Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Ấm nồng sữa bắp

Đọc đoạn này lại nhớ nước Mỹ và thời đi chợ quê ở Mỹ: "Chợ ở Nam Cali bán rất nhiều bắp Mỹ giá rẻ, có lúc bán ế, họ lột vỏ cho năm sáu trái bự bự vô bịch nilon bán có một đồng rưỡi một bịch, trái bắp hơi khô một chút thì nó bớt ngọt đi một chút, nhưng chất lượng tinh bột trong hột bắp vẫn ngon như thường, chỉ cần mua hai bịch là nấu nồi sữa bắp ít nhứt cũng được hai lít nước ngon lành rồi".
Ấm nồng sữa bắp
Người trong Nam ai mà không biết câu hò: “Bắp non mà nướng lửa lò/ Ðố ai ve được con đò Thủ Thiêm”. Từ quận 1 Sài Gòn, đến bến Bạch Ðằng có tượng Ðức Thánh Trần nổi tiếng để qua phà Thủ Thiêm rồi rẽ phải vào đường Nhà Thờ (phường Thủ Thiêm, quận 2) chừng 200m là đến Giáo xứ Thủ Thiêm. Giáo họ Thủ Thiêm ra đời khoảng giữa thế kỷ 19, trước khi có Cha sở tiên khởi Gabriel Nguyễn Khắc Thành chính thức về coi sóc họ đạo Thủ Thiêm (1859). Cái thời nơi đây còn là vùng đất mới, chưa có phà thì hẳn đã có cô lái đò xóm đạo, ngày ngày chèo chống đưa khách qua sông Sài Gòn đến với Giáo xứ Thủ Thiêm. 
Ngày trước, người ta không dùng từ “tán tỉnh”, “trồng cây si”, “thả dê”… mà dùng từ “ve”, tức là ve vãn. “Con đò Thủ Thiêm” đây là ám chỉ cô lái đò, chớ chẳng có anh đàn ông nào máu điên đến mức độ đi “ve” con đò (xuồng ba lá) bằng gỗ cả. Hẳn nhiều chàng đã gặp cảnh “Bắp non xao xác trổ cờ/ Người thương đứng đó, giả lơ không chào” nên đành ngậm ngùi rút ra “bài học cay đắng” đó. Chớ bắp nếp non mà đem nướng lửa than hoa nóng hổi, phết thêm mỡ hành thơm phức mà ăn trong thời tiết se lạnh thì ngon trên cả tuyệt vời. Tự dưng đem cái sự “thả dê” thất bại mà ghép chung với bắp nếp nướng ngon lành thì chẳng ăn nhập gì với nhau hết, nhưng khi người ta bị “nổi cơn khùng” vì thất tình, ăn nhập hay không ăn nhập cũng không là cái gì, miễn có câu có kệ, có vần có điệu để “rên” cho bớt chán là được.

Bắp ở Việt Nam hiện nay có nhiều loại, nhiều giống, nhiều màu sắc trắng vàng xanh đỏ tím nhìn rất hấp dẫn con mắt, mùi vị ngọt lạt khác nhau, độ dẻo cũng khác nhau. Tùy theo muốn nấu món ăn gì mà lựa chọn loại bắp cho phù hợp thì chế biến ra món ăn mới ngon. Ðã là bắp nướng thì nhất định phải là bắp nếp trắng nhỏ trái, hột dẻo quẹo mới đúng kiểu và ngon. Nấu nước sâm thì nhất định phải là trái bắp non và râu bắp giống bắp Mỹ vị ngọt hột vàng, nấu chung với một số cây cỏ khác như mía lau, rễ tranh, lá lốt, lức cây, dây tơ hồng… lấy nước uống với đá lạnh giải khát trong những ngày hè nóng bức. Bây giờ, ở Sài Gòn vô bất cứ hàng quán nào, từ bình dân đến sang trọng cũng đều có món thức uống sữa bắp như một trào lưu quay về với thiên nhiên, qua rồi cái thời phải uống Coca Cola mới là “hợp thời trang”.

Trong Nam trồng bắp ít hơn ngoài miền Trung, miền Bắc, có lẽ do khí hậu, đất đai miền Nam đồng bằng nước hai mùa mặn ngọt nên bắp phát triển không tốt bằng đất đồi miền ngoài. Vì vậy mà thập niên 80 thế kỷ 20, đói rã họng không có gì ăn chớ bắp, khoai lang, khoai mì vẫn là quà bánh xa xỉ đối với con nít miền Nam. Có khoai, có bắp ăn thêm là vẫn còn “sang trọng” đó. Tôi đi bằng xe đò từ Sài Gòn ra tận Lạng Sơn, thấy dọc hai bên đường quốc lộ 1A bắp được trồng bạt ngàn, trải dài một màu xanh thăm thẳm. Nếu như người dân vùng cao miền Bắc thiếu gạo ăn, quanh năm phải ăn bánh bột bắp (ngô) thay cơm thì phần lớn người dân trong Nam không biết mùi vị cái bánh bột bắp nó ra làm sao.

Khi cái nắng mùa hè đã nhạt đi, tiết Ðông trở về với sắc trời u ám, lạnh lẽo, lúc này không ai dùng bắp nấu nước sâm nữa mà nấu sữa bắp để uống cho bổ dưỡng mà ấm bụng.

Làm sữa bắp trước tiên phải lựa mua bắp Mỹ. Bắp này không dai, không dẻo, vỏ ngoài hột bắp cứng, nhiều xơ, hột bắp màu vàng, vị ngọt hơn bắp nếp rất nhiều, nên nó phù hợp với việc xay nấu sữa bắp. Lựa bắp trái lớn, hột lớn đều nhau, không già không non. Bắp già quá thì nhiều xơ mà mất đi vị ngọt, râu bắp, cùi bắp (lõi) cũng bị teo cằn đi, mất vị ngọt thanh. Non quá thì hột bắp thiếu tinh bột, chất xơ. Lột vỏ trái bắp ra thấy hột bắp lớn, dày, đều phủ trọn cùi bắp từ trên xuống tận ngọn là được. Lá bên ngoài trái bắp phải còn xanh hơi ngả chút vàng thôi, đó là bắp vừa ăn, nếu thấy lá vàng toàn bộ là trái bắp bị già rồi, đừng lấy.

Bắp đem về lột bỏ lớp vỏ ngoài, bỏ râu bắp, rửa sạch rồi cho vô nồi luộc cùng với chừng chục lá dứa. Lá dứa (có nơi gọi là lá nếp) cũng rửa sạch, cuốn lại cho gọn. Lá bắp non bên trong và râu bắp cũng cuộn lại cho gọn rồi bỏ vô nồi luộc luôn để lấy nước ngọt. Sắp các loại lá, râu bắp nằm gọn xuống dưới đáy nồi rồi mới xếp trái bắp lên trên cho các loại lá, râu không bị nổi lên khi đổ nước vô nồi. Ðổ nước lã sạch vô ngập bắp xăm xắp, thả thêm vài hột muối vô nồi luộc để tăng thêm vị ngọt của bắp. Chờ bắp chín vớt ra để nguội. Lá dứa cũng vớt ra để nguội. Dùng dao nhỏ mỏng gọt xung quanh trái bắp lấy hết phần hột bắp, bỏ cùi bắp đi. Nếu muốn nấu canh bắp thì sơ chế hột bắp tới đây là được, không cần xay nhuyễn, nhưng bắp nấu canh phải là bắp nếp trắng hột dẻo thì canh nấu mới ngon.

Cho hột bắp và nước luộc bắp lúc nãy vô máy xay sinh tố xay thật là nhuyễn thành dung dịch sền sệt, đổ dung dịch ra cái rây mịn lược lấy lại xác bắp. Lại tiếp tục cho phần xác này vô tấm vải sạch vắt lấy thêm nước rồi bỏ phần xác này đi. Cho nước bắp vô trở lại nồi, bỏ lá dứa lúc nãy vô nấu lại cho đến khi sôi liu riu phải dùng cái dá gỗ cán dài khuấy đều để không bị đóng cặn dưới đáy xoong và cháy. Ðổ thêm sữa tươi và đường cát trắng vô nồi nước bắp, lượng sữa và đường thêm vô bao nhiêu là tùy khẩu vị người dùng, ai thích ngọt cho nhiều đường, thích béo cho nhiều sữa hơn một chút. Tiếp tục khuấy đều sữa bắp cho đến khi thấy sôi lăn tăn thì tắt lửa, múc sữa ra ly uống nóng. Số sữa còn lại trong nồi vớt lá dứa ra bỏ, chờ nguội để vô chai cất vô tủ lạnh. Khi nào muốn uống đem ra cho chút nước đá vô uống lạnh hoặc hâm lại uống nóng.

Chợ ở Nam Cali bán rất nhiều bắp Mỹ giá rẻ, có lúc bán ế, họ lột vỏ cho năm sáu trái bự bự vô bịch nilon bán có một đồng rưỡi một bịch, trái bắp hơi khô một chút thì nó bớt ngọt đi một chút, nhưng chất lượng tinh bột trong hột bắp vẫn ngon như thường, chỉ cần mua hai bịch là nấu nồi sữa bắp ít nhứt cũng được hai lít nước ngon lành rồi.

Người Việt rất sáng tạo trong cách chế biến thức ăn, thức uống từ các sản vật thiên nhiên phong phú. Từ xưa, người ta đã dùng đậu nành, đậu phộng (lạc), đậu xanh, hột sen, làm ra các loại sữa uống vừa bổ dưỡng vừa thanh mát. Mỗi thời mỗi vật, mỗi vật mỗi vị, phong phú vô cùng. Sữa bắp, sữa khoai lang cũng vậy, cảm giác thưởng thức lạ miệng, vị ngon không loại nào giống loại nào, lại dễ làm, rẻ tiền, tội tình gì không tự mình làm để trong nhà uống cho nó đảm bảo vệ sinh, tinh khiết. Trời lạnh lạnh mà uống sữa bắp vừa thơm vừa ngọt, vừa hơi hơi beo béo, hơi có vị bột của bắp sền sệt nhưng lại không dẻo dính như bột gạo, uống tới đâu cảm giác ấm và khỏe lên tới đó. Sữa bắp nấu bằng bắp Mỹ có màu vàng sáng, nhìn thôi đã thấy hấp dẫn con mắt rồi. Cứ chậm rãi uống từng ngụm, từng ngụm một sữa nóng âm ấm thì mới thưởng thức hết hương vị nồng nàn, cái chất hương đồng cỏ nội của ly sữa bắp.

http://baotreonline.com/nong-sua-bap/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét