Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Những vần thơ chói sáng chất con người

Những vần thơ chói sáng chất con người
08/05/2017 , Tác giả: Thanh Thảo
Hôm nay chúng ta vĩnh biệt một người cách mạng chân chính, một nhà chính trị chuyên nghiệp, và đặc biệt, một nhà thơ. Một nhà thơ với những vần thơ “soi sáng chất con người”. Đó là nhà thơ Việt Phương. Ông tên thật là Trần Quang Huy, một người đã tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, đã ở trong đoàn quân Nam tiến năm 18 tuổi, đã là chính ủy trung đoàn năm 20 tuổi, đã là… Nhưng thơ thì không tuổi, nhà thơ thì không tuổi...
Nhà thơ Việt Phương (1928 -2017)
Tôi còn nhớ, khi tôi còn nhỏ học ở trường học sinh miền Nam Hà Đông, thì Việt Phương là một trong ba diễn giả mà chúng tôi ngưỡng mộ nhất (hai người kia là nhà thơ Xuân Diệu và nhà cách mạng Dương Bạch Mai). Khi đó, mỗi lần Việt Phương vào trường chúng tôi nói chuyện, thì hàng nghìn đứa thiếu niên chen nhau nghe ông nói. Việt Phương là một nhà hùng biện, và đề tài quen thuộc nhất của ông khi diễn thuyết là lý tưởng tuổi thanh niên. Chúng tôi lúc ấy chưa là thanh niên, nhưng đầy những khát khao lý tưởng.

Mãi sau này, khi đã từng trải, đã gặp và chơi thân với ông, tôi mới biết Việt Phương là người thật hiền hậu, thật nhỏ nhẹ. Ông đi nhẹ nói khẽ, và đặc biệt bình đẳng, đặc biệt biết lắng nghe với những bạn bè em cháu lớp sau còn ít tuổi hơn mình. Nhưng con người nhỏ nhẹ ấy đã từng có một tập thơ “Cửa mở” gây chấn động không chỉ làng thơ miền Bắc vào năm 1970, với những bài thơ những câu thơ soi sáng không sợ hãi:

“Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ
Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”
(Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi)
Và: 
Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao
Đó là những câu thơ của “cây sậy mỏng manh”( L.Pascal) biết độc lập tư duy, nhận thức và soi sáng. Dù ngày ấy “cửa” chưa mở ra được, nhưng lớp làm thơ trẻ chúng tôi đã hết sức hào hứng và chia sẻ khi đọc thơ Việt Phương: 
Ta nhìn hết sự xấu xa và bỗng nở nụ cười
Mở đài địch như mở toang cánh cửa
Nghe nó chửi mình mà tin ở ngày mai”
Đó là thơ của một người đầy bản lĩnh, một bản lĩnh có được từ sự thấu suốt trong nhận thức và sự lương thiện trong đời sống.
Ngày Bác Hồ mất, Việt Phương có một bài thơ gây chấn động. Bài thơ ấy mở đầu thật giản dị:
Trời đổ mưa, đi viếng Bác , đồng bào chờ, bị ướt
Bác thương đồng bào, con biết Bác không vui
(Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương)
Trong hàng nghìn bài thơ khóc Bác Hồ ngày ấy, tôi chưa thấy có câu thơ nào bình dị mà thấm thía như câu thơ này của Việt Phương. 
Bản lĩnh, thấu suốt và soi sáng, đó là những phẩm chất cơ bản của thơ Việt Phương. Ông sáng tác không nhiều, càng cẩn trọng khi công bố, nhưng thơ ông mang đủ khí chất của ông, một người “chiến đấu suốt đời vì nhân dân”, như lời một bài hát từ thuở Việt Phương còn là “anh lính Cụ Hồ”.
Vậy mà thơ Việt Phương lại rất trẻ. Tôi nghĩ, nhiều bạn trẻ bây giờ sẽ thích thú khi đọc thơ tình yêu của Việt Phương:
“Anh cố tìm điều dễ ghét trong em
Tìm được rồi, anh càng thấy yêu thêm”
(Anh bắt đầu từ em)
Đó là “yêu nên tốt”, phải không ạ?
Và thơ Việt Phương cũng nói lên rất sớm, từ trước cả mấy mươi năm, điều mà chúng ta bây giờ đang làm: hòa giải và hòa hợp dân tộc, hòa giải cả với “kẻ thù xưa” là Mỹ: 
“Nơi ấy ta có quyền quên đi chẳng nhớ
Những oán thù từng nặng trĩu mỗi nhành hoa”
(Tiếng hát của niềm vui)
Một nhà thơ như thế là một người minh triết. Xin vĩnh biệt ông!
“Anh cố tìm điều dễ ghét trong em
Tìm được rồi, anh càng thấy yêu thêm”
(Anh bắt đầu từ em)
“Đời bật đèn xanh cho sự sống
Ta hồi sinh trong mỗi cái hôn đầu”
(Yêu tình yêu)
Nhà thơ Việt Phương tên thật là Trần Quang Huy, sinh năm 1928 tại Hà Nội. Tham gia Cách mạng từ năm 1945, từng có 53 năm làm Thư ký cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông là tác giả của các tập thơ "Cửa đã mở" (2008), "Bơ vơ đông đảo" (2009), "Cỏ dọc đường trần" (2009), "Nhặt nắng trong sương" (2011), "Sống "(2012), "Lan" (2013) và "Nắng" (2013)...Song tiêu biểu hơn cả, và cũng gắn với cái tên Việt Phương hơn cả là tập thơ "Cửa mở", xuất bản năm 1970. Ngay khi vừa ra đời, "Cửa mở" của Việt Phương đã tạo được tiếng vang như một hiện tượng văn học bởi sự mới mẻ về câu từ và nội dung của nó. Với cách sử dụng loại thơ giàu chất suy tưởng, chiêm nghiệm để nói về những đề tài lớn như Tổ quốc, Nhân dân, Con người, Chiến tranh, Vũ trụ, Tình yêu… tác giả Việt Phương đã mở thêm một cánh cửa cho thơ Việt bấy giờ, để rồi ngay sau đó "Cửa mở" đã nhanh chóng trở thành sách "gối đầu gường" của nhiều bạn yêu thơ thời bấy giờ...Do tuổi cao sức yếu, nhà thơ Việt Phương vừa qua đời vào 8 giờ 50' sáng nay (6/5) tại Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi. 
http://baovannghe.com.vn/nhung-van-tho-choi-sang-chat-con-nguoi-16493.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét