Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Vụ Đinh La Thăng: Bộ chính trị cũng cần dân chủ

Vụ Đinh La Thăng: Bộ chính trị cũng cần dân chủ
Nếu đảng xem việc xử lý ông Thăng để chứng minh rằng đảng quyết tâm chống tham nhũng- tiêu cực thì tôi tin là nhân dân sẽ hoàn toàn ủng hộ. Nhưng nếu chỉ xử lý mình ông Thăng mà không xử lý các nhân sự cấp cao hơn ông Thăng khi xưa và cả hiện nay thì e rằng nhân dân sẽ không tin tưởng mà chỉ coi đó là thanh trừ phe phái. Lỗi hệ thống thì khi xử phải xử hệ thống, chứ chỉ xử ông Thăng thì khó mà thu phục nhân tâm. Câu hỏi sau cùng là nếu 1 ủy viên Bộ Chính Trị còn có khả năng "hàm oan" thì ai trong đất nước này sẽ có được công bằng và công lý ?

Ngày mai 3/5/2017 trung ương sẽ có phiên họp trù bị chuẩn bị cho Hội Nghị Trung Ương 5 sẽ khai mạc vào trung tuần tháng 5, trong đó có một số nội dung như vấn đề chuẩn bị nhân sự cho đảng, vụ Đồng Tâm và dĩ nhiên nóng nhất vẫn là vấn đề xử lý ông Đinh La Thăng. Việc ông Thăng có sai phạm và sai phạm đến đâu thì là chuyện chúng ta sẽ xem xét, ở đây tôi muốn bàn đến một vấn đề khác xoay quanh chuyện này.

Cũng theo những nguồn tin khác thì thành ủy Sài Gòn vừa gửi cho các ủy viên trung ương đảng một bản kiểm điểm mật với nội dung 20 trang giấy được cho là ông Đinh La Thăng tự làm để gửi Bộ Chính Trị. Nhưng không hiểu sao có chuyện thành ủy Sài Gòn gửi nó đích danh các ủy viên trung ương, dẫn đến ban bí thư phải thông báo thu hồi.

Dĩ nhiên là đảng, hoặc ít nhất là một bộ phận trong đảng thông qua Ủy ban kiểm tra trung ương muốn xử lý ông Thăng và ông Thăng phải tự bảo vệ mình. Dù vô tình hay cố ý, việc bản kiểm điểm của ông Thăng lẽ ra chỉ gửi cho Bộ Chính Trị, đã được gửi đến các ủy viên TW, có lẽ là để "rộng đường dư luận" cho việc thanh minh của ông Thăng về sau.

Với cơ chế đảng pháp đứng trước hiến pháp lâu nay, thì nguy cơ một quan chức nào đó làm sai là luôn luôn có, càng làm lâu càng có nguy cơ sai nhiều và không chỉ ông Thăng. Ngay như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi còn là bí thư thành ủy Hà Nội, cũng bị lùm xùm tai tiếng trong dự án Cinputra.


Giờ đây ông Thăng đã là ủy viên Bộ Chính Trị, hẳn ông càng thấm thía những bài học năm xưa khi ông còn là chủ tịch tập đoàn dầu khí. Với đặc thù mô hình doanh nghiệp nhà nước như ở ta, bất kỳ ủy viên bộ chính trị nào cũng có thể là "tư lệnh tạm thời" để chỉ đạo doanh nghiệp đó theo quan điểm của mình, chứ không chỉ là chính phủ hay lãnh đạo chính phủ hay chỉ có thủ tướng chính phủ mới có quyền chỉ đạo.

Sai phạm của tập đoàn dầu khí Việt Nam và cá nhân ông Thăng một thời gian dài đã bị xếp xó và im ắng trong tất cả các ủy ban của đảng, vậy các cơ quan này phải chịu trách nhiệm gì, và khi đó, những quan chức cấp cao hơn ông Thăng có dính dáng gì hay không ? Và nếu nó được các quan chức cấp cao đó quyết tâm xử lý (như kết luận chỉ đạo của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2010) thì chuyện hôm nay có xảy ra hay không ? Những ai phải chịu trách nhiệm về sai phạm kéo dài và ngày càng lên cao của ông Thăng ?

Nếu đảng xem việc xử lý ông Thăng để chứng minh rằng đảng quyết tâm chống tham nhũng- tiêu cực thì tôi tin là nhân dân sẽ hoàn toàn ủng hộ. Nhưng nếu chỉ xử lý mình ông Thăng mà không xử lý các nhân sự cấp cao hơn ông Thăng khi xưa và cả hiện nay thì e rằng nhân dân sẽ không tin tưởng mà chỉ coi đó là thanh trừ phe phái. Lỗi hệ thống thì khi xử phải xử hệ thống, chứ chỉ xử ông Thăng thì khó mà thu phục nhân tâm.

Nhân dân chỉ tin khi đồng thời với xử lý kỷ luật ông Thăng là những giải pháp đồng bộ công khai, minh bạch với nhân dân và đảng viên cơ sở trong xử lý toàn diện. Xa hơn là việc chọn lựa bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cần phải công khai, minh bạch những thành tích đã đạt được, có chương trình hành động để đạt được các mục tiêu, yêu cầu của cương vị đó, thuyết phục được các đảng viên và quần chúng nhân dân.

Sau khi được giao quyền thì có cơ chế công khai, minh bạch kiểm soát quyền lực, hạn chế sự lạm dụng quyền lực. Vấn đề cuối cùng vẫn là hiến pháp phải đứng trên đảng pháp, là pháp trị, là tư pháp độc lập.

Nói như phát biểu của ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban tuyên giáo trung ương trên báo Tuổi Trẻ là hoàn toàn có cơ sở. Hàm ý " Cái nguy hiểm là nhân dân không tin vào sự xử lý của chính quyền" trong nội dung ông Thưởng nói có được chứng minh là đúng hay không là ở vụ việc Đinh La Thăng này.

Bản kiểm điểm được gửi cho các ủy viên trung ương cũng có thể coi là một lời tự bạch, trần tình và bao hàm "kêu oan" của ông Đinh La Thăng cho thấy chính đảng còn cần dân chủ hơn cả nhân dân. Nếu một quan chức ở cấp tối cao như trong Bộ Chính Trị mà còn cần "tạo nguồn dư luận" để tự bảo vệ mình thì còn ai không cần dân chủ trong đất nước này nữa ?

Tôi hi vọng rằng một bộ phận trong đảng muốn xử lý vụ việc ông Thăng là quyết tâm chống tham nhũng thật chứ không phải vì khác biệt đường lối thân Mỹ hay Trung Quốc như dư luận xì xào bàn tán. Nếu điều đồn đoán là thật thì nguy cơ những đảng viên yêu nước, muốn đảng và VN "gần Mỹ xa Trung" hơn một chút sẽ còn bị xử lý dài dài và không chỉ dừng ở ông Thăng.

Nếu một khi phái thân Mỹ bị xử lý hết thì chúng ta lấy đâu ra đồng minh quân sự - địa chính trị để giúp ta khi Trung Quốc chưa bao giờ có động thái từ bỏ mưu đồ bành trướng như tuyên bố của chủ tịch nước Trần Đại Quang vào đầu năm 2017. Việt Nam lúc này cần cải cách chính trị, cần "đổi mới 2" hơn là cần chống tham nhũng.

Chính trị càng cải cách nhanh chừng nào thì tham nhũng sẽ giảm dần đi chừng ấy, đó mới là cách chống tham nhũng hiệu quả và lâu dài, vì lợi ích nhân dân, chứ không phải giữ nguyên hệ thống nhưng đem dê ra tế thần khi cần thiết.

Câu hỏi sau cùng là nếu 1 ủy viên Bộ Chính Trị còn có khả năng "hàm oan" thì ai trong đất nước này sẽ có được công bằng và công lý ?

Nguyễn An Dân
(FB Nguyễn An Dân)


Aucun texte alternatif disponible.

L’image contient peut-être : une personne ou plus, personnes assises et plein air

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét