Venezuela đáng lẽ phải giàu có nhưng vì sao lại trở thành một quốc gia thất bại?
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng có câu nói nổi tiếng cảnh báo sự nguy hiểm khi chính phủ mở rộng: “9 từ đáng sợ nhất trong tiếng Anh là: Tôi đến từ chính quyền và tôi đến đây để giúp“. Còn người Venezuela sau gần 2 thập kỷ trải nghiệm chính phủ cánh tả của Đảng Xã hội Chủ nghĩa đã đúc rút được một câu mà họ gọi là định luật Maduro: “Một việc có thể đúng hoặc sai, nhưng đã vào tay chính phủ làm thì chỉ có sai“.
tại Venezuela (Ảnh: opinions.clovisstar.com)
Câu chuyện là như thế này: đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới giờ đây có lúc đã phải đi nhập khẩu dầu mỏ, không cung cấp đủ điện sinh hoạt cho người dân, không nhập được nguyên liệu để nhà máy hoạt động, không mua nổi lương thực hay thuốc men, và thậm chí không có đủ việc làm để cho mỗi công chức có thể đi làm nhiều hơn 2 ngày một tuần.Nói cách khác, ở Venezuela, người ta không còn lo ngại sự sụp đổ của nền kinh tế nữa. Nó đã sụp đổ rồi. Đây là cách mô tả rõ ràng nhất nền kinh tế quốc gia Châu Mỹ này khi Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF dự đoán quy mô kinh tế sẽ suy giảm 8% và lạm phát đạt hơn 1.500% trong năm nay.
Nhưng kinh tế chưa phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là đây là một quốc gia thất bại, một nhà nước trên bờ vực sụp đổ. Trật tự xã hội Venezuela mong manh như một tờ giấy, hiện nước này có tỷ lệ giết người cao thứ hai thế giới, tình trạng cướp phá tràn lan không thể khống chế và chế độ thân Chavez dường như sẽ châm ngòi bạo lực nếu phe đối lập thành công trong việc bãi nhiệm tổng thống Nicolas Maduro. Thảm họa Venezuela là cuộc vật lộn giữa mấp mé lằn ranh của hai kịch bản kinh hoàng: nội chiến hay tình trạng vô chính phủ.Biểu tình và bạo loạn đã trở thành bình thường tại Venezuela (Ảnh: wikipedia)
Venezuela đáng lẽ phải là quốc gia giàu có. Đất nước này có nhiều dầu mỏ hơn Mỹ, Ả-rập-xê-út hoặc bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, quản lý kinh tế yếu kém nhất trong lịch sử nhân loại đã khiến quốc gia này khánh kiệt đến mức mà theo mô tả của Bloomberg là không còn đủ tiền để trả cho chi phí in thêm tiền. Đây là một cách nói khác rằng chính phủ của nó đang hoàn toàn phá sản.
Tại sao Venezuela lại rơi vào tình cảnh này? Thật là oái ăm, một trong những nguyên nhân chính là vì họ có quá nhiều dầu. Gần 2 chục năm trước, nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Venezuela mua lòng trung thành của những người dân nghèo bằng tiền và trợ cấp từ việc bán dầu ồ ạt ra nước ngoài. Sự trung thành của những người Chavista còn được Hugo Chavez đổi bằng đất đai cho nông dân cướp được của địa chủ và các chương trình nhà ở hào phóng có được nhờ quốc hữu hóa các công ty tư nhân. Để đảm bảo cái gọi là bình đẳng cho dân nghèo, họ vươn bàn tay quản lý mọi ngõ ngách của nền kinh tế, quy mô chính phủ phình to và tham nhũng cũng theo đó mà tăng lên.
Được coi là “người anh hùng của dân nghèo” nhưng ông Chavez cũng chẳng khác các lãnh đạo độc tài khác. Ông ta thay thế những người làm được việc bằng những tay chân trung thành trong tập đoàn dầu mỏ nhà nước, xóa bỏ cạnh tranh thị trường bằng cách đuổi các công ty nước ngoài đi. Chính phủ tiêu tiền từ xuất khẩu dầu mỏ nhiều đến mức cuối cùng họ không thúc đẩy việc lọc dầu nữa mà xuất khẩu luôn dầu thô. Quản lý bao cấp, quan liêu yếu kém khiến sản lượng dầu thô Venezuela giảm 25% từ năm 1999 đến 2013.
Nhưng đến mức đó cũng không ngăn được chính phủ phóng túng chi tiêu. Họ tiêu nhiều đến cỡ nào? Các kinh tế gia của Bloomberg nhận định, thậm chí giá dầu bây giờ tăng lên ba con số (vượt trên 100 đô một thùng) cũng không đủ để cân bằng số dư chi tiêu của quốc gia này. Khi hết tiền thì họ làm thế nào? Chính phủ Maduro chọn giải pháp nhanh nhất và cũng gây thảm họa nhất là in tiền. Khi giá dầu hiện đã giảm rất sâu thì họ lại càng phải in nhiều tiền hơn để bù lỗ hổng. Tiền càng in nhiều thì lạm phát càng cao, nay đồng boliavar đã gần như mất hoàn toàn giá trị so với đồng USD. Kể từ đầu năm 2012 đến đầu năm 2017 đồng Boliar, theo tỷ giá thị trường chợ đen, đã giảm 99,1% so với USD.
Nhưng thay vì đối diện với thực tế để thay đổi, Venezuela tiếp tục đi ngược lại các quy luật thị trường. Họ giải quyết vấn đề lạm phát bằng cách nào? Bằng cách tuyên bố “không có lạm phát” và ép buộc các doanh nghiệp phải bán hàng hóa ở một mức giá ổn định. Thực tế Ngân hàng Trung ương Venezuela ngừng công bố tỷ lệ lạm phát từ năm 2015. Tuy nhiên, thực hiện biện pháp này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải bán hàng hóa với giá bán thấp hơn giá vốn, vì thế họ buộc phải đóng cửa không bán hàng, công ty phá sản hàng loạt. Sau đó, chính phủ lại cố gắng khắc phục bằng cách lấy USD từ dự trữ ngoại tệ để cung cấp một cách “có chọn lọc” cho một số công ty với quan điểm là khi có tiền, họ sẽ đầu tư nhập hàng để bán và kích thích nền kinh tế vận hành. Nhưng vấn đề là trong khi các công ty không được trợ cấp không thể tích trữ hàng hóa vì không có lợi nhuận, các công ty được trợ cấp cũng không đủ lợi nhuận để làm vậy vì họ có thể đơn giản là đem đô la Mỹ bán trên thị trường chợ đen rồi thu lợi nhuận nhiều hơn việc nhập hàng rồi bán với mức giá chính phủ yêu cầu.
Kết quả là là các quầy hàng trong siêu thị, cửa hàng tiếp tục trống rỗng, giá cả tăng cao, chính phủ tiếp tục dùng dự trữ ngoai tệ nhập hàng hóa nhỏ giọt, dùng cả quân đội để đảm bảo việc phân phối hàng hóa, trong khi người dân thì xếp hàng dài và chỉ được mua hàng theo những ngày quy định.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi giá dầu thì giảm mà đô la Mỹ dự trữ đang cạn kiệt. Công ty sản xuất bia lớn nhất cả nước vừa thông báo sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy vì họ không có đô la để nhập nguyên liệu. Điều tương tự cũng xảy ra với các nhà máy giấy vệ sinh và hầu như tất cả các công ty sản xuất khác. Venezuela không có nhà máy in tiền của riêng mình, họ phải trả tiền cho các công ty nước ngoài để in tiền. Điều đó tức là họ cần USD chỉ để in ra đồng Bolivar.
Vấn đề ở đây không chỉ là vì ý tưởng tồi tệ đã phá hủy một nền kinh tế mà còn là do hoạch địch chính sách yếu kém của một chính quyền cồng kềnh. Venezuela không bao giờ quan tâm đến hệ thống dự phòng cho các nhà máy thủy điện, vì vậy cả nước phải đối mặt với tình trạng thiếu điện khi một cơn hạn hán khiến mực nước xuống tới mức thấp kỷ lục. Ông Maduro đã buộc phải làm mọi việc để tiết kiệm điện, từ cắt điện luân phiên, hạn chế sử dụng điện tại các trung tâm mua sắm cho đến điều chỉnh múi giờ thêm nửa tiếng để người ta dùng ít điện hơn vào ban đêm và yêu cầu 30% dân số đất nước là những công chức làm việc cho chính phủ chỉ đi làm vào thứ Hai và thứ Ba trong tuần.
Một cách trào phúng, tờ Washington Post mỉa mai rằng việc liệt kê những điều không thất bại ở Venezuela sẽ dễ dàng hơn nhiều vì danh sách đó chỉ có một mục: “không gì cả“. “Điều duy nhất chế độ Chavista làm được tốt là trừng phạt những con dê thế tội, tạo ra nghịch cảnh và đói nghèo“, tờ báo Mỹ viết.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng có câu nói nổi tiếng cảnh báo sự nguy hiểm khi chính phủ mở rộng: “9 từ đáng sợ nhất trong tiếng Anh là: Tôi đến từ chính quyền và tôi đến đây để giúp“. Còn người Venezuela sau gần 2 thập kỷ trải nghiệm chính phủ cánh tả của Đảng Xã hội Chủ nghĩa đã đúc rút được một câu mà họ gọi là định luật Maduro: “Một việc có thể đúng hoặc sai, nhưng đã vào tay chính phủ làm thì chỉ có sai“.
Liên Hương
Xem thêm:
Venezuela: Đế chế dầu mỏ sụp đổ vì quốc hữu hóa để cào bằng
Venezuela: Hành hình vô chính phủ và bạo lực dâng cao
Khủng hoảng Venezuela: 26 người chết, chính phủ kêu gọi đối thoại
http://trithucvn.net/the-gioi/venezuela-dang-le-phai-giau-co-nhung-vi-sao-lai-tro-thanh-mot-quoc-gia-bai.html?utm_content=bufferbaf69&utm_medium=social&utm_source=facebook.com&utm_campaign=buffer
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét