Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

“Phát hành trái phiếu QT để đảo nợ vì quá cấp bách”

"Quá cấp bách" tức là rất xấu, giai đoạn đất nước rơi dần vào một cuộc tổng khủng hoảng tài chính có lẽ sắp bắt đầu. Bác Thụ trả lời rất bao biện; các vị ĐBQH vừa thông qua Luật và Nghị quyết, nhưng giờ lại nói cần có lộ trình hoặc bất cập cần sửa... để có thể được phát hành trái phiếu đảo nợ hay trái phiếu ngắn hạn.
“Phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách”
Ngọc Lan thực hiện -  (TBKTSG Online) - Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị cho phép phát hành 3 tỉ đô la Mỹ trái phiếu Chính phủ (TPCP) ra thị trường vốn quốc tế để đảo nợ trong nước giai đoạn 2015-2016. Xung quanh vấn đề này, TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội.

Ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban 
Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - Ảnh: QH

TBKTSG Online: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đề án phát hành TPCP bằng ngoại tệ ra nước ngoài để đảo nợ vay trong nước mà Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội?

- Ông Bùi Đức Thụ: Việc phát hành 3 tỉ đô la Mỹ TPCP trong bối cảnh hiện nay là cần thiết vì tình hình phát hành TPCP  trong nước hết sức khó khăn.
Theo kế hoạch vay nợ của Chính phủ đã được duyệt thì năm 2015 phải huy động 436.000 tỉ đồng để bù đắp bội chi (226.000 tỉ), đầu tư (85.000 tỉ) và vay để đảo nợ (khoảng 125.000 tỉ).
Kế hoạch phát hành TPCP trong nước là 226.000 tỉ đồng, nhưng 9 tháng qua mới thực hiện được 51% kế hoạch. Kết quả này cho thấy khi nền kinh tế phục hồi, kênh tín dụng được khơi thông thì huy động bằng TPCP hết sức khó khăn.
Mặt khác, quy mô GDP nước ta còn nhỏ. Dự tính năm 2015 quy mô này khoảng 204 tỉ đô la Mỹ. Và với cơ cấu tích lũy tiêu dùng thực tiễn cho thấy 71-72% số này được dành cho tiêu dùng cuối cùng thì tỉ lệ tiết kiệm nội địa trong nước còn hết sức hạn chế. Nếu tăng cường phát hành TPCP trong nước bằng những ưu đãi cao hơn, nâng lãi suất lên thì vô hình chung làm giảm quy mô tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Do đó, cần phát hành TPCP ra nước ngoài để thực hiện kế hoạch huy động các nguồn vốn.
Phát hành TPCP  ra nước ngoài hiện có lợi thế hơn trong nước ở chỗ: thời hạn dài hơn (10-30 năm), lãi suất thấp hơn. Đến tháng 9 năm nay lãi suất trái phiếu trong nước đã là 6,6%/năm.
TBKTSG Online: Nhưng đến 2017, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi mới cho phép làm điều này còn Luật quản lý nợ công thì chưa cho phép phát hành TPCP bằng ngoại tệ để đảo nợ vay bằng nội tệ. Làm thế nào để dung hòa được mong muốn đó của Chính phủ mà đảm bảo đúng quy định của pháp luật?
- Luật NSNN sửa đổi có hiệu lực từ năm 2017 cho phép phát hành TPCP ra nước ngoài để cơ cấu lại nợ, bù đắp bội chi. Nhưng hiện tại Luật quản lý nợ công (điều 28) quy định không đuợc phép phát hành TPCP ra nước ngoài để cơ cấu lại các khoản nợ trong  nước. Tôi cho rằng đây là bất cập. Vì mục đích tái cơ cấu nợ công là để giảm nghĩa vụ trả nợ hàng năm, phù hợp với cân đối của NSNN thì việc phát hành TPCP ra nước ngoài cơ cấu lại nợ trong nước là cần thiết.
Để làm được việc này trong khi Luật quản lý nợ công chưa sửa thì Quốc hội có thể chấp thuận và quy định chi tiết trong Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2016. Như thế mới xác lập cơ sở pháp lý, mới đúng quy định
TBKTSG Online:  Nhưng trước mắt là cơ cấu lại nợ 2015-2016. Nếu năm 2017 mới phát hành thì trước mắt Chính phủ vẫn chưa bố trí được nguồn trả nợ đến hạn, trong khi các nguồn vốn khác đều đã có địa chỉ?
- Trong điều kiện huy động vốn trong nước khó khăn, chi phí cao thì cần thiết phải sửa ngay. Do đó Quốc hội cần phải quyết định ra Nghị quyết cho phép áp dụng. Điều này chỉ thực hiện được trong năm 2015-2016 vì mức độ quá cấp bách. Nếu chúng ta chậm trễ. trong thời gian tới, dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất đồng đô la thì lãi suất huy động vốn của Việt Nam trên trường quốc tế lại càng cao.
TBKTSG Online:  Ra nghị quyết không khó, nhưng bản chất vay đảo nợ là không có tiền trả nợ, hiệu quả sử dụng nguồn vốn không cao. Vậy theo ông, điều kiện cho phép phát hành thế nào để phương án trả nợ, lộ trình, hiệu quả dùng vốn đảo nợ đạt hiệu quả?
- Để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia thì có nhiều quy định. Như trần nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%. Ngoài ra, cần xem xét mức độ trả nợ so với thu ngân sách nhà nước. Theo thông lệ quốc tế thì nghĩa vụ trả nợ hàng năm không quá 25% số thu ngân sách. Đó là chỉ  tiêu khi xem xét quyết định đi vay và mức độ trả nợ.
Hiện nay nợ quốc gia vẫn ở ngưỡng an toàn nhưng tăng nhanh và tiến sát đến trần nợ công. Nghĩa vụ trả nợ mấy năm gần đây lớn, một phần do các khoản vay quản lý chưa hiệu quả dẫn đến thu hồi vốn khó, còn nguyên nhân chủ yếu là vay nợ ngắn hạn chiếm tỉ trọng lớn. Vay nợ ngắn hạn để đầu tư các dự án lớn, thu hồi lâu khiến áp lực trả nợ hàng năm lớn. Khi xem xét đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế thì chúng tôi đề nghị tái cơ cấu vay trả nợ, hạn chế tối đa vay ngắn hạn, tăng cường vay dài hạn…
TBKTSG Online: Kỳ hạn, kỹ thuật phát hành TPCP là việc của Chính phủ. Ông có nghĩ rằng Nghị quyết 78/2014/QH yêu cầu chỉ phát hành trái phiếu dài hạn khiến cho dòng vốn trên thị trường bị phanh đột ngột. Như vậy Quốc hội cũng có phần trách nhiệm với sự thiếu hụt, khó khăn mà Chính phủ đang phải đối diện?
- Đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, xem xét chủ trương vay trả nợ là trách nhiệm của Quốc hội. Qua thực tiễn thấy rằng cơ cấu vay có điểm bất hợp lý vì vay ngắn hạn lớn nên Quốc hội cũng phải xem xét lại chủ trương, kỳ hạn vay nợ trong quản lý tài chính công nói chung và quản lý vay trả nợ nói riêng. Tôi cho rằng nghị quyết 78/QH là đúng. Tuy nhiên thực hiện phải có lộ trình. Chúng ta lại quy định ngay chỉ được phát hành trái phiếu dài hạn (5 năm trở lên) trong bối cảnh thị trường trong nước khó khăn là chưa hợp lý. Để đảm bảo tính ổn định trên thị trường tài chính công thì phải xem xét điều chỉnh.
Xin cám ơn ông!
http://www.thesaigontimes.vn/137366/Phat-hanh-trai-phieu-quoc-te-de-dao-no-vi-qua-cap-bach.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét