TS Phan Việt Lâm, giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn:
Viết sách là một lối thoát
Anh đánh giá sự kiện cọp trắng quý hiếm sinh ba con tại Thảo cầm viên như thế nào?
Việc cọp trắng sống tốt và sinh đẻ thành công ba cọp con chứng tỏ loài cọp trắng quý hiếm đã thích nghi với khí hậu miền Nam Việt Nam. Sự kiện Thảo cầm viên (TCV) Sài Gòn làm lễ đầy tháng cho cọp trắng mới sinh là một hoạt động giáo dục vườn thú bình thường nhằm thu hút sự chú ý của công chúng, chủ yếu là các em thiếu nhi.
Cọp trắng là động vật có sức hấp dẫn lớn đối với du khách ở các vườn thú nước ta và trên khắp thế giới vì màu lông đặc biệt của nó. Tập thể TCV Sài Gòn rất vui mừng và cảm động nhận được sự tán thưởng của nhân dân và sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu chính quyền thành phố về sự kiện này.
Trong lời tựa một cuốn sách của anh, anh có tiết lộ rằng hồi nhỏ anh thích mình trở thành một kiến trúc sư hay nhà kỹ thuật gì đó, nhưng sau này lại rẽ sang ngành thú y rồi nhà động vật học linh trưởng, chuyên làm việc với động vật hoang dã, “một nghề mà hồi bé có mơ cũng không nghĩ mình lại gắn bó đến thế”. Anh có thể cho bạn đọc biết vì sao lạ có ngã rẽ kỳ lạ đó không?
Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng ba tôi là người Bến Tre tập kết ra Bắc nên nghiễm nhiên tôi được xếp vào nhóm học sinh miền Nam. Khi thi vào đại học tôi đã đỗ điểm cao, được Nhà nước cử đi du học. Năm ấy, phía nước bạn xếp học sinh miền Nam vào học những ngành nông nghiệp như thổ nhưỡng, thuỷ lợi, trồng trọt, thú y… để sau này về phục vụ nông nghiệp miền Nam. Và tôi được phân vào học thú y. Đấy là ngã rẽ bất ngờ trước ngưỡng cửa đại học.
Những cuốn sách viết về muông thú, cây cỏ của anh đọc rất thú vị. Làm thế nào anh có thể viết được như vậy? Theo anh, giữa công việc chăm sóc động vật ở vườn thú và viết lách, cái nào khó khăn hơn?
Trước đây tôi vẫn viết sách khoa học, nói về nghề nuôi động vật hoang dã. Đấy là điều bình thường của một nhà khoa học, làm và viết lại những kinh nghiệm và hiểu biết của mình về nghề. Cho đến một hôm anh Cao Xuân Sơn bên nhà xuất bản Kim Đồng đến chơi và khuyên tôi nên viết sách cho thiếu nhi. Kiểu như kể chuyện rỉ rả cho trẻ em trong nhà nghe. Thế là tôi bắt đầu viết và đến nay đã xuất bản được bốn tập sách nhỏ cho thiếu nhi. Đầu tiên là các con, cháu của đồng nghiệp gọi điện cảm ơn vì đã tặng sách và nói rằng cảm thấy yêu quý những con thú, cây cỏ hơn qua những trang sách ấy. Đấy chính là mục đích khi tôi viết những câu chuyện đó.
Nhiều nhà khoa học cho rằng động vật chỉ sống theo bản năng và phản xạ. Tôi thì lại biết rằng, hầu hết những người làm việc nơi vườn thú đều đã thấy những nụ cười và cả những giọt nước mắt ở nhiều loài vật, nhận ra sự yêu mến, cử chỉ biết ơn và tôn trọng của chúng…
Chăm sóc động vật là nghề chính của tôi còn viết sách chỉ là phụ. Tôi vẫn tự nhận rằng mình là nhà khoa học, không phải nhà văn. Nhưng đôi lúc người ta cảm thấy có những việc không được như ý muốn, có những việc buồn phiền, nặng nề thì viết sách là một lối thoát. Viết xong một câu chuyện thì người bỗng nhẹ tênh. Ít ra là điều đó đúng với bản thân tôi.
Những câu chuyện tôi viết ra đều có thật. Tôi đã làm theo lời khuyên của người bạn là cứ kể ra nhẹ nhàng và trong trẻo, không có thủ pháp gì đặc biệt. Như là kể chuyện với những người thân trong nhà. Tất nhiên chúng trở nên thi vị và lãng mạn hơn theo cách nhìn của cá nhân tôi. Rất mừng là chúng đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Có lẽ tôi sẽ vẫn viết tiếp theo phong cách ấy vào những lúc thuận tiện, đưa nhiều thông tin khoa học với hình thức nhẹ nhàng cho độc giả tuổi nhỏ.
Năm 2015 là năm TCV Sài Gòn tròn một thế kỷ rưỡi. Một số loài động vật quý hiếm đã được nhân giống thành công tại đây như trĩ sao, cá sấu nước ngọt, nước mặn… và gần nhất là cọp trắng. Anh có thể cho biết công việc bảo tồn đó có ý nghĩa như thế nào và giá trị của nó đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung của thế giới?
Nguyên tắc ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học là dành cho khu vực địa lý bản địa trước rồi đến những khu vực rộng lớn hơn. TCV Sài Gòn đương nhiên phải ưu tiên bảo tồn các loài của quốc gia, rồi đến khu vực châu Á và các vùng địa lý khác. Các loài động vật nguy cấp của Việt Nam đã được tập trung nhân giống thành công bao gồm trĩ sao, vượn má vàng, voọc bạc, beo lửa, cá sấu nước ngọt, cọp Đông Dương… Vai trò của vườn thú như một cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học đóng vai trò quyết định trong bảo tồn chuyển vị. Các cá thể hậu duệ được sinh sản trong vườn thú đảm bảo duy trì được nguồn gen, có thể được đưa tái thả để phục hồi những loài động vật đã tuyệt chủng trong điều kiện thiên nhiên. Một ví dụ rất thành công là phục hồi cá sấu nước ngọt ở vườn quốc gia Cát Tiên, cá sấu nước mặn ở Lâm viên Cần Giờ…
Có tất cả sáu phân loài cọp hiện còn trên thế giới, bao gồm: cọp Đông Dương, Nam Trung Hoa, Ấn Độ, Mã Lai, Siberia và Sumatra. Theo thứ tự ưu tiên bảo tồn trên thì đối với người Việt Nam đương nhiên cọp Đông Dương là quý nhất, có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam cao nhất. Các cá thể cọp trắng của ta nhập về thuộc phân loài cọp Ấn Độ. Cọp trắng tuy có giá trị bảo tồn không cao như cọp Đông Dương của ta nhưng là đối tượng phục vụ giáo dục và trưng bày hấp dẫn trong các vườn thú.
Nghề chăm sóc và bảo tồn động vật hoang dã cần những tố chất gì?
Cần cù, chịu khó, chu đáo và nhất là sự nhiệt tình và tình yêu đối với động vật.
Từ câu chuyện của chính mình, anh có thể có lời khuyên gì cho những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường và chuẩn bị tìm lối đi vào đời hiện nay?
Mỗi người có một hoàn cảnh và một cách suy nghĩ riêng, điều quan trọng là cần có lòng đam mê và sống hết lòng với nó. Tức là phải có tình yêu thật sự với công việc mình đang làm thì nhất định sẽ thành công. Ít ra thì cũng được hài lòng và toại nguyện với chính mình. Tôi khuyên các bạn và cũng là lời tự nhủ là đã làm cái gì thì phải làm đến nơi đến chốn. Làm ra làm.
Diệu Thuỳ (thực hiện) – Hoàng Tường (hoạ chân dung)
http://thegioitiepthi.net/van-hoa-loi-song/gia-tri-song/viet-sach-la-mot-loi-thoat/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét