Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Trump rời VN: Vẫn bặt tăm BTA Việt – Mỹ!

Trump rời VN: Vẫn bặt tăm Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ!
Việt Nam – Cali Today News – Điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đằng sau đó là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quá mong mỏi là Hiệp định thương mại song phương Việt Mỹ đã chẳng hề được Tổng thống Trump đả động vào ngày 12/11/2017 tại Hà Nội, sau các cuộc gặp của Trump với ít nhất một nửa trong “tứ trụ” Việt Nam.
TT Trump và Trần Đại Quang. Photo Credit: AP
Vào tháng Năm năm 2017, cuộc hội đàm Mỹ – Việt vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ giữa Tổng thống Donald Trump với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Washington cũng không có bất kỳ từ ngữ nào được Trump sử dụng, dù chỉ mang tính hàm ý, về “Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ”, bất chấp món quà 8 tỷ USD giá trị thương mại (nếu có thật) mà ông Phúc cho biết các doanh nghiệp Việt đã ký kết với giới doanh nghiệp Mỹ.

Có thể tổng kết rằng tại Hội nghị APEC vừa diễn ra, giới chóp bu Việt Nam đã “chỉ có tiếng, không có miếng”. Ngay cả hiệp định tưởng như “ký tới nơi” là TPP rốt cuộc cũng trở nên dở dang bởi Canada, phải đổi thành tên mới là CPTPP và phải chờ đợi thêm một thời gian không biết bao lâu nữa để các quốc gia đàm phán xong xuôi với nhau thì mới có thể cùng ký kết được.

Nhưng cho dù CPTPP có được ký kết để Việt Nam được tham dự bàn tiệc quá muộn màng này, việc đối tác quan trọng nhất của Việt Nam là Mỹ – chiếm đến 60% giá trị sản lượng trong Hiệp định TPP cũ – rút khỏi TPP đã khiến Việt Nam mất đi một “món hời”, và do vậy có tham gia vào CPTPP cũng có thể sẽ chỉ gặt hái được kết quả “có tiếng, chẳng có miếng”.

Cần nhắc lại, Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ là chủ đề mà phía Việt Nam quan tâm nhất, đặc biệt sau khi Mỹ chính thức rút khỏi TPP vào đầu năm 2017. Nếu có được dù chỉ một thỏa thuận sơ bộ về Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, phía Việt Nam sẽ có hy vọng duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD hàng năm vào thị trường Mỹ, đồng thời mở ra hy vọng vay mượn thêm tín dụng từ các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu, hơn nữa còn có thể “thúc đẩy sớm thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu” (EVFTA).

Lượng ngoại tệ hơn ba chục tỷ USD thu lợi từ xuất siêu hàng năm sang Hoa Kỳ như thế là vô cùng có ý nghĩa, nếu đối sánh với quốc nạn Việt Nam phải nhập siêu hơn 30 tỷ USD theo đường chính ngạch và 20 tỷ USD theo đường tiểu ngạch mỗi năm từ “đồng chí Trung Quốc”.

Nhưng sau hai lần gặp gỡ Mỹ – Việt trong năm 2017 mà Trump không hề đả động đến Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, có thể xem như số phận của hiệp định này – một trong hiếm hoi lối thoát khả dĩ nhất về kinh tế và ngân sách của chính thể Việt Nam – vẫn còn “treo” ở đó mà chưa biết khi nào mới xong.

Những tín hiệu vô vọng về “Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ” lại có thể lan đến việc Liên minh châu Âu xem xét Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu, khiến hiệp định này trở nên “uể oải” và có thể còn rất lâu nữa mới được thông qua, cho dù giới chức Việt Nam có cố công đi vận động trực tiếp hoặc tìm cách “lobby hành lang” với phí môi giới rất cao.

Bi kịch thương mại lại góp phần quyết định tương lai ngân sách. Trong đó đương nhiên có cả ngân sách đảng cầm quyền ở Việt Nam.

Ngoài kênh Nhật vẫn còn một chút hy vọng, các kênh cho vay tín dụng chính như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu, Quỹ tiền tệ quốc tế đều chính thức đóng cửa cho vay ưu đãi đối với Việt Nam kể từ tháng 7/2017. Trong khi đó, mỗi năm ngân sách Việt Nam vẫn phải xuất ra đều đặn khoảng một chục tỷ USD để trả nợ cho quốc tế.

Tuy nhiên nợ công thực tế của Việt Nam đã lên tới 210% GDP, tương đương khoảng 420 tỷ USD, gấp hơn ba lần con số báo cáo chính phủ chỉ chưa đầy 65% GDP. Hiện thời, ngân sách hầu như không còn kết dư và không biết lấy tiền đâu để trả cho rất nhiều khoản nợ trong và ngoài nước.

Giờ đây, giới chóp bu Việt Nam buộc phải quay lại đàm phán về Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA).

TIFA là một hiệp định khung mà Việt Nam đã đàm phán với Mỹ từ năm 2010, nhưng sau đó bỏ dở vì Việt Nam mải chạy theo món lợi lớn hơn là Hiệp định TPP. Chỉ đến đầu năm 2017 khi TPP hầu như tuyệt vọng, Việt Nam mới phải quay lại đàm phán về TIFA như một nỗ lực cuối cùng.

Cho dù vấn đề nhân quyền Việt Nam đã hầu như không được Trump nêu ra trong các cuộc hội đàm với Việt Nam, nhưng sức ép của Quốc hội Mỹ về vấn đề nhạy cảm này vẫn còn nguyên đó, để giới nghị sĩ Mỹ sẽ can thiệp theo chiều hướng bất lợi cho chính thể Việt Nam đối với nhiều vấn đề mà hành pháp Trump phải thông qua Quốc hội, chẳng hạn như bán vũ khí, áp đặt thuế và đặc biệt là Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, nếu hiệp định này có được khơi gợi trở lại.

Không còn cách nào khác, nếu không chịu cải thiện nhân quyền, cải thiện trọn gói chứ không phải lẻ tẻ, cải thiện ngay và cải thiện một cách thực chất, giới chóp bu Việt Nam thậm chí còn có thể không giữ nổi lượng xuất siêu như năm 2016 và 2017 vào thị trường Hoa Kỳ.

Thiền Lâm
(Cali Today News)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét