Ba điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Giáo sư Ricardo Hausmann, Giám đốc Trung tâm phát triển quốc tế thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đã chỉ ra ba điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. – Điểm nghẽn trong ngắn hạn gồm bộ máy hành chính hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng lãng phí, tham nhũng, một số chính sách về đất đai chưa phù hợp thực tiễn và chi phí tài chính cao; – Điểm nghẽn trung hạn gồm rủi ro kinh tế vĩ mô và rủi ro thể chế vi mô; – Điểm nghẽn trong dài hạn gồm kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.Ngày 13/12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về báo cáo nghiên cứu “Chẩn đoán điểm nghẽn tăng trưởng và Bản đồ năng lực sản xuất của Việt Nam” với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
3 nhóm điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang trên đà phục hồi so với các giai đoạn trước. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,68%, cao nhất trong giai đoạn 5 năm từ 2011 đến 2015.
Năm 2016, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 6,3% so với năm 2015. Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và khai thác được tiềm lực tăng trưởng, Việt Nam cần xác định những nhân tố ảnh hưởng tới năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại tọa đàm, Giáo sư Ricardo Hausmann, Giám đốc Trung tâm phát triển quốc tế thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đã trình bày kết quả nghiên cứu về Chuẩn đoán điểm nghẽn tăng trưởng và Bản đồ năng lực sản xuất của Việt Nam.
Đồng thời kiến nghị những lĩnh vực sản xuất ưu tiên và bước đầu chỉ ra những rào cản về mặt thể chế, chính sách của nền kinh tế; từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể giúp Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế sản xuất tiềm năng và nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo kết quả nghiên cứu bước đầu, điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gồm 3 nhóm:
– Điểm nghẽn trong ngắn hạn gồm bộ máy hành chính hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng lãng phí, tham nhũng, một số chính sách về đất đai chưa phù hợp thực tiễn và chi phí tài chính cao;
– Điểm nghẽn trung hạn gồm rủi ro kinh tế vĩ mô và rủi ro thể chế vi mô;
– Điểm nghẽn trong dài hạn gồm kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.
Từ đó, kết quả nghiên cứu cho rằng vai trò của Nhà nước là tác nhân chính đưa ra tầm nhìn đúng đắn cho phát triển kinh tế, xây dựng cơ chế và chính sách linh hoạt, thu hút và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn này.
Nghiên cứu cũng cho thấy, tiềm năng sản xuất của Việt Nam trong thời gian tới được khuyến nghị ở các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao như máy móc, điện tử… Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn cần chú trọng vào ngành sản xuất và xuất khẩu truyền thống như cây trồng, vật nuôi hay may mặc, da giầy, khai khoáng nhưng theo hướng đa dạng hóa và ưu tiên sản phẩm thành phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Khai thông các điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp khai thông các điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; năng lực sản xuất của Việt Nam trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhằm cải thiện cơ cấu nền kinh tế để duy trì tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đánh giá, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường.
Trong bối cảnh ấy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mãnh mẽ tới cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động… của các quốc gia.
Hiện tại, Việt Nam về cơ bản vẫn theo mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động giá rẻ, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp.
Ông Cao Đức Phát cho biết, hiện Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với một số chuyên gia trong nước và nước ngoài với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua Dự án “Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện”, tổ chức xây dựng Báo cáo nghiên cứu về Điểm nghẽn tăng trưởng và Bản đồ năng lực sản xuất của Việt Nam nhằm đề xuất những giải pháp cụ thể giúp Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế sản xuất tiềm năng và nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trên cơ sở báo cáo kết quả nghiên cứu và ý kiến trao đổi tại Tọa đàm này, nhóm nghiên cứu sẽ tổng hợp, hoàn thiện kết quả nghiên cứu để Ban Kinh tế Trung ương tham khảo, chắt lọc, sử dụng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, bao gồm cả việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Theo TTXVN
http://tiepthithegioi.vn/kinh-doanh/thoi-su/ba-diem-nghen-tang-truong-kinh-te-cua-viet-nam/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét