Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Nhóm lợi ích ung dung hưởng lợi từ Dự Án BOT

Nhóm lợi ích ở trung ương ngồi phòng lạnh ung dung hưởng lợi từ Dự Án BOT
Hỡi các đồng chí cảnh sát hãy hỗ trợ hết mình cho các anh tài xế trong cuộc chiến này, biết là sẽ vất vả lắm vì nhóm lợi ích kia họ sẽ gây áp lực. Và hỡi người dân và các anh em phóng viên hãy cùng lên tiếng để Chính phủ vào cuộc minh bạch điều tra dự án này và yêu cầu Bộ GTVT hãy đối thoại trực tiếp với người dân. Ngày hôm nay, chúng ta đấu tranh để đem về công lý, không thể để nhóm lợi ích lợi dụng, ngồi ung dung mãi được.
Kết quả hình ảnh cho Nhóm lợi ích ở trung ương
BOT Cai Lậy bùng nổ, trận chiến tiếp tục sau 3 tháng xả trạm nhằm làm dịu dư luận và tìm mọi biện pháp đối phó để buộc người dân phải nghe theo từ một nhóm lợi ích. Ròng rã 3 tháng người ta bàn luận, trao đổi, để rồi như tất cả đã diễn ra một cuộc chiến thật sự, nào là cấm phóng viên tác nghiệp, lập khu thu tiền lẻ và có cả xe y tế, lực lượng bảo vệ có mặt khắp nơi, rồi huy động tới cả CSGT và CSCĐ.

Những hình ảnh về diễn biến của trận chiến này được cập nhật liên tục trên mạng xã hội và chắc chắn có những kẻ đang ngồi phòng máy lạnh ung dung lướt tin, cười khẩy nhìn người dân phẫn nộ.

Không phẫn nộ sao được khi làm đường tên tuyến tránh nhưng thu phí trên Quốc lộ – con đường huyết mạch mà ai cũng phải đi qua? Tại sao khi Kiểm toán và Thanh tra của Nhà nước vào cuộc mà không ai bị xử lý và BOT vẫn tiếp tục thu tiền?

Chẳng biết vì lý do nào mà Bộ GTVT lại ký thêm hạng mục “Tăng cường mặt đường QL1” với chủ đầu tư, trong khi việc này hoàn toàn chưa có sự đồng ý của Chính Phủ. Bởi lâu nay, việc tu sửa nâng cấp Quốc lộ huyết mạch, là trách nhiệm của Chính phủ. Trách nhiệm này được giao lại cho Bộ Giao thông Vận tải và bộ này sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ thực hiện phần việc trên.

Quỹ Bảo trì đường bộ được hình thành từ tiền thuế mua sắm phương tiện, thuế tham gia lưu thông với 3 loại thuế chính và hàng chục khoản phí bắt buộc khác. Và số tiền của quỹ này cũng không phải là con số nhỏ. Như năm 2016, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương có hơn 10.000 tỷ đồng; bao gồm, nguồn thu từ chủ ô tô 6.200 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng và nguồn chưa sử dụng năm 2015 hơn gần 500 tỷ đồng. Năm 2017, nguồn thu cũng khả quan khi báo cáo quý I của Văn phòng Quỹ Bảo trì Trung ương cho thấy, tính đến hết ngày 31 – 3, chủ phương tiện nộp phí đạt hơn 1.634 tỷ đồng/6.150 tỷ đồng kế hoạch, đạt hơn 120% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn vào đó có thể thấy, số tiền của quỹ bảo trì đường bộ này sẽ ngày càng tăng theo mỗi năm, như vậy tại sao chỉ vì có 300 tỷ mà Bộ GTVT để doanh nghiệp làm loạn đời sống của người dân như vậy? Đề nghị Bộ GTVT cần minh bạch tài chính mà Quỹ bảo trì đường bộ đã sử dụng trong suốt những năm qua để xem thiếu thốn cỡ nào mà phải để một doanh nghiệp gánh trách nhiệm cho mình. Hơn nữa, BOT (Build, Operation, Transfer – Xây dựng, vận hành và bàn giao) là một hình thức của PPP. Theo hình thức này, tư nhân bỏ tiền ra xây dựng, sau đó quản lý và vận hành, thu tiền trong thời gian nhất định, rồi bàn giao lại cho nhà nước và công trình đó trở thành công cộng.

Một ưu điểm của PPP là chuyển rủi ro đầu tư công sang cho phía tư nhân. Có nghĩa là nếu tính toán sai chủ đầu tư vẫn phải chịu lỗ như thường. Như trường hợp, khi làm đường thì con đường PPP là của tư nhân trong một thời gian X năm nào đó. Phí đường hoàn toàn do phía tư nhân quy định. Nhưng nếu thu cao người ta sẽ không đi mà họ sẽ đi vào đường công (quốc lộ, tỉnh lộ…), ngược lại thu phí thấp, sau X năm không hoàn được vốn, thì tư nhân phải chịu thua lỗ và vẫn phải trả lại con đường cho nhà nước theo như hợp đồng và đường đó biến thành công cộng, không được thu phí nữa.

Đây là hình thức và nguyên tắc BOT áp dụng cho tất cả các nước trên thế giới, nó không giống một hình thức đầu tư tốt đã “biến dạng” tại Việt Nam như hợp đồng với BOT Cai Lậy có nội dung thật kỳ khôi “Trường hợp doanh thu thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư theo như tính toán tại phương án tài chính trong hợp đồng thì Bộ GTVT sẽ xem xét phối hợp cùng nhà đầu tư tính toán lại theo hướng kéo dài thời gian thu phí cho nhà đầu tư”

Đó là chưa kể, người ta đã ép người dân không còn một con đường nào khác để lựa chọn như các nước trên thế giới! Bởi vậy mới có chuyện chủ đầu tư chỉ có 20% vốn trong tay cũng dám làm BOT, bởi ngân hàng nhà nước đã hỗ trợ tới 80%. Đầu tư chắc ăn, không chút rủi ro, ai cũng làm được, nhưng đâu phải ai cũng dễ dàng nhận được những hợp đồng béo bở này! Nó là cả một nhóm từ chủ đầu tư, nhà thầu, ngân hàng hay ai đó có quyền lực mà ra, chung quy lại là nhóm lợi ích! Giờ mà dời đi thì liên quan đến lợi ích của khối người!

Vậy mới có chuyện, BOT vẫn nằm sai vị trí và được thu phí, có chuyện ông giám đốc bé tí dám hống hách thách thức pháp luật và người dân khi cấm báo chí tác nghiệp, thậm chí còn yêu cầu lái xe phải hợp tác với công an khi trả tiền thu phí quá lâu từ 10-30s, thế nên không lạ gì khi ngay cả một nhân viên BOT Cai Lậy dám tạm giữ chứng minh nhân dân của tài xế chỉ vì họ thiếu 20000 đồng. Trong khi đó, người dân có thể đi tù vì chặt vài cây tràm, ăn cắp ổ bánh mì, làm mẻ góc bàn hay “táo tợn” đến mức “cướp” một cái mũ. Hóa ra BOT Cai Lậy lớn hơn pháp luật và lời kêu gọi Chính phủ minh bạch, kiến tạo “Lắng nghe dân, gần dân, tôn trọng cảm xúc của nhân dân” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Quan sát, những gì diễn ra trong buổi thu phí ngày hôm qua để thấy rằng, bên cạnh việc các tài xế sử dụng tiền lẻ để phản đối việc thu phí bất hợp lý này thì chính lực lượng bảo vệ của trạm BOT Cai Lậy đã gây mất trật tự khi có hành vi cản trở phóng viên tác nghiệp. Hàng chục bảo vệ tập trung dày đặc tại trạm thu phí. Lực lượng này không phải để hướng dẫn các tài xế trả tiền mệnh giá nhỏ vào khu vực riêng mà để theo dõi, hướng dẫn báo chí tác nghiệp. Mặc dù các phóng viên tác nghiệp trên Quốc lộ 1, tức là nơi công cộng, nhưng lực lượng bảo vệ vẫn có hành vi xô đẩy, cản trở. Thế nên hãy công tâm chứ đừng đổ lỗi riêng cho các anh tài xế. Thậm chí, người ta còn huy động hẳn một đội tuyên truyền lưu động của địa phương cũng được triển khai tại trạm BOT Cai Lậy để tuyên truyền những lợi ích mà BOT Cai Lậy mang lại cho tỉnh nhà. Thế nhưng nhà nào thì chưa nói rõ!

Bên cạnh đó, lực lượng CSCĐ và CSGT đã được huy động để nhằm giữ gìn trật tự, điều tiết giao thông. Và đây cũng là chuyện đau lòng nhất phải nói đến, khi rất nhiều bình luận và hình ảnh trên mạng xã hội cho rằng lực lượng công an đang bảo vệ BOT Cai Lậy mà không bảo vệ người dân, nhất là những hình ảnh về anh tài xế bị bắt càng khiến dư luận phẫn nộ. Nếu như nhìn qua, ai cũng có cái suy nghĩ đó, thế nhưng mấy ai biết rằng đây là chiêu bài quen thuộc của một nhóm lợi ích, họ đẩy công an, cảnh sát cơ động – lực lượng có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ra để “đối đầu” với người dân, bởi nhiệm vụ thì không có quyền phản kháng, trong khi những người là nguồn cơn nỗi bức xúc đó lại “trơ mắt đứng nhìn”.

Thử hỏi nếu lực lượng công an để tự nhiên cho các anh tài xế hoạt động, phản đối thì nếu xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, đánh nhau, thậm chí là từ một người sẽ lây lan ra rất nhiều, làm dấy lên sự phẫn nộ của đám đông. Hậu quả thế nào ai có thể chịu trách nhiệm? Nhẹ thì chỉ là gây rối, nặng thì đập phá trạm thu phí, thậm chí có thể đánh luôn cả bảo vệ và nhân viên của trạm, sự nóng giận làm mất kiểm soát có thể gây hậu quả chết người. Rồi sau đó, ai chịu trách nhiệm, vì chết người thì phải đền tội, đập phá tài sản thì cũng bị tội cố ý phá hoại… 

Chả ai khác ngoài những anh tài xế vì miếng cơm mamh áo đang cố gắng rỉ tai nhau đấu tranh theo hình thức ôn hòa, không vi phạm pháp luật; cả những người làm công ăn lương cho trạm thu phí kia và cả những người có nhiệm vụ giữ gìn trật tự bị đẩy ra làm lá chắn. Còn những người tạo ra sự bất công này vẫn ngồi trên kia, phòng máy lạnh theo dõi và cười khẩy nhìn chúng ta đấu đá nhau một cách mù quáng để rồi đi thu dọn lợi ích. Thâm độc là thế, mưu mô là vậy mà mấy ai hiểu. Bởi vậy, người ta chửi, trách móc lực lượng công an cũng là điều dễ hiểu.

Không có CSGT và CSCĐ thì sẽ kẹt xe do tài xế trả tiền lẻ/tiền chẵn như một hình thức phản đối. Nhưng chính nhóm lợi ích mới khiến những tài xế thể hiện sự bất tuân dân sự. Chính vì vậy, hỡi các bác tài chúng ta cứ tranh đấu trong hòa bình, việc đòi tiền 100 đồng tối qua rất nhẹ nhàng nhưng được hiệu quả rất lớn, BOT phải xả trạm 3 lần trong đêm. Đấu tranh là một hoạt động trường kì, thế nên phải tuân thủ pháp luật, không để bị bắt thì mới dài hơi được. 

Hỡi các nhân viên của trạm thu phí cứ làm tốt nhiệm vụ của mình, hãy vui vẻ vì chúng ta chỉ làm công ăn lương. Hỡi các đồng chí cảnh sát hãy hỗ trợ hết mình cho các anh tài xế trong cuộc chiến này, biết là sẽ vất vả lắm vì nhóm lợi ích kia họ sẽ gây áp lực. Và hỡi người dân và các anh em phóng viên hãy cùng lên tiếng để Chính phủ vào cuộc minh bạch điều tra dự án này và yêu cầu Bộ GTVT hãy đối thoại trực tiếp với người dân. Ngày hôm nay, chúng ta đấu tranh để đem về công lý, không thể để nhóm lợi ích lợi dụng, ngồi ung dung mãi được.

(VietFact)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét