Báo Hồng Kông: Trung Quốc kéo quân áp sát biên giới Triều Tiên
Xe tăng, xe bọc thép quân đội Trung Quốc chỉ cách biên giới với Triều Tiên chưa đầy 30 km. Đông Phương nhật báo Hồng Kông ngày 23/8 đưa tin, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên, quân đội Trung Quốc đã điều động lực lượng áp sát biên giới nước này với Bắc Triều Tiên. Người dân châu tự trị Diên Biên giáp biên với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã chứng kiến sự xuất hiện bất thường của lực lượng xe bọc thép, xe tăng quân đội trên đường phố thuộc thành phố Diên Cát, Diên Biên phía Đông tỉnh Cát Lâm.
Xe tăng Trung Quốc, hình minh họa. Ảnh: Boxun.
Việc triển khai lực lượng quân sự áp sát biên giới Triều Tiên phản ánh Bắc Kinh đang lo lắng một cách nghiêm túc về bế tắc hiện nay giữa Bình Nhưỡng và Seoul. Đại biểu 2 miền bán đảo Triều Tiên đã đồng ý tiếp tục đàm phán lúc 3 giờ chiều nay 23/8 giờ địa phương sau khi cuộc đối thoại đầu tiên kéo dài 10 tiếng đồng hồ ngày hôm qua kết thúc.Cuộc đàm phán thứ nhất bắt đầu khoảng 6 giờ 30 phút chiều qua 22/8, Bình Nhưỡng ra tối hậu thư đòi Seoul phải dừng phát sóng chương trình tâm lý chiến chống Triều Tiên ở biên giới và đe dọa chiến tranh toàn diện nếu Hàn Quốc không thực hiện. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm chỉ ngừng phát sóng nếu có một "kết quả chấp nhận được" từ cuộc đàm phán với miền Bắc.
Hoạt động phát thanh tâm lý chiến chống Triều Tiên bắt đầu sau một vụ nổ mìn ở biên giới làm 2 lính Hàn Quốc bị thương, Seoul cho rằng Bình Nhưỡng là thủ phạm. Hôm Thứ Năm vừa qua hai miền đã nổ ra một cuộc đọ pháo qua biên giới. Bế tắc giữa 2 miền Triều Tiên cũng xảy ra đúng lúc cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn đang diễn ra. Ngày 21/8 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ và quan ngại sâu sắc về diễn biến trên bán đảo gần đây.
"Trung Quốc kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời phản đối bất kỳ hành động nào có thể làm căng thẳng leo thang. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và kiềm chế, xử lý đúng đắn tình hình hiện nay thông qua tiếp xúc và đối thoại, ngừng làm bất cứ điều gì có thể làm gia tăng căng thẳng hoặc làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên", bà Oánh nói.
Quan chức cấp cao hai miền bán đảo Triều Tiên đã đàm phán thông đêm 10 tiếng liên tục nhằm tìm cách tháo ngòi căng thẳng. Ảnh: Yonhap.
Thời báo Hoàn Cầu cũng cố gắng làm giảm nhẹ nguy cơ xung đột quân sự với bài xã luận cho rằng, hai miền Triều Tiên đều không sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện, không ai muốn khơi mào một uộc chiến tranh. Đáp lại thông điệp này của Bắc Kinh, Thông tấn xã Triều Tiên KCNA ngày 21 nói: "Chúng tôi đã tự kiềm chế trong suốt mấy thập kỷ qua. Bây giờ bất cứ ai nói về tự kiềm chế đều chẳng giúp ích gì cho việc kiểm soát tình hình".
Bình luận về diễn biến này, Đa Chiều ngày 22/8 có bài: "Nam Bắc Hàn đàm phán thông đêm 10 tiếng liên tục, Bình Nhưỡng cả đêm kêu gọi Bắc Kinh ngậm miệng". Đa Chiều cho rằng Trung Quốc kêu gọi "các bên" kiềm chế, nhưng Triều Tiên không những không nghe mà còn tỏ thái độ thách thức Bắc Kinh rất đáng để các bên suy ngẫm. Một số nhà phân tích cho rằng, trước đây Trung Quốc coi Triều Tiên là "phên giậu hoãn xung" của mình, nhưng tình hình giờ đã đảo ngược, Bắc Kinh mới thực sự là "phên giậu giảm sóc" của Bình Nhưỡng.
Bản thân lãnh đạo Trung Quốc hiện tại cũng rất lo lắng Bình Nhưỡng có thể quyết định hành động liều lĩnh, cực đoan làm cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên càng trở nên trầm trọng, khó kiểm soát. Trong khi đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tỏ ra "không có lý do gì để nghe Trung Quốc", ông tiếp tục tích cực xây dựng "thế trận phòng thủ chống ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng".
Trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, nếu như Seoul lập tức thông báo cho Mỹ và các bên liên quan diễn biến tình hình thì người ta không thấy dấu hiệu nào về việc Bình Nhưỡng trao đổi với Bắc Kinh, trong khi đó Triều Tiên đã sớm phái một Thứ trưởng Ngoại giao sang Moscow để trao đổi về vụ pháo kích nên người Nga mới có phản ứng nhanh như vậy. Kết quả là chỉ riêng mỗi Bắc Kinh là bất ngờ và bị gạt ra ngoài lề sự việc.
Không thông báo gì cho Trung Quốc đã đành, ngay cả khi đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh tổ chức họp báo quốc tế về vụ đọ pháo hôm Thứ Năm, giới truyền thông nhà nước của nước sở tại cũng không được mời. Giới quan sát cho rằng động thái này của Bình Nhưỡng nhằm 3 mục đích: Một là thể hiện sự bất mãn với Bắc Kinh vì Trung Quốc đã không còn ủng hộ Triều Tiên.
Hai là muốn cho Bắc Kinh thấy Bình Nhưỡng có khả năng kéo họ xuống bùn bất cứ lúc nào, thứ ba là việc Bình Nhưỡng muốn thể hiện năng lực độc lập tự chủ xử lý vấn đề. Minh chứng cho điều này là 2 miền Triều Tiên đã nhanh chóng tổ chức hội đàm tháo ngòi nổ căng thẳng mà không cần phải thông qua Bắc Kinh. Kim Jong-un nhìn thấy rõ thời cơ lịch sử Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn "làm được gì đó" trước khi rời Nhà Trắng, có thể học tập Iran để đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ - Hàn mà chưa chắc Trung Quốc đã được tham gia.
Hồng Thủy
(Giáo Dục)
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Bao-Hong-Kong-Trung-Quoc-keo-quan-ap-sat-bien-gioi-Trieu-Tien-post161191.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét