyễn Chí Dũng, chuyên viên của Ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI) và nay là Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư (MPI)".

(Theo VNF)

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/triet-ly-ve-bot-cua-nguyen-thu-tuong-phan-van-khai-22-nam-truoc-415566.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét