Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Ăn cơm 2.000, lái Grab bị lên án: Sinh viên giờ khổ quá!

Ăn cơm 2.000, lái Grab bị lên án: Sinh viên giờ khổ quá!
Sinh viên thời nay ăn gì, uống gì, làm gì đều có thể trở thành "tội đồ" trên mạng xã hội. Họ làm sai hay cư dân mạng "văn" nào cũng nói được? Hình ảnh được đăng kèm lời lên án sinh viên gay gắt khi đứng xếp hàng mua cơm 2.000 đồng ở TP.HCM. Ảnh Vũ Tuấn Anh.

Sau 5 năm miệt mài trên giảng đường, Phạm Hoàng Nam (23 tuổi, sinh viên năm cuối ĐH Thủy lợi, Hà Nội) vẫn chưa thể cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay. Chẳng biết vì lưu luyến quãng đời sinh viên hay chưa tự tin để "vào đời", Nam chưa đạt đủ điểm để được làm đồ án tốt nghiệp.

Cậu suy nghĩ nghiêm túc về những gì mình đang có và muốn có: Cần tiền để nộp học phí cải thiện môn nhưng tuyệt đối không ngửa tay xin cha mẹ. Có xe máy và nhận thấy Grab đang phát triển mạnh, thời gian không gò bó, Nam muốn làm nghề này để kiếm thêm.

Chàng trai lên trang web liên hệ, rồi mang giấy tờ cần thiết tới đăng ký. Trải qua 2 tiếng bổ túc kiến thức cùng bài test trắc nghiệm 20 câu, cậu được cấp mã số, cài ứng dụng và chính thức trở thành "xe ôm công nghệ”.

Sinh viên lái Grab làm thụt lùi cả một thế hệ?

Nhà Nam ở một thị trấn nhỏ thuộc vùng núi Tây Bắc Bộ, cha mẹ đều làm cán bộ Nhà nước. Điều kiện gia đình không khó khăn nhưng từ tháng 11 năm ngoái, cậu bắt đầu lái Grab để tự trang trải phí học cải thiện.

Với phí đầu tư 0 đồng, mỗi ngày chạy đều đặn từ sáng tới tối, sau khi trừ một số khoản, Nam bỏ túi khoảng 400.000 đồng. Trong dịp nghỉ lễ, Tết, nhu cầu đi lại tăng cao, có ngày may mắn, Nam kiếm được một triệu đồng.

"Thời gian của sinh viên gần như không cố định. Chạy Grab, Uber vừa chủ động được thời gian, vừa có tài chính tạm ổn. Tính bình quân một ngày chạy part-time, sau khi trừ tất cả chi phí, bỏ túi được 100.000 đồng, một tháng là gần 3 triệu đồng mà vẫn đảm bảo có thời gian nghỉ ngơi, học hành. Tội gì không làm?", Nam phân tích.

Được khoảng 2 tháng, cha mẹ nam sinh biết chuyện, tỏ ý phản đối. Lý do không phải vì nghĩ nghề xe ôm thấp kém, không cân xứng học vấn của con trai. Họ cảm thấy lo lắng khi bản tin Thời sự trên VTV liên tục đưa về các vụ tai nạn, cướp giật, đánh chém liên quan Grab.

Thời điểm đó là sau đợt Tết năm nay, cũng là lúc sinh viên đổ xô chạy Grab. Hãng xe tuyển chọn tài xế không ngừng nghỉ, các "xế" thì ham tiền giới thiệu dẫn đến cung nhiều hơn cầu.

Nhận thấy môi trường bão hòa và dần trở nên phức tạp, Nam nghỉ lái Grab vào tháng 5 vừa qua. Ít tháng sau, mạng xã hội nổ ra cuộc tranh cãi quanh vấn đề "cử nhân chạy xe ôm".

Cư dân mạng dồn mọi chỉ trích vào thế hệ sinh viên ngày nay bằng các nhận định như "thanh niên sức dài vai rộng lại đi đầu quân thành các anh xe ôm thời @", "tốn công học hành mấy chục năm", "tranh giành miếng cơm của người già, trung niên", "đội quân xanh lè toàn trẻ ranh ùa ra đường như người ngoài hành tinh đổ bộ"...

Thậm chí, nhiều người còn mỉa mai sâu cay hơn rằng: "Grab, Uber nên biết ơn các trường đại học vì đã đào tạo ra đội quân lao động khổng lồ có tri thức, văn hóa".

"Tuổi thanh xuân đẹp nhất cho kiến tạo / Tuổi thanh xuân cần làm việc học hỏi tri thức cao / Tuổi thanh xuân lý tưởng cho sự tìm tòi rốt ráo / Tuổi thanh xuân không phải lãng phí để đi lái xe ôm", những câu thơ trích tại Facebook của một thầy giáo ở Hà Nội nhắn nhủ tới sinh viên về lựa chọn tuổi trẻ.

Dù không còn lái Grab, khi đọc lời lẽ chỉ trích của dân mạng, Hoàng Nam không khỏi ngậm ngùi. Cậu thấy lòng tự ái bị động chạm bởi mục đích đi làm xe ôm để trang trải học hành của mình là hoàn toàn chính đáng.

Đức (quê Bắc Kạn) - bạn của Nam - cũng nhận cuốc chạy Grab từ nửa ngày đến một ngày, tùy lịch học, để trang trải học phí, tiền sinh hoạt và gửi về cho gia đình đều đặn khoảng 1-1,5 triệu đồng/tháng.

Số tiền này với nhiều người thậm chí không đủ uống trà sữa, mua sắm áo quần hàng tháng. Nhưng với bà mẹ 50 tuổi mất sức lao động, sống nhờ trợ cấp, một mình lo cho em trai Đức đang tuổi ăn tuổi lớn, những đồng tiền đó thật sự quý giá.

"Hot girl Grab" Trần Thu Trang (21 tuổi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) từng chia sẻ Zing.vn rằng trừ thứ hai, ba, năm đi học, những ngày còn lại bất kể nắng mưa, cô đều ra đường chạy xe từ lúc 9h-10h sáng và trở về phòng trọ lúc 0h.

Gia đình Trang thương con gái làm thêm vất vả, ảnh hưởng việc học hành, sức khỏe. Bản thân 9X cũng ý thức nghề chạy xe ôm nguy hiểm, sống chết lúc nào không hay, sau khi tận mắt thấy tai nạn của đồng nghiệp vào thứ sáu ngày 13/10 vừa rồi.

Với Nam, Đức và Trang, lái Grab đơn giản là việc kiếm thêm thu nhập khi họ chưa tìm được nghề nghiệp ổn định, phù hợp chuyên ngành được đào tạo ở trường.

Các sinh viên này đâu muốn phơi mặt ra ngoài đường bất kể sương gió, khói bụi và nguy hiểm. Họ đủ tỉnh táo để tự nhận biết ngoài những lợi nhuận trước mắt là bao rủi ro.

Hơn nữa, khi chưa có bằng tốt nghiệp, lao động chân tay là cách kiếm tiền nhanh nhất. Xét về bản chất, chạy xe ôm công nghệ cũng giống phục vụ quán cà phê, tiệm trà sữa, gia sư... ở chỗ mang lại thu nhập chính đáng, không phạm pháp.

Chẳng điều luật nào quy định chạy xe ôm là công việc chỉ phù hợp người già và trung niên như một số cư dân mạng vẫn mặc định. Họ nhận định chủ quan, một chiều, vậy cớ gì sinh viên làm việc này lại bị lên án là không có lòng tự trọng?

Hoàng Nam không ý kiến với các tài xế Grab vẫn còn là sinh viên. Cậu chỉ phê phán những cử nhân đã cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp nhưng không chịu kiếm việc làm ổn định, chỉ chăm chăm đi chạy xe ôm công nghệ vì nghĩ nghề này dễ "hái ra tiền".

Có thể nhiều cư dân mạng - thế lực rất đông nhưng suy cho cùng chẳng cụ thể là ai - không phân biệt "xế thời @" là sinh viên hay cử nhân, có mục đích kiếm tiền chính đáng hay không chính đáng, coi xe ôm là kế sinh nhai tạm thời hay lời ngụy biện cho sự lười nhác của bản thân...

Bởi vậy, quan niệm "sinh viên đi lái Grab, Uber là sự thụt lùi của một thế hệ, là lãng phí tri thức, sức trẻ", dù thu hút hàng chục nghìn nút like trên mạng ảo, cũng không lý nào phù hợp khi gán cho mọi người trẻ đang mưu sinh trong màu áo xanh ở ngoài đời.

'Bỏ ra 50.000 đồng uống trà sữa là hoang phí, nông cạn'

Sau cuộc tranh cãi về vấn đề lái Grab, sinh viên lại trở thành "tội đồ tiêu hoang" khi chấp nhận chi 50.000- 60.000 đồng cho một ly trà sữa, thậm chí là uống quá nhiều trong khi "nước mình còn nghèo".

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền (34 tuổi) - giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM, hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh Giáo dục tại Anh - mở màn tranh luận: "Tôi không hiểu sao ở các hàng quán thương hiệu nước ngoài rất đắt đỏ lại đầy người Việt. Ngay cả các quán cà phê thương hiệu Việt Nam, thức uống cũng rất đắt, một ly nước có giá 55.000-70.000 đồng. Các quán trà sữa có giá 50.000-60.000 đồng một ly cũng đầy các bạn trẻ".

"Các bạn trẻ" ở đây chủ yếu là sinh viên hoặc người mới đi làm. Chị Huyền thắc mắc thu nhập của họ là bao nhiêu để chi tiêu không cần đắn đo vào các khoản đó? Nếu chi như vậy, họ còn đủ tiền để đầu tư vào các mục như nhà cửa, học hành, sách vở để phát triển bản thân, hỗ trợ gia đình, tiết kiệm và giúp đỡ cộng đồng?

Thẳng thắn đối đáp lại thắc mắc của nữ giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM, Minh Phương (19 tuổi, sinh viên ở Hà Nội), nói: "Trà sữa là đồ uống em kết nhất, nên có ngày uống tới 2-3 cốc. Em không có thu nhập hàng tháng vì cha mẹ không ủng hộ đi làm thêm.

Với thu nhập 8 con số một tháng, họ sẵn sàng cho em 50.000 đồng/ngày chỉ để mua trà sữa, mà chưa bao giờ nói kiểu 'kinh tế còn nghèo, con đừng uống trà sữa đắt tiền'".

Phương nói bằng giọng không phải "ăn thua" vì bị động chạm tới 2 chữ "sinh viên". Cô chỉ giải thích việc mình có khoảng 2 triệu đồng/tháng để uống trà sữa không do trộm cắp hay làm việc xấu thì không việc gì phải hổ thẹn.

Theo nữ sinh này, không bình tĩnh suy xét hay tối thiểu là tôn trọng người khác, những cá nhân "không bỏ ra 50.000 đồng/ngày uống trà sữa" đang bĩu môi chê bai những ai "bỏ ra 50.000 đồng/ngày uống trà sữa" là hoang phí, nông cạn. Thậm chí, họ thường xuyên dùng "bài ca" kinh tế nước ta còn nghèo để lập luận của mình có thêm sức nặng.


Nhiều sinh viên thời nay chọn lái Grab để kiếm thêm thu nhập. Số lượng tăng lên không ngừng làm nổ ra cuộc tranh cãi trong cộng đồng mạng. Ảnh: cắt từ video.

Giới trẻ chi 100.000 đồng uống trà sữa là lãng phí? Là trào lưu chưa bao giờ hạ nhiệt, trà sữa luôn hấp dẫn giới trẻ. Nhiều bạn cho biết họ sẵn sàng chi 50.000-60.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng cho một ly trà sữa.

Phạm Hoàng Nam, sau khi bỏ lái Grab, nhận công việc kiểm tra tình trạng gửi, nhận và đóng gói hàng, kiêm shipper cho một cửa hàng. Nam sinh ĐH Thủy lợi không “nghiện” trà sữa, mà thường uống theo tâm trạng.

Cuối tuần, Nam bỏ 50.000 đồng ra quán trà sữa quen thuộc gọi đồ uống và ngồi thả mình theo điệu nhạc acoustic. Với thanh niên có thu nhập 5 triệu đồng/tháng, điều này đáng "đồng tiền bát gạo" bởi ngoài đồ uống và âm nhạc, cậu có không gian selfie đẹp, xài Wi-Fi miễn phí, máy lạnh, người phục vụ.

9X bảo mình làm ra tiền chẳng tội gì không tiêu vào việc giải trí, miễn là phù hợp điều kiện. Ai cũng có quyền tự thưởng cho bản thân một buổi tối rủ bạn bè hay người yêu đi trà sữa để giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi từ công việc.

Với những ai chi từ 50.000 đồng cho một ly trà sữa mỗi ngày, thậm chí là 2-3 cốc, Nam không ủng hộ nhưng cũng không so đo bởi chẳng có điều luật nào cấm người ta làm điều mình thích.

Ăn cơm 2.000 đồng... lại là sinh viên sai?

Những cái lắc đầu và tặc lưỡi chê "hoang phí", "sang chảnh" chưa dứt, cơn thịnh nộ từ cộng đồng mạng mang tên "người trẻ sức dài vai rộng xếp hàng ăn cơm từ thiện 2.000 đồng" lại giáng xuống đầu... sinh viên!

Mọi chuyện khởi nguồn từ bài đăng của Vũ Tuấn Anh - người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên - kèm hình ảnh rất đông sinh viên xếp hàng mua cơm từ thiện tại quán cơm 2.000 đồng ở quận 1, TP.HCM.

Chủ nhân bài chia sẻ thể hiện sự thất vọng và bức xúc khi các nam sinh viên “lười biếng”, “cướp của người nghèo”. Anh này còn cẩn thận hỏi "các anh bên cạnh" thì được nói sinh viên hôm nào cũng tới đông.

Tuấn Anh cho rằng sinh viên nên chăm chỉ, tìm công việc phù hợp để kiếm tiền, chứ đừng trông chờ vào miếng ăn miễn phí bởi nó vốn được dành cho những người nghèo.

Trong khi đó, chủ các quán cơm 2.000 đồng với mục đích từ thiện ở TP.HCM, Huế đa phần phản đối ý kiến chỉ trích sinh viên bằng lời lẽ nặng nề như ở trên. Họ khẳng định rất vui lòng chào đón sinh viên tới dùng bữa.

Thứ nhất, mua cơm 2.000 là hành động thuận mua vừa bán. Sinh viên bỏ tiền mua theo giá cả chung chứ không xin bố thí. Chủ quán bán cơm 2.000 cho bất cứ ai cần, không đòi khách chứng minh kiểu "Tôi là người nghèo" mới được vào ăn. Vậy tại sao sinh viên không được quyền ăn, mà lại bị phán xét?

Thứ hai, con người ai cũng có lòng tự trọng. Bản thân sinh viên đi ăn chưa chắc trong lòng họ muốn vậy. Nếu họ có điều kiện hơn, có lẽ họ đã ngồi quán ăn có máy lạnh, ăn phần cơm thêm thịt, thêm rau.

Nhiều sinh viên xuất thân từ những vùng quê rất nghèo. Họ bằng mọi cách phải sống sót bằng số tiền ít ỏi cha mẹ gửi lên.

"Gần nhà mình ở xã Trà Côn (Vĩnh Long) có gia đình vì quá nghèo, cha mẹ buộc 2 đứa con phải bỏ học đi làm thêm. Người em trai không chịu, quyết tự bươn chải ở thành phố để học hết cao đẳng.


Cậu ấy phải làm thêm rất nhiều việc để có tiền ăn, đóng học phí. Hôm nào không học buổi sáng, cậu tranh thủ đi bán phụ cà phê, buổi chiều bưng bê trong các nhà hàng. Bữa cơm 2.000 đồng với cậu ấy quý giá như vàng vậy", Vân (sinh viên tại TP.HCM) cho biết.

Thực tế, suy đi thì cũng phải nghĩ lại, nếu không vì khó khăn, các sinh viên từ quê nghèo lên thành phố như chàng trai kể trên có lẽ sẽ "có lòng tự trọng" như dân mạng mong muốn.

Hơn nữa, có thể các "anh hùng bàn phím" gõ ra những lời chỉ trích sinh viên ăn cơm 2.000 đồng là “cướp của người nghèo” hay "không có lòng tự trọng" đang ngồi trong quán net, có máy lạnh phả tứ phía. Họ sống đủ đầy quá nên chẳng nghĩ nổi ngoài đời còn những mảnh đời nghèo, rất nghèo.

“Tôi không phản đối sinh viên nghèo vào ăn cơm mà tôi chỉ phản đối sinh viên không nghèo mà vào ăn cơm từ thiện”, Anh Tuấn giải thích sau khi bài đăng của mình gây tranh cãi nảy lửa.

Sinh viên "nghèo" vào ăn cơm 2.000 đồng có thể thuộc 2 dạng: Nghèo tiền bạc và nghèo tự trọng. Nhưng dù người bán cơm làm từ thiện cho đúng đối tượng hay không, cái "vơ đũa cả nắm" vào tầng lớp sinh viên của dân mạng quả là quy chụp, cảm tính và thiệt thòi cho họ.

Nhiều ý kiến cho rằng 2.000 đồng hay 50.000 đồng, lái Grab hay "nghề gì đó không phải chạy xe ôm"... không giúp phán xét tư cách người trẻ. Sinh viên, cũng giống mọi người, chỉ đáng bị lên án khi làm điều trái lương tâm, đạo lý, và tất nhiên cả vi phạm pháp luật.

(Zingnew)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét