'Quan văn nghệ'
Dẫu là “quan văn nghệ” trung ương hay “quan văn nghệ” địa phương thì gặp họ thường thấy mặc comple, xách cặp, đi ôtô biển xanh. Nghe họ phát biểu nhiều lần, tôi khám phá ra ý kiến của họ như na ná nhau, tôi đồ rằng đó là kết quả có được sau khi học tập một nghị quyết về văn nghệ...
Ảnh minh họa.
Năm 2012 tôi và đồng nghiệp tới tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của Hội đồng nghệ thuật Anh. Theo lời giới thiệu thì về cơ cấu, Chủ tịch Hội đồng là người do Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Chính phủ Anh cử, hơn 20 ủy viên Hội đồng là chuyên gia hàng đầu về nghệ thuật của Vương quốc, làm việc nửa thời gian, không lương, phụ cấp.Tò mò, tôi hỏi về nguồn sống, và người đại diện Hội đồng trả lời: Phần lớn ủy viên làm việc tại một trường đại học, viện nghiên cứu, đoàn nghệ thuật,… nào đó nên cuộc sống bảo đảm, ai không có nơi làm việc ổn định thì nhận dự án của Hội đồng.
Tới khi biết nhiệm kỳ ủy viên là ba năm, mỗi ủy viên không làm quá hai nhiệm kỳ, tức là không quá sáu năm, tôi lại tò mò và hỏi tiếp: nếu đó là chuyên gia rất giỏi thì có làm tiếp không, đại diện của Hội đồng trả lời: Sáng tạo nghệ thuật luôn cần cái mới, vì thế sau sáu năm phải thay thế, để cái mới hơn có điều kiện ra đời.
Như vậy, để giải quyết một việc theo tôi khá phức tạp là tạo điều kiện cho cái mới trong nghệ thuật luôn có cơ hội xuất hiện thì về nhân sự, Hội đồng có quan niệm và phương án giải quyết khá đơn giản nhưng xem ra phù hợp. Đáng nói là Hội đồng không phải là cơ quan sự nghiệp mà làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, như: xác định hành lang pháp lý, vạch phương hướng hoạt động ở tầm vĩ mô, phân bổ ngân sách, bảo vệ bản quyền tác giả, điều tiết bằng chính sách thuế,…
Dù vai trò quan trọng nhưng Hội đồng không trực tiếp tổ chức hoạt động nghệ thuật và tuy không được hưởng lương nhưng với ý thức trách nhiệm, mọi ủy viên Hội đồng vẫn chủ động nắm bắt, suy nghĩ, tìm cách thức thúc đẩy nghệ thuật của Vương quốc Anh phát triển.
Nhắc đến chuyến đến nước Anh, lại nhớ chuyện buồn cười. Chẳng là trước khi đi, thấy địa chỉ nơi làm việc đều vào hàng tiếng tăm, như: Hội đồng nghệ thuật Anh, Hội đồng Anh, King’s College London, Royal Academy of Dramatic Art,… tôi hỏi anh em cần mang comple không. Anh em bảo cần, tôi ngán quá. Vì đời tôi đến lúc đó hình như chỉ mặc comple có vài ba lần, cũng may hai ba bộ, nhưng may xong là cất vào tủ, vài năm cũ lại cho người khác. Mua comple mới rồi, trước khi đi tôi gấp cẩn thận, cất đáy vali!
Buổi làm việc đầu tiên, tôi xúng xính comple và trịnh trọng một cách ngượng ngịu. Lúc làm việc lại thấy nam giới bên phía chủ nhà hầu như chỉ quần “bò”, áo vét, đeo balo. Thế là từ hôm đó tôi cũng quần “bò”, áo vét và đeo balo, tha hồ tung tẩy, comple trở lại đáy vali, nằm yên ở đó đến khi tôi về Việt Nam! Xem ra cái sự thoải mái như thế hợp lại với tôi, mà từ đó anh em trong đoàn cũng mặc thoải mái hơn.
Riêng vị Giáo sư trưởng đoàn đến đâu là comple rất trịnh trọng, xách cặp “số”, tôi trêu ông: “Cả Londond mỗi mình anh xách cặp số!”. Rồi khi học tại Trường Hành chính quốc gia CH Pháp (L’ENA). Đã nghe danh trường từ trước, mà giảng viên được giới thiệu toàn là chuyên gia đầu ngành, nên tôi rất rụt rè.
Đâu ngờ ngay buổi học đầu tiên, giảng viên vừa giảng bài vừa ghé mông ngồi lên chiếc bàn trước mặt tôi. Lần nào ngước nhìn lên lại thấy đôi mông thù lù, tôi lại suýt phá ra cười. Và rồi sự uyên bác nhưng gần gũi, vui vẻ của ông làm cho tôi rất khoái, nhớ hình ảnh của ông đến bây giờ. Nói tóm lại những người như vậy không có vẻ quan cách, mà với họ, trí tuệ, tri thức và hiệu quả làm việc mới quan trọng.
Họ làm tôi nhớ nhiều “quan văn nghệ” ở Việt Nam, mà vì công việc tôi hay tiếp xúc. Thường thì thành phần xuất thân của các “quan văn nghệ” không phức tạp lắm. Họ, nếu không là văn nghệ sĩ nổi tiếng (mà với một số vị, tôi lại rất ngờ về tài năng?), thì cũng là viên chức cơ quan nào đó chuyển đến cơ quan văn nghệ. Một số người có chức danh, học vị nhưng đôi khi chức danh, học vị chẳng dính dáng gì với lĩnh vực nghệ thuật họ làm “quan”!
Dẫu là “quan văn nghệ” trung ương hay “quan văn nghệ” địa phương thì gặp họ thường thấy mặc comple, xách cặp, đi ôtô biển xanh. Dự các cuộc họp, nếu không ngồi trên đoàn chủ tịch, họ cũng ngồi hàng ghế đầu, thường có tấm biển ghi họ tên, chức vụ đặt ngay trước mặt. Nghe họ phát biểu nhiều lần, tôi khám phá ra ý kiến của họ như na ná nhau, tôi đồ rằng đó là kết quả có được sau khi học tập một nghị quyết về văn nghệ, hoặc là sau khi lĩnh hội một cách sâu sắc tại khóa học lý luận nào đó. Và tôi thấy bi hài mỗi khi nghe “quan văn nghệ” xuất thân từ sân khấu lại chỉ đạo điện ảnh, âm nhạc,… phải thế này thế kia; “quan văn nghệ” xuất thân là nhà thơ lại đứng ra yêu cầu nghệ thuật tạo hình, sân khấu,… phải thế này thế nọ.
Ông nào đọc sang sảng văn bản được chuẩn bị trước thì còn ra một nhẽ (liệu có phải văn bản là do người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cụ thể nào đó soạn giúp?), ông nào “nói vo” hoặc thi thoảng thoát ly văn bản để “nói vo” và kể một hai giai thoại cho thêm phần sinh động thì thôi rồi, nhầm tác giả này với tác giả kia, tác phẩm này với tác phẩm nọ là… chuyện bình thường!
Cũng vì tiếp xúc nhiều và có theo dõi chút ít mà tôi nhận thấy có một số tình huống éo le.
Một là sau khi làm “quan văn nghệ”, chẳng hiểu vì “quan nghiệp” bận rộn nên thiếu thời gian sáng tác hay là từ khi làm “quan” mà cảm xúc thẩm mỹ, tư suy sáng tạo trở nên khô cạn, mà xem ra một số vị xuất thân là văn nghệ sĩ thường ít có sản phẩm nghệ thuật mới, nếu có cũng không mấy xuất sắc?
Hai là, trong các “quan văn nghệ” xuất thân viên chức của cơ quan nào đó, lại có một số vị rất nhanh chóng trở thành văn nghệ sĩ. Không biết thực hư ra sao, nhưng lần đến tỉnh nọ, anh em văn nghệ sĩ kể tôi nghe ở đó một “quan văn nghệ” bỗng dưng có hứng sáng tác ca khúc. Ông sáng tác theo lối viết ra “phần nhời”, sau đó ư ử phổ giai điệu, rồi nhờ một nhạc sĩ trong tỉnh ký âm hộ. Chờ mãi chưa thấy tác phẩm về tay, ông hỏi nhạc sĩ: “Bài hát của tớ cậu viết xong chưa?”!
Tuy nhiên, trong số “quan văn nghệ” trở thành văn nghệ sĩ, có lẽ số người làm thơ chiếm tỷ lệ cao nhất. Theo tôi, hiện tượng này là có căn nguyên của nó. Vẽ một bức tranh, viết một ca khúc hay làm biên đạo múa, đạo diễn điện ảnh,… đều cần tới trình độ nghề nghiệp, không phải người nào cũng có thể bỗng dưng xông vào múa may. Mà đã làm “quan văn nghệ” thì ai lại lên sân khấu, ra trường quay thủ vai nhân vật nào đó để đi lại nhẹ nhàng hay huỳnh huỵch, hoặc vung tay đá chân, nói năng hùng hồn, hò hét ỏm tỏi, hoặc nhăn nhở cười cợt, hoặc ti tỉ khóc lóc,… Có lẽ vì thế lộ trình trở thành nghệ sĩ dễ dàng, đơn giản nhất là làm thơ.
Sự phong phú, sinh động của tiếng Việt quả thực đã cấp cho một số “quan văn nghệ” ưu thế này, khi mà chỉ cần viết mấy câu chữ du dương, có vần vèo, nhịp điệu, năm bảy chữ cho xuống dòng,… là có ngay bài thơ. Tiếp theo, nếu là “quan văn nghệ” địa phương thì gửi đến tạp chí văn nghệ địa phương, nếu là “quan văn nghệ” trung ương thì gửi đến báo, tạp chí văn nghệ ở trung ương. Được biên tập viên có nghề “mông má” lại cho có dáng dấp của một bài thơ thì tốt, không “mông má” cũng chẳng sao, quan trọng là công bố, mà đã có thơ được công bố thì nghiễm nhiên sẽ được gọi là nhà thơ. Còn khi được một hai cây bút tên tuổi nào đó viết bài tán dương, ca ngợi nức nở thì không chỉ được gọi là nhà thơ, mà còn được gọi là nhà thơ tài năng, tâm huyết, đau đáu với đời, với người,…!
Cách đây đã lâu, một văn nghệ sĩ sắp đến tuổi nghỉ hưu tới gặp tôi đề nghị về thay bác. Anh em cũng quý nhau, nhưng từ hồi bác làm “quan văn nghệ” tôi cũng ít gặp. Nghe bác đề nghị, tôi tủm tỉm cười trả lời: “Cảm ơn bác tin cậy em, nhưng chỗ của bác là chỗ “quán triệt”, em là thằng “quán xá”, cứ để em “quán xá”. Bác cần gì em giúp, em không về đó đâu”! Từ đó, đôi lần gặp bác tôi lại nói vui: “Không hiểu sao hôm ấy trả lời bác, em lại nói một câu hay thế!”.
Tếu táo để thoái thác vậy thôi, chứ thực tình tôi không thích. Cứ nghĩ đến cái màn comple, cravat chỉnh tề, trịnh trọng lên xe, xuống xe, tới đâu cũng ngồi ghế hàng đầu, phát biểu chỉ đạo này khác là tôi đã ớn. Đó là mấy việc không hợp với “tạng” của tôi. Nhưng hình như đó lại là ước mơ của không ít người. Và tôi nghĩ, ước mơ là quyền của mỗi người, vấn đề là đừng vì ước mơ mà tìm mọi cách đạt tới, và khi ước mơ đạt được rồi, hãy làm việc có hiệu quả tương xứng với nhất vị trí, trách nhiệm.
Tôi nghĩ đến điều này vì hiện tại số “quan văn nghệ” ở Việt Nam có lẽ cũng tới vài ba trăm người, nhưng tại sao văn nghệ nước nhà vẫn cứ ì ạch, như dậm chân tại chỗ, thành tựu thì năm mười họa rổn rảng một hồi rồi mất tăm mất hơi? Vẫn biết là sự ra đời của thành tựu văn học, nghệ thuật trước hết phụ thuộc vào tài năng, tâm huyết, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, nhưng thử hỏi “quan văn nghệ” có mặt trên đời làm gì, nếu không tổ chức, quản lý một cách hiệu quả, nếu không giúp vào quá trình làm nên thành tựu văn học, nghệ thuật?
Dù không phải là người vọng ngoại thì khi bàn tới các “quan văn nghệ” tôi vẫn nhớ tới Hội đồng nghệ thuật Anh. Và tôi nghĩ, dẫu thế nào thì quan niệm và cách thức tổ chức của Hội đồng, thái độ trách nhiệm, tâm huyết của thành viên Hội đồng cũng có điều để chúng ta học hỏi. Bởi trên thực tế, Hội đồng nghệ thuật Anh có vai trò cực kỳ quan trọng giúp vào việc làm cho Vương quốc Anh trở thành một trong các trung tâm lớn của hoạt động sáng tạo nghệ thuật trên thế giới.
Dù vai trò quan trọng nhưng Hội đồng không trực tiếp tổ chức hoạt động nghệ thuật và tuy không được hưởng lương nhưng với ý thức trách nhiệm, mọi ủy viên Hội đồng vẫn chủ động nắm bắt, suy nghĩ, tìm cách thức thúc đẩy nghệ thuật của Vương quốc Anh phát triển.
Nguyễn Hòa
http://daidoanket.vn/chuyen-de/quan-van-nghe/82145
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét