Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Có phải lãnh đạo cũng có tố chất di truyền?

Có phải lãnh đạo cũng có tố chất di truyền?
Nguyễn Huỳnh Mai - Ta có thể thừa hưởng màu da, màu mắt, chiều cao, nhóm máu, … từ di truyền. Còn tất cả khả năng về lãnh đạo, các ngành chuyên môn… là thành quả của những quá trình học tập – tiếng Anh gọi là achievement – sự cố gắng rèn luyện tập tành để tốt hơn, để hoàn thiện – Bậc cha mẹ cũng đã phải tập tành để có những khả năng ấy. Nhưng các cha mẹ này đã không “ghi” được những khả năng ấy vào bộ di truyền để truyền lại cho con. Về lộ trình thời gian, lúc các bậc cha mẹ cho con chào đời, họ chưa lên lãnh đạo, thành ra nếu khả năng lãnh đạo là … trong “gen” đi nữa thì họ cũng chưa có gen đó để truyền cho trẻ.
Minh họa: Ngọc Diệp
Đọc thấy trên mạng sáng nay, thấy ĐBQH Bùi Thị An, Hà Nội trao đổi bên lề QH, cho rằng Lãnh đạo cũng có tố chất di truyền. Cụ thể, bà nói: “Trong thực tiễn của thế giới cũng như ở Việt Nam, có những gia đình có tố chất di truyền. Tố chất ấy được thể hiện trong lãnh đạo, trong các ngành chuyên môn”.( Nguồn trích dẫn từ http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/269501/con-lanh-dao-lam-lanh-dao-la-hanh-phuc-cua-dan-toc.html)

Là người làm công tác nghiên cứu khoa học, tôi băn khoăn về cơ sở khoa học của điều bà vừa tuyên bố. Có thể hiểu biết của tôi còn khiếm khuyết. nhưng theo tôi biết, con cháu thừa hưởng vốn kinh tế, vốn văn hóa và xã hội của cha mẹ.

Vốn kinh tế là gia tài, tiền của, vật chất, … mà cha mẹ cho hoặc để lại cho con.

Vốn văn hóa là tất cả những cách sống, cách ăn, cách nói, nhân sinh quan và vũ trụ quan, những thói quen, nề nếp của gia đình, … cái mà Pierre Bourdieu gọi là habitus. Trẻ sinh ra ở gia đình nào thì thấm nhuần habitus của gia đình ấy.

Vốn xã hội là tất cả những liên hệ quen biết, một loại “vây cánh”, những khả năng quen biết mà ta có thể huy động được để có thể đạt tới những kết quả có lợi cho bản thân.

Những vốn đó, con cái tiếp thu được nhờ giáo dục của gia đình, nhờ ảnh hưởng của môi trường sống, nhờ những yếu tố tâm lý – con cái thường có khuynh hướng bắt chước cha mẹ – và nhất là nhờ sự xã hội hóa (socialisation) của gia đình. Gia đình là môi trường đầu tiên và là môi trường quan trọnh nhất tập tành trẻ sống với xã hội và sống trong xã hội.

Con cái, từ đó có thể tiếp thu được một số khả năng của cha mẹ. Nhưng đó không đi từ di truyền.

Ta có thể thừa hưởng màu da, màu mắt, chiều cao, nhóm máu, … từ di truyền.

Còn tất cả khả năng về lãnh đạo, các ngành chuyên môn… là thành quả của những quá trình học tập – tiếng Anh gọi là achievement – sự cố gắng rèn luyện tập tành để tốt hơn, để hoàn thiện – Bậc cha mẹ cũng đã phải tập tành để có những khả năng ấy. Nhưng các cha mẹ này đã không “ghi” được những khả năng ấy vào bộ di truyền để truyền lại cho con.

Về lộ trình thời gian, lúc các bậc cha mẹ cho con chào đời, họ chưa lên lãnh đạo, thành ra nếu khả năng lãnh đạo là … trong “gen” đi nữa thì họ cũng chưa có gen đó để truyền cho trẻ.

Vì vậy, tôi nghĩ không nên đem di truyền ra để biện minh một hiện tượng không liên quan tới di truyền.Nếu do kiến thức của tôi có khiếm khuyết nên ý kiến nêu ra chưa đúng, mong bà Bùi Thị An và các bạn đọc chỉ giáo.

http://dantri.com.vn/dien-dan/co-phai-lanh-dao-cung-co-to-chat-di-truyen-20151027224504498.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét