Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Nồi “Lẩu Thời sự” Tết Bính Thân

Nồi “Lẩu Thời sự” Tết Bính Thân
“Trong nhà theo thông lệ tập quán, cũng có bông hoa bánh mứt và cũng được bạn bè đến tặng quà, những món trị giá một trăm, hai trăm ngàn cũng là tục lệ hay. Bây giờ không khí cũng rộn ràng nhưng về nhìn nhận người ta nói rằng không được sôi nổi như các năm trước. Ở đây có hai ý kiến, cái thứ nhất người ta cho rằng việc ăn uống hàng ngày và hàng hóa ở Việt Nam phong phú quanh năm suốt tháng, cho nên đến Tết cũng không có gì xa lạ. Nhưng mặt khác, thu nhập ngày càng giảm sút, đặc biệt năm nay trong mấy triệu công nhân thì số được tiền thưởng chiếm tỷ lệ không bằng các năm trước, cho nên thu nhập ảnh hưởng tới chuyện mua sắm…”

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội ngày 3/2/2016.AFP
Người Việt Nam tiễn năm Ất Mùi 2015 chào đón Bính Thân 2016 với thật nhiều thông tin thời sự. Sự pha trộn giữa cơ hội và thách thức của Hiệp định TPP vừa được chính thức ký kết ngày 4/2 tại New Zealand, rồi chuyện Tổng giám đốc Đường sắt Hà Nội bị cách chức vì muốn mua 160 toa xe phế thải của Trung Quốc, để canh tân đường sắt thủ đô. Mọi người mọi nhà Việt Nam đang hối hả đón Tết có thêm “nồi lẩu” thông tin, những món món “tả pí lù” thời sự đậm đà nhiều màu sắc.

Ký kết chính thức Hiệp định TPP

Hòa lẫn những thông tin chợ hoa, chợ Tết khắp ba miền đất nước, chuyện nhà giàu săn lùng những chậu mai, cây đào độc loại hàng quí hiếm, tới sự đau khổ của nông dân trồng dưa hấu ở tây nguyên, khi giá một kí dưa chưa được 2.000đ… Hầu hết truyền thông điện tử ở Việt Nam đều đưa tin về lễ ký kết chính thức Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP diễn ra ngày 4/2/2016 tại Auckland, New Zealand. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu. TPP gồm 12 quốc gia thành viên, tạo thành một khu vực kinh tế mở chạy dài từ New Zealand, Australia qua một phần châu Á tới Trung và Bắc Mỹ. Việt Nam được mô tả đã mở ra một chương mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. TPP là một thị trường 800 triệu dân, chi phối 1/3 tổng kim ngạch thương mại toàn cầu và 40% sản lượng kinh tế của thế giới.

Ngay sau khi thông tin TPP đã ký kết chính thức được loan báo, LS Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định:

Hiệp định này hai năm nữa có hiệu lực, động tác chuẩn bị của Việt Nam có thể nói là hết sức cam go và nền kinh tế Việt Nam sẽ vào cuộc cạnh tranh ác liệt cũng là một thử thách vô cùng lớn… -LS Trần Quốc Thuận

“Hiệp định TPP trong số các nước tham gia Việt Nam có nền kinh tế  tạm gọi là yếu nhất, cơ sở hạ tầng cũng yếu nhất và nhiều lĩnh vực cũng cần được giúp đỡ của các nước đối tác khác. Trong đó nổi bật ông Đại diện thương mại Mỹ đã nói Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam. Cho nên chiều hướng đó mà phát triển thì Hiệp định này hai năm nữa có hiệu lực, động tác chuẩn bị của Việt Nam có thể nói là hết sức cam go và nền kinh tế Việt Nam sẽ vào cuộc cạnh tranh ác liệt cũng là một thử thách vô cùng lớn… Đặc biệt sẽ có công đoàn tự do, đó là cái mà người ta chưa hình dung được ở Việt Nam đương triển khai như thế nào…”

Luật sư Trần Quốc Thuận tiên liệu vấn đề này theo kinh nghiệm hoạt động nhiều năm ở Quốc hội Việt Nam. Ông nói:

“Tức là Việt Nam phải có khung pháp lý để cho công đoàn tại Việt Nam hoạt động như thế nào, vừa phù hợp qui định của TPP vừa phù hợp pháp luật Việt Nam. Đó cũng là một thử thách lớn cho nên tôi nghĩ rằng Quốc hội sắp đến họ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này. Tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ tham gia vào và trở thành một nước có nền kinh tế mạnh và một nền dân chủ phát triển.”

Trong cái lạnh buốt giá khác thường của Hà Nội mùa Tết Nguyên Đán Bính Thân, vài giờ sau khi Hiệp định TPP chính thức ký kết, TS Võ Trí Thành nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, một chuyên gia về hội nhập kinh tế quốc tế đã trình bày nhận định của ông:

“Việc Việt Nam hội nhập sâu rộng và đàm phán ký kết thực thi rất nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó rất đặc biệt là TPP, nó có ý nghĩa hết sức sâu sắc. Đầu tiên nó là một chất xúc tác rất mạnh cho sự phát triển kinh tế mà đàng sau là xuất khẩu, là thương mại, đầu tư, là dịch vụ. Thứ hai có thể nói gần như quan trọng nhất, chính là sự tương thích với công cuộc cải cách hiện nay ở Việt Nam. Việt Nam cần sự thay đổi, cần có cách thức phát triển mới cho hiệu quả hơn, bền vững hơn, hài hòa hơn về mặt xã hội…”

TS Võ Trí Thành giải thích thêm về điều gọi là chất xúc tác cho cải cách. Ông nói:

“Chính Hiệp định TPP này với rất nhiều cam kết, cùng với nhiều cam kết trong các hiệp định khác, thì nó như là chất xúc tác để góp phần thêm, để thúc đẩy thêm quá trình cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế theo tinh thần thị trường đầy đủ hiện đại và hội nhập cũng như là một Nhà nước rất là có trách nhiệm, có tính giải trình cao, chuyên nghiệp, minh bạch.

Đấy là ý nghĩa rất sâu xa và đàng sau tất nhiên là môi trường kinh doanh rất là bình đẳng, minh bạch, đàng hoàng để các nhà đầu tư , để thị trường đón nhận, đem hết tất cả lợi thế cũng như năng lực của mình vào hoạt động kinh doanh sản xuất…”

TS Võ Trí Thành đề cập tới một khía cạnh khác qua việc Việt Nam tham gia Hiệp định TPP. Ông nói:

“Điểm thứ ba, TPP không chỉ là hiệp định thương mại tự do, mà còn là quan hệ đối tác với rất nhiều các nước khác. Và rất nhiều nước là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược của Việt Nam. Như vậy đây là một cơ hội không chỉ là tiếp cận thị trường, không chỉ là các nhà đầu tư, không chỉ là công nghệ, không chỉ là chức năng quản lý mà còn là quan hệ hợp tác với các đối tác rất quan trọng. Với tinh thần đó có thể nói thế hội nhập hiện nay của Việt Nam, trong đó đặc biệt là TPP, có ý nghĩa rất là lớn.”

000_7N1UV-622.jpg
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương- TPP với 12 nước tham gia được chính thức ký trong ngày hôm nay 4/2/16 tại Auckland, New Zealand.

Báo điện tử Lao động khi đưa tin về lễ ký chính thức Hiệp định TPP đã trích lời các chuyên gia kinh tế bày tỏ sự quan ngại về mặt trái của TPP. Hiệp định này đem đến lợi ích rất lớn, kỳ vọng tăng xuất khẩu của Việt Nam thêm 28 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên thực trạng cải cách chậm, môi trường kinh doanh chưa cải thiện nhiều, khu vực doanh nghiệp tư nhân được báo tử chết hàng loạt, là những vấn đề gây phản ứng trái chiều.

Chẳng hạn đối với xuất khẩu dệt may, ngành hàng được cho là được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Tuy nhiên điều kiện về xuất xứ, nguyên tắc phải sử dụng sợi dệt nội khối, sẽ khiến Việt Nam nhường miếng bánh thơm tho này cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc đang hối hả đầu tư vào ngành kéo sợi, dệt nhuộm.

Tờ báo trích lời ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, không chỉ bày tỏ sự lo ngại mất thị phần vào tay các ông lớn trong TPP, mà ngay chính các thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Một khi các đại gia nước ngoài trong TPP hay AEC thực hiện thành công việc chi phối thị phần bán lẻ, thì nhiều loại hàng hóa nội địa sẽ biến mất trên các quầy hàng ở siêu thị.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từng cảnh báo vấn đề này với Đài RFA:

“Nếu như siêu thị của họ phục vụ tốt hàng hóa lại bán rẻ có chất lượng tốt thì lúc bấy giờ hàng hóa của Việt Nam sẽ không có đất sống và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể tồn tại được. Điều đó sẽ đe dọa với cả nền nông nghiệp Việt Nam, thí dụ trái cây Thái Lan rẻ và ngon, trái mít cũng ngon hơn trái mít của chúng ta, quả nhãn quả xoài cũng ngon hơn. Chưa thuế suất bằng 0 nhưng tôi về đồng bằng Cửu Long đã thấy trái cây Thái Lan khá nhiều, không muốn dùng chữ tràn ngập nhưng đã là khá nhiều rồi…thế thì tôi thấy những điều ấy rất là lo lắng.”

Tổng Giám đốc Đường sắt Hà Nội bị cách

Khá với những năm trước, thời sự chuyển mùa từ Ất Mùi sang Bính Thân khá sôi nổi với câu chuyện xui xẻo cuối năm của ngành đường sắt khiến cho một số người mất vui trong ngày Tết. Ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng Giám đốc Đường sắt Hà Nội bị cách chức hôm 4/2/2016 tức 25 Tết. Báo chí Việt nam có vẻ có công lớn khi làm rùm beng vụ ông Hiệp tiến hành giao dịch để mua 160 toa xe lửa phế thải của Trung Quốc trong kế hoạch kinh doanh.

Tuy Vận tải Đường sắt Hà Nội là một công ty cổ phần nhưng do Nhà nước giữ tỷ lệ cổ phần chi phối nên ông Nguyễn Viết Hiệp trong tư cách người đại diện phần vốn Nhà nước, cũng đảm nhận chức Tổng Giám Đốc. Ngày 3/2/2016, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, người vừa được bầu vào Bộ Chính trị đã nhanh chóng phản ứng, chỉ đạo cách chức ông Nguyễn Viết Hiệp. Ông Thăng cũng ra lệnh kiểm điểm làm rõ đối với các giới chức ở Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam liên quan đến vụ việc. Đến chiều ngày 4/2/2016, Hội đồng thành viên tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết định cách chức, điều chuyển ông Nguyễn Viết Hiệp về Tổng Công ty.

Nhà báo tự do Phạm Thành từ Hà Nội trả lời đài RFA:

“Dư luận phản ứng qua việc ông Đinh La Thăng cách chức ông Nguyễn Viết Hiệp, đám quan chức chóp bu quan hệ với Trung Quốc thế nào tôi không được rõ. Nhưng tôi thường xuống với bà con anh em, tổ nhóm ở cơ sở, thì họ rất hoan nghênh rất đồng tình…Phản ứng của ông Đinh La Thăng lần này không phải là lần đầu, trước đây trong vụ đường sắt trên cao ở Hà Nội thi công hai ba lần có tai nạn chết người, ông Đinh La Thăng đã từng mắng mỏ Trung Quốc rất quyết liệt.”

Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang, một công dân Hà Nội cũng tỏ ra hài lòng về việc cách chức ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng Gíam đốc Đường sắt Hà Nội. Ông nói:

“Trước hết tôi thấy yêu cầu cách chức của ông Đinh La Thăng rất được lòng dân, đáp ứng được sự mong mỏi của nhiều người. Tôi thấy bản thân ông Đinh La Thăng là người dám quyết định dám chịu trách nhiệm. Tôi mong rằng các quan chức trong chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng quyền lực của mình như là ông Đinh La Thăng.”

Trước khi kết thúc bài phóng sự này, chúng tôi mời quính giả nghe chuyện ngày Tết của LS Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện tiếp tục phục vụ xã hội trong tư cách một luật sư nhân quyền,

“Trong nhà theo thông lệ tập quán, cũng có bông hoa bánh mứt và cũng được bạn bè đến tặng quà, những món trị giá một trăm, hai trăm ngàn cũng là tục lệ hay. Bây giờ không khí cũng rộn ràng nhưng về nhìn nhận người ta nói rằng không được sôi nổi như các năm trước. Ở đây có hai ý kiến, cái thứ nhất người ta cho rằng việc ăn uống hàng ngày và hàng hóa ở Việt Nam phong phú quanh năm suốt tháng, cho nên đến Tết cũng không có gì xa lạ. Nhưng mặt khác, thu nhập ngày càng giảm sút, đặc biệt năm nay trong mấy triệu công nhân thì số được tiền thưởng chiếm tỷ lệ không bằng các năm trước, cho nên thu nhập ảnh hưởng tới chuyện mua sắm…”

Vui Tết giản dị như LS Trần Quốc Thuận hay phần lớn giới trí thức có lòng với người dân và đất nước, hay Tết xa quê của anh chị em công nhân nghèo bị chủ nợ tiền lương như báo chí đưa tin…có lẽ vẫn mang trong đó một niềm hy vọng thay đổi khi cuộc sống bước vào năm mới.

Nam Nguyên
(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét