Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Tết ở hay về: Đừng câu nệ một chữ "quê"

Tết ở hay về: Đừng câu nệ một chữ "quê"
(NLĐO)- Về quê và ăn Tết nên hiểu nó là 2 vấn đề, còn nếu nghĩ "về quê ăn tết" thì cứ loay hoay quanh năm quần quật để rồi lại chen chút, xài phí mà chẳng được lợi ích bao nhiêu. Không về Tết thì quê có mất đi đâu? / Mắc gì lại ùn ùn "về quê" mỗi khi năm hết, Tết đến? / Tết Nguyên đán Ất Mùi có thể chỉ được nghỉ 7 ngày
Sau khi Báo Người Lao Động Online có bài viết “Mắc gì cứ ùn ùn về quê mỗi khi năm hết, Tết đến” của tác giả Thảo Vân, hàng trăm bạn đọc đã gởi ý kiến bàn bạc chung quanh vấn đề “nên ở, hay về” hoặc... đi đâu, làm gì trong dịp Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

“Quê hương chính là nơi mình sống hạnh phúc”

Điều bất ngờ nhất là số lượng ý kiến đồng tình với chủ trương của anh chồng: Không nhất thiết đợi đến Tết mới về quê, không nhất thiết năm nào cũng về mà trước hết phải nghĩ đến cuộc sống hiện tại cũng như tương lai của chính mình và gia đình nhỏ của mình lại chiếm “đa số áp đảo” .

Bạn đọc nguoi SG viết: "Anh chồng nói đúng, thôi về vào dịp khác, cuộc sống khó khăn phải biết tiết kiệm và chi tiêu cho đúng mục tiêu và ý nghĩa". Còn bạn đọc KIMLANG: "Chồng bạn nói đúng đấy, đồng ý với chồng bạn". "Chồng bạn nói rất có lí. Các bạn nên phân công mỗi năm mỗi người về, sang đến năm thứ 3 thì cả 2 vợ chồng về. Còn năm nào bạn hoặc chồng không về được dịp tết thì về dịp hè, con cái được nghỉ học thì xin về phép như vậy thì năm nào nhà bạn cũng có người ở quê mà lại được về thành 2 đợt, chi phí đi lại cũng rẻ hơn. Cái quan trọng là bạn làm thế nào để tuy mình vắng mặt mà mọi người ở quê vẫn cảm nhận được cái tình mà vợ chồng bạn dành cho gia đình không hề vắng, hay thiếu đi chút nào. Chồng bạn nói rất đúng, lỡ có tai nạn xảy ra thì lúc ấy người ở quê ân hận biết chừng nào"- bạn đọc Thỏ viết như vậy.

Bạn đọc thamquan thì cho rằng "... một năm 365 ngày thiếu gì ngày để về, Tết cũng là 1 ngày có 24h, 1 ngày của 1 tuần, 1 ngày của 1 tháng, 1 ngày của 1 năm thôi. Còn việc hiếu thảo với ông, bà, cha, mẹ đâu phải chỉ về ngày Tết mới là có hiếu. Ùn ùn như vậy thì nhà xe mới có chuyện lên giá cước, ùn ùn như vậy mới đẻ ra các dịch vụ ăn theo chặt chém".

Cùng suy nghĩ, bạn đọc Tuấn Thăng viết: "Đúng là làm cả năm tiêu mấy ngày, cô nên nghĩ lại, chồng cô nói đúng đó, nên để các dịp khác mà đi, vừa đỡ tốn kém lại không lo xe cộ nữa. Làm là phải có để dành mà lo đủ thứ, tiêu hết nhỡ có chuyện gì cần thì lấy đâu ra tiền. Năm nào chả có tết, 5 năm về 1 lần cũng được, xa xôi mà đi chi như đi đày vậy!". Ý kiến của bạn đọc Minh Tri cũng vậy: "Tiền không mua được hạnh phúc, nhưng không có tiền cũng không có hạnh phúc. Mình không làm ra nhiều tiền thì phải biết cân đối bạn ạ, nếu có điều kiện thì 1 năm về 1 lần còn không thì 2, 3 tết về 1 lần cũng được vậy".

Rất chia sẻ với tác giả, bạn đọc quang khuyên: "Tôi đồng ý với ý kiến của chồng bạn... Kinh tế chưa ổn định, vài năm về quê ăn Tết một lần cũng chẳng ai trách móc gì đâu, đến lúc khả giả thì nên sắp xếp hằng năm về quê ăn tết là hay nhất". Bạn đọc Phạm Nguyên đặt vấn đề sâu sa hơn: "Quê hương chính là nơi mình sống hạnh phúc. Trẻ con nó có hạnh phúc khi về cái mà cha mẹ gọi là quê hương ấy không? Nó có kỷ niệm gì ở đó mà hoài niệm không? Sao cha mẹ không gầy dựng cái quê hương đó ngay chính nơi mình chọn sinh sống mà cứ vất vưởng bám víu nơi mảnh đất cha mẹ/ ông bà mình đang ở. Tôi là phụ nữ, Tết sẵn sàng ở nhà trông con để chồng về quê nội nếu muốn về, còn quê ngoại thì khi nào nghỉ phép thì về thong thả. Còn ai nói ở thành phố buồn thì xem lại mình đi, cả năm làm việc, tôi ấp ủ nhiều kế hoạch cho con đi đây đó, tâm sự với con, chơi cùng nó, tạo cho nó những kỷ niệm đẹp về ngày Tết ở ngay chính ngôi nhà của mình, để mỗi lần Tết đến, nó háo hức nói với tôi, Tết này làm gì cho vui hả mẹ?".




Các bạn đọc Lê Minh, long hồ, NVQ cũng có chung suy nghĩ: Về quê và ăn tết nên hiểu nó là 2 vấn đề, còn nếu nghĩ "về quê ăn tết" thì cứ loay hoay quanh năm quần quật để rồi lại chen chút, xài phí mà chẳng được lợi ích bao nhiêu. Cần suy nghĩ về quê vào dịp nghỉ trong năm sẽ thấy đỡ áp lực, cực nhọc chen chút mà tiết kiệm được chi phí, chủ động được thời gian. Đâu phải về quê vào dịp Tết mới là người yêu quê hương? 

Bạn đọc Củ chuối gửi đi thông điệp mạnh mẽ hơn: "Tôi nói mấy đứa em, cháu vào Nam làm ăn kiếm tiền rồi cuối năm về quê xài hết thì vào làm gì? Vào Nam làm việc, học... để kiếm tiền, học nghề... mà sau 4,5 năm vẫn tay trắng thì ở quê cho lành... Đứa nào nghe thì sau chừng đó thời gian đã khác mấy cô cậu kia...”. 

Còn bạn đọc Trần Hùng thì cho rằng "Qua thế kỷ 21 rồi, mọi người hãy thay đổi cách nghĩ và làm khác trước! Quê hương là trên cả dải đất chữ S, không chỉ là một làng quê, tỉnh lỵ nào đó. Tưởng nhớ Tổ tông không chỉ là quỳ lạy trước bàn thờ? Mọi người nếu thực sự có tình có nghĩa với quê hương thì mỗi người, mỗi gia đình tại nơi mình sống hôm nay hãy cố gắng thoát khỏi những thói hư tật xấu của người VIỆT mà ta hằng thấy đầy rẫy ngày nay! Tôi hoàn toàn ủng hộ suy nghĩ của anh chồng trong câu chuyện trên!”.

Trên đây chỉ là một phần trong số các ý kiến ủng hộ suy nghĩ “Mắc gì lại ùn ùn về quê mỗi khi năm hết, Tết đến”. Và các ý kiến đều rất có tình, có lý.

Phải về vì “đó là ngày thiêng liêng nhất trong năm”

Ở chiều ngược lại, bạn đọc Lê Văn Ngời cho rằng: "Không phải "mắc" gì mà là vì dịp Tết cổ truyền Việt Nam có truyền thống xưa nay là dịp để con cháu kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ”. Với bạn đọc HÀ LINH: "Đơn giản là giữ gìn phong tục, đơn giản là những ngày thường trong năm người ở quê cũng quằn lưng đi các nơi kiếm tiền, Tết là lúc được trở về để lo toan, để gặp gỡ". 

Còn bạn đọc minhieu505 thì "Vì đó là ngày thiêng liêng nhất trong năm, ngày mà ai cũng mong mỏi sự đoàn tụ, ngày mà ai cũng nghĩ để có dịp gặp gỡ nhau. Bạn có thể về bất cứ lúc nào nhưng chỉ gặp vài người thân nếu đó không phải là dịp tết. Và nếu có một cái Tết tha hương, nằm một mình gác tay lên trán đón giao thừa mà nhớ về nhà, nhớ người thân bạn mới thấm thía cỡ nào".

Bạn đọc Trần Dân Việt thì cho rằng "Đêm giao thừa thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên là giây phút thiêng liêng, là nét văn hóa không thể nào phai mờ trong tâm khảm của người Việt. Tết không đơn thuần là dịp để vui chơi, du lịch mà là để tìm về nơi thiêng liêng nhất của mỗi người dân Việt". Bạn đọc Nguyễn Hoàng cũng nghĩ vậy: "Quê hương mỗi người chỉ một. Tết về nhà là điều thiêng liêng nhất. Đó là lý do nhiều người tìm thấy sự thiêng liêng này và họ đã về".

Ngoài việc Tết là “bản sắc văn hóa” thì nhiều bạn đọc cũng chỉ ra tình cảm thiêng liêng của gia đình, chòm xóm, cộng đồng... được thể hiện mỗi dịp xuân về. Bạn đọc pham van dat cho rằng: "... thử hỏi cả năm xa quê đi làm ăn không có lấy 1 bữa cơm sum họp gia đình, nếu Tết đến được nghỉ cả chục ngày lủi thủi trong cái phòng trọ lạnh lẽo cô độc, xung quanh mọi người cũng đã về hết cả, thử hỏi lúc ấy cảm giác của sự cô đơn và đắng lòng cỡ nào, khi mà cả nhà ở quê mong ngóng con về sum họp, cả năm chỉ có mấy ngày tết về thắp nhang tổ tiên ông bà, mâm cơm gia đình!”. 

Bạn đọc Huu Nhat lại nói: "Tại sao phải Tết về, tết ai cũng về mới có người hỏi thăm nhau, biết nhau... ông bà già cảm thấy rất vui khi con cái sum họp. Chứ thật ra ở quê bây giờ thiếu gì năm ba triệu bạc, cả đời lo cho con cháu số tiền trên nghĩa lý gì... ai nói dại thì tôi chịu thôi. Tết phải về quê, thắp cho ông bà nén nhang, thăm họ hàng cô bác... có tiền thì mua quà cáp, không tiền về hỏi thăm nhau tiếng là quý rồi. Cả năm đâu phải ai cũng có ngày rảnh, chỉ tết mới rảnh mà tiếp nhau!".


Còn với bạn đọc Hoàng Sơn thì trả lời cho câu hỏi "Tại sao Tết lại cứ hay về quê?”, bạn đọc cho rằng “Vì đó là những ngày rất thiêng liêng của một năm 365 ngày. Tết ngoài là dịp để cả nhà sum họp, quây quần còn là dịp để mọt người cùng thắc chặt tình cảm với nhau. Đi ra đường gặp bà con, hàng sớm chào hỏi, chúc nhau một câu. Thử hỏi nếu về ngày thường có được như thế không? Người Việt Nam ta rất trọng tình cảm nên dù khó khăn vất vả Tết vẫn tranh thủ về lại mái anh gia đình. Nó vừa như là một sợi dây liên kết con người với con người, giữa ta và hàng sớm láng giềng. Chúng ta ngoài gia đình tại quê còn có cộng đồng ở đó. Có nhiều lý do để không về quê dịp Tết. Nhưng thử hình dung nhà kết bên gia đình đông đúc sum vầy, còn nhà mình chỉ có cha mẹ già một mình tới lui thì cảm nghĩ sẽ như thế nào. Cuộc đời có bao lần được cùng gia đình sum hợp, được mấy lần nhìn cha mẹ tươi cười?”. 

Bạn đọc 4 Nổ cũng nghĩ thế: "Tết cổ truyền là dịp mọi người đến thăm nhau, chúc phúc cho nhau, họ hàng đến với nhau... Vào ngày Tết mà trong 1 gia đình thiếu vắng người thân thì buồn lắm. Đồng ý là trong năm 365 ngày thiếu gì ngày để về, nhưng nếu giả sử bạn về vào tháng 5 tháng 6 chẳng hạn thì chỉ là về thăm nhà thôi, không vui bằng những ngày Tết đâu bạn. Chính vì thế mà hầu như tất cả mọi người đều muốn được về quê dù cho có tốn thêm tiền và mệt nhọc, trừ trường họp những ai không có đủ tiền để về, họ sẽ buồn lắm...".

“Truyền thống do chúng ta tạo ra...”

Tán thành ý kiến của anh chồng nhưng vẫn thấy ray rức trong lòng và cố gắng tìm ra một giải pháp dung hòa là tâm trạng của nhiều bạn đọc. Bạn đọc Tiếng Còi viết: "Chồng bạn nói đúng đó, thời buổi khó khăn đôi khi chúng ta cũng nên thực tế một chút. Thăm nom, giúp đỡ gia đình có nhiều dịp, nhiều lúc chứ không nhất thiết đúng ngay dịp Tết, khi gia đình mình vẫn còn khó khăn. Tuy sẽ có nhiều bức rứt khi phải từ bỏ một thói quen, nhưng dần dần bạn sẽ thấy điều đó là hợp lý". 

Bạn đọc VH cũng có cách sắp xếp để trọn vẹn đôi đường: "Ở Hà Nội nhưng không bao giờ chúng tôi về quê vào dịp Tết, mặc dù ở quê mẹ chồng ở một mình nhưng riêng chồng tôi thường về thăm mẹ chồng vào ngày sau 23 tết để biếu quà và thắp hương, còn cả nhà sẽ về vào ngày khác trong năm. Gia đình riêng của chúng tôi cúng cần hương khói, các con cũng cần những ngày nghỉ đầm ấm, thanh bình, sao phải bon chen nơi đường chợ. Các bạn có thể chọn về vào dịp xuân sau Tết hoặc mùa thu cho mát vẫn vui mà. Hơn nữa anh em đổi nhau, vài ba năm mới nên về 1 lần, truyền thống do chúng ta tạo ra, nó phải làm cho con người hạnh phúc, không nên đày ải nhau".

Thừa nhận "Tết cổ truyền là nét văn hóa bản sắc thiêng liêng của người Việt Nam. Mà ở đó, mọi người con của Việt Nam đều mong muốn tìm về cho dù là tha hương ở bất cứ nơi đâu. Tết cổ truyền mang một giá trị tinh thần “lá rụng về cội" mang đậm tính Á Đông”, tuy nhiên bạn đọc justin đưa ra giải pháp: “Tùy theo hoàn cảnh và khả năng tài chính của mình mà chi tiêu cho phù hợp, tránh việc sĩ diện và phô trương quá mức mà làm cho kinh tế khó khăn”. Bạn đọc Lê Thị Hồng Lan cũng có chung suy nghĩ: "Nói chung tết có về quê hay không phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế và sức khỏe của mỗi gia đình, không nên áp đặt".



Bạn đọc dân quê chia sẻ: “... hãy tạo điều kiện cho con cái, cuộc sống ổn định, tương lai tốt đẹp trên quê hương thứ 2, dù ở đâu, kể cả nước ngoài, biết yêu quý nơi đó khi chúng lớn lên là nơi chôn nhau cắt rốn của nó, nó mới là công dân tốt, thành tài khi về quê thăm cha mẹ ông bà cũng nở mặt nở mày. Đừng nghĩ theo kiểu ăn xổi ở thì, nghèo vẫn hoàn nghèo (mỗi người hoàn cảnh không thể ai cũng giống ai)... 

Dẫn lời bài hát "Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người", bạn đọc Hà cho rằng “Câu hát thiệt hay và ý đầy nghĩa, như thầm nhắc nhở mỗi con người, dù bất cứ nơi đâu, làm gì cũng phải dành một góc nhớ về quê hương yêu dấu. Tâm trạng của bạn cũng như tâm trạng của tất cả mọi người con xa quê, ai cũng hiểu và muốn chia sẻ. Thôi thì phải sao chịu vậy, mình khó khăn không về được nhưng trong thâm tâm miễn sao đừng quên tổ tiên là quý rồi, nói như ông xã bạn là chính xác, mình còn nhiều dịp nhiều cách thể hiện với ông bà, cha mẹ mà. Đâu nhất thiết năm nào cũng chầu chực, chen lấn để có tấm vé trong suốt hành trình về với quê hương, nhất là ngày tết cổ truyền của dân tộc, vui thì vui thiệt nhưng bên cạnh đó còn biết bao lo toan suy nghĩ về cuộc sống ngày mai, thì cũng nên gói ghém sao cho khéo bạn ạ".

Với một chút ngậm ngùi, bạn đọc Dân đọc báo chia sẻ: "Cách nghĩ của bạn là rất quý, sum họp gia đình trong dịp Tết cổ truyền mang ý nghĩa hết sức thiêng liêng với một người xa quê như bạn nhưng quan điểm của chồng bạn không phải không có lý, nhất là điều kiện kinh tế của bạn và tình hình giao thông của VN hiện nay. Không phải chồng bạn không nghĩ đến ông bà tổ tiên hay keo kiệt tính toán mà phải tùy theo hoàn cảnh để có cách xử lý vẹn toàn".

Nên làm nhẹ đi gánh nặng...

Bạn đọc Quang Hòa: "Chúng ta phần lớn từ đồng quê ra đi nên tâm trạng vẫn còn theo kiểu rất truyền thống, có bỏ được cũng khó. Tôi trước đây công tác và lấy vợ ở Hà Giang. Xa nhà 17 năm nhưng tôi đã đưa cả gia đình (1 vợ 2 con) về quê ăn Tết với bố mẹ những 15 lần dù đi đường vô cùng vất vả và tốn kém. Những năm 1970-1980, đi từ Hà Giang xuống Hà Nội rồi mới ngược lên Thái Nguyên, nhanh thì cũng mất 2 ngày 1 đêm. Tôi thậm chí đã cắn răng mua một chiếc Honda second-hand 125 phân khối chỉ dùng để chở gia đình 4 người về quê ăn Tết. Và mỗi lần được ăn Tết cùng bố mẹ, tôi thấy cuộc sống thật sự hạnh phúc và có ý nghĩa. Nhưng từ năm 2000, bố mẹ tôi không còn nữa, tôi tự nhiên lại thấy mình không hề có nhu cầu đưa vợ con về quê ăn tết, trên quê vẫn còn đầy đủ anh em ruột thịt, họ hàng. Hiện nay gia đình tôi đang ở Hà Nội, nếu muốn chỉ sau 2 tiếng là có mặt ở quê. Nhưng tôi cũng không thích thú gì khi ở Hà Nội ăn Tết. Bởi thế, đã 2 tết gần đây, gia đình tôi đi Côn Đảo và Phú Quốc nghỉ Tết. Kỳ lạ ở chỗ lần đầu tiên kể từ khi bố mẹ không còn, tôi thấy thế mới đúng là nghỉ tết".

Bạn đọc Quang: "Trước hết tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh chồng nọ. Mắc gì phải "ăn" Tết. Các bạn khoan vội hãy có tâm lý hùa nhau ném đá người khác có ý kiến được các bạn quy chụp là trái với ý mình, các bạn có chắc là ý kiến của các bạn là ưu việt hay không? Tại sao đợi đến Tết các bạn mới nhớ đến ông bà tổ tiên, hằng ngày các bạn không nhớ đến ông bà? Tại sao đợi đến Tết mới chịu dọn dẹp nhà cửa, hằng ngày không dọn dẹp hay sao? Tại sao phải đợi đến Tết mới "ăn"? Tôi thấy chúng ta nên làm nhẹ đi gánh nặng tự mình mang vào thân với chữ Tết,và quan trọng hơn nữa hãy nhớ rằng chúng ta chưa có ngày Tết riêng cho dân tộc Việt".

Bạn đọc Tuấn: "Đúng đấy bạn ạ. Tôi thấy nhiều người cũng làm việc Sài Gòn xa quê như bạn, thời buổi kinh tế khó khăn, cuối năm để dành được ít tiền về quê tết là hết sạch, thậm chí thâm hụt. Năm nào cũng như năm nào, tương lai mờ mịt lắm bạn ạ. Bạn thử nghĩ xem, nếu không có sự thay đổi đột phá trong suy nghĩ thì bao giờ mới tiến bộ được".

Bạn đọc Tiền Giang: "Tôi thấy anh chồng bạn nói đúng đấy. Con còn nhỏ đi đường xa rất vất vả cho bạn và cho đứa bé. Kinh tế không dư nhiều nên vài năm về một lần cũng được mà. Nếu bạn quyết thì có thể về một mình cũng có thể được”.

Bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam này cũng là quê hương
Bạn đọc Ngọc Lan: "Bạn ở SG không lập được bàn thờ ông bà (dù là ở trọ) hay sao, mà phải nhất quyết về quê dịp Tết để thắp hương ông bà? Hiếu thảo với cha mẹ là biết tính toán để có thể giúp họ khi cần, chứ không nhất thiết mỗi Tết (hay mỗi năm) mỗi về, vừa tốn kém vừa hại thân. Bạn còn con phải nuôi, còn công việc phải cày để nuôi sống bản thân và gia đình nhỏ, về quê dịp Tết lại phải tốn tiền quà cáp biếu xén, mà chẳng biết nghĩ đến chuyện để dành. Nói dại, lỡ cha mẹ bạn ốm đau nặng, cần phải vô SG chữa chạy, mà bạn không có tiền để dành để lo cho ông bà lúc này, vì đã trót tiêu hết vào việc về quê dịp Tết rồi, thì bạn có ân hận không? Vậy có phải là hiếu thảo không?"

Bạn đọc Mai Thi Thanh: "Tôi là người có con cái đi làm ăn xa nên rất hiểu tâm trạng của người viết bài này. Con tôi cũng vậy. Tết năm nào cũng lặn lội về thăm cha mẹ, ăn tết với cha mẹ vài hôm rồi lặn lội trở vào Nam. Nói thật lòng, từ lúc con báo tin là lên xe là tôi thắp nhang khấn vái. Đến lúc con về tới nhà mới thở phào nhẹ nhõm. Đến khi con đi cũng vậy. Lòng cứ thấp thỏm lo âu. Thú thật, tôi chỉ muốn con tôi đừng về vì vừa tốn kém, vừa không an toàn. Ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam này cũng là quê hương”.

Hồng Vân tổng hợp
http://nld.com.vn/cong-doan/tet-o-hay-ve-dung-cau-ne-mot-chu-que-2014112710513701.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét