Cải cách thể chế là quyết định
Trương Đình Tuyển - TPP và FTA Việt Nam-EU sẽ buộc chúng ta phải “công phá” vào sức ỳ và sự bảo thủ, nó đặt ra yêu cầu và là động lực để chúng ta cải cách nền quản trị quốc gia.
Ông Trương Đình Tuyển
Cơ hội và thách thức với Việt Nam khi tham gia TPPBộ Công Thương đã công bố chi tiết toàn văn nội dung của Hiệp định, mức độ cam kết của từng nước, trong đó có cam kết của Việt Nam. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn, cụ thể hơn những cơ hội cũng như những thách thức mà TPP mang lại. Những ngày gần đây, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ và nhiều học giả, chuyên gia trong và ngoài nước đã phân tích tổng thể cơ hội và thách thức mà TPP mang lại.
Đặc biệt, bài viết “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Cơ hội và thách thức-Hành động của chúng ta” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phân tích rất sâu sắc và súc tích về đặc điểm của Hiệp định, những cơ hội lớn cũng như những thách thức không nhỏ mà Hiệp định tạo ra cho Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng cũng chỉ ra những nhiệm vụ rất quan trọng mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải khẩn trương hành động để tận dụng cơ hôi, vượt qua thách thức khi tham gia Hiệp định này. Đây là một bài viết rất sâu sắc, thiết nghĩ khó nói gì thêm. Tôi chỉ bình luận thêm đôi điều về bài viết này.
Về cơ hội
Nhiều người đã nói đến mức tăng xuất khẩu và tổng sản phẩm trong nước khi tham gia TPP, rằng Việt Nam sẽ là nước được lợi nhiều nhất trong TPP. Những điều họ nói không phải là không có căn cứ, nhiều chuyên gia độc lập đưa ra các dự báo về tỷ lệ tăng trưởng dựa trên mô hình kinh tế lượng.
Tuy nhiên, các mô hình này không phản ánh sự biến động của kinh tế thế giới. Không phản ánh được hoạt động của chủ thể, cũng không phản ánh được đối sách của Chính phủ và doanh nghiệp trong một thế giới nhiều biến động như thời đại chúng ta đang sống.
Tăng trưởng xuất khẩu và GDP là cái đích ta kỳ vọng đạt đến. Nhưng đấy chỉ là kết quả cuối cùng, nó phản ánh sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một chiến lược tăng trưởng đúng phải bắt đầu từ chiến lược nâng cao sức cạnh tranh. Làm sao có được tăng trưởng nếu khả năng cạnh tranh không được cải thiện? Mà đây chính là điểm yếu của chúng ta.
TPP cũng sẽ thúc đẩy hình thành chuỗi cung khu vực. Đúng vậy! Nhưng sẽ không có nhiều lợi ích khi trong chuỗi cung ấy, nếu Việt Nam chỉ chiếm giữ những công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất trong khâu lắp ráp, khi chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa được định hình…
Về thách thức
Như phân tích của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thách thức cũng rất gay gắt, trước hết là sức ép cạnh tranh trên cả ba cấp độ. Nghĩa vụ thực thi cũng rất nặng nề. Trong đó chất lượng nguồn nhân lực thấp sẽ là một lực cản lớn mà chúng ta phải đối mặt, và khâu có tính quyết định chính là chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh.
Vì vậy, để tận dụng cơ hội mà TPP tạo ra, phải có chiến lược nâng cao sức cạnh tranh, bao gồm: sức cạnh tranh của sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ), sức cạnh tranh của doanh nghiệp và đặc biệt là sức cạnh tranh về thể chế và môi trường kinh doanh. Cả ba yếu tố này chúng ta đang ở vị thế thấp.
Về lao động và môi trường, hai trong số nhiều nội dung mới của Hiệp định, cũng đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp và cho hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động và hệ thống chính trị của nước ta.
Lý lẽ của hai chương này là ở chỗ:
(1) Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn nhân loại, của mọi quốc gia. Doanh nghiệp không đầu tư đủ mức để bảo vệ môi trường sẽ gây hậu quả xấu cho đời sống nhân loại mà làm chi phí sản xuất giảm, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với những doanh nghiệp đã đầu tư cho bảo vệ môi trường.
(2) Cũng vậy, một nước, một doanh nghiệp không bảo đảm điều kiện làm việc tối thiểu cho người lao động, không tạo điều kiện cho họ lập tổ chức để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình theo nguyện vọng của họ thì chi phí sản xuất cũng sẽ thấp, sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các quốc gia, doanh nghiệp đã làm tốt công việc này. Hơn nữa, các nước trong TPP đều là thành viên của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) có nghĩa vụ “thừa nhận, thúc đẩy và tuân thủ” Tuyên bố 1998 của ILO mà nội dung cụ thể được thể hiện tại 8 công ước của Tổ chức này.
Thực hiện các quy định về môi trường và lao động trong Hiệp định tuy có làm cho chi phí sản xuất tăng thêm nhưng đây cũng là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đang phấn đấu thực hiện.
Cải cách thể chế để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức
Thế chế là yếu tố quyết định hàng đầu
Ở trên, chúng tôi đã trình bày tổng quan về những cơ hội và thách thức khi tham gia TPP trong điều kiện toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.
Cần khẳng định rằng cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, không tự nó chuyển thành sức mạnh trên thị trường mà phụ thuộc vào hành động của chủ thể. Cũng vậy, thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng dồn ép đến đâu lại phụ thuộc vào đối sách của chủ thể. Chủ thể ở đây là doanh nghiệp, người dân và nhà nước. Nếu tận dụng tốt cơ hội sẽ đẩy lùi được thách thức, tạo ra cơ hội mới lớn hơn. Ngược lại nếu không tận dụng được cơ hội thì thách thức sẽ lấn át và sẽ chuyển thành những khó khăn dài hạn rất khó khắc phuc. Đây là điều mà chúng ta đã làm nhưng chưa làm thật tốt khi tham gia các Hiệp định ASEAN+, nhất là khi gia nhập WTO.
Vậy vai trò của các chủ thế trong “cuộc chiến” cạnh tranh ở đây là thế nào?
Tôi cho rằng, doanh nghiệp phản ánh tất cả, là nơi thể hiện sức mạnh và khả năng cạnh tranh của một nền kinh tế nhưng tự nó không quyết định tất cả. Và, như Thủ tướng đã khẳng định, doanh nghiệp luôn hoạt động trong khung khổ thể chế và trong một môi trường kinh doanh nhất định.
Chúng ta đã nói nhiều đến những yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam: Quy mô nhỏ, tiềm lực về vốn và công nghệ thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn và chiến lược phát triển lâu dài. Điều đó đúng, nhưng có nguyên nhân của nó:
- Sinh sau đẻ muộn (đến năm 2000 mới có Luật Doanh nghiệp, tạo ra khung khổ pháp lý cho sự hình thành và phát triển doanh nghiệp tư nhân), trong khi đó lại duy trì quá lâu tình trạng độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, vừa kém hiệu quả vừa chèn lấn khu vực tư nhân.
- Thể chế không ổn định, môi trường kinh doanh không thuận lợi lại thiếu minh bạch dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh theo “kiểu cơ hội” mang tính “chộp giật” mà thiếu đi tư duy và chiến lược kinh doanh dài hạn. Chính điều này lại góp phần hình thành những nhóm lợi ích thao túng chính sách.
Vì vậy, yếu tố có tính chất quyết định là thể chế và môi trường kinh doanh. Trong tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại”, Daron Acemoglu cũng khẳng định điều này. Ông cho rằng chất lượng thể chế là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi nước.
Ở đây, có thể dẫn ra một ví dụ minh họa. Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước có một nước trong ASEAN chúng ta có trình độ phát triển rất cao, vượt xa các nước còn lại và vượt rất xa Hàn Quốc, nhưng vào thời điểm hiện tại trình độ phát triển của quốc gia này lại đang ở vị trí thấp nhất trong các nước ASEAN-6. Trong khi đó, chỉ chưa đến 30 năm, Hàn Quốc đã thực hiện thành công tiến trình công nghiệp hóa và trở thành thành viên của OECD. Hiện nay, Hàn Quốc là địa chỉ của những sản phẩm công nghệ cao hàng đầu thế giới. Có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là thể chế và môi trường kinh doanh, tiếp đó là bản lĩnh của lãnh đạo và ý chí của người dân. Cần lưu ý rằng trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão như thời đại chúng ta đang sống thì một nước đi sau, có trình độ phát triển thấp hơn có thể đuổi kịp và vượt lên trên nước đã có trình độ phát triển cao hơn nếu có thể chế tốt, đường lối đúng trên cơ sở “tư duy toàn cầu, hành động địa phương”; lãnh đạo và người dân có ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên. Đây cũng là quy luật của thời đại.
Chỉ số cạnh tranh toàn cầu và môi trường kinh doanh của Việt Nam ở mức thấp và đang là vùng trũng trong ASEAN.
Theo báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2015-2016 do WB công bố Việt Nam xếp thứ 56 và đứng thứ 7 trong 10 nước ASEAN. Trong đó cạnh tranh về thể chế còn thấp hơn, xếp thứ 92 trong số 140 nước được xếp hạng và đứng thứ 8 trong 10 nước ASEAN (thấp hơn các nước ASEAN-6 và thấp hơn cả Lào.
Về môi trường kinh doanh, theo đánh giá của WB, mặc dầu Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt bằng 2 Nghị quyết số 19/NQ-CP (2014 và 2015) và môi trường kinh doanh trong năm 2014 đã có bước cải thiện rõ rệt nhưng chỉ số này trong năm 2015 lại bị tụt hạng so với năm 2014 và xếp thứ 78, tụt 6 bậc.
Trong mối quan hệ giữa thể chế và môi trường kinh doanh thì thể chế tạo nên khuôn khổ để xác lập môi trường kinh doanh.
Vì vậy thể chế là gốc. Không thể có môi trường kinh doanh như kỳ vọng nếu không xây dựng được thể chế tốt. Nhưng mặt khác, những tiến bộ trong cải cách thể chế phải được chuyển hóa đầy đủ sang cải thiện môi trường kinh doanh. Chúng ta đã có cố gắng để thực hiện điều này như kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo một số nghiên cứu những nước có cùng thứ hạng về thể chế như nước ta thì GDP bình quân của nước này vẫn gấp 3 lần Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó, có nguyên nhân, những tiến bộ trong cải cách thể chế đã không chuyển hóa đầy đủ thành kết quả cải thiện môi trường kinh doanh.
Định hướng cải cách thể chế ở Việt Nam
Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức phải bắt đầu từ cải cách thể chế, tập trung cải cách nền quản trị quốc gia (bao gồm các định chế quản lý, hệ thống tổ chức quản lý và đội ngũ cán bộ) và phải bảo đảm sự tương thích và đồng bộ trong các yếu tố này.
Về cải cách thể chế: Cần thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp và thị trường. Trong đó, Nhà nước chuyển từ nhà nước làm kinh tế (thông qua các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu) và nhà nước can thiệp bằng các biện pháp hành chính sang Nhà nước bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vai trò kiến tạo phát triển. Nhằm mục tiêu đó, cần thực hiện các yêu cầu sau đây:
- Công khai minh bạch trong mọi cơ chế quản lý và chính sách phát triển, bảo đảm ổn định trong vận động theo xu hướng tốt hơn và có thể tiên liệu được đi đôi với phát huy vai trò và trách nhiệm của mọi công dân, các chuyên gia độc lập, các nhóm thinktank, các tổ chức xã hội có quyền tham gia vào việc hoạch định chính sách và phản biện, giám sát việc thực thi chính sách.
- Tạo lập môi trường thông thoáng cho đầu tư kinh doanh theo quan điểm lập pháp mà chúng ta đã khẳng định là: Mọi người dân có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm (tiếp cận “chọn bỏ”). Mọi hạn chế quyền công dân chỉ vì mục tiêu, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng như Hiến pháp 2013 đã khẳng định. Cán bộ, công chức chỉ được làm và phải làm (tôi nhấn mạnh cụm tù mà Thủ tướng nêu trong bài viết đã dẫn vì lâu nay dường như ta hay bị bỏ quên vế quan trọng này). Đây chính là bản chất của nhà nước pháp quyền. Một nhà nước pháp quyền là phải thượng tôn pháp luật và dân chủ phải song hành với pháp trị như một cặp “song sinh” - điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh trong bài viết đầu năm 2014.
- Bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử cho mọi người dân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế về cơ hội tiếp cận thị trường (bao gồm thị trường mua sắm công), các nguồn lực, cả trong các quy định của pháp luật và trong thực tiễn.
-Tạo lập một thị trường có tính cạnh tranh cao, đi đôi với việc thực hiện đầy đủ luật cạnh tranh.
- Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo động lực cho sáng tạo.
- Bảo đảm quyền sở hữu tài sản của công dân.
- Bảo hộ nhà đầu tư.
- Xây dựng các chế tài đủ mạnh để thực hiện trong thực tế các yêu cầu nêu trên.
Về tổ chức bộ máy:
Cải cách thể chế là yếu tố quyết định nhưng không đủ, phải có tổ chức mạnh và hiệu quả để bảo đảm thực thi thế chế theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền. Tổ chức như một cơ thể sống. Thiếu sẽ không bao quát hết các chức năng nhưng thừa vận động sẽ khó khăn, thậm chí không vận động được.
Ngoại trừ những trường hợp vì người mà “đẻ” ra tổ chức (rất tiếc là trước đây ở nước ta đã không ít lần xuất hiện tình trạng này), về nguyên lý, tổ chức sinh ra là từ nhu cầu của quản lý, của xã hội nhưng khi tổ chức đã hình thành nó lại có xu hướng bảo vệ sự tồn tại của nó dầu cho không cần thiết cho quản lý nữa. Đây có thể là “bản tính” của tổ chức trong bất cứ một chế độ xã hội nào.
Vì vậy, phải dũng cảm vượt qua sức ỳ, sự bảo thủ của tổ chức để xây dựng một bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả vận hành thông suốt; tổ chức là đường dẫn để thể chế vận động. Đường dẫn rắm rối, chồng chéo thì doanh nghiệp, người dân rất khó tiếp cận được cơ chế, chính sách, làm tăng chi phí. Vì vậy phải loại bỏ mọi sự chồng chéo trong hệ thống chính trị của chúng ta. Không thể chịu đựng mãi tình cảnh thu ngân sách không đủ để chi thường xuyên (chủ yếu là trả lương, các khoản trợ cấp) và trả nợ.
Về đội ngũ cán bộ:
Muốn có tổ chức tốt thì yếu tố cấu thành tổ chức (cán bộ, công chức) phải tốt. Cán bộ, công chức phải thực sự là công bộc của dân. Logic ở đây thật đơn giản: Người dân đóng thuế nuôi công chức để công chức phục vụ mình chứ không ai đóng thuế nuôi một bộ máy “hành” mình. Khi định hướng nhân sự đại hội Đảng các cấp, chúng ta nói nhiều đến phẩm chất và năng lực. Vậy mối quan hệ giữa chúng thế nào? Có người nhấn mạnh năng lực. Có người-ngược lại, nhấn mạnh phẩm chất. Tôi cho rằng: Phẩm chất là điều kiện cần. Bởi vì, nếu có năng lực mà không có phẩm chất thì năng lực đó cũng phục vụ nhóm lợi ích và làm méo mó chính sách. Ngược lại nếu có phẩm chất mà năng lực kém thì cũng không giúp được gì cho xã hội như Bác Hồ nói cũng như Ông Bụt. Vì vậy năng lực phải là điều kiện đủ.
Về vai trò của thị trường
Phải coi thị trường là cơ chế chủ yếu để phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực, trên cơ sở quan hệ cung cầu, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.
Trong khung khổ thể chế và môi trường kinh doanh như vậy, và dưới sức ép cạnh tranh, mọi doanh nghiệp sẽ có cơ hội như nhau để phát huy mọi khả năng sáng tạo, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng chiến lược cạnh tranh với tầm nhìn dài hạn. Đương nhiên, có những doanh nghiệp sẽ thất bại, thậm chí phá sản, một số người sẽ mất việc làm nhưng nhiều doanh nghiệp sẽ vươn lên, mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp khác ra đời và tạo ra nhiều việc làm mới. Chính vì vậy, trong cuộc họp báo của Bộ Công Thương để giới thiệu về TPP, chúng tôi đã phát biểu: Điều đáng lo nhất là “sức ỳ” của bộ máy nhà nước.
TPP và FTA Việt Nam-EU sẽ buộc chúng ta phải “công phá” vào sức ỳ ấy, nó đặt ra yêu cầu và là động lực để chúng ta cải cách nền quản trị quốc gia.
Thời gian vừa qua, Quốc hội đã ban hành một số luật (Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu...) trên cơ sở các cam kết của Việt Nam trong TPP và trong FTA với EU, cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đồng thời khẩn trương tiến hành đối chiếu so sánh giữa các cam kết trong các hiệp định với các luật đã được Quốc hội phê chuẩn, làm rõ những khác biệt. Những gì mà các cam kết vượt quá các quy định của luật cần làm rõ thật chi tiết cụ thể, chuẩn bị các phương án để trình Quốc hội quyết định (sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc áp dụng trực tiếp khi Quốc hội phê chuẩn hiệp định). Ngoài ra, cũng rất cần thiết phải hoàn thiện Luật Cạnh tranh, đăc biệt là về tổ chức cơ quan quản lý cạnh tranh.
Việc cấp bách phải làm là đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước theo yêu cầu loại bỏ độc quyền và những ưu đãi dành riêng cho DNNN, áp đặt kỷ luật thị trường đối với DNNN. Đổi mới quản trị DNNN, tách bạch chức năng hoạch định chính sách với chức năng chủ sở hữu DNNN trong các cơ quan quản lý. Hoàn thiện cơ chế chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DNNN; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN.
Cần nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa cải cách DNNN với tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và tiến trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại. Trong đó, cải cách DNNN tạo điều kiện để xác lập thị trường cạnh tranh và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, và hiệu quả của cải cách DNNN sẽ củng cố kết quả của tiến trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại.
Trương Đình Tuyển
(Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét