Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Hơn 120 Đảng đổ về Bắc Kinh để 'ngợi ca' Chủ tịch Tập

Các đảng phái tụ về 'ngợi ca' Chủ tịch Tập
5 tháng 12 2017 - TQ 'sẵn sàng hợp tác với các đảng chính trị trên thế giới'. Hơn 200 lãnh đạo từ 120 đảng phái quốc tế về Bắc Kinh để ca ngợi thành quả Trung Quốc và sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bà Julie Bishop, Phó Chủ tịch Đảng Tự do Úc nói "phát triển hòa bình của Trung Quốc đã đưa hàng trăm triệu người ra khỏi đói nghèo quả là một thành công chưa từng có trong lịch sử nhân loại".

Trong Hội nghị đối thoại cấp cao lần đầu diễn ra từ 30/11 đến 3/12, hơn 200 nhân vật chính trị, gồm cả các vị đương nhiệm và cựu lãnh đạo đã tới Bắc Kinh tham dự. Đại diện Đảng Cộng sản Việt Nam là ông Phan Đình Trạc, người được Bộ Chính trị bổ nhiệm chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương hồi tháng 2/2016.



Trong số các khách châu Á có bà Aung San Suu Kyi của Myanmar, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, bà Choo Mi-ae lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền ở Nam Hàn.

Từ châu Âu có các lãnh đạo Nga, Serbia và cựu thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin.


Cùng nhau ca ngợi Trung Hoa vĩ đại



Hội nghị các đảng phái thế giới tại Bắc Kinh: theo báo chí Trung Quốc, Chủ tịch Tập không muốn "xuất khẩu mô hình Trung Quốc" nhưng sẵn sàng để các nước đến học hỏi

Theo trang China Daily, các lãnh đạo 'toàn cầu' đều đánh giá cao chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Họ cũng ca ngợi "các thành quả phát triển của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng CS".

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, ông Gennady Zyuganov nói "các thành quả của Trung Quốc chỉ có thể đạt được nhờ chính sách thông thái của lãnh đạo quốc gia".

Các đảng phái tụ về ngợi ca Chủ tịch Tập Cận Bình và thành quả của Trung Quốc

Báo Trung Quốc cũng trích lời vị khách là học giả Phương Tây, Martin Jacques, từ Khoa Nghiên cứu Chính trị Quốc tế, ĐH Cambridge nói về 'cách tiếp cận Trung Quốc':

"Tôi nghĩ ngay từ ban đầu, điểm nhấn là tạo ra một bức tranh thế giới mà chúng ta có thể chia sẻ nhiều thứ, nhiều câu hỏi, và tôi nghĩ đây là cách tiếp cận mang tính chất Trung Quốc nhằm xây dựng một tương lai đòi hỏi chúng ta có hành động cùng nhau, một cách hài hoà."

Phát triển "hài hòa" là thông điệp Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu ra từ lâu nay dù giới chỉ trích nói mô hình khai thác kiểu Trung Quốc đang tàn phá môi trường và vắt kiệt tài nguyên ở nhiều nơi.

Một khách khác, bà Julie Bishop, Phó Chủ tịch Đảng Tự do Úc nói "phát triển hòa bình của Trung Quốc đã đưa hàng trăm triệu người ra khỏi đói nghèo quả là một thành công chưa từng có trong lịch sử nhân loại".

Thủ tướng Sri Lanka, lãnh đạo Đảng UNP của nước Nam Á này, Ranil Wickremesinghe nói nhờ sự lãnh đạo của Tổng bí thư Tập trong năm năm qua, Trung Quốc đã đạt được những thành quả kinh tế, xã hội vĩ đại, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mức sống trên toàn thế giới.

Bài diễn văn của Chủ tịch Tập rất mạnh mẽ... ông nói thế giới là một gia đình lớn, và Trái Đất là căn nhà chung - Cựu Thủ tướng Pháp Raffarin

Các lãnh đạo chính trị của đảng phái từ Tanzania (John Pombe Magufuli), Serbia (Marko Duric), Ethiopia (Demeke Mekonnen), và cả Pháp (Jean-Pierre Raffarin), đều ca ngợi Trung Quốc ngày nay.

Ông Raffarin, thủ tướng Pháp từ 2002 đến 2005, khen ngợi bài diễn văn của Chủ tịch Tập là "rất mạnh mẽ...ông nói thế giới là một gia đình lớn, và Trái Đất là căn nhà chung, và chúng ta cần bảo vệ nó. Ông đã kết hợp hòa bình và phát triển".

Báo Trung Quốc nhấn mạnh vị khách Myanmar, bà Aung San Suu Kyi "được giải Nobel Hòa bình"

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, nói rằng Đảng Cộng sản nước này sẵn sàng hợp tác với các đảng phái chính trị trên toàn thế giới để cùng xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai và cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các đảng chính trị thế giới tại Bắc Kinh hôm 1/12, ông Tập nói rằng điều này đang được chuyển từ lý thuyết sang thành hành động.

Thời gian qua, các nhà quan sát về Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc tin rằng ông Tập Cận Bình không chỉ muốn để lại di sản kinh tế chính trị mà còn muốn được đề cao như một nhà tư tưởng.

Tư tưởng của ông được đảng cầm quyền ở Trung Quốc đưa vào Điều lệ và trở thành bộ môn để các đại học nghiên cứu.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42236812

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét