Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Việt Nam: 'Đừng đòi hỏi đạo đức' ở các doanh nghiệp

Việt Nam: 'Đừng đòi hỏi đạo đức' ở các doanh nghiệp
"Việc tận dụng cơ chế sở hữu tài nguyên là toàn dân, sở hữu nguồn nước đập thủy điện cũng toàn dân để biến sở hữu toàn dân đó bằng một giá rất rẻ chuyển thành sở hữu tư nhân thì chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc thì mới có thể làm giàu nhanh được. "...Với cơ chế ở Việt Nam rõ ràng cơ hội làm giàu hơn là đầu tư ra nước ngoài," ông Quân nói.

Nhiều 'đại gia' Việt Nam làm giàu từ kinh doanh bất động sản 
Nhận xét về một phát biểu gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với dự án xây dựng chung cư ở Giảng Võ, ông Nguyễn Quang A nói trong thảo luận hôm 05/11 của BBC Tiếng Việt rằng, ông thấy "hơi lạ" với câu hỏi của đương kim Thủ tướng.

Trong phiên họp Chính phủ hôm 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới công trình cao ốc dự tính xây ở nơi từng là Trung tâm Triển lãm Giảng Võ và đặt câu hỏi: "Ai cho phép xây cao ốc 50 tầng ở Giảng Võ?".

Ông Phúc nhấn mạnh: "Không có một lý thuyết quy hoạch nào mà tại Trung tâm Giảng Võ lại xây dựng chung cư 50 tầng, với mấy nghìn căn hộ, làm sao chịu được?".

Tôi nghĩ cái đáng lên án là lên án những người đương chức đương quyền, còn bản thân các doanh nghiệp họ chạy theo lợi nhuận, đừng đòi hỏi họ là phải có đạo đức, phải thế này thế kia. Nguyễn Quang A, Nhà quan sát

Nhà quan sát Nguyễn Quang A nhận xét: "Lúc đó ông ấy đang làm Phó Thủ tướng thường trực, thì phải đặt câu hỏi xem là: Phó thủ tướng thường trực lúc đấy là ai mà không biết?


"Tôi nghĩ cái đáng lên án là lên án những người đương chức đương quyền, còn bản thân các doanh nghiệp họ chạy theo lợi nhuận, đừng đòi hỏi họ là phải có đạo đức, phải thế này thế kia.

"Vì họ chạy theo lợi nhuận và nếu mà họ có thể lũng đoạn được, mua chuộc được giới quan chức thì họ sẵn sàng làm, thì điều đáng chê trách nhất là thể chế này, chế độ này, quan chức đã tạo điều kiện cho sự lũng đoạn chính sách như thế và cái đó một số người gọi là tham nhũng chính sách."

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Quân, Tiến sỹ và là doanh nhân từ Ba Lan cho rằng cũng cần công nhận đóng góp của các doanh nghiệp bất động sản trong việc thay đổi diện mạo đô thị và cung cấp các dịch vụ như siêu thị, trường học, bệnh viện, bãi đỗ xe.

"Nhưng khu đô thị ở Triển lãm Giảng Võ xây đến 8 tòa nhà 50 tầng thì tôi quả thực thấy hoảng sợ. Tôi không đả phá hay ghét bỏ bất cứ doanh nghiệp nào và tôi đánh giá cao sự đóng góp của họ cho xã hội, nhưng điều rất đáng tránh là xây dựng chung cư cao cấp nội đô, mà hiện nay đều đang quá tải."

Tư duy 'đánh quả'

Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về khả năng cạnh tranh ở nước ngoài của các 'đại gia' Việt Nam, doanh nhân, ông Trần Quốc Quân phân tích, với các doanh nhân bất động sản tận dụng được cơ chế ở Việt Nam, cơ hội làm giàu trong nước lớn hơn là đầu tư ra nước ngoài.

Khách mời từ Ba Lan nói trong Bàn tròn thứ Năm rằng, nếu các doanh nghiệp mang tài sản ra nước ngoài, thì có lẽ động lực là "vì một mục đích khác".

"Việc tận dụng cơ chế sở hữu tài nguyên là toàn dân, sở hữu nguồn nước đập thủy điện cũng toàn dân để biến sở hữu toàn dân đó bằng một giá rất rẻ chuyển thành sở hữu tư nhân thì chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc thì mới có thể làm giàu nhanh được.

"...Với cơ chế ở Việt Nam rõ ràng cơ hội làm giàu hơn là đầu tư ra nước ngoài," ông Quân nói.



Đồng ý với quan điểm trên, ông Quang A, người cũng từng kinh doanh ở Việt Nam cho rằng nhiều đại gia bất động sản "hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh nếu ra bên ngoài" do nhiều doanh nghiệp giàu lên nhờ "ăn chênh lệch địa tô" - không mấy phổ biến bên ngoài Việt Nam.

"Nhưng nếu những người kinh doanh ấy thực sự có đầu óc kinh doanh, họ tận dụng cơ hội của họ là đã có lưng vốn rất lớn rồi, thì họ có thể nhảy sang các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin hay công nghệ cao thì họ có khả năng tiến nhanh.

"Còn với tư duy đánh quả, tận dụng cơ hội móc ngoặc với quan chức nhà nước thì sẽ không bao giờ lớn lên được."

Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình Hồng Nga về việc liệu bao giờ Việt Nam sẽ có những sáng chế, công ty khởi nghiệp vươn tầm thế giới, ông Quang A nói điều đó "hoàn toàn tùy thuộc vào bản thân những người Việt Nam chúng ta.

"Để có những người thành tỷ phú đô la, triệu phú đô la bằng tài năng riêng của mình, tôi nghĩ rằng ở Việt Nam không thể làm được.

"Nhưng với thế giới mở, với sự hội nhập, họ vẫn có thể ngồi ở Việt Nam mà làm ăn ở khắp thế giới, khả năng đó vẫn có với công nghệ, nhất là công nghệ thông tin hay những ngành mũi nhọn như công nghệ sinh học, công nghệ nano, với những người biết nắm bắt."

'Mừng cho người giàu'


Ông Phạm Nhật Vượng về Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sau một thời gian làm ăn ở Ukraine

Tiến sỹ Nguyễn Quang A tỏ ra không quá ngạc nhiên trước thông tin hơn một nửa số người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, và nói đây là "điều rất đáng mừng".

"Dư luận quá ồn ào có thể là về chuyện bất công về chuyện làm giàu quá nhanh, nhưng càng nhanh càng tốt chứ sao?

"Có thể người ta e ngại về sự bất công. Tôi nghĩ đó là tàn dư của một thời mà người ta vinh danh khẩu hiệu rằng không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng. Tôi lại nghĩ chỉ sợ thiếu thôi, còn bản thân cuộc sống là không công bằng.

"Bây giờ chúng ta cố gắng làm sao để bớt cái bất công bằng ấy đi mà thôi, những chuyện khác tính sau. Tôi nghĩ là càng nhiều tỷ phú ở Việt Nam càng tốt, tôi chỉ mong là các tỷ phú ấy làm ăn một cách đường hoàng và nghĩ đến trách nhiệm xã hội của mình."

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét