Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

IMF lo về tăng trưởng và cải cách DNNN của VN

Những phân tích của đại diện IMF rất đúng. Tôi cũng tán thành quan điểm sau của ông Mại: cần phải xem xét khẩn cấp đầu tư công. Tuy nhiên lại không tán thành việc phát triển dựa vào vốn FDI. Vốn FDI đã quá nhiều rồi; cần phát triển dựa vào vốn tư nhân và lực lượng lao động trong nước.
IMF lo về cải cách doanh nghiệp nhà nước
Tư Hoàng (TBKTSG Online) - Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Sanjay Kalra đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam. Theo tính toán của IMF, khu vực DNNN đang gây rủi ro cho tài khóa của Việt Nam khi nợ do Chính phủ bảo lãnh cho khu vực này đã chiếm tới 15% GDP năm 2012, tăng cao so với 5% năm 2001.
DNNN được đặc biệt quan tâm tại diễn đàn. ảnh TG
Tăng trưởng 5-5,5% là thấp
“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chính phủ bảo lãnh thêm nợ không thu hồi của DNNN? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ không trả nợ được ngân hàng?”, ông Kalra đặt hàng loạt câu hỏi tại Hội thảo“Kinh tế thế giới và Việt Nam: Thực trạng 2014 & Triển vọng 2015” do VPBank tổ chức ngày 4-11 tại Hà Nội.

Ông nhận xét, Chính phủ ngầm bảo lãnh cho các DNNN để họ được tiếp cận vốn ngân hàng rẻ hơn.

Các doanh nghiệp này không bị yêu cầu trả cổ tức cho Kho bạc Nhà nước trước năm 2013, tức là họ sử dụng miễn phí vốn của nhà nước. Điều này rất trái với các tiêu chuẩn quốc tế.

Về chương trình tái cơ cấu DNNN đầy tham vọng, ông nói: “Nhìn vào quá trình cổ phần hóa theo dự kiến, con số doanh nghiệp được cổ phần hóa là rất nhiều, nhưng liệu tất cả quá trình này có thể dẫn tới doanh nghiệp mạnh hơn, tính minh bạch lớn hơn hay không?"

Ông Sanjay Kalra nhận xét, Ngân hàng Nhà nước đang chịu nhiều áp lực khi gánh trọng trách là đòn bẩy cho tăng trưởng. “Tăng trưởng tín dụng vẫn chưa cất cánh, do có vấn đề về bảng cân đối của ngân hàng, vấn đề nợ xấu”, ông nói.

Ông nhận xét, tăng trưởng 5-5,5% với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam là thấp vì Việt Nam còn tiềm năng tốt hơn nhiều, và có tỷ lệ dân số trẻ cao.

Ông nhận xét, các chỉ số vĩ mô chính đã tốt lên trong 2 năm vừa rồi. Đây là tiền đề để tạo niềm tin cho giới kinh doanh. “Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới thị trường Việt Nam, đánh giá xếp hạng môi trường đầu tư tăng lên. Nhiều cá nhân bắt đầu tập trung đầu tư vào các nước trong khu vực. Điều đó tác động lớn tới Việt Nam nên sự duy trì tính bền vững của nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vĩ mô là rất quan trọng”.

Kỳ vọng vào FDI

Có mặt tại hội thảo, giáo sư Nguyễn Mại cho rằng FDI đang là động lực tốt nhất kéo tăng trưởng của Việt Nam. Hiện nay có xu hướng mới là là tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới đang chuyển cơ sở của họ từ Trung Quốc về Việt Nam. Ví dụ, Intel Việt Nam đang sản xuất tới 80% chip của họ cho cả thế giới, Nokia biến trung tâm ở Bắc Ninh thành cơ sở sản xuất lớn của thế giới. Cách đây một tuần Samsung vừa xin phép Chính phủ và được đồng ý tăng thêm 3 tỉ đô la Mỹ cho hai nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Ông Mại hi vọng, FDI giải ngân năm tới sẽ tăng khoảng 8-10% so với năm 2014. “Tôi tin sắp tới có là làn sóng mới về FDI”, ông Mại nói.

Liên quan đến đầu tư công, mà ông cho là quá trình tái cơ cấu chưa hiệu quả, ông Mại cho rằng cần phải xem xét khẩn cấp đầu tư công.

Ông cho biết, đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã đội vốn từ 10 triệu đô la Mỹ/km lên 20 triệu đô la Mỹ/km, tức rất đắt đỏ.
“Tôi kiến nghị phải hình thành uỷ ban xem xét toàn bộ đầu tư công, xem xét cắt giảm, phát hiện xử lý kịp thời, để nâng cao hiệu quả 10-15% số dự án cũng giúp nâng được tăng trưởng”, ông nói.

Xem thêm:
Cổ phần hóa DNNN vẫn chưa tăng tốc
Phía sau thành tích tăng trưởng

http://www.thesaigontimes.vn/122243/IMF-lo-ve-cai-cach-doanh-nghiep-nha-nuoc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét