Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Bác Thăng đang hóa giải dần những thách thức

Tôi hết sức ủng hộ bác Thăng và mong bác thành công, nhưng mong bác nói ít làm nhiều, nói nhiều sẽ không còn thời gian để làm; đừng đưa báo chí đi theo để PR quá nhiều cho mình. Việc can thiệp bán sữa ở Củ Chi tuy chưa phải là bắt Vinamilk mua sữa cho dân, nhưng với thế lực của bác, sức ép của báo chí, dư luận thì liệu Vinamilk có dám từ chối mua sữa của dân theo ý bác Thăng không ? Môi trường kinh doanh ở VN khác với ở tuyệt đại đa số các nước trên thế giới. Ở VN doanh nghiệp lớn nếu không có các quan to chống lưng liệu có thể tồn tại được không ?
Còm sỹ Hà Hiển: Bàn tiếp về ông Đinh La Thăng
Những hành động có vẻ theo phong cách “đoàn thanh niên” của ông Thăng mà nhiều người châm chích lại là thế mạnh của riêng ông trong lúc này để tạo ra một sự hưng phấn và ủng hộ trong dư luận, thu hút được khá đông các bạn trẻ thường vẫn bị cho là thơ ơ, vô cảm với những vấn đề của đất nước.
ông Đinh La Thăng, tân Bí Thư thành ủy TP. HCM
Chuyện ông Đinh La Thăng, tân Bí thư Thành ủy T.P HCM trong dịp đi thăm huyện Củ Chi gần đây đã yêu cầu ông chủ tịch huyện gọi điện thoại cho Tổng Giám đốc Vinamilk để tìm hiểu vì sao Vinamilk không mua sữa của nông dân đang là chủ đề nóng sốt tạo nên một không khí bàn luận rất sôi động cả trên báo chí và mạng xã hội trong suốt tuần qua.

Hầu hết những ý kiến bình luận của bạn đọc tiếp theo các bài viết trên các báo chính thống về sự kiện này cũng như các hoạt động khác của ông Thăng đều ca ngợi ông là nhà lãnh đạo quyết đoán và hết lòng vì dân. Nhiều người hy vọng ông Thăng sẽ làm cho Sài Gòn trở lại là “Hòn Ngọc Viễn Đông” như nó đã từng thế trong quá khứ và không hiếm những tiếng reo vui đầy phấn khích như “Hoan hô Bác Thăng!”, “Bác Thăng, niềm hy vọng của chúng ta!”, “Tự hào vì từ nay Tp.HCM có bác Thăng” v.v… đọc được ở những phần bình luận ấy.

Mạng xã hội cũng sôi động không kém. Bài viết “Sữa Kiều Liên và chuyện La Thăng” trên Hang Cua cho đến thời điểm này đã thu hút gần 200 ý kiến của các còm sĩ, chỉ khác với báo chí chính thống là bên cạnh những ý kiến khen ngợi ông Thăng thì cũng có nhiều ý kiến hoài nghi, cho rằng hành động của ông chưa xứng tầm với cương vị của ông, rằng lẽ ra ông nên tập trung vào những việc lớn ở tầm chiến lược hơn là kiểu chỉ đạo vụn vặt thấy đâu nói đấy như vậy. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng những việc ông Thăng đang làm chỉ có tác dụng PR cho bản thân, là “lạm dụng quyền lực” khi “can thiệp trực tiếp” vào chuyện làm ăn giữa những người nông dân Củ Chi và Vinamilk.

Nhưng nói gì thì nói, không biết trong tương lai xa hơn thì thế nào, hiện tại dường như khó có lý do để bác bỏ rằng những “bước đi đầu tiên” của ông ở Sài Gòn là rất ấn tượng và gây được nhiều thiện cảm cho ông và nếu vậy thì đây là một thành công ban đầu rất quan trọng cho sự nghiệp mới của ông.

Ngay sau khi ông Thăng được phân công đứng đầu tổ chức Đảng tại Sài Gòn, một tác giả có tên là Bùi Quang Vơm đã có một bài viết trên trang Ba Sàm cảnh báo về những thách thức đang chờ đợi ông. Theo tác giả này thì những thách thức ấy là sự cát cứ của các thế lực ngầm đã tồn tại từ lâu và phát triển cả về bề rộng lẫn bề sâu, là lực cản lớn cho bất kỳ một sự cải cách nào mà một người từ bắc lại mới vào như ông muốn thực hiện dù ở phần cuối bài viết tác giả cũng đã trấn an ông Thăng rằng bệnh gì thì cũng có thuốc chữa và tác giả sẵn sàng mách cho ông Thăng về “bài thuốc” ấy nếu được yêu cầu.

Không biết những mối nguy hiểm mà tác giả Bùi Quang Vơm nêu ra để “dọa” ông Thăng có thật đến mức nào và đã có ai ngoài ông Vơm mách nước cho ông Thăng hay chưa nhưng người viết bài này thì có cảm giác rằng ông Thăng đã biết làm thế nào để hóa giải dần những thách thức ấy.

Nếu sự cát cứ và những liên kết ngầm đã tồn tại là có thật, nhất là những liên kết ấy có thể lại nằm ngay chính trong hệ thống mà ông Thăng đang tiếp quản, thì để áp đặt được “lối chơi” của mình và không bị sa vào những cái bẫy có thể đang giăng ra, tại thời điểm khởi đầu này ông Thăng khó có thể dựa vào “bên trong” mà trước tiên phải tạo ra những sức ép hỗ trợ một cách vô tư cho ông từ “bên ngoài”.

Việc xây dựng các đồng minh mới là một quá trình, không thể chỉ thực hiện trong ngày một ngày hai nhưng có thể nói trong những ngày qua ông Thăng đã nhanh chóng có được những đồng minh rất quan trọng đầu tiên, nếu không nói là quan trọng bậc nhất ở thời điểm này, đó là lòng dân và truyền thông.

May mắn cho ông Thăng là “lòng dân” không chỉ là “lòng” của những người giống như các còm sĩ khó tính của Hang Cua mà còn là “lòng” của đông đảo những người đủ mọi giới, đủ mọi lứa tuổi giành cho ông. Và trong chuyện này có công lớn của báo chí, đặc biệt là báo Tuổi Trẻ.

Hóa ra, những hành động có vẻ theo phong cách “đoàn thanh niên” mà nhiều người châm chích lại là thế mạnh của riêng ông trong lúc này để tạo ra một sự hưng phấn và ủng hộ trong dư luận, thu hút được khá đông các bạn trẻ thường vẫn bị cho là thơ ơ, vô cảm với những vấn đề của đất nước.

Những hành động và phát ngôn của ông đã kích thích được người dân thông qua truyền thông thẳng thắn nói lên những yếu kém của Sài Gòn trước khi ông đến, giúp ông có thông tin trung thực về địa bàn mới phụ trách và cũng giúp cho cấp trên ở Hà Nội biết rằng công việc mà Đảng vừa mới giao là khó khăn và phức tạp như thế nào. Những khó khăn ấy tốt nhất là để dư luận và truyền thông nói hộ thì sẽ khách quan hơn nhiều và tiện cho ông hơn.

Về việc ông Thăng yêu cầu chủ tịch huyện Củ Chi gọi điện thoại cho Tổng Giám đốc Vinamilk mà có còm sĩ trong Hang Cua chỉ trích rằng đó là hành vi can thiệp vào chuyện “làm ăn của các đối tác” thì người viết bài này lại có quan điểm rằng chính quyền CÓ NGHĨA VỤ PHẢI can thiệp một cách ĐÚNG ĐẮN vào chuyện làm ăn của họ.

Tại sao phải can thiệp? Vì tất cả các “đối tác” ấy đều là đối tượng được bảo hộ của chính quyền. Nếu không “can thiệp” thì chính quyền từ bỏ vai trò cần phải có và sự tồn tại là vô nghĩa.

Nhưng sự can thiệp của chính quyền phải đúng, nghĩa là sự can thiệp ấy phải không đi ngược với các nguyên tắc của kinh tế thị trường, đúng pháp luật nhằm bảo vệ bất cứ bên nào bị hại một cách không chính đáng.
Quan hệ thị trường không thể được giải quyết bằng các mệnh lệnh hành chính như ý kiến của nhiều còm sĩ. Nhưng có thể thấy ông Thăng chưa ra một mệnh lệnh nào cho thị trường. Ông Thăng không ra lệnh cho doanh nghiệp phải bán sữa cho nông dân và cũng không chỉ thị cho chính quyền Củ Chi yêu cầu doanh nghiệp phải làm chuyện ấy.

Ông Thăng chỉ ra lệnh cho cấp dưới của mình – tức là chính quyền Củ Chi phải tiếp xúc ngay với Vinamilk để TÌM HIỂU LÝ DO TẠI SAO VINAMILK KHÔNG MUA SỮA CỦA NÔNG DÂN trong khi cấp dưới của ông rõ ràng là chưa nắm rõ được lý do ấy. Sự can thiệp này là vừa hợp pháp, vừa hợp lý, vừa thể hiện được trách nhiệm của một nhà lãnh đạo như ông.
Có người lại nói ở Mỹ ở Tây tầm lãnh đạo như ông Thăng không cần thiết phải chỉ đạo đến những chuyện nhỏ mọn như vậy. Nói thế là chưa tính đến thực tế. Ông Thăng có thể không phải làm những điều vặt vãnh ấy nếu ông là một thị trưởng ở Mỹ, nơi mà hệ thống công quyền được vận hành một cách nhịp nhàng từ trên xuống dưới rất khác với ở Việt Nam hiện nay.

Nếu ở bên Mỹ thì những người nông dân như ở Củ Chi sẽ có thể giải quyết một cách hữu hiệu những vướng mắc về chuyện bán sữa thông qua một hiệp hội nghề nghiệp của họ mà không cần thiết phải nhờ vả đến chính quyền, còn nếu có tranh chấp với doanh nghiệp thì tòa án sẽ giải quyết. Trong điều kiện ấy thì một ông xã trưởng có thể không cần phải biết lý do tại sao nông dân ở xã ông không bán được sữa vì đã có một cơ cấu khác đã “được lập trình’ để sẵn sàng biết và giải quyết chuyện ấy.

Nhưng đó là chuyện ở bên Mỹ nơi có sự chia sẻ quyền lực và trách nhiệm rất rõ ràng. Còn ở Việt Nam, mọi thứ tất tần tật, kể cả những tổ chức được gọi là “dân sự” hay “xã hội – nghề nghiệp” thì hầu như đều bị chi phối chặt chẽ bởi chính quyền và trên hết là “sự lãnh đạo của Đảng” thì không có lý do gì có thể bao biện cho việc một thành viên quan trọng của cái hệ thống tự nhận về mình cái quyền lực bao trùm ấy như ông chủ tịch huyện lại không biết lý do vì sao những người dân của huyện ông không bán được sữa. Vì quyền lực luôn được đòi hỏi phải đi đôi với trách nhiệm.

Hà Hiển
Hiệu Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét