Với Trung Quốc chúng ta đừng lo bát nước hắt đi…
Chúng ta đừng lo bát nước hắt đi sẽ khó lấy lại vì bát nước này đã bị các nhà cầm quyền Trung quốc hắt đi nhiều lần. Khi nói về mạnh yếu, tôi lại nghĩ đến một câu châm ngôn của Đạo Phật “ Sắc sắc không không”, ý nghĩa của câu nói này vô cùng thâm thúy theo cách diễn giải của các nhà Phật học, nhưng một ý của các cách diễn giải có thể hiểu theo nghĩa trong cái có, có cái không, trong cái không có cái có.
Tình hình biển Đông căng thẳng khi Trung Quốc có những
Đánh giá thực lực
Khi nói về Trung Quốc, một sự thực là về thực lực kinh tế và quân sự mạnh hơn Việt Nam nhiều lần nhưng thực ra Trung Quốc phải căng trải ra trong một đất nước rộng lớn với đầy rẫy những bất ổn về xã hội như sự bất mãn của người dân tại Tân Cương, tại Tây Tạng về vấn đề dân tộc và nhân dân tại những vùng miền Tây do sự phân hóa giầu nghèo với miền Đông. Những bất ổn này đã đưa đến những vụ đánh bom, chém giết tại nhiều nơi trên khắp lãnh thổ và không loại trừ cả thủ đô Bắc Kinh.
Trung Quốc lại có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với 14 nước, đăc biệt là hơn 3605km tiếp giáp với Nga phía Đông và hơn 40km phía Tây, mặc dù tình hình quan hệ Trung Nga đang nồng ầm với việc Nga và Trung Quốc vừa ký hiệp định kinh tế lên đến trên 400 tỷ USD Mỹ, nhưng việc dòng người Hoa di cư đang ngày càng tăng sang vùng Viễn Đông đất rộng người thưa thớt của Nga, sớm muộn cũng sẽ gây nên tình hình bất ổn vì Trung Quốc luôn cho vùng này thuộc Trung Quốc bị các triều đại Nga Hoàng thôn tính.
Đặc biệt đây là hai dân tộc có đặc tính chủ nghĩa dân tộc rất cao và đều là 2 cường quốc, theo tôi thì việc nồng ấm này chỉ là nhất thời khi Nga đang bị Mỹ và Tây âu cấm vận và phụ thuộc mạnh mẽ vào ý chí của các nhà lãnh đạo khi thời hạn tổng thống Nga chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian không quá hai nhiệm kỳ.
Hôm nay là bạn nồng ấm, ngày mai có thể là kẻ thù, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn. Năm 1969 đã xẩy ra xung đột nghiêm trọng tại các vùng biên giới phía Đông Trung Quốc –Liên Xô. Chính vì thế đối với vùng biên giới này kể cả Nga và Trung quốc vẫn phải duy trì một lực lương quân đội hùng hậu.
Với 1416 km đường biên giới tiếp giáp với Bắc Triều tiên, với một chính quyền không phải lúc nào Bắc Kinh cũng có thể lường được mọi quyết định của họ. Tình hình bất ổn trong quan hệ giữa Bắc-Nam Triều Tiên, Mỹ lại có lực lượng quân sự hùng mạnh và vượt trội ở Hàn Quốc cộng với sức mạnh của quân đội Hàn quốc, Trung Quốc không thể không tính đến việc duy trì lực lượng quân sự tại đây.
Với hơn 3338km giáp giới với Ấn độ, nơi mà Chính phủ Ấn độ và nhân dân Ấn độ vẫn luôn ghi nhớ và nhắc nhở Trung Quốc đã chiếm một vùng đất rộng lớn của Ấn Độ trong chiến tranh biên giới Trung -Ấn năm 1962, hơn nữa Thủ tướng mới đắc cử của Ấn độ theo cương lĩnh tranh cử lại có đường lối cứng rắn với Trung quốc. Vì thế Trung quốc không thể không duy trì một lực lường quân sự hùng hậu tại đây.
Đặc biệt những nước có người Duy Ngô Nhĩ sinh sống hoặc là điểm nóng thường xẩy ra các vụ khủng bố xuyên quốc gia mà có biên giới tiếp giáp với Trung quốc cũng là những vùng biên giới mà Trung Quốc phải lo lắng như với: Kazakhstan 1.533 km; Kyrgyzstan 858 km; Pakistan 523 km; Tajikistan 414 km; Afghanistan 76 km
Chỉ còn lại một số vùng biên giới tiếp giáp với: Myanma 2185km; Nepal 1.236 km; Bhutan 470 km Trung Quốc ít lo lắng hơn nhưng với việc Miến Điện đang thực hiện các cải cách ngả theo Mỹ và phương Tây, Trung quốc không thể không lo lắng.
Chỉ còn vùng biên giới tiếp giáp với Lào 423 km; Việt Nam 1.281 km, là Trung quốc hoàn toàn yên tâm vì không không lo Mỹ và phương Tây áp sát biên giới Trung quốc.
Với trên 14500km đường biển ở phía Đông, Trung Quốc cũng có các tranh chấp về chủ quyền đối với các đảo và vùng biển đối với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philiphin, Malaysia, Inddonexia, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan đang mong muốn độc lập với Trung Quốc.
Trong số các nước này, ở Nhật bản, Hàn quốc Mỹ đều có căn cứ quân sự và bản thân Hàn quốc, Nhật bản cũng có một lực lượng hải quân và lực lượng quân sự hùng hậu. Đài Loan, Phi liphin đều có các hiệp ước phòng thủ với Mỹ. Indonexia, Malayxia là các đồng minh truyền thống của Mỹ và Mỹ coi các nước này là các nước có cùng nền dân chủ với Mỹ. Như vậy Hải quân Mỹ hầu như giăng khắp các vùng biển tiếp giáp với Trung quốc kể cả vùng biển Hoa Đông lẫn vùng biển Đông.
Trong tất cả 14 nước tiếp giáp trên đất liền và các nước có vùng biển gắn với Trung quốc trừ Việt Nam đều là các nước không có cùng mô hình chế độ chính trị như Trung Quốc, họ đều theo mô hình chế độ đại nghị dân chủ, vì vậy họ được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ và Phương Tây nếu Trung Quốc gây xung đột với các nước này.
So sánh với Mỹ, Phía Bắc Mỹ chỉ tiếp giáp với Canada, phía Nam với Mehico vì vậy Mỹ có thể rảnh tay tập trung lực lượng cho các cuộc xung đột, còn Trung quốc không thể tập trung toàn bộ binh lực được vì phải đối phó với nhiều điểm nóng khác nhau.
Trung Quốc có vũ khí nguyên tử nhưng không thể dùng vũ khí nguyên tử tại Biển Đông và trên nội địa. Về thực lực, lực lượng không quân của Trung Quốc còn kém xa Mỹ, chúng ta đã từng đương đầu với lực lượng không quân hùng mạnh của Mỹ với máy bay ném bom chiến lược B52, đã từng bảo vệ vững chắc vùng biển chỉ với những tầu chiến nhỏ hoàn toàn lạc hậu so với lực lượng hải quân hùng mạnh của hạm đội Thái Bình dương với sự yểm trợ của lực lượng không quân thiện chiến Mỹ.
Trung Quốc có thể dùng tên lửa đạn đạo nhưng sao có thể bằng B52 ném bom rải thảm. Có một số học giả nói nếu đụng độ quân sự, Việt Nam có thể chịu thiệt hại nặng nề một cách nhanh chóng, nhưng tôi tin rằng với một đội ngũ tướng lĩnh và chỉ huy dày dạn trận mạc của Việt Nam, với cách đánh thiên biến vạn hóa tiếp thu từ cha ông để lai, việc làm cho quân đội Việt Nam núng thế một cách nhanh chóng là rất khó khăn.
Lịch sử đã ghi lại những trận Bạch Đằng giang lịch sử, nhuốm đỏ máu quân xâm lược của các triều đại Phong kiến Trung Quốc, khi các chiến thuyền của ta rất nhỏ so với các chiến thuyền của quân Hán, quân Tống, quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh.
Một minh chứng trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, ban đầu với sức mạnh hầu như truyệt đối, Mỹ tưởng rằng có thể đè bẹp lực lượng không quân Việt nam nhanh chóng nhưng thực tế là trái ngược, Mỹ không thể ngờ với máy bay MiG 17 cũ chỉ trang bị hai khẩu pháo 12,7 ly và 1khẩu 23ly, các phi công của ta đã bắn rơi nhiều máy bay tiêm kích của Mỹ.
Máy bay MiG21 của ta còn kém uy lực so với MiG21 Liên xô cũ trang bị cho Ai Cập, nhưng là nỗi kinh hoàng với máy bay tiêm kích của Mỹ và máy bay B52. Khi tên lửa của ta bắn rơi máy bay B52, bản thân các tướng lĩnh Liên xô cũng không tin, phải cử chuyên gia và tướng lĩnh sang trực tiếp thị sát cụ thể họ mới tin.
Tất cả những điều này đã được các phi công Mỹ từng tham gia chiến tranh viết trong hồi ký của mình. Một người bạn của tôi đã từng tham gia không chiến, khi được đối thủ của chính mình trong trận không chiến đó, một vị tướng không quân đang đương nhiệm Mỹ, mời sang Mỹ, bạn tôi đã được các cựu thù đón tiếp rất trọng thị với niềm khâm phục sâu sắc tại sao một phi công với một lượng giờ bay ít ỏi lại có thể hạ được phi công Mỹ lão luyện với vài nghìn giờ bay.
Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thế hệ chúng tôi và bản thân cũng đã từng chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, từng chứng kiến các trận bom B52 rải thảm Hà Nội và tại nhiều thành phố làng mạc Việt Nam, sự giết hại dân thường vô tội tại biên giới phía Bắc bởi lính Trung Quốc , tại biên giới phía Tây Nam bởi lính Khơ me đỏ.
Chúng ta thiết tha và mong muốn có hòa bình nhưng phải là nền hòa bình trên cơ sở giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển và các hải đảo thuộc chủ quyền của Việt nam, mà bao nhiêu đời tổ tiên, cha ông chúng ta đã gìn giữ và phát triển. Hòa bình trên sự tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau, chứ không phải thứ hòa bình viển vông và lệ thuộc như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói. Chúng ta không gây chiến nhưng chúng ta có quyền tự vệ.
Trung Quốc không thật mạnh khi không có chính nghĩa
Trung Quốc không thật mạnh khi không có chính nghĩa, khi đi xâm chiếm lãnh thổ của các nước khác. Việt Nam chúng ta tuy không mạnh bằng Trung Quốc, nhưng chúng ta có chính nghĩa, đó là sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí quyết tâm giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời và vùng biển của Tổ quốc, được nhân dân thế giới và bản thân những người dân có lương tri của Trung quốc ủng hộ.
Chúng ta đừng lo bát nước hắt đi sẽ khó lấy lại vì bát nước này đã bị các nhà cầm quyền Trung quốc hắt đi nhiều lần.
Trước mắt Việt nam cần kiện ra Tòa án hoặc Trọng tài Quốc tế để xác định rõ Chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông. Làm như vậy để nhân dân Thế giới và những người có lương tri của nhân dân Trung quốc có cơ sở pháp lý ủng hộ Việt nam và bản thân nhân dân Việt nam cũng sẽ có cơ sở pháp lý để đòi lại những gì thuộc chủ quyền của mình, thế hệ chúng ta chưa làm được thì con cháu chúng ta sẽ thực hiện. Đây là phương pháp đấu tranh bằng biện pháp hòa bình mà lẽ phải thuộc về chúng ta mà Trung quốc không có.
Việt Nam yêu hòa bình nhưng chúng ta có quyền tự vệ. Việt Nam kiềm chế nhưng Việt Nam không khuất phục và yếu hèn trước bất cứ kẻ xâm lược nào, Việt Nam sẽ ghi thêm vào trang sử của mình những trận Bach Đằng Giang, Điện Biên phủ tại Biển Đông khi chúng ta buộc phải thực hiện quyền tự vệ của mình trước quân xâm lược.
Hiện nay tồn tại một điều cần suy ngẫm là giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng phát triển, tổng kim ngạch 2 chiều đã lên tới hơn 40 tỷ USD Mỹ trong đó nhập siêu của Việt Nam từ phía Trung quốc đã lên tới 13-14 tỷ Dolar.
Nền kinh tế Trung quốc đã thâm nhập sâu vào nền kinh tế Việt Nam, tính đến năm 2010 có đến 90% các dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế-cung cấp thiết bị - xây lắp vận hành; hay nói cách khác thực hiện dự án theo phương thức chìa khóa trao tay) của Việt Nam do nhà thầu Trung quốc đảm nhiệm, Trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim.
Trong số này các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc thực hiện tới 30 dự án trọng điểm Quốc gia, trong đó có các dự án “tỷ đô” của ngành điện.
Hiện có 10 dự án lớn do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm như: Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông mức đầu tư 552 Triệu USD; Dự án cao tốc Hà Nội –Hải phòng với tổng mức đầu tư gần 25.000 tỷ đồng; Đường cao tốc Nội bài –Lào cai với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng; Bô xít Tây Nguyên với tổng mức đầu tư cho 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ lên đến hơn 15.400 tỷ và 16.800 tỷ tăng 3800 tỷ và 4300 tỷ so với dự kiến ban đầu; Nhà máy gang thép Lào Cai với tổng mức đầu tư 340 triệu USD trong đó Việt Nam góp 55% tổng mức đầu tư; Nhà máy nhiệt điện Duyên Hai với tổng mức đầu tư dự án 1,6 tỷ USD, gói thầu EPC trị giá 1,3 tỷ USD; Trung Quốc cho vay 85% vốn còn 15% vốn đối ứng là của EVN; Nhiệt điện Mông Dương với tổng mức đầu tư 1,95 tỷ USD, tăng so với dự kiến ban đầu gần 550 triệu USD; Nhà máy thủy điện sông Bung với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng trong đó vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á là 196 triệu USD; Dự án Golden Westlake gồm 370 căn hộ với giá 1m2 dao động từ 1.400USD đến 4.000USD ;Nhà máy dệt may tại khu công nghiệp Lai Vu với tổng mức đầu tư 425 triệu USD sử dụng 35,1ha đất.
Các dự án do Trung Quốc làm chủ đầu tư sau khi trúng thầu với giá trúng thầu thấp nhưng sau một thời gian thực hiện đều đội vốn lên rất lớn so với giá trúng thầu ban đầu và và theo nhận định của nhiều nhà khoa học đã được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thì công nghệ, máy móc thiết bị nhà thầu Trung quốc cung cấp cho ta ở mức trung bình hoặc thấp so với công nghệ cùng loại của thế giới.
Đặc biệt việc trúng thầu một cách hàng loạt này xảy ra khi chúng ta sửa một số điều khoản của Luật Đầu tư và Luật Chuyển giao công nghệ khi cho Chủ đầu tư tự quyết định Công nghệ của Dự án với danh nghĩa mở hành lang thông thoáng để kêu gọi đầu tư của nước ngoài, mặc dù việc sửa các điều khoản này không được sự đồng tình của nhiều chuyên gia có trách nhiệm trong ban soạn thảo.
Dư luận xã hội đặt ra một vấn đề: Với việc các nhà thầu trung quốc trúng tổng thầu EPC ở mức nhiều tỷ USD như đã nêu ở trên, liệu có sự vận động hành lang của các nhóm lợi ích hay không? Là một vấn đề cần đặt ra và sự vận động hành lang này có ảnh hưởng gì đến chính sách đối ngoại của ta đặc biệt trong quan hệ của ta với Trung quốc.
Càng ngẫm tôi càng tâm đắc với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta không thể đánh đổi chủ quyền, độc lâp và lòng tự tôn dân tộc lấy thứ hòa bình viển vông, lệ thuộc, thế hệ chúng ta đã gây dựng nên những trang sử vàng chói lọi và hãy đề cho con cháu chúng ta có quyền ngẩng cao đầu với lịch sử mà tổ tiên, cha ông đã gây dựng nên.
Giặc ngoại xâm thì ta luôn xác định được đúng đối tượng nhưng giặc nội xâm vì lợi ích kinh tế thì không phải bao giờ cũng có thể xác định được vì chúng luôn che đậy dưới vỏ bọc rất khôn khéo và có những lý luận nghe ra rất hợp lý với chiêu bài tình đoàn kết, tình hữu nghị truyền thống, cố gắng và kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển kinh tế, nhưng mất đi một nguyên tắc là quan hệ phải bỉnh đẳng và tôn trọng lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia của nhau.
Trong quan hệ giao thương với Trung quốc và việc trúng thầu một cách “ đặc biệt” của các nhà thầu Trung Quốc, theo dư luận xã hội, liệu có hiện tượng tham nhũng , nhận tiền hối lộ không, đây là một vấn đề mà Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương cần xem xét.
Tôi tin rằng với thái độ quyết liệt chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, chúng ta có thể làm được, đây cũng là một cách tốt nhất để có thể làm sạch nền kinh tế quốc gia.
Trần Sơn Lâm - nguyên hàm Vụ trưởng Vụ khoa giáo Văn phòng Chính phủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét