'Ông Chung gần như ngày nào cũng vào thăm khi tôi nằm viện'
04/05/2017- Ông Lê Đình Kình chia sẻ Chủ tịch UBND Hà Nội gần như ngày nào cũng vào thăm khi ông nằm viện. Còn ông thì tận dụng cơ hội này để trình bày tâm tư với lãnh đạo thành phố. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công an, Công an Hà Nội và một số đại diện sở, ban, ngành, các đại biểu Quốc hội cũng vào bệnh viện thăm ông.
Ông Lê Đình Kình vui vẻ trò chuyện với phóng viên. Ảnh: Thắng Quang.
Sau hai ngày được ra viện, ông Lê Đình Kình (82 tuổi), đại diện cho người dân của xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã có thể ngồi dậy và tự ăn uống, nói chuyện vui vẻ với người dân đến thăm ông. Nhà ông Kình cách cổng thôn Hoành không xa, hàng ngày có hàng trăm người từ mọi nơi đến thăm hỏi, chia sẻ những câu chuyện vui buồn sau biến cố ở xã Đồng Tâm.Nằm viện là... thời cơ hiếm có
Chia sẻ với Zing.vn, anh Lê Đình Công (con trai ông Kình) cho hay dù đêm ông ngủ ít nhưng ai đến thăm cũng tiếp chuyện. Đã ngoài 80, giọng ông vẫn rất rành mạch khi nói chuyện. “Thời gian nằm viện tôi làm việc còn hiệu quả hơn lúc khỏe mạnh ở nhà”, ông Kình chia sẻ.
Ông Kình cho hay gần như ngày nào ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, cũng vào bệnh viện hỏi han sức khỏe, bàn bạc một số công việc.
"Trước khi xuất viện, tôi nói với anh Chung là chúng tôi rất tin tưởng anh ấy. Người dân chỉ mong tìm được các vị lãnh đạo để trình bày tâm tư nguyện vọng của mình và lần này, rất may đã gặp được Chủ tịch Chung”, ông Kình nói.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công an, Công an Hà Nội và một số đại diện sở, ban, ngành, các đại biểu Quốc hội cũng vào bệnh viện thăm ông.
“Dù nằm viện nhưng tôi cố gắng tận dụng hết thời gian để có thể làm việc. Đây là thời cơ hiếm có, bởi từ trước đến giờ mình chỉ mong gặp được các đồng chí lãnh đạo để trình bày tâm tư nguyện vọng mà không gặp được”, ông Kình vui vẻ.
Cụ ông 82 tuổi cũng rành mạch nhớ lại thời điểm bị bắt, chấn thương xương đùi. Ông nói: "Tôi bị đau lúc 11h ngày 15/4 cho đến khi lên bàn mổ 17h ngày 17/4. Kể cả thời gian đó, tôi lúc nào cũng cố gắng để nói chuyện, trình bày sự việc với lãnh đạo Hà Nội".
Ông nhớ lại lúc xuất viện 16h30 ngày 2/5, nhưng trước đó ông vẫn dành 15 phút trao đổi công việc với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tại bệnh viện.
"Chờ một cái kết đẹp"
Những ngày này niềm tin, nụ cười rạng ngời trở lại với người dân xã Đồng Tâm. Thay những chướng ngại vật, băng rôn thể hiện những bức xúc là khẩu hiệu được người dân treo ngay trước cổng làng: “Toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm luôn luôn tin tưởng vào đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Ông Kình cho biết người dân Đồng Tâm không bao giờ đi ngược lại đường lối và chờ đợi kết quả thanh tra của TP Hà Nội. Ông Lê Đình Ba, Phó trưởng thôn Hoành, cũng khẳng định mong chờ "một cái kết đẹp" sẽ làm rõ được những khúc mắc bao năm nay ở xã Đồng Tâm.
Người dân đến thăm hỏi sức khỏe của ông Kình. Ảnh: Thắng Quang.
Về vấn đề khiếu kiện đất đai, ông Lê Đình Kình cho rằng phải làm rõ được 2 nút thắt của quyết định 551 của Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) về việc thu hồi hơn 50 ha tại sân bay Miếu Môn giao Quân chủng Phòng không không quân quản lý để giao cho Viettel.
Thứ nhất là Quân chủng Phòng không không quân đứng ra bàn giao đất quốc phòng, không phải UBND huyện Mỹ Đức. Thứ hai là Viettel nhận đúng chỗ đất được bàn giao là đất quốc phòng, chứ không phải đất nông nghiệp.
Ông Kình khẳng định đất đai là công thổ quốc gia, do Nhà nước quản lý, giao cho nhân dân sử dụng. Nhà nước cần đến để xây dựng bất kể công trình gì thì cần có quyết định thu hồi.
"Nếu là đất quốc phòng, các anh đưa quyết định thu hồi đất ra người dân chúng tôi sẽ không can thiệp gì cả. Người dân Đồng Tâm chỉ là những người nông dân chân chất, chú tâm chăm chỉ với ruộng đồng. Chúng tôi không tham lam lấn chiếm đất của ai nếu được làm rõ", ông nói.
8 ngày tại điểm nóng Đồng Tâm Sau hơn một tuần, ngày 22/4, lãnh đạo Hà Nội cùng người dân xã Đồng Tâm đã đối thoại và tìm được tiếng nói chung. 19 cán bộ, chiến sĩ được thả.
Ông Lê Đình Kình là một trong 4 người ở xã Đồng Tâm bị Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội bắt giữ ngày 15/4 để điều tra do liên quan vụ án Gây rối trật tự công cộng xảy ra tại địa phương. Nguyên là Bí thư đảng ủy xã, với 60 năm tuổi Đảng, ông Kình được xem là người có tiếng nói và ảnh hưởng lớn đối với dân thôn Hoành (Đồng Tâm).
Người dân Đồng Tâm cho rằng trong lúc bị bắt giữ, ông Kình bị gãy xương đùi, phải vào bệnh viện Việt Đức điều trị. Sau khi phẫu thuật, sức khoẻ cụ ông 82 tuổi chuyển biến tích cực.
Trước đó, vào cuối tháng 3, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Sau khi cảnh sát bắt giữ 4 người, trong đó có ông Kình, người dân Đồng Tâm đã giữ 38 người tại nhà văn hoá thôn Hoành, gồm cán bộ huyện Mỹ Đức và chiến sĩ Công an Hà Nội.
Đến 18/4, 15 chiến sĩ CSCĐ đã được bàn giao cho chính quyền, 3 người tự giải cứu. Hai ngày sau, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ ông Lê Đình Kình.
Ngày 21/4, người dân Đồng Tâm trả tự do ông Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mỹ Đức. Sáng 22/4, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã về xã Đồng Tâm đối thoại với người dân xã này.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có bản cam kết 3 điểm, trong đó có việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân xã Đồng Tâm về vụ việc hôm 15/4.
Sau đó, 19 cán bộ, chiến sĩ còn bị giữ tại nhà văn hoá thôn Hoành đã được thả.
Vụ việc ở Đồng Tâm diễn ra như thế nào?
Khi cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự với nhân dân Đồng Tâm” được đọc to, tiếng vỗ tay vang dội. 19 cán bộ, chiến sĩ rời khỏi nhà văn hóa thôn Hoành sau 7 ngày bị giữ.
Thắng Quang
http://news.zing.vn/ong-chung-gan-nhu-ngay-nao-cung-vao-tham-khi-toi-nam-vien-post743379.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét