Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

VN không thể trở thành quốc gia công nghiệp ?

Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp - Nhiệm vụ bất khả thi?
“Tất cả những qui định của nghị định 41 của ông Tấn Dũng ký làm nảy sinh chuyện sở hữu chéo ngân hàng, nảy sinh chuyện cho vay lòng vòng, những doanh nghiệp nhà nước đầu tư lung tung. Tất cả những chuyện đấy đẩy lên một cơn khát ngân hàng, làm cho rất nhiều ngân hàng bé tí như con ễnh ương được thổi lên như con voi. Và nó thu hút một lượng vốn rất là khổng lồ, thu hút một lượng người làm khổng lồ. Và như vậy các ông ấy trở thành các đại gia, nhưng thực sự các ông ấy là những con nợ đầm đìa, và chuyện ấy dẫn đến rủi ro rất là lớn.
Anh Nguyễn Phương Hùng, chủ một cơ sở hàn, 
tiện ở phố Lò Rèn, Hà Nội đang làm việc hôm 8/12/2016.
Trong nhiều năm qua, các tuyên bố, nghị quyết của đảng cộng sản và nhà nước Việt nam hay nhắc đến mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia công nghiệp vào năm 2020.


Trong một bài trả lời phỏng vấn dành cho Thông tấn xã nhà nước Việt Nam mừng xuân Đinh Dậu, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng lặp lại rất nhiều điểm trong bài phát biểu tổng kết hội nghị trung ương đảng cộng sản Việt Nam lần thứ tư của khóa 12 hồi tháng 10 năm 2016. Trong đó ông dành khoảng một phần ba thời lượng nói về công tác chống tham nhũng và chỉnh đốn đảng. Ông cũng có nói đến chuyện cơ cấu lại nền kinh tế để quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phấn đấu đưa Việt Nam thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh hiện sống ở Hà Nội nhận định:
“Tôi không thấy có cái ý gì cải cách mạnh mẽ ở đây cả. Điều ông ấy tập trung nói ở đây là chống tham nhũng và xây dựng đảng. Có lẽ đấy là trọng điểm, còn tình hình kinh tế thì ông ấy nói có mặt tiến bộ, có mặt khó khăn, thậm chí ông ấy dùng cả chữ nghiêm trọng. Nhưng tôi không thấy có một điều gì đó gọi là cải cách mạnh mẽ.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc cần phải làm hiện nay là tái cơ cấu lại nền kinh tế, giảm bới gánh nặng chi phí.
Cổ phần hóa và tư nhân hóa
Trong vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện sống và làm việc ở Hà Nội, bao gồm việc tìm kiếm các loại công nghệ hiện đại, chuyển nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, và một điều quan trọng nữa là chú trọng phát triển kinh tế tư nhân.
Vấn đề của Việt Nam mình là mình bị kẹt trong học thuyết xã hội chủ nghĩa.
-Ông Bùi Kiến Thành
Trong các diễn từ của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều có đề cập đến việc phát triển kinh tế tư nhân. Người đứng đầu chính phủ là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói đến lĩnh vực tư nhân trong bài phát biểu của ông tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tháng 12 năm 2016.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì đảng cộng sản Việt Nam vẫn coi trọng nền kinh tế nhà nước, và điều này đã được ghi trong cương lĩnh của đảng ở đại hội 12 đầu năm 2016. Do vậy thay vì tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước để phát triển thành phần kinh tế tư doanh, từ nhiều năm nay nhà nước của đảng cộng sản Việt Nam lại đề ra việc cổ phần hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước mua các cổ phần qua lại với nhau, giữ thế thượng phong của nền kinh tế quốc doanh. Chuyên gia kinh tế quá cố người Việt ở nước ngoài là ông Phạm Văn Thuyết cho rằng sở dĩ Việt Nam làm như vậy là do ý thức hệ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành làm rõ hơn điều này:
“Vấn đề của Việt Nam mình là mình bị kẹt trong học thuyết xã hội chủ nghĩa. Cho nên không dùng chữ tư nhân hóa, mà dùng chữ cổ phần hóa là về từ ngữ. Nhưng không chỉ thế mà thôi. Chữ cổ phần hóa hàm ý nhà nước không tư nhân hóa các doanh nghiệp, tức là nhà nước còn giữ cổ phần chi phối các doanh nghiệp đấy, chỉ bán ra thành phần nào thôi của doanh nghiệp, không quá 49% để giữ thành phần chi phối trong doanh nghiệp. Đó là một phương án nhiều năm qua không có hiệu quả.”
Ông Bùi Kiến Thành nói thêm rằng không nên quan niệm nền kinh tế là của nhà nước, mà là của nhân dân, do những cá thể nhân dân và doanh nghiệp tư nhân thực hiện, nhà nước chỉ làm những công việc mà lĩnh vực tư nhân không làm mà thôi.
Cải cách ngân hàng
000_Hkg5704712-400.jpg
Ảnh minh họa tại một văn phòng giao dịch ngân hàng Vietcombank. AFP photo
Trong bài phát biểu với báo chí của ông Nguyễn Phú Trọng dài gần ba trang báo chỉ có một lần duy nhất nhắc đến việc cải tổ thị trường tài chính, nhưng đây là là điều quan tâm số một của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, khi ông cho rằng Việt Nam cần có một chính sách tiền tệ rõ ràng hơn để cải tổ nền kinh tế. Ông nói với chúng tôi:
“Vấn đề tái cấu trúc ngành ngân hàng là việc cấp bách cần phải làm. Việc này đã đặt ra hồi năm 2012, tới giờ đã năm năm rồi mà chúng ta chưa có một bước tiến nào thật sự. Vì vậy vấn đề chỉnh đốn lại ngành ngân hàng là việc cấp bách cần phải làm. Hiện nay chúng ta chưa thực sự thấy một chính sách khả thi và quyết liệt đối với vấn đề chỉnh đốn hệ thống ngân hàng.”
Liên tục trong mấy năm qua, Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều vụ bê bối trong ngành ngân hàng. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một doanh nhân thành đạt có hiểu biết nhiều về lĩnh vực ngân hàng cho biết là hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay là kết quả của một quyết định sai lầm về chính sách của chính phủ Việt Nam từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
“Tất cả những qui định của nghị định 41 của ông Tấn Dũng ký làm nảy sinh chuyện sở hữu chéo ngân hàng, nảy sinh chuyện cho vay lòng vòng, những doanh nghiệp nhà nước đầu tư lung tung. Tất cả những chuyện đấy đẩy lên một cơn khát ngân hàng, làm cho rất nhiều ngân hàng bé tí như con ễnh ương được thổi lên như con voi. Và nó thu hút một lượng vốn rất là khổng lồ, thu hút một lượng người làm khổng lồ. Và như vậy các ông ấy trở thành các đại gia, nhưng thực sự các ông ấy là những con nợ đầm đìa, và chuyện ấy dẫn đến rủi ro rất là lớn.”
Đất đai và nông nghiệp
Tất cả những qui định của nghị định 41 của ông Tấn Dũng ký làm nảy sinh chuyện sở hữu chéo ngân hàng, nảy sinh chuyện cho vay lòng vòng, những doanh nghiệp nhà nước đầu tư lung tung.
-Ông Nguyễn Quang A
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vào ngày 8 tháng giêng năm 2017, tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn cho đăng bài viết so sánh sự thành công của ngành nông nghiệp hàng hóa ở Cam Phu Chia và sự thất bại của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Tác giả của bài báo là Công Minh ghi nhận nguyên nhân quan trọng nhất cản trở nền nông nghiệp Việt Nam phát triển chính là qui định nhà nước nắm quyền sở hữu đất đai. Ông Bùi Kiến Thành bình luận về việc này:
“Đất đai của Việt Nam bây giờ là đất đai của toàn dân do nhà nước quản lý. Việc này là việc lỗi thời. Tự nhiên chính phủ quản lý hết đất đai của nhân dân là như thế nào? Đó là cái cách để nhà nước làm chủ đất của toàn dân, và không hợp lý. Vì vậy đến lúc nào đó cần cải tổ luật đất đai. Đất là của nhân dân, thì quyền sở hữu cũng là của nhân dân, quyền quản lý là của nhân dân, chứ không thể nào đất là của toàn dân mà nhà nước quản lý được. Việc này là một việc lớn mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Trong thời gian tới phải thực hiện việc trả đất cho người dân, nhà nước không thể tiếp tục quản lý nó mãi. Việc nhà nước quản lý đất đai biến ra thành rất nhiều tệ nạn.”
Tuy nhiên việc sửa đổi này theo chuyên gia quá cố Phạm Văn Thuyết, rất khó thực hiện ở Việt Nam trong tương lai gần vì những rào cản về ý thức hệ. Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại cho rằng đằng sau cái vỏ bọc ý thức hệ đó lại là các nhóm lợi ích khác nhau muốn duy trì tình trạng hiện nay để trục lợi.
Đến năm 2020
Trở lại quyết tâm của ông Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản Việt Nam đưa đất nước sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhận định về mục tiêu này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cho biết:
“Nhà nước đặt mục tiêu đến 2020, bây giờ đã là 2017 rồi, chúng ta đi rất chậm, rất trễ. Công nghiệp của Việt Nam hiện nay chưa thực sự là hiện đại hóa. Chúng ta còn sử dụng nhiều phương thức sản xuất cũ kỹ. Công nghệ của Việt Nam rất là chậm tiến. Cho nên trong những năm sắp tới làm sao phải đi nhanh hơn nữa.”
Không biết có phải vì lý do đã quá trễ như vậy cho nên trong bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng không thấy đề cập đến mốc thời gian 2020 nữa. Chuyên gia Bùi Kiến Thành thì nói rằng Việt Nam bắt đầu đổi mới cách đây đã hơn 30 năm, cần phải đi nhiều bước từ một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sang một nền kinh tế tự do, và các bước đi ấy là quá chậm chạp.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/idustrialized-impossible-kh-01112017061959.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét