Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Đại hội XII: Cảnh giác trước 'tin vịt'

Cảnh giác trước 'tin vịt'
Từ mấy tháng nay và đặc biệt là những ngày này, khi mà Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp diễn ra, những thông tin về nhân sự, về đường lối của Đảng trong tương lai… được tung ra nhan nhản trên các trang mạng xã hội. Rồi từ đó, những người rỗi việc, hay la cà nhà hàng, quán nước vỉa hè cũng thi nhau thể hiện, cố tỏ ra mình am hiểu cặn kẽ chính trường để “chém gió” trước bạn bè. Nhưng hầu hết những thông tin trên mạng và vỉa hè đó chỉ là “tin vịt”.

Ở nước ta, mấy năm nay, Inernet phát triển nhanh như vũ bão và chiếm vị trí hàng đầu trong các phương tiện cung cấp thông tin. Internet tạo ra “thế giới phẳng”, xóa nhòa biên giới giữa các quốc gia, giúp con người xích lại gần nhau. Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập và mở cửa, Internet đã và đang trở thành sân chơi hữu ích, thiết thực với đông đảo người dân. Số người sử dụng Internet như một kênh thông tin quan trọng nhất ngày càng gia tăng, đi sâu vào đời sống người dân và có sức lan tỏa đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, việc phát triển và quản lý mạng Internet luôn luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia đứng đầu về số người sử dụng Internet ở khu vực ASEAN và châu Á (năm 2010 có khoảng 30% dân số và đến nay có khoảng 45% dân số sử dụng Internet).

Bất kỳ ai cũng có thể đưa thông tin lên Internet nên cùng với những thông tin chính thống, lành mạnh thì cũng có rất nhiều thông tin xấu, tin rác của những kẻ cơ hội chính trị, những phần tử chống đối nhằm phục vụ cho những mục tiêu xấu. Vì vậy, khi vào mạng, mọi người cần tỉnh táo và cảnh giác với những loại thông tin độc hại này.

Sắp đến ngày diễn ra Đại hội Đảng thì các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị trong và ngoài nước lại lợi dụng mạng Internet để phát tán thông tin với ý đồ xấu. Chúng công khai phản đối chế độ, đòi đa nguyên, đa đảng; rồi nói xấu, bôi nhọ, đưa thông tin thất thiệt nhằm hạ uy tín, danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây mối hoài nghi hòng làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với chế độ.

Càng gần đến ngày khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các thế lực thù địch càng điên cuồng chống phá ta một cách quyết liệt bằng nhiều thủ đoạn tinh vi; đặc biệt chúng lợi dụng và khai thác triệt để mạng Internet để chống phá, đả kích, đưa những thông tin sai lệch, gây nhiễu thông tin về công tác nhân sự, về hệ tư tưởng, dân chủ trong Đảng và dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng.

Chúng ta biết rằng, từ trước tới nay, trong công tác nhân sự, quan điểm của Đảng ta là lựa chọn cán bộ để giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước là hết sức rõ ràng, minh bạch, công khai và nhất quán (theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa XI); đó là những người phải có đức, có tài, có tâm, có tầm và phải tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, Tổ quốc, nhân dân; phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Vì thế, công tác chuẩn bị, giới thiệu nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước được thực hiện đúng quy trình, lựa chọn chặt chẽ mà Trung ương, Bộ Chính trị đã đề ra. Nhưng bằng các thủ đoạn tinh vi, lừa phỉnh dư luận, các thế lực thù địch đã cố tình tung tin sai lệch về đời tư, nhân cách, phẩm giá cũng như những mối quan hệ đời thường của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên Internet. Chúng còn cho rằng, nội bộ Đảng ta đang chia rẽ, đấu đá nhau để tranh giành quyền lực giữa các nhóm lợi ích, tìm cách đưa con ông cháu cha lên làm lãnh đạo; hoặc người này là bảo thủ, người kia là giáo điều… để từ đó phục vụ cho những mục đích chính trị đen tối, mưu đồ xấu xa.

Cách phân tích, dự báo theo kiểu võ đoán, thọc gậy bánh xe, chia rẽ nội bộ bằng cách cố tung tin bịa đặt nhằm vào người này, người kia để làm lạc hướng dư luận. Thích ai thì tung hô, tô vẽ; ghét ai thì chê bai, bôi nhọ. Chúng còn bịa ra rằng người này thân phương Tây, người kia thân Tàu, người này canh tân, người kia bảo thủ.

Điều dễ nhận thấy là các thông tin không nhằm vào các đồng chí Ủy viên Trung ương mà chỉ tập trung vào các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, ai sẽ cơ cấu vào “tứ trụ” nguyên thủ quốc gia. Đặc biệt, họ quan tâm nhất là vị trí Tổng bí thư.

Bịa đặt về khối tài sản lớn của các vị lãnh đạo, chúng nhằm đánh lừa nhân dân và kích động người dân thù ghét lãnh đạo.

Các thế lực thù địch không biết rằng, Đại hội lần thứ XII này khác với những kỳ trước là có những quy định rất chặt chẽ về “quy hoạch” và chỉ lựa chọn trong “quy hoạch”. Đó là những tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, độ tuổi và được giám sát chặt chẽ. Cho nên “trường hợp đặc biệt” tái cử phải đưa ra xin ý kiến Trung ương và Bộ Chính trị về độ tuổi.

Một điểm mới đáng ghi nhận nữa là chưa có kỳ Đại hội Đảng nào mà chương trình nghị sự, các nội dung được bàn thảo tại các hội nghị Trung ương lại được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông tin kịp thời, rộng rãi như kỳ họp này. Đó là những thông tin chính thống đã được phổ biến công khai hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Có một số người lại lợi dụng những nhân vật từng là cán bộ cấp cao để lôi kéo họ vào việc đề xuất người nọ, tẩy chay người kia vào vị trí lãnh đạo. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Bà nhận được một tin nhắn lạ, đề nghị bà nên bầu ông này, bỏ ông kia. Bà Thu nói: “Có lẽ người nào đó bị lú lẫn nên mới nhắn tin như vậy, bởi tôi đã nghỉ hưu lâu rồi…”. Đúng là chuyện nực cười!

Có khá nhiều người vô công rồi nghề, không lo làm ăn mà suốt ngày quẩn quanh bên vỉa hè, quán nước để bàn chuyện đại sự quốc gia. Dăm ba người ngồi tranh luận nhưng ai cũng tỏ ra mình am hiểu hơn, nắm rõ thông tin hơn cả. Họ cứ khẳng định như đinh đóng cột rằng, Bộ Chính trị gồm những ai, tứ trụ triều đình là những vị nào... Mà những thông tin họ đưa ra như vậy cũng là qua con đường truyền miệng, kiểu “nghe hơi nồi chõ” chứ không có căn cứ nào. Cũng có người tỏ ra sành sỏi hơn thì lại dựa vào nguồn tin không chính thống từ mạng Internet rồi “tái bản” lại cho oai.

Những “hãng thông tấn vỉa hè” như thế vô tình tiếp tay cho các thế lực phản động và thù địch luôn luôn tìm cách chống đối chế độ, chia rẽ nội bộ Đảng ta. Họ đã tuyên truyền không công cho những nguồn thông tin sai lệch và bóp méo sự thật.

Hằng năm, Tòa án nhân dân các cấp ở nhiều địa phương đã xét xử những đối tượng sử dụng Internet để trao đổi, ủng hộ quan điểm đòi đa nguyên, đa đảng, thành lập đảng này, đảng khác, điên cuồng chống phá Nhà nước ta. Một số phần tử quá khích móc nối với thế lực phản động ở nước ngoài để kêu gọi biểu tình, tự lập ra những tổ chức trái pháp luật. Trong đó có những Việt kiều đã bị kết án và trục xuất khỏi Việt Nam.

Internet là phương tiện thông tin hữu ích bậc nhất hiện nay. Sử dụng Internet như thế nào là quyền tự do của mỗi người. Nhưng điều quan trọng là tiếp nhận thông tin từ Internet, mỗi người cần bình tĩnh, thận trọng thẩm định độ tin cậy của mỗi thông tin. Dùng mạng Internet để nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước sẽ bị pháp luật trừng trị. Tiếp nhận thông tin sai lệch từ Internet rồi phát tán bằng những hình thức khác, gây hoang mang dư luận là hành vi đáng phê phán. Vì vậy, cần cảnh giác với nguồn “tin vịt” từ Internet!

Đức Toàn
Nguồn: Năng lượng Mới 491
http://petrotimes.vn/canh-giac-truoc-tin-vit-373321.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét