Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Thực chất quan điểm đòi “Phi chính trị hóa Quân đội”

Thực chất quan điểm đòi “Phi chính trị hóa Quân đội”
Nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, tiến tới vô hiệu hóa vai trò của Quân đội là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch ráo riết tuyên truyền quan điểm “cần phải phi chính trị hóa Quân đội.”

(Ảnh minh họa: Trọng Đức/TTXVN)
Vạch trần sự vô lý của quan điểm này có ý nghĩa rất thiết thực cả về tư tưởng và tổ chức trong nhiệm vụ xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.”

Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bài viết về vấn đề này của phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hồi, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân với chủ đề: “Phi chính trị hóa Quân đội” - Một đòi hỏi vô lý.

Bài 1: Thực chất quan điểm đòi “Phi chính trị hóa Quân đội”

1. Xuất xứ và các phiên bản khác nhau

“Phi chính trị hóa Quân đội” là luận điểm đã có từ lâu, mà các đảng chính trị đối lập ở những nước đi theo chế độ đa đảng thường sử dụng, để hạn chế quân đội “can dự” vào những tranh giành chính trị của các đảng phái. Ngay từ năm 1905, V.I. Lenin đã chỉ rõ: “... những câu nói của bọn tôi tớ của nền chuyên chế về tính trung lập của quân đội, về sự cần thiết phải giữ cho quân đội đứng ngoài chính trị... là giả dối, rằng những lời nói đó không thể mong được binh lính đồng tình một chút nào.” (1)

Trong những thập niên cuối của thế kỷ XX, khi thấy rằng phương thức chống phá chủ nghĩa xã hội bằng biện pháp gây chiến tranh xâm lược không hiệu quả, chủ nghĩa đế quốc đã đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình.”

Một trong các thủ đoạn mà chúng sử dụng là đưa khẩu hiệu “quân đội phải duy trì tính trung lập về chính trị” vào các nước xã hội chủ nghĩa; nơi chỉ có một đảng (Đảng Cộng sản) lãnh đạo, nhằm thực hiện “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang cách mạng; mà thực chất là nhằm tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vô hiệu hóa vai trò của quân đội là công cụ bạo lực của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thủ đoạn này đã được chúng áp dụng thành công ở Liên Xô trước đây; khi những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Liên Xô đã tự rời bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị của chủ nghĩa Marx-Lenin, mắc những sai lầm rất nghiêm trọng, như tự xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, làm cho Quân đội Liên Xô bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa.

Chỉ trong khoảng hai năm 1987-1989, gần 50% cán bộ chiến lược của quân đội và khoảng 30% tướng lĩnh bị cho ra quân; hơn 100 cán bộ lãnh đạo chính trị cấp chiến lược - chiến dịch bị cách chức với lý do “không ủng hộ cải tổ.”

Tháng 3/1990, Đại hội đại biểu bất thường lần thứ ba Đảng Cộng sản Liên Xô đã chấp nhận từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội ở Điều 6 trong Hiến pháp Liên bang Xô Viết; chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Ngày 20/7/1991, sau khi đắc cử Tổng thống Liên bang Nga, B.Yeltsin đã ban bố sắc lệnh “phi đảng hóa” và tuyên bố cấm các chính đảng hoạt động trong cơ quan nhà nước các cấp (bao gồm cả trong các lực lượng vũ trang).

Ngày 23/8/1991, trước ngày Mikhail Sergeyevich Gorbachyov tự ý tuyên bố giải tán Ban Chấp hành Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Sapôxnicốp đã tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô và buộc mọi quân nhân là đảng viên cộng sản phải trả thẻ đảng. Tất cả những hành vi đó đều nhằm thực hiện “phi chính trị hóa,” làm cho Quân đội Liên Xô mất phương hướng chính trị, mất sức chiến đấu, không thể bảo vệ được Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; mặc dù, Quân đội này vẫn còn 3,9 triệu quân thường trực với trang bị rất hiện đại. Đó là một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới sự tan rã của Liên bang Xô Viết vào cuối năm 1991.

Đối với nước Việt Nam, từ nhận định rằng, hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam còn nắm chắc Quân đội, Công an, nên chưa thể xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; chưa thể xóa bỏ được chế độ xã hội chủ nghĩa, nên các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam ráo riết thực hiện chiêu bài “Lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị.” Họ hy vọng rằng, một khi lực lượng vũ trang đã bị mê hoặc bởi khẩu hiệu đó, đội ngũ cán bộ quân đội đã dao động, mất phương hướng chính trị, họ sẽ ra tay lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam và thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo đúng kịch bản “không đánh mà thắng”(!).

Năm 2013, lợi dụng việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức xin ý kiến nhân dân vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các thế lực chống phá con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội xem đây là thời cơ để công khai đòi hỏi “phi chính trị hóa” quân đội. Họ đưa ra nhiều luận điểm, như “Lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị,” “Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào,” mà áp dụng cụ thể vào Việt Nam là “không phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”...

Đáng tiếc rằng, không ít người đã vào hùa với chúng, mà không tỉnh táo tự vấn mình rằng: tại sao những đề xuất về “phi chính trị hóa quân đội” lại được VOA, BBC, RFA, RFI... cùng những kẻ phản bội Tổ quốc, những người có thâm thù với cách mạng ở hải ngoại tung hô, cổ vũ nhiệt thành đến vậy (?). Khi bị chỉ trích những đề xuất đó là biểu hiện của sự “suy thoái về tư tưởng chính trị,” những người cổ súy cho tư tưởng này vội “lấp liếm” rằng “chúng tôi chỉ yêu cầu lực lượng vũ trang trung lập về chính trị, chứ đâu có đòi phi chính trị hóa quân đội”(?).

Sự ngụy biện đó không đánh lừa được công luận; bởi xét về bản chất, yêu cầu “Lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị” chỉ là một phiên bản của quan điểm đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang.” Nói đến “trung lập về chính trị,” nghĩa là “đứng giữa các lực lượng chính trị,” “đứng ngoài chính trị,” “không can dự vào chính trị”...; trong khi đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam đang được xây dựng theo phương hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại,” lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, nền tảng để xây dựng vững mạnh toàn diện.

Hơn nữa, bản thân Quân đội Nhân dân Việt Nam đang là lực lượng chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức là đang “không đứng ngoài chính trị;” đòi hỏi “Lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị” thực chất là đòi “phi chính trị hóa” Quân đội Nhân dân Việt Nam.

2. Các biện pháp thâm hiểm

Để thực hiện mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội, các thế lực thù địch sử dụng mọi biện pháp, cả về lý luận, tư tưởng lẫn hành động thực tiễn.

Trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, họ thường lập luận rằng: quân đội là của nhà nước, nên chỉ phục tùng nhà nước, chứ không phục tùng và chịu sự lãnh đạo của bất cứ chính đảng nào; hoặc hoạt động của quân đội chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân, nên chỉ phải trung thành với Tổ quốc, nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào...

Nghe thoáng qua, không ít người ngộ nhận sự có lý của lập luận này, mà không hiểu rằng: đây là thủ đoạn nhằm chuyển lập trường chính trị của lực lượng vũ trang cách mạng sang lập trường của bọn cơ hội chính trị, của giai cấp tư sản.

Trong hành động thực tiễn, những người cổ súy cho tư tưởng “phi chính trị hóa quân đội” đòi “quân đội phải trung lập về chính trị,” tức là một khi có biến động chính trị, quân đội hãy án binh, bất động, không đứng về phe nào.

Đối với những nước đi theo chế độ xã hội chủ nghĩa, chỉ có một Đảng Cộng sản lãnh đạo như Việt Nam, họ đòi xóa bỏ nguyên tắc “Đảng Cộng sản lãnh đạo lực lượng vũ trang;” hạ thấp, đi đến đòi xóa bỏ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị cùng hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị (nhất là chế độ chính ủy, chính trị viên) trong quân đội - một trong những yếu tố riêng có của quân đội các nước xã hội chủ nghĩa, nhằm đảm bảo cho Đảng Cộng sản giữ vững sự lãnh đạo đối với quân đội.

Họ xuyên tạc các sự kiện chính trị trong lịch sử có quân đội tham gia; thổi phồng khuyết điểm của một vài đơn vị quân đội và một bộ phận quân nhân trong quá trình làm nhiệm vụ; bôi nhọ đời tư của các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang... hòng qua đây, làm cho quân đội mất uy tín trong nhân dân, hạ thấp vị thế của quân đội trong xã hội...; đồng thời từ đó mà vô hiệu hóa vai trò của quân đội trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng.

Đối với Việt Nam, để thực hiện mục tiêu nhất quán là xóa bỏ thành quả cách mạng và lái con đường phát triển của đất nước sang quỹ đạo tư bản chủ nghĩa, trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch đẩy mạnh các chiến dịch vận động đòi thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập và logic tất yếu của tiến trình đó, nếu được thực hiện, sẽ là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội Nhân dân.

Họ công khai đòi bỏ quy định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; “bỏ quy định lực lượng vũ trang nhân dân phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam” đã được khẳng định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lợi dụng tình cảm của nhân dân Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, họ cố tình lờ đi hoàn cảnh lịch sử của sự kiện ngày 26/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Trường Võ bị Lục quân Trần Quốc Tuấn lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân,” để xuyên tạc tư tưởng nhất quán của Người về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, bằng lý lẽ rằng: Cụ Hồ chưa bao giờ yêu cầu quân đội phải trung thành với Đảng cả (!).

Mục tiêu hướng tới của những thủ đoạn nói trên là thúc đẩy sự “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ Quân đội, làm cho Quân đội xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng; biến chất về chính trị, tiến tới vô hiệu hóa vai trò của Quân đội là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thủ đoạn đó thật tinh vi và thâm hiểm, nhưng sai cả về lý luận và thực tiễn./.

Bài 2: Sự vô lý của quan điểm đòi “phi chính trị hóa quân đội”

Chú thích: (1). V.I. Lenin, Toàn tập, Tập 12, Nhà xuất bản Tiến bộ, 1979, trang 136.

http://www.vietnamplus.vn/thuc-chat-quan-diem-doi-phi-chinh-tri-hoa-quan-doi/293431.vnp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét