HỘI NGHỊ NHÀ CHUNG
CƯ N03T8, KHU NGOẠI GIAO ĐOÀN, PHƯỜNG XUÂN TẢO,
QUẬN BẮC TỪ LIÊM HÀ
NỘI
|
CỘNG HOÀ
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày tháng 01 năm 2016
|
|
|
|
QUY CHẾ
BẦU BAN QUẢN TRỊ NHÀ CHUNG CƯ N03T8
KHU NGOẠI GIAO ĐOÀN, PHƯỜNG XUÂN TẢO
QUẬN BẮC TỪ LIÊM, HÀ NỘI
Điều 1. Cơ sở pháp lý
Quy chế tổ chức bầu Ban quản trị nhà chung cư N03T8 khu
Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội (sau
đây gọi tắt là Quy chế) được ban hành dựa trên các cơ sở pháp lý sau:
1. Luật nhà ở số
65/2014/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2014 ;
2. Nghị định số 99/2015/NĐ-CP
ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở ;
3. Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây
dựng về Nội quy quản lý, sử dụng nhà
chung cư ;
4. Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn
thành phố Hà Nội (Ban hành kèm theo
Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban Nhân dân
Thành phố Hà Nội) ;
5. Nội quy quản lý và sử dụng nhà chung cư NO3T8 đã được
Hội nghị nhà chung cư N03T8 ban hành,
6. Quy chế tổ chức Hội nghị nhà chung cư N03T8 đã được
Hội nghị nhà chung cư N03T8 ban hành.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trừ khi được định nghĩa khác, các từ ngữ dùng trong Quy
chế này cũng có nghĩa như được định nghĩa tại Điều 1 Nội quy quản lý và sử
dụng nhà chung cư NO3T8 đã được Hội nghị nhà chung cư N03T8 ban hành.
Điều 3. Mục đích ban hành
Quy chế này được ban hành nhằm
các mục đích sau :
1. Làm cơ sở để Hội nghị nhà chung cư bầu Ban quản trị nhà chung cư;
2. Đảm bảo mọi quyền và lợi ích hợp pháp của Chủ sở hữu và
Người sử dụng căn hộ trong nhà chung cư;
3. Đảm bảo dân chủ, minh bạch, công khai trong toàn bộ
quá trình bầu Ban quản trị nhà chung cư.
Điều 4. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định về việc tổ chức bầu, thành lập
Ban quản trị nhà chung cư N03T8 khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận
Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là Ban quản trị).
2. Quy chế này quy định quyền và trách nhiệm của mọi cư
dân, của Chủ đầu tư và của các Tổ chức, Cá nhân khác có liên quan trong việc bầu
Ban quản trị nhà chung cư, đảm bảo thực hiện được các mục đích nêu tại điều 3,
Quy chế này.
3. Tùy theo nhu cầu
thực tế, Quy chế này có thể được Hội nghị nhà chung cư sửa đổi hay điều chỉnh
cho phù hợp.
Điều 5. Đối tượng áp dụng
Quy chế này được áp dụng đối với các thành viên Ban quản
trị, các Chủ sở hữu, Người sử dụng căn hộ, Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành,
đơn vị bảo trì và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý và sử dụng
bất kỳ diện tích nào trong nhà chung cư N03T8.
Điều 6. Số lượng thành viên
1. Hội nghị nhà chung cư bầu thành viên Ban quản trị gồm 05 thành viên, gồm:
01 thành viên là Đại diện Chủ đầu tư (Công ty cổ phần xây
dựng số 2), do chủ đầu tư chọn không qua bầu cử (trong trường hợp chủ đầu tư
còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư).
04 thành viên là Đại diện các chủ sở hữu khác của nhà chung
cư, do Hội nghị nhà chung cư bầu.
2. Ban quản trị gồm Trưởng ban và 01 Phó trưởng ban trong
số các thành viên Ban Quản trị.
3. Hội nghị nhà chung cư bầu Trưởng ban quản trị. Trường
hợp Trưởng ban là đại diện của chủ đầu tư thì Phó trưởng ban là một người khác
đại diện cho các cư dân do Hội nghị nhà chung cư bầu. Nếu Trưởng ban không phải
là đại diện của chủ đầu tư thì Phó trưởng ban là đại diện của chủ đầu tư và do
chủ đầu tư quyết định.
4. Nhiệm kỳ của Ban quản trị nhà chung cư là 03 năm kể từ
ngày UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành Quyết định công nhận.
Điều 7. Nguyên tắc bầu cử
a) Việc bầu cử Ban quản
trị được thực hiện theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng và bỏ phiếu kín.
b) Người trúng cử vào
Ban quản trị phải được sự đồng ý của trên 50% số phiếu bầu ;
c) Trong trường hợp số
người đạt số phiếu bầu quá một nửa nhiều hơn số lượng cần bầu thì những người
trúng cử là những người có số phiếu cao hơn.
d) Trong trường hợp
cuối danh sách trúng cử có nhiều người bằng phiếu nhau và nhiều hơn số lượng
cần bầu, thì quyết định cuối cùng thuộc về phiếu biểu quyết của Chủ tịch
Hội nghị.
đ) Nếu bầu một lần chưa
đủ số lượng quy định, có bầu tiếp hay không do Hội nghị quyết định. Danh sách
bầu cử lần sau phải có số dư lấy theo kết quả bầu cử lần trước từ cao xuống
thấp của những người chưa trúng cử.
Điều
8. Hình thức bầu cử
1. Hình thức bỏ phiếu kín được thực hiện trong các trường
hợp:
a) Bầu các thành viên Ban quản trị.
b) Bầu Trưởng và Phó trưởng Ban quản trị.
2. Hình thức biểu quyết giơ tay được thực hiện trong các
trường hợp:
a) Bầu các cơ quan điều hành, giúp việc Hội nghị (đoàn
chủ tịch, ban thư ký, chủ tịch hội nghị, ban thẩm tra tư cách, ban kiểm
phiếu...).
b) Thông qua số lượng thành viên Ban quản trị ;
c) Thông qua danh sách bầu cử.
Điều
9. Hội nghị nhà chung cư trù bị
Trước khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư bầu
Ban quản trị mới, Ban quản trị tổ chức Hội nghị trù bị hoặc Hội nghị Ban quản
trị và các đại diện tầng với sự tham gia của các Chủ sở hữu và Người sử dụng
(gọi tắt là Hội nghị trù bị) nhằm mục đích:
1. Thống nhất chương trình làm việc của Hội
nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị, bầu đoàn chủ tịch, ban thư ký, ban kiểm
phiếu và ban thẩm tra tư cách dự
Hội nghị; Chủ tịch Hội nghị, Trưởng ban thư ký,
Trưởng ban kiểm phiếu và Trưởng ban thẩm tra tư cách của Hội nghị.
2. Thống nhất thành phần tham gia, danh
sách các cá nhân, tổ chức được mời tham gia.
3. Thống nhất danh sách giới thiệu ra Hội
nghị chính thức để bầu vào vị trí thành viên của Ban quản trị;
4. Thống nhất thể thức kêu gọi và tổ chức,
phân công vận động Chủ sở hữu và Người sử dụng nhà chung cư tham gia Hội nghị
nhà chung cư.
5. Các nội dung khác căn cứ theo đề xuất
của các Chủ sở hữu và Người sử dụng.
Điều 10. Cách thức tiến hành Hội nghị bầu
Ban quản trị
1. Thành phần tham dự
a) Các khách mời theo quyết định của Hội nghị nhà
chung cư trù bị (nếu có);
b) Đại diện Chủ sở hữu đã nhận bàn giao, hoặc người đang
sử dụng hợp pháp căn hộ hoặc phần diện tích của chủ sở hữu ;
c) Đại diện chủ đầu tư (nếu chủ đầu tư còn sở hữu diện
tích trong nhà chung cư),
d) Đại diện đơn vị quản lý vận hành;
đ) Đại diện của Ủy ban nhân dân cấp phường.
e) Các thành phần khác theo quyết định của Hội nghị nhà
chung cư trù bị (nếu có)
2. Thời gian
a) Hội nghị nhà chung cư được tổ chức vào ngày thứ bảy
hoặc chủ nhật để đảm bảo các thành phần tham dự đều có thể tham gia hội nghị.
b) Thông báo mời họp phải được Ban quản trị gửi tới các
thành phần tham dự trong thời gian ít nhất 02 tuần trước khi tiến hành hội nghị
bằng đường bưu điện, trao tay, thư điện tử hoặc các hình thức phù hợp khác.
Điều 11. Nhiệm vụ của các bộ phận giúp việc tại Hội nghị
1. Nhiệm vụ của Ban
quản trị
a) Chuẩn bị các vấn đề về nhân sự tham gia Hội nghị, đề
án nhân sự Ban quản trị và các bộ phận giúp việc tại Hội nghị, kế hoạch tổ chức
Hội nghị.
b) Tiếp nhận hồ sơ ứng cử, đề cử vào Ban quản trị (gửi
đến trước khi Hội nghị chính thức khai mạc chậm nhất là 15 ngày) để có thời
gian thẩm tra và chuyển Đoàn chủ tịch báo cáo Hội nghị xem xét, quyết định.
c) Quyết định và thông báo thời gian khai mạc Hội nghị
trước 30 ngày.
d) Cung cấp tài liệu cho Ban thẩm tra tư cách về thẩm
quyền dự Hội nghị và đủ tư cách để được bầu làm thành viên Ban quản trị.
đ) Cung cấp tài liệu cho Đoàn chủ tịch để trả lời các vấn
đề chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư yêu cầu liên quan đến các ứng cử
viên.
e) Chuẩn bị tài liệu cho Ban quản trị mới được bầu để bầu
các chức danh lãnh đạo Ban quản trị.
2. Nhiệm vụ của đoàn chủ
tịch, ban thư ký, ban kiểm phiếu, ban thẩm tra tư cách, Chủ tịch Hội nghị, Trưởng ban thư ký, Trưởng ban kiểm
phiếu và Trưởng ban thẩm tra tư cách được quy định trong quy chế họp Hội
nghị nhà chung cư.
Điều 12. Điều kiện ứng cử hoặc đề cử vào Ban Quản
trị
1. Cá nhân thoả mãn những điều kiện sau được
quyền ứng cử hoặc đề cử làm thành viên Ban Quản trị:
a) Là chủ sở hữu hợp pháp phần sở hữu riêng
trong nhà chung cư và trực tiếp sống hoặc làm việc thường xuyên trong nhà chung
cư;
b) Có sức khỏe và đầy đủ năng lực hành vi dân
sự;
c) Có quỹ thời gian, uy tín để tham gia công
tác của Ban quản trị;
d) Đối tượng ưu tiên là những người có kiến
thức về lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, cơ điện, nước, tài chính, pháp
luật ; có kinh nghiệm trong quản lý vận hành nhà chung cư; thường xuyên
quan tâm và có trách nhiệm với nhà chung cư.
2. Cá nhân trong những trường hợp sau không
được quyền ứng cử hoặc đề cử làm thành viên Ban Quản trị:
a) Cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; vợ, chồng; con,
con nuôi; anh, chị, em ruột của thành viên khác trong Ban quản trị;
b) Đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị
tòa án cấm hành nghề kinh doanh;
c) Đã bị kết án về các tội xâm phạm an ninh
quốc gia, xâm phạm sở hữu, các tội phạm về quản lý kinh tế mà chưa được xóa án
tích;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp
luật.
Điều 13.
Quyền và thủ tục ứng cử
1. Quyền ứng cử vào Ban quản trị được thực hiện trước
hoặc tại Hội nghị nhà chung cư trù bị;
2. Chủ sở hữu có quyền tự ứng cử vào vị trí thành viên
trong Ban quản trị;
3. Chủ sở hữu tự ứng cử trước Hội nghị trù bị gửi hồ
sơ tự ứng cử đến Ban quản trị. Ban quản trị có trách nhiệm chuyển đến Đoàn chủ
tịch Hội nghị trù bị.
4. Chủ sở hữu tham gia Hội nghị trù bị ứng cử trực tiếp
tại Hội nghị bằng cách gửi hồ sơ tự ứng cử đến Đoàn chủ tịch Hội nghị trù bị.
5. Hồ sơ tự ứng cử gồm:
a) Đơn ứng cử.
b) Bản khai lý lịch, trong đó nêu
rõ các kinh nghiệm liên quan đến công tác quản trị chung cư (nếu có);
c) Bản sao công chứng xác định quyền sử hữu hợp pháp một
phần diện tích trong nhà chung cư
d) Bản cam kết về tình trạng sức khỏe và thoả mãn những
điều kiện nhân sự được quy định tại điều 12 của Quy chế này.
đ) 02 ảnh chụp cỡ 4 x 6 cm.
6. Ban quản trị có trách nhiệm phối hợp với ban thẩm tra tư cách kiểm tra tính hợp lệ của hồ
sơ và tư cách của người ứng cử, trình Hội nghị nhà chung cư chính thức quyết
định.
Điều
13. Quyền và thủ tục đề cử
1. Quyền đề cử nhân sự vào Ban quản trị được thực hiện
trước hoặc trực tiếp tại Hội nghị nhà chung cư trù bị;
2. Đề cử được áp dụng trong các trường hợp sau:
a) Đoàn Chủ tịch hội nghị nhà chung cư trù bị đề cử danh
sách nhân sự do Ban quản trị chuẩn bị trước.
b) Chủ sở hữu hoặc
người sử dụng hợp pháp đề cử người đại diện cho mình vào Ban quản trị bằng hình
thức đề cử trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi Ban quản trị (trước Hội nghị) hoặc Đoàn
chủ tịch (trong hội nghị), có ý kiến xác nhận đồng ý của người được đề cử.
3. Trách nhiệm của
người được đề cử
Nếu được Hội nghị trù
bị nhất trí đưa vào danh sách nhân sự giới thiệu để bầu vào Ban quản trị tại
Hội nghị nhà chung cư chính thức, người được đề cử có trách nhiệm hoàn thiện hồ
sơ cá nhân gửi Ban quản trị trong vòng 3 ngày làm việc. Hồ sơ gồm:
a) Giấy xác nhận đồng ý vào danh sách để bầu làm thành
viên Ban quản trị ;
b) Bản khai lý lịch, trong đó nêu
rõ các kinh nghiệm liên quan đến công tác quản trị chung cư (nếu có);
c) Bản sao công chứng xác định quyền sử hữu hợp pháp một
phần diện tích trong nhà chung cư ;
d) Bản cam kết về tình trạng sức khỏe và thoả mãn những
điều kiện nhân sự được quy định tại điều 12 của Quy chế này.
e) 02 ảnh chụp cỡ 4 x 6 cm.
4. Ban quản trị có trách nhiệm phối hợp với ban thẩm tra
tư cách kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tư cách của người được đề cử, trình
Hội nghị nhà chung cư chính thức quyết định.
Điều
14. Danh sách bầu cử
1. Hội nghị trù bị thảo luận và biểu quyết lập danh sách
bầu cử thành viên vào Ban Quản trị. Danh sách bầu cử gồm tối đa 6 người để Hội
nghị chính thức bầu ra tối đa 04 người vào Ban Quản trị (ngoài 1 thành viên do
chủ đầu tư tự chọn).
2. Danh sách bầu cử xếp thứ tự tên người theo vần
A,B,C...; nếu có nhiều người trùng tên thì xếp theo họ; nếu trùng cả họ thì xếp
theo tên đệm; nếu cả 3 dữ kiện này đều trùng thì người có tuổi cao hơn được xếp
tên ở trên.
Điều 15. Quyền biểu quyết
Quyền biểu quyết được tính theo đơn vị căn hộ và được quy
định như sau:
1. Mỗi căn hộ trong nhà
chung cư tương ứng với một phiếu biểu quyết. Mỗi chủ sở hữu có tổng số phiếu
biểu quyết tương ứng với số căn hộ mình sở hữu, được gọi là quyền biểu quyết.
2. Đối với phần diện tích khác trong tòa nhà không phải
là căn hộ thì mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích sàn xây
dựng của căn hộ lớn nhất theo thiết kế được phê duyệt tại nhà chung cư (100 m2
tim tường hoặc 93 m2 thông thủy) có một phiếu biểu quyết. Mỗi phần diện tích sở
hữu tương đương với một phiếu biểu quyết.
3. Chủ sở hữu
không tham dự hội nghị nhà chung cư có thể ủy quyền cho một người khác tham gia
bỏ phiếu, việc ủy quyền phải đúng quy định của pháp luật; Người được ủy quyền không được ủy quyền cho người
thứ ba và không được tham gia ứng cử làm
thành viên Ban Quản trị.
Người được ủy quyền đại diện
cho chủ sở hữu, thay mặt người sở hữu thực hiện các quyền biểu quyết của chủ sở
hữu tại Hội nghị nhà chung cư.
4. Những diện tích đang có hợp
đồng mua bán với chủ đầu tư nhưng chưa nhận bàn giao, thì không có quyền biểu
quyết.
5. Những diện tích các khu vực trong tòa nhà chưa được
Chủ đầu tư bán song giá trị những diện tích này đã được phân bổ vào giá bán căn
hộ cho các Chủ sở hữu căn hộ, thì không
có quyền biểu quyết.
Điều 16. Công khai danh sách bầu vào Ban quản trị
1. Trước khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư 10 ngày, Ban
quản trị công bố công khai danh sách, lý lịch của các nhân sự được giới thiệu
bầu vào Ban quản trị tại bảng tin ở sảnh tầng 1, nhà
sinh hoạt cộng đồng và các địa điểm thích hợp trong nhà chung cư.
2. Danh sách nhân sự giới thiệu được gửi cho các Đại diện
tầng. Các Đại diện tầng có trách nhiệm phổ biến danh sách nhân sự cho các
căn hộ trong tầng trước khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư 5 ngày.
Điều 17.
Phiếu bầu
1. Phiếu bầu in họ và tên những người trong danh sách bầu
(nếu không có điều kiện in phiếu, ban kiểm phiếu ghi danh sách bầu trên phiếu);
đóng dấu của Ban quản trị ở góc trái phía trên của phiếu bầu.
Phiếu bầu được chia làm 4 cột gồm "số thứ tự; họ và
tên; đồng ý; không đồng ý" để người bầu đồng ý hay không đồng ý người
trong danh sách bầu cử làm thành viên Ban quản trị hoặc làm Trưởng và Phó
trưởng ban quản trị.
2. Cách bầu
a) Người bầu cử đánh dấu X vào ô đồng ý nếu đồng ý, hoặc
ô không đồng ý nếu không đồng ý, tương ứng với họ và tên người trong danh sách
bầu cử.
b) Hoặc người bầu nếu không bầu cho ai trong danh sách
bầu thì gạch giữa cả chữ họ và tên của người mà mình không bầu.
3. Phiếu hợp lệ và
không hợp lệ
a) Phiếu hợp lệ là phiếu do Ban kiểm phiếu phát ra, phiếu
bầu đủ hoặc thiếu số lượng người cần bầu; phiếu bầu mà người bầu cử đánh dấu X
vào một trong hai ô đồng ý hoặc không đồng ý; phiếu bầu mà người bầu cử gạch
giữa cả chữ họ và tên của người mà mình không bầu.
b) Phiếu không hợp lệ là phiếu không do Ban kiểm phiếu
phát ra; phiếu bầu nhiều hơn số lượng người cần bầu; phiếu không bầu cho ai
trong danh sách bầu cử nhiều người; phiếu bầu người ngoài danh sách bầu cử.
Điều 18. Ban kiểm phiếu
1. Ban
kiểm phiếu gồm 5 thành viên được Hội nghị trù bị lựa chọn, giới thiệu và biểu
quyết thông qua. Thành viên Ban kiểm phiếu không có tên trong danh sách bầu Ban
quản trị.
2. Ban kiểm phiếu có nhiệm vụ:
a) Hướng dẫn chi tiết cách thức bỏ phiếu, kiểm tra niêm
phong thùng phiếu, phát phiếu trực tiếp cho chủ sở hữu và người sử dụng nhà
chung cư, kiểm số phiếu phát ra và phiếu thu về, kiểm phiếu bầu.
b) Lập biên bản kiểm phiếu báo cáo Đoàn chủ tịch và công
bố kết quả bầu cử; ký vào biên bản bầu cử, niêm phong phiếu bầu và chuyển cho
Đoàn chủ tịch để bàn giao cho Ban quản trị nhiệm kỳ mới lưu trữ, sử dụng theo
quy định.
c) Ngoài ban kiểm phiếu đang thực hiện nhiệm vụ kiểm
phiếu, không ai được đến nơi ban kiểm phiếu đang làm việc.
Điều 19. Thủ tục bầu các thành viên Ban quản trị
1. Mỗi chủ sở hữu được Ban
kiểm phiếu phát số phiếu bầu tương ứng với quyền biểu quyết của mình.
2. Phiếu bầu được coi
là hợp lệ khi có đầy đủ, chính xác, rõ ràng các thông tin theo yêu cầu ghi trên
phiếu bầu có đóng dấu của Ban quản trị, đồng thời không vi phạm những quy định
tại điều 17 của Quy chế này.
3. Sau khi kiểm phiếu xong, Ban
kiểm phiếu lập biên bản kiểm phiếu và
thông báo trước toàn thể Hội nghị.
4. Biên bản kiểm phiếu gồm
các các nội dung sau:
a) Tổng số đại diện chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung
cư được mời dự Hội nghị.
b) Tổng số đại diện chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung
cư dự Hội nghị.
c) Tổng số đại diện chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung
cư dự Hội nghị có mặt khi biểu quyết hay bầu cử.
d) Số phiếu phát ra.
đ) Số phiếu thu về
e) Số phiếu hợp lệ.
g) Số phiếu không hợp lệ.
h) Số phiếu bầu đủ số lượng.
i) Số phiếu bầu thiếu so với số lượng cần bầu.
k) Số phiếu của từng người trong danh sách bầu ;
l) Danh sách những người trúng cử theo nguyên tắc được
quy định tại điều 7 của Quy chế này.
5. Thời hạn lưu trữ phiếu bầu
Ban kiểm phiếu niêm phong phiếu bầu và chuyển cho Đoàn
chủ tịch để giao cho Ban quản trị nhiệm kỳ mới lưu trữ tại trụ sở làm việc của
Ban quản trị trong thời hạn 6 tháng. Trong thời gian này, nếu không có quyết
định của cấp có thẩm quyền, không ai được tự ý mở niêm phong. Quá 6 tháng, nếu
không có khiếu nại, tố cáo về kết quả bầu cử thì Ban quản trị quyết định cho
hủy số phiếu đó.
6. Chủ tịch Hội nghị công bố 01 thành viên Ban quản trị là đại diện của Chủ đầu tư, do Chủ
đầu tư chọn không qua bầu cử.
Điều
20. Thủ tục bầu Trưởng và Phó trưởng
Ban quản trị
1. Chủ tịch Hội
nghị công bố và lấy ý kiến các chủ sở hữu và người sử dụng chung cư danh sách tối
đa 3 nhân sự để bầu làm Trưởng và Phó trưởng Ban quản trị, gồm :
a) 01 nhân sự đại diện của Chủ
đầu tư (nếu Chủ đầu tư còn quyền lợi tại tòa nhà).
b) Tối đa 02 nhân sự đại diện
các chủ sở hữu khác, là thành viên của các chủ sở hữu khác vừa được bầu vào Ban
quản trị với số phiếu cao nhất.
2. Hình thức lấy ý kiến là giơ
tay biểu quyết. Nếu trên 50% số người dự họp đồng ý thì danh sách được thông
qua để tiến hành bầu thông qua hình thức bỏ phiếu kín.
3. Ban kiểm phiếu chuẩn
bị phiếu bầu (in và đóng dấu của Ban quản trị)
4. Ban kiểm phiếu thực
hiện quy trình bầu cử giống như bầu các thành viên Ban quản trị.
5. Người chủ trì Hội
nghị công bố kết quả bầu :
a) Nếu đại diện chủ đầu tư đạt
số phiếu cao nhất, trúng cử làm Trưởng ban quản trị, thì người có số phiếu bầu
cao thứ hai làm Phó trưởng ban quản trị.
b) Nếu đại diện các chủ sở hữu
khác (không phải chủ đầu tư) đạt số phiếu cao nhất, trúng cử làm Trưởng ban
quản trị, thì đại diện chủ đầu tư làm Phó trưởng ban quản trị.
Điều 21. Biên bản kết quả bầu Ban Quản trị nhà chung
cư
1. Ban kiểm phiếu có trách nhiệm lập 03 bản Biên bản kiểm phiếu
theo nội dung quy định tại điều 19 của Quy chế này, có đầy đủ chữ ký của Chủ
tịch hội nghị, Thư ký hội nghị, Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm
phiếu.
2. Trưởng Ban quản trị có trách nhiệm lưu giữ các Biên bản kiểm phiếu để
làm tài liệu để gửi UBND quận Bắc Từ Liêm đề nghị công nhận Ban Quản trị nhà
chung cư.
Điều 22. Điều khoản thi hành
1. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định tại điều 5
của Quy chế này đều có trách nhiệm nghiêm túc tuân thủ Quy chế này.
2. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày được
Trưởng ban quản trị nhà chung cư ký quyết định ban hành.
3. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này (nếu có) được thực
hiện và trình Hội nghị chung cư thông qua trong các phiên họp hàng năm hoặc
được tiến hành giữa hai kỳ Hội nghị chung cư khi có trên 50% thành viên Ban
quản trị đề nghị và phải được đa số ý kiến cư dân nhất trí khi Ban quản trị ban
hành đưa vào thực hiện./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét