Bài này được tác giả gửi tới chủ Blog
Biến cố 1963: Mỹ định đánh lừa LHQ!
Lữ Giang
Các tài liệu được Mỹ tiết lộ cho thấy trong biến cố lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963 để đổ quân vào Miền Nam Việt Nam, Mỹ đã đánh lừa Phật Giáo, đánh lừa các tướng lãnh thuộc Quận Lực VNCH, đánh lừa chính phủ Ngô Đình Diệm, đánh lừa công luận Mỹ và thế giới, đánh lừa cả Tòa Thánh Vatican…, và cuối cùng định đánh lừa cả Liên Hiệp Quốc (LHQ)!
Mộ cố tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu
Sở dĩ Mỹ đánh lừa được như vậy vì Mỹ có những hệ thống truyền thông to lớn trong đó nhiều ký giả làm việc cho CIA được cài vào để phổ biến những thông tin lèo lái dư luận theo ý muốn của Mỹ hoặc chơi trò “cả vú lấp miệng em”.
Ký giả Carl Bernstein của tờ Wasington Post, người nổi tiếng trong việc điều tra vụ Watergate, cho biết theo hồ sơ của bộ chỉ huy CIA, trong khoảng 25 năm, có trên 400 ký giả đã được bí mật giao cho thi hành các công tác của CIA. Trong vụ thiêu sống Thích Quảng Đức, ký giả Malcolm Brownecủa CIA làm việc cho New York Times đã đóng vai trò chính, được Thích Đức Nghiệp, một cộng sự viên của CIA, thông báo trước địa điểm và ngày giờ nơi biến cố sẽ xảy ra, để thi hành “sứ mệnh”. Anh ta chứng kiến Thích Quảng Đức đã bị thiêu sống chứ không phải tự thiêu, nhưng vẫn loan tin là tự thiêu! John Mecklin, một ký giả và một nhà ngoại giao của Mỹ đang làm việc tại Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn lúc đó cho biết tấm hình do Malcolm Browne đưa lên “đã có một kết quả gây xúc động về giá trị không thể lường được đối với động cơ của Phật Giáo, trở thành một biểu tượng của những sự kiện quốc gia ở Việt Nam.”
Nhưng việc đánh lừa tổ chức LHQ không phải là chuyện dễ, vì những người đại diện các quốc gia tại đây thường là các nhà chính trị và ngoại giao lão luyện, có khi là một điệp viên, biết rất rõ những trò giàn dựng các biến cố của Mỹ để dựa vào đó hành động, nên trong vụ Phật Giáo năm 1963, ý đồ đánh lừa LHQ của Mỹ đã bị thất bại một cách thê thảm. Đây là một câu chuyện khá ly kỳ và đã trở thành bài học cho các chính phủ hay tổ chức muốn hợp tác với Mỹ.
MỸ MỞ CUỘC VẬN ĐỘNG TẠI LHQ
Để biến LHQ thành một công cụ yểm trợ cho việc Mỹ lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Đại sứ Henry Cabot Lodge đã nhờ ông Senerat Gunewardene, Đại Sứ Tích Lan ở LHQ, một người bạn thân của ông khi làm Đại sứ tại đây, đứng ra vận động các nước Á Phi đưa ra một bản tuyên cáo lên án chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo tại một phiên họp khoáng đại của LHQ.
Tên phù thủy Henry Cabot Lodge bày trò léo lái LHQ.
Qua cuộc vận động của ông Gunewardene và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 20.9.1963 một số nước trong khối Á Phi và Nam Mỹ đã đưa ra bản đề nghị LHQ thảo luận về vấn đề Phật Giáo tại Việt Nam. Đề nghị này đã được chấp thuận và đưa vào nghị trình thảo luận tại diễn đàn LHQ vào ngày 7.10.1963 dưới mục 77. Khi đệ nạp đề nghị này, ông Guanewardene đã lên án chế độ Ngô Đình Diệm rất nặng nề.
Tuy nhiên, chính phủ Ngô Đình Diệm đã trở tay kịp thời. Giáo sư Bửu Hội đã được cử làm Đặc sứ VNCH tại LHQ. Ngày 24.9.1963, Giáo Sư Bửu Hội đến New York, tuyên bố rằng LHQ không thể thảo luận vụ Phật Giáo Việt Nam khi chưa mở cuộc điều tra. Ông gởi cho ông Guanewardene một văn thư đề ngày 4.10.1963 trình bày đề nghị của chính phủ VNCH và nhờ ông ta chuyển đến LHQ.
Ngày 8.10.1963, Giáo sư Bửu Hội ra trước Đại Hội Đồng LHQ trình bày đề nghị của chính phủ VNCH và xin LHQ cử một phái đoàn sang Việt Nam xem xét về vụ Phật Giáo trước khi thảo luận. Mặc dầu có sự thúc đẩy của Hoa Kỳ phải thảo luận gấp, cuối cùng LHQ cũng cho rằng đề nghị của VNCH là hợp lý, nên quyết định hoãn bàn cãi về vụ này và cử một phái đoàn sang Việt Nam điều tra. Phái đoàn điều tra gồm có đại điện của 7 quốc gia sau đây: Afghanistan, Brazil, Costa Rica, Dahomey, Morocco, Ceylon và Nepal.
MỸ XỬ DỤNG KẾ LY GIÁN
Nếu để phái đoàn LHQ đi điều tra kiểu này thì kết quả có thể trái ngược và nhất là không kịp để cuộc đảo chánh xảy ra đúng thời hạn đã định, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nghĩ đến một độc chiêu khác.
Trên đường trở về Việt Nam, Giáo sư Bửu Hội và phái đoàn đã ghé Washington thăm Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ và thông báo một số chỉ thị cần thiết của Tổng Thống. Khi phái đoàn của Giáo Sư Bửu Hội vừa đến Washington thì Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mời Giáo sư Bửu Hội đến nói chuyện. Nhưng khi phái đoàn đến thì Bộ Ngoại Giao bắt phái đoàn phải ngồi ở ngoài, chỉ mời riêng Giáo sư Bửu Hội vào nói chuyện với Thứ Trưởng Averell Harriman, người đang lãnh đạo cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Diệm. Sau cuộc tiếp xúc, Giáo sư Bửu Hội cho phái đoàn biết Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thuyết phục ông tuyên bố chống chế độ Ngô Đình Diệm và hứa sẽ cho làm Thủ Tướng sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ.
Giáo sư Bửu Hội chẳng những không đồng ý mà còn phái một đặc sứ trong phái đoàn về ngay Sài Gòn báo tin cho Tổng Thống Diệm biết. Sau đó, Giáo sư đã đích thân trở về Việt Nam báo cáo mọi việc đã xẩy ra. Khi ông mới đến Saigon, một lá thư lên án ông liền được tung ra và phổ biến cho báo chí. Lá thư ký tên bà Diệu Huệ, thân mẫu của ông. Lúc đó, bà Diệu Huệ đã được đưa đến ở trong chùa Xá Lợi. Khi được báo chí hỏi về lá thư đó, bà Diệu Huệ nói rằng bà không hề viết lá thư đó. Nhưng khi Giáo sư vào thăm bà ở chùa Xá Lợi, người ta xúi bà đừng tiếp!
MỸ TÌM CÁCH NGĂN TRỞ CUỘC ĐIỀU TRA
Nghe tin LHQ đã thành lập một phái đoàn để qua Việt Nam điều tra vụ Phật Giáo, ông Cabot Lodge đánh ngay một công điện cho Washington nói rằng Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Saigon tin rằng chính phủ Saigon “sẽ chống cự kịch liệt quyết nghị cử một đại diện hay một phái đoàn LHQ đến tận nơi để cứu xét về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam”. Sau đó, khi biết chắc phái đoàn đang lên đường đến Việt Nam, ông lại gởi một công điện khác nói rằng “Những người Việt có học thức hân hoan chờ đợi phái đoàn, nhưng phần đông tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ không để cho phái bộ được tự do hành sự”.
Ngày 25.10.1963, Phái Đoàn LHQ đến Saigon, vào thăm xã giao Tổng Thống Ngô Đình Diệm và công bố nhiệm vụ và chương trình làm việc. Ông Cabot Lodge rất lo lắng về chuyện này. Ông lại đánh cho Washington một công điện nữa nói: “Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều lo ngại về khả năng bản phúc trình [của phái đoàn Liên Hiệp Quốc] sẽ thuận lợi cho chính phủ Việt Nam.”
Đặc sứ Bửu Hội đã phản ứng ngược lại. Ông cam đoan với Ngoại Trưởng Rusk rằng việc chính phủ Việt Nam mời phái đoàn LHQ đến điều tra không phải là một kế hoản binh, và phái bộ sẽ được tự do đi bất cứ nơi nào ở Việt Nam và gặp bất kỳ ai họ muốn. Ông Cabot Lodge liền tuyên bố phái đoàn sẽ ngây thơ nếu họ tin như vậy. Theo ông, “chính phủ Việt Nam sẽ không khi nào để cho họ thâu được những tin tức bất lợi cho chính phủ đó.” Sau đó, ông lại đánh điện cho Washington nói rằng các sinh viên đang bị bắt và “tất cả bằng chứng cho thấy rằng chính phủ Việt Nam đang đe dọa đối phương để khép miệng những nhân chứng chống đối và ngăn cản không cho họ đến gặp phái đoàn, và phái đoàn sẽ đi một vòng du lịch theo kiểu Cooks”.
Không như Cabot Lodge đã báo cáo, phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã đi điều tra một cách tự do và gặp bất cứ những ai họ muốn gặp, kể cả những người có tên trong danh sách do Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo cung cấp. Nhờ được điều tra tự do, phái đoàn đã khám phá ra nhiều sự gian dối do CIA và nhóm Phật Giáo đấu tranh đã giàn dựng để đánh gục chế độ Ngô Đình Diệm. Phái đoàn đã ghi nhận các sự kiện và không đưa ra lời kết luận nào.
MỸ TÌM CÁCH ÉM NHẸM KẾT QUẢ ĐIỀU TRA
Cuộc điều tra kéo dài trong hai tuần lễ. Khi phái đoàn đang điều tra thì cuộc đảo chánh xẩy ra, nhưng phái đoàn vẫn làm báo cáo và đệ trình lên LHQ. Bản phúc trình này đã được phổ biến tại diễn đàn LHQ ngày 9.12.1963. Ngày 20.12.1963, Đại Sứ Fernando Volio Jimenez của Costa Rica đã nói với hảng thông tấn NCWC như sau:
“Cảm tưởng của riêng tôi là không có chính sách kỳ thị, áp bức hay khủng bố đối với Phật Giáo trên căn bản tôn giáo. Những khai báo về phương diện này thường là nghe nói, và trình bày một cách mơ hồ và tổng quát.
“Mỗi khi một nhân chứng cố gắng tìm một bằng chứng cụ thể nào để trình Phái Đoàn, rốt cục sự kiện chỉ là một hành vi lẻ tẻ hay cá nhân. Căn cứ trên bằng chứng, chính quyền không có chủ trương chính sách chống Phật Giáo vì lý do tôn giáo.”
Thấy nội dung bản phúc trình đã nói lên những sự bất lợi cho những âm mưu của mình, Đại Sứ Cabot Lodge đã vận động để bản phúc trình này đừng được đưa ra thảo luận tại LHQ. Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ đã trình với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rằng “sự công khai hóa những điều mà phái đoàn điều tra LHQ phát hiện được sẽ gây lúng túng cho chế độ mới ở Saigon gồm những người đã phục vụ dưới thời ông Diệm. Thêm nữa, một cuộc bàn cãi công khai có thể cho thấy rằng chế độ mới này cũng chẳng kém độc tài hơn chế độ cũ và cho Hà Nội và Bắc Kinh thêm một dịp tố cáo chính phủ Hoa Kỳ đính líu vào cuộc đảo chánh.” Do sự vận động khéo léo của Cabot Lodge và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Gunewardene, trưởng phái đoàn điều tra, đã đề nghị xếp luôn hồ sơ vụ này.
NGHỊ SĨ THOMAS DODD ĐÒI ĐƯA RA ÁNH SÁNG
Do sự vận động của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, LHQ đã xếp hồ sơ vụ điều tra chế độ Ngô Đình Diệm vi phạm nhân quyền. Nhưng khi bản phúc trình này được gởi đến cho Thượng Viện Hoa Kỳ, Thượng Nghị Sĩ Thomas Dodd, Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp, đã đọc và khám phá ra những gian dối do CIA đã phối hợp với các nhà đấu tranh Phật Giáo và báo chí dựng lên để đánh sập chế độ Đệ nhất VNCH.
Thượng Nghị Sĩ Thomas Dodd đòi dưa sự thật ra ánh sáng
Ông đã hỏi lại một số nhân vật trong phái đoàn điều tra, rồi viết một văn thư dề ngày 17.2.1964 gởi cho ông James Easland, Chủ Tịch Tiểu Ban Nội An của Thượng Viện, yêu cầu in bản phúc trình này ra và gởi cho các nghị sĩ biết. Trong lá thư đó, ông cũng tố cáo nhân dân Hoa Kỳ đã bị báo chí Hoa Kỳ lừa dối trầm trọng về tình hình quốc ngoại có tính chất cốt tử đối với họ. Trong văn thư có những đoạn như sau:
“Đại Sứ Volio nói với tôi rằng, căn cứ trên những tường thuật mà ông đọc trong báo chí quốc tế, ông đã sẵn sàng bỏ phiếu lên án chế độ Diệm, nhưng khi Diệm mời Liên Hiệp Quốc gởi quan sát viên của chính cơ quan này sang Việt Nam, ông thấy rằng phải nhận lời mời này trước khi Liên Hiệp Quốc chính thức tỏ thái độ.
“Đại sứ nói rằng sau hai tuần điều tra ráo riết tại Việt Nam, ông đi đến kết luận là những lời buộc tội chế độ Diệm tại Liên Hiệp Quốc không có căn bản, không chấp nhận được; ông nghĩ rằng những bằng cớ chất đống không cho thấy rằng có sự kỳ thị về tôn giáo hay xâm phạm tự do tôn giáo.
“Đại Sứ Volio nói với tôi rằng Chính Phủ Diệm đã tận tình hợp tác với Phái Đoàn, cho phép phái đoàn đi bất cứ nơi đâu phái đoàn muốn, và thâu lời khai của tất cả những nhân chứng mà Phái Đoàn thấy cần để ý đến. Ông trích một lời tuyên bố của Bộ Trưởng Ngoại Giao đã đặc biệt xúc động ông: “Chính Phủ không hoàn toàn. Các Bộ Trưởng không phải là thánh. Nhưng chúng tôi sẽ sẵn sàng nghe ý kiến của các ông và cố gắng cải thiện những khuyết điểm của chúng tôi.” Đại Sứ Volio nhấn mạnh rằng đây là lần đầu trong lịch sử Liên Hiệp Quốc mà một Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc được thực hiện một cuộc đều tra tại chỗ về vụ một chính phủ thành viên bị tố cáo vi phạm nhân quyền. Ông nói rằng qua sự mời Liên Hiệp Quốc và hành vi trong thời gian điều tra, Chính Phủ Diệm đã gây cảm tưởng rằng họ sẵn sàng sửa chữa những sai lầm mà họ đã phạm, cũng như họ tin chắc rằng những dữ kiện căn bản sẽ chứng minh rằng họ không có tội.
“Tuy rằng bản phúc trình không đưa ra kết luận chính thức, chúng ta buộc phải nghi ngờ sự xác thực của một số lời khai và tính cách tự phát của loạt tự vận bằng tự thiêu. Bản phúc trình ghi lại với nhiều chi tiết về vụ tự thiêu của một vị sư 19 tuổi. Người này nói với Phái Đoàn rằng ông ta đã được một “đội khuyến khích tự thiêu” chiêu mộ. Họ nói với ông ta rằng Hòa Thượng Chủ Tịch Hội Phật Giáo đã bị giết, hàng trăm Phật tử đã bị dìm chết dưới Sông Sài Gòn, nhiều ni cô đã bị mổ bụng, và Chùa Xá Lợi đã bị đốt cháy. Ông được mời tình nguyện hy sinh tự vận vì Phật Giáo, và được bảo đảm rằng ông ta sẽ được cho thuốc để khỏi đau đớn, và được đưa ba bức thư viết sẵn để ông ký. Ông ta bị cảnh sát bắt vừa kịp để biết được rằng những chuyện độc ác mà ông được nghe hoàn toàn là thất thiệt.
“Phái Đoàn nói rõ rằng họ đã được phỏng vấn một số lãnh đạo và thanh niên Phật Giáo mà người ta đã báo cáo là bị giết. Phái Đoàn không tìm thấy bằng chứng nào xác nhận những báo cáo đã được công bố nói rằng có những vị sư đã bị liệng từ trên các tầng lầu trong vụ Chùa Xá Lợi bị đột kích.
“Tóm tắt, theo ý tôi, một lần nữa nhân dân Hoa Kỳ đã bị một số báo chí của họ lừa dối trầm trọng về một tình hình quốc ngoại có tính chất cốt tử đối với họ.”
BÁO CHÍ HOA KỲ ĐÃ BỊ LÊN ÁN RẤT NẶNG
Nghị Sĩ Thomas Dodd cũng đã đưa ra những lời tố cáo báo chí Hoa Kỳ rất nặng, chẳng hạn như:
“Báo chí Hoa Kỳ có một truyền thống đáng hãnh diện về phương diện tỉ mỹ và khách quan. Thật vậy, không có một nước nào trên thế giới ở đó người ký giả có lương tâm được hết sức tôn kính, hay các ký giả cạnh tranh nhau gắt gao đề dành giải thưởng toàn quốc. Nhưng, tiếc thay, trong một số trường hợp liên hệ đến những vấn đề ngoại giao, nhân dân, Quốc Hội, và ngay cả Chính phủ Hoa Kỳ đã bị một số nhật báo lớn nhất lừa dối với những báo cáo không chính xác…”
“Gần đây hơn, có những tờ báo nói với nhân dân Hoa Kỳ rằng Castro không phải là Công Sản mà là một sự kết hợp giữa Robin Hood và Thomas Jefferson; và kết quả là một chế độ Cộng Sản ở Cuba.
“Nay chúng ta lại là nạn nhân của một trò lừa dối khác, mà hậu quả là Chính Phủ Ngô Đình Diệm đã bị tiêu diệt, gây ra một tình trạng hỗn loạn sẽ làm cho cho sự ngăn chận Cộng Sản chiếm quyền khó khăn hơn.
“Quốc Hội, cũng như nhân dân Hoa Kỳ, lệ thuộc báo chí về tin tức. Ngay cả các nhân viên Chính Phủ cũng rất bị ảnh hưởng bởi những gì mà họ đọc trong báo tuy rằng họ có những nguồn tin tức đặc biệt. Cho nên nói rằng báo chí có vai trò đặt ra chính sách là rất đúng nghĩa.”
BÀI HỌC LỊCH SỬ ĐƯỢC RÚT RA
Mặc dầu đã có lời cảnh cáo của Thượng Nghị sĩ Thomas Dodd, bản phúc trình của phái đoàn Liên Hiệp Quốc vẫn không được in ra và phổ biến cho mọi người biết (chúng tôi đã dịch và sẽ cho in). Điều đáng buồn là sau khi giết hai tổng thống Việt và Mỹ để đổ quân vào Miền Nam bằng mọi giá, Hoa Kỳ lại đem bán Miền Nam cho Trung Quốc sau khi “nghiệp vụ” đã được thực hiện xong. Phật Giáo Việt Nam cũng đã nhận ra rằng “đồng hành” với CIA là “thân tàn ma dại”.
Đối với các quốc gia Á Châu, những lời của ông Sirak Matak, Thủ Tướng Cambodia, gởi Đại Sứ Mỹ John Gunther Dean ngày 12.4.1975, khi Mỹ bỏ chạy khỏi nước này, được coi là một bài học máu, không ai được quên:
“Qúy ngài đã từ chối không bảo vệ chúng tôi nữa, chúng tôi chẳng còn biết làm gì hơn… Nhưng xin ngài nhớ rằng, nếu tôi phải chết ngay ở đây và trên quê hương mà tôi yêu mến, đó là điều bất hạnh, mặc dầu ai đã sinh ra rồi cũng có ngày phải chết. Có điều tôi đã phạm sai lầm này là tin tưởng nơi ngài và nơi những người Mỹ (I have committed this mistake of believing in you, the Americans).
Chúng ta hãy cùng nhau thắp một nén hương cầu cho linh hồn những người đã chiến đấu để bảo vệ đất nước.
Ngày 2.11.2017
Lữ Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét