Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Nghèo nhưng yên bình, công bằng có đúng chăng?

Nghèo nhưng an toàn, yên bình, công bằng có đúng chăng?
“…Còn nhiều những bằng chứng khác cho thấy Việt Nam vừa nghèo vừa không an toàn, không bình yên chứ không phải là nghèo mà an toàn, bình yên như ông Hoàng Trung Hải nói…”. Ở Việt Nam bây giờ, nhức nhối nhất và bức xúc nhất là vấn đề Cảnh sát Giao thông (CSGT). Không một ai gặp CSGT mà họ có cảm giác bình yên được! Không một người dân nào ở Việt Nam có thể tin là lực lượng CSGT nói riêng và Công an nói chung, lại phục vụ cho sự bình yên của họ

Trong buổi làm việc với huyện Ba Vì ngày 23/02/2016, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã khẳng định: “Thà là sống nghèo nhưng công bằng và yên bình còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn”. Phải nói rằng, những phát biểu kiểu này thì chỉ có những “đỉnh cao trí tuệ” mới có thể nghĩ ra. Nó giống như kiểu phát biểu bắn pháo hoa để quên nghèo hoặc tranh cướp ấn/phết cũng là… văn hóa (!).

Nhà văn Trần Trung Đạo nhận xét về phát biểu này như sau: “Nếu không có nguồn từ VNExpress với bài tường thuật kèm theo, thật khó tin lời phát biểu trên đây là của một trong những lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN. Phát biểu ngu ngơ, nói năng bừa bãi vốn là đặc điểm của các lãnh đạo CSVN nhưng khi đóng vai trò mặt nổi phải biết tập uốn lưỡi bảy lần. Nếu không tập được thì nên im lặng. Càng nói càng chứng tỏ lãnh đạo CS không hề đọc sách, chưa hề đi xa, chỉ biết thừa hưởng gia tài cai trị theo kiểu cha truyền con nối thời phong kiến”.

Thật đúng như vậy, lãnh đạo Việt Nam bao nhiêu người là kẻ đọc sách? Trong xã hội Việt Nam bây giờ, những kẻ “học giả”, “bằng giả” nhan nhản xã hội, sự… nhan nhản đó rõ ràng đến nỗi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải lên tiếng. Tuy vậy, ông này lại nhận xét là những kẻ “học giả”, “bằng giả” đó lại chen chân vào lĩnh vực (lãnh đạo) Nhà nước (!). Thiệt tình, Nhà nước Việt Nam có một guồng máy có thể phát hiện ra vô số thứ “giả” như gạo giả, thuốc giả, điện thoại giả, mũ bảo hiểm giả… và thậm chí là… “dân chủ giả”, nhưng khó phát hiện ra bằng giả (trong khi lãnh vực giáo dục và cấp bằng thì Nhà nước Việt Nam cũng độc quyền quản lý chứ không phải để cho tư nhân).

Trở lại vấn đề “nghèo mà an toàn/công bằng/yên bình” của tân Bí thư Hà Nội, tôi thấy phát biểu này có cái gì đó không ổn. Những phát biểu kiểu “nghèo nhưng an toàn…” hay “bắn pháo bông cho quên nghèo” đều là những phát biểu… ru ngủ độc hơn… thuốc phiện. Hồ Chí Minh, trong Bản án chế độ Thực dân Pháp (tạm cho tác phẩm này là của ông Hồ mặc dù vẫn có nhiều tranh cãi) đã cho rằng, người Pháp dùng thuốc phiện để ru ngủ dân Annam, thì nay, những kiểu phát biểu này còn có tác dụng ru ngủ hơn gấp 800 lần điều ông Hồ Chí Minh lên án Thực dân Pháp trong Bản án chế độ Thực dân Pháp của ông (“hơn 800 lần” là hơn 800 tờ báo “lề dân” sẽ đăng đi đăng lại phát ngôn này, sẽ ăn sâu vào tâm trí dân Việt một sự an ủi chính mình là họ nghèo, nhưng sẽ không sống thiếu an toàn, thiếu công bằng).

Đúng! Việt Nam nghèo thì không ai phủ nhận. Bằng chứng là GDP Việt Nam năm 2014 là 2052 USD, và chỉ so với Thái Lan thôi, chúng ta đã không được một nửa của họ () và cho tới 20 năm nữa chúng ta sẽ bằng Hàn Quốc năm… 2000. Chỉ cần hai sự kiện này thôi cũng đủ cho thấy Việt Nam nghèo như thế nào. Và đau hơn nữa (hay đi xa hơn nữa), chúng ta có suy nghĩ gì nếu lỡ người nào Hàn Quốc nào đó (biết tiếng Việt) đọc được bài báo này. Nó là một sự đau xót không tả nổi nếu những ai là người Việt Nam còn lòng tự trọng! Nó không phải là “tin mừng” mà là tin… mỉa mới chính xác.

Lần trước, tôi có viết bài Đất nước Việt Nam đang bình yên? để thưa chuyện cùng tác giả Võ Bích Nhạn, lần này, nhân “sự kiện” ông Hải phát ngôn như trên, tôi lại phải viết thêm cho ông Hải rõ là Việt Nam có “bình yên/an toàn/công bằng” hay không (?).

Hãy lấy “bình yên và an toàn” để nói trước!

Tôi nghe một số người già (ở miền Nam – Nam Việt Nam) kể lại là họ, trước 1975, mong ước sao không còn chiến tranh, hòa bình (hay “yên bình”) đến, để dù họ có nghèo đói, cực khổ, ăn mắm mút dòi họ cũng cam lòng. Và thật sự, sau 30/04/1975, tiếng súng thì im, nhưng bình yên thì không bao giờ có! Sau 30/04/1975, hai chữ “hòa bình” chỉ có thể hiểu là tiếng súng chiến tranh không còn nữa, nhưng “yên bình” (theo đúng nghĩa) không bao giờ tồn tại.

Sau 30/04/1975, không khí khủng bố và bắt bớ tràn ngập miền Nam. Đảng và Nhà nước Việt Nam (thống nhất) không mang lại gì cho nhân dân miền Nam ngoài sự rúng động vì khiếp sợ. Những người liên quan tới cuộc chiến thì bị tù đày khổ sai, không biết ngày về. Những người bên ngoài, họ cũng không biết khi nào họ sẽ bị bắt; ăn cũng không dám ăn ngon vì sợ gọi là tư sản mại bản, tiền của không biết sẽ có ngày đi về đâu nếu bị quy là thành phần tư sản. Nhà cửa, đất đai, dinh thự làm nên, xây nên bằng mồ hôi sức lao động, nhưng sẽ bị tước đoạt ngay nếu chính quyền muốn lấy. Đang ở phố, ở phường, tự nhiên đẩy con người ta tới vùng “khỉ ho cò gáy” xa lạ mà không biết cuộc đời mai này đi về đâu! 

Sau 30/04/1975, đất nước có nghèo không? Chắc chắn có! Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng khẳng định như vậy khi ông viết “ôi quê hương đã lầm than, sao còn… còn… chiến tranh” khi nói về cái nghèo của đất nước lúc bấy giờ (mặc dù lúc đó Sài Gòn là “hòn ngọc viễn Đông”). Nhưng nghèo mà vẫn không có “an toàn và bình yên”.

Nhưng đó là quá khứ. Còn hiện tại? Hiện tại cũng chẳng tốt đẹp gì hơn! Sau 40 năm sử dụng “Chủ nghĩa Marx – Lenin vô địch” để giúp đưa dân tộc giàu mạnh, vậy mà Việt Nam vẫn không giàu, vẫn nghèo. Đó là cái khổ của dân tộc! Đó là sự thật và sự thật này đã được khẳng định (rõ ràng, không che giấu) qua phát biểu của chính ông Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải như vừa nêu.

Kinh tế Thế giới suy thoái gần 8 năm nay làm người dân Việt Nam không ngóc đầu lên được nên họ nghèo. Mà từ xưa đến nay, đã nghèo thì làm gì được lựa chọn.

Làm sao người dân nghèo có thể chọn lựa giữa thực phẩm sạch nhưng giá trên trời và thực phẩm trôi nổi nhưng giá vừa túi tiền họ, và thế là thực phẩm độc hại của Trung Quốc có điều kiện xâm nhập thị trường Việt Nam vì giá rất rẻ lại bắt mắt. Làm sao người tiêu dùng có thể phân biệt được thực phẩm có chất cấm độc hại và thực phẩm nào không, vậy nên nguy cơ sử dụng thực phẩm bẩn/độc là không thể tránh khỏi. Và đây có là sự an toàn/yên bình cho người dân Việt?

Nước nghèo, thiếu tiền nên khi mua hàng của Thế giới cho dân Việt Nam dùng, Nhà nước cũng không có quyền chọn hàng tốt cho người dân của mình. Những vụ tiêm vắc-xin gây chết cho hàng trăm trẻ em là một minh chứng không thể chối cãi về việc trẻ em trong một nước nghèo phải chịu cảnh thiệt thòi về tiêm chủng. Và như vậy, liệu cái nghèo này có mang đến an toàn?

Ở Việt Nam bây giờ, nhức nhối nhất và bức xúc nhất là vấn đề Cảnh sát Giao thông (CSGT). Không một ai gặp CSGT mà họ có cảm giác bình yên được! Không một người dân nào ở Việt Nam có thể tin là lực lượng CSGT nói riêng và Công an nói chung, lại phục vụ cho sự bình yên của họ, tuy rằng câu “khẩu hiệu” của lực lượng này là “vì nhân dân phục vụ” (chứ không phải “vì cán bộ phục vụ”) luôn gắn to đùng trước các trụ sở Công an. Thấy họ là nỗi bất yên dâng lên trong tâm trí. Người đi đường mỗi khi thấy CSGT từ đàng xa là đã lo lắng, hồi hộp. Họ không biết là khi họ đi tới gần, họ sẽ bị bắt vào hay không, sẽ bị “hài tội” gì, sẽ mất toi bao nhiêu tiền… Hơn nữa, Thông tư 1/2016 của Bộ Công an cho phép CAGT “trưng dụng” tài sản của người tham gia giao thông đã gây một nỗi bất an khủng khiếp cho người dân Việt Nam. Như vậy, Việt Nam nghèo mà bình yên?

Còn nhiều những bằng chứng khác cho thấy Việt Nam vừa nghèo vừa không an toàn, không bình yên chứ không phải là nghèo mà an toàn, bình yên như ông Hoàng Trung Hải nói.

Chẳng hạn, dân Việt Nam có bình yên chăng, có cảm thấy an toàn chăng khi cho con em họ đi học? Bạo lực học đường xảy ra phổ biến đến độ đáng báo động. Rồi tình trạng vô pháp của Công an khi xông vào bắt học sinh trong trường vì nghi phạm tội mà bất chấp học sinh đang học, cô giáo đang giảng bài và cũng không cần biết Hiệu trưởng đồng ý hay không!

Sẽ như thế nào là bình yên/an toàn khi người dân nếu bị bắt tạm giam là y như rằng người đó khó toàn mạng? Sẽ như thế nào là an toàn hay bình yên khi cứ vào mùa mưa là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… bị ngập lụt? Và gần đây nhất là mùa mưa năm 2015, khi cảnh tượng người dân đẩy xe một cách tuyệt vọng trên những con đường ngập nước cao vượt cả độ cao những chiếc xe máy. Còn chưa kể là những “hố tử thần” nằm dưới đường mà nó đã bị nước che khuất, người dân làm sao lường trước nguy hiểm này. Vậy là an toàn?

Ông Hoàng Trung Hải (và nhiều vị “đầy tớ nhân dân” nữa) có hiểu nổi tình cảnh người dân Hà Nội qua 17 (mười bảy) lần vỡ đường ống sông Đà? Và có hiểu thấu tâm trạng các sản phụ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khi họ được chỉ định sinh mổ lại phải ngưng mổ vì mất nước?.

Và còn rất nhiều, nhiều chứng luận nữa…

Thật ra mà nói, không một ai có thể chứng minh sự nghèo nàn đi chung với bình yên hay an toàn (ngoại trừ nó được “chứng minh” bằng nhà tù và dùi cui). Trong quá khứ cũng như hiện tại, đã nghèo là không có an toàn hay bình yên. Nếu những ai không thuộc sử Việt Nam thì chắc cũng nhớ câu này khi mô tả về đất nước ở vào thời đói kém: “Nước ta vào thời nhà (…) xã hội trở nên đói kém, giặc cướp nổi lên khắp nơi như nấm sau mưa”. Còn bây giờ, hãy nhìn những người dân châu Phi, họ đói nghèo nên tỷ lệ tử vong và bệnh tật là cao nhất Thế giới.

Câu phát biểu của ông tân Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải đã khiến Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu bình luận trên facebook cá nhân: “Thú thật là từ bé đến giờ, tôi chỉ được nghe cái nghèo nó sinh ra bạo loạn, trộm cắp, cướp giật. Chứ có bao giờ tôi lại được nghe câu "Thà nghèo mà yên bình..." đâu (…) Bí thư chơi chữ thế này, ví von thế này, kẻ ngu muội như tôi thật lòng không sao hiểu được ạ”.

Kế đến là vấn đề “công bằng” trong phát biểu của ông Hải.

Công bằng ở đất nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) này dành cho ai? Chắc chắn nó không dành cho tôi và gần 90 triệu người dân Việt Nam (tôi trừ đi số đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam). Sự công bằng đó chỉ dành cho Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Bá Cảnh, Nguyễn Xuân Anh, Nông Quốc Tuấn, Lê Trương Hải Hiếu, Lê Phước Hoài Bảo, và nhiều người nữa.

Nhưng dù sao câu nói của ông Hoàng Trung Hải vẫn có ý nghĩa nào đó chứ? Và ý nghĩa của nó về sự “bình yên/an toàn” là đây: “Khái niệm bình yên của chúng ta là nhắm mắt, bịt tai để không phải chứng kiến những điều rùng rợn quanh mình. Khái niệm bình yên của chúng ta là rúc đầu vào cát như con Đà Điểu để không phải thấy mình bị giết như thế nào” (https://www.danluan.org/tin-tuc/20160223/ngheo-binh-yen) và “công bằng” ở nước CHXHCNVN là kiểu: “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con vật khác” (tức là “công bằng” theo kiểu Trại súc vật mà Tác giả George Orwell muốn nói đến). Chắc ông Hoàng Trung Hải muốn nói vậy?

Phan Gia Minh
(Thông Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét