Dù thế, vẫn bên nhau trọn đời...
TT - Ngấp nghé mốc tuổi 90, nét mặt bà Bảy Vân (tức Nguyễn Thụy Nga, Nguyễn Thị Vân - phu nhân cố tổng bí thư Lê Duẩn) vẫn còn những nét tươi trẻ, điệu bộ duyên dáng, và những câu chuyện bà kể lúc nào cũng dí dỏm kèm theo tiếng cười khúc khích.
Ông Lê Duẩn và bà Nguyễn Thụy Nga trong những năm
kháng chiến chống Pháp ở miền Nam - Ảnh tư liệu
Tưởng như bà đã có một đời mệnh phụ êm đềm, bình an. Nhưng, như bà nói: “Tôi có một cuộc đời không trọn vẹn”, ẩn dưới nụ cười thơ trẻ lại là cả biển nước mắt, bên dưới cuộc đời mệnh phụ là sóng gió, bão tố, đạn bom, chia ly, sống chết... Bà đã vượt qua tất cả với một nguyện ước giản dị: được bên nhau trọn đời với người chồng mà mình yêu thương, tôn thờ.Tình yêu đến từ tình yêu
Đời tiểu thư được cưng chiều của cô con gái ông chủ bút báo La Tribune Indigène dẫn bước vào đời cách mạng thật tự nhiên: từ trà nước cho các chiến sĩ cách mạng hay đến trú ngụ, hội họp tại nhà mình đến việc mặc áo dài đi học, trong cặp sách chứa đầy truyền đơn, súng, tiền, vàng đi liên lạc, từ mến phục lý tưởng cho đến thương yêu con người. 14 tuổi, cô học sinh Thụy Nga đã yêu một người trong số các chiến sĩ cách mạng ấy, như yêu một người anh lớn. Đã biết bao nhiêu lần Nga thoát hiểm trong chân tơ kẽ tóc, bụng run và tay chân cũng run, nhưng cô vẫn tiếp tục nhận nhiệm vụ. Càng lớn càng xinh đẹp, nhiều con địa chủ, con tư sản tìm đường mai mối nhưng cô một mực chối từ, chỉ say mê theo các phong trào học sinh. Cách mạng Tháng Tám thổi luồng gió độc lập tự do, Nam bộ kháng chiến kêu gọi “Lên đàng”, Thụy Nga thoát ly từ đấy, năm cô tròn 20 tuổi, mang theo trong hành trang chiếc áo dài tím nữ sinh.
Kháng chiến ngày ấy hừng hực mà lãng mạn. Rất nhiều nước mắt của Thụy Nga đã đổ xuống khi chăm sóc thương binh, khi chia tay đồng đội. Cũng rất nhiều người đồng chí đã bày tỏ tình cảm với cô nhưng chỉ nhận được những lời chối từ, lúc khéo léo, lúc quyết liệt. Nga vẫn giữ mối tình đầu trong tim mình, và không ngại ngần bảo vệ mối tình ấy bất chấp những can thiệp của tổ chức. Năm tháng đi qua, đến khi Thụy Nga 25 tuổi, đắc cử tỉnh ủy viên, đoàn trưởng hội phụ nữ Cần Thơ. Cô gặp ông Lê Duẩn, bí thư Xứ ủy Nam kỳ, lần đầu trong một hội nghị. Ông hỏi thăm, và không ngờ Nga lại một lần nữa cương quyết bảo vệ tình yêu riêng tư trong trái tim mình. Ấn tượng về người con gái chung thủy, ông cũng lắc đầu trước những người được tổ chức giới thiệu: “Nếu có lấy vợ, tôi thích người có tình nghĩa như chị Nga...”.
Phải lâu lắm, đắn đo suy nghĩ mãi, quan sát, tìm hiểu rất nhiều, Nga mới đi được từ nhiệm vụ đến tình cảm, mới gật đầu đồng ý làm “chị Ba”. Hôn lễ đơn giản bên kinh xáng, ông Ba Duẩn đọc bài thơ ông sáng tác tặng bà: “...Tơ tình ta lại với ta/ Say sưa bao xiết là ta với mình/ Cho hay là giống hữu tình/ Đố ai cắt được tơ mành làm đôi”. Sau này, bà Bảy Vân ghi trong hồi ký: “Anh chọn tôi qua tình yêu của tôi với một người khác. Tôi chọn anh qua đạo đức và tình cảm lớn lao của anh đối với đồng bào, đồng chí... Trong tình yêu anh trở nên ngây thơ như con nít làm tôi rất cảm động. Có tôi bên cạnh, anh tươi tắn hơn, mạnh khỏe hơn, ăn mặc cũng đàng hoàng hơn. Có anh em nói lén sau lưng chúng tôi: Ông bà như đôi sam...”.
Hạnh phúc đã đến như thế và cứ ngọt ngào như thế trong suốt những gian nan, hiểm nguy của cuộc kháng chiến chống Pháp. Cho đến Hiệp định Genève, lệnh tập kết, như mọi người, bà Nga chuẩn bị đồ đạc cho mình, cho chồng con, háo hức nghĩ đến ngày được sống dưới bầu không khí mới. “Hai năm sau chúng tôi sẽ quay lại”, bà thầm hứa trong lòng. Nhưng với nhãn quan lãnh đạo sắc sảo, ông Ba Duẩn cứ trằn trọc: “Hai năm hay 20 năm?”. Ông ba lần đánh điện ra Trung ương và Bác Hồ xin được ở lại. Lần cuối được chấp nhận, nhưng ông lại từ khước đề nghị của vợ: “Tình hình miền Nam sắp tới sẽ phức tạp. Em ở lại khổ cho em, cho con, hoạt động của anh lại dễ lộ”.
Cả gia đình xuống tàu, nhổ neo. Ra khơi được vài tiếng thì có xuồng máy đón ông Ba Duẩn quay trở vào. Ông giã biệt vợ: “Anh thương vợ con anh thế nào thì thương đồng bào, đồng chí như thế, nên anh phải ở lại. Em ra Bắc ráng nuôi dạy hai con nên người”. Ông đi, bà Ba nằm lại cabin, nước mắt tràn như suối.
Những thử thách mới chờ bà ở miền Bắc.
Ảnh chụp trước khi chia tay vào miền Nam công tác năm 1964. Từ trái qua: con gái Lê Vũ Anh, bà Nguyễn Thụy Nga và hai con trai Lê Kiên Thành, Lê Kiên Trung - Ảnh tư liệu gia đình
Gian truân đường mệnh phụ
Bà Nguyễn Thụy Nga được phân công về báo Phụ Nữ Việt Nam, phụ trách mục miền Nam. Bao nhiêu thương nhớ miền Nam, bà dồn vào trang viết. Năm 1957, ông Lê Duẩn trở lại miền Bắc nhận nhiệm vụ. Bà Nga sang Trung Quốc học báo chí. Năm năm đi học, bà sinh con thứ ba, loay hoay xuôi ngược với những chuyến tàu, khi mang con theo mình, lúc gửi con về nước, nỗ lực với những lá thư với chồng thấm đẫm tình cảm cách mạng.
Về nước, để ông yên tâm làm việc nước, bà lại một lần nữa ra đi, để lại ba con đang trong độ tuổi cần mẹ nhất. Đó là một chuyến đi sinh tử: vào Nam trên con tàu không số chở đầy vũ khí, vật lộn trên sóng bão và sự truy lùng gắt gao của hạm đội 7 (Mỹ) sau sự kiện Vũng Rô. Chiếc tàu chở bà đã phải quay ra quay vào, mấy lần chuẩn bị hủy tàu, lênh đênh ngoài hải phận quốc tế suốt hai tháng mới vào được bến Cà Mau.
Bà lại tiếp tục công việc của một người làm báo, lặn lội trong rừng ruộng, dưới máy bay thả bom, quân đối phương lùng sục, bao nhiêu lần thoát chết trong gang tấc, bao nhiêu lần nghiêng nón đi dưới tấm ảnh mình được phóng to làm lệnh truy nã, treo thưởng người bắt được... Không nghĩ mình sẽ được chứng kiến ngày thống nhất, bà gửi thư cho ông: “Trót đã yêu nhau, trót dãi dầu/ Vì đâu duyên nợ, bởi vì đâu?/ Trăm năm gìn giữ ân tình cũ/ Một kiếp! Thôi đành hẹn kiếp sau”.
Hôm nay bà vẫn còn giữ một tập dày những lá thư chồng vợ ngày ấy: thư ông gửi cho bà được mang theo trên những nẻo đường công tác; thư bà gửi cho ông được nâng niu sau những buổi họp tác chiến bạc tóc. Ngoài tình cảm, ngoài chuyện con cái, trong thư của ông lại có cả những chỉ đạo đấu tranh giành thắng lợi từng phần như thế nào, xây dựng căn cứ địa cách mạng thế nào, tấn công để làm chủ, làm chủ để tấn công thế nào... “Ấy là vì chúng tôi bên nhau trong lý tưởng”, bà Bảy Vân mỉm cười giải thích. Bà tô đậm một dòng ông viết: “Tình cảm thương yêu đằm thắm sâu xa giữa anh với em, giữa chúng ta với các con, giữa chúng ta trong sự nghiệp cách mạng, cùng nhau sống và để lại kỷ niệm với đời là các con, và sự nghiệp của chúng ta dính chặt lại làm một”.
Thống nhất đất nước, bà vẫn tiếp tục công tác ở miền Nam, ông vẫn bận rộn với bộn bề công việc tại miền Bắc. “Tôi rất muốn ở lại bên anh, nhưng hiểu anh muốn dành nhiều thời gian hơn cho công cuộc xây dựng lại đất nước”, bà lại mỉm cười, những khắc khoải lặn trong đuôi mắt. Cứ thế cho đến ngày ông ra đi...
Xa cách nhiều hơn gần gụi, nhưng nhắc về ông, bà vẫn bảo: “Chúng tôi bên nhau trọn đời”.
PHẠM VŨ
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/600621/du-the-van-ben-nhau-tron-doi.html
Hôm nay bà vẫn còn giữ một tập dày những lá thư chồng vợ ngày ấy: thư ông gửi cho bà được mang theo trên những nẻo đường công tác; thư bà gửi cho ông được nâng niu sau những buổi họp tác chiến bạc tóc. Ngoài tình cảm, ngoài chuyện con cái, trong thư của ông lại có cả những chỉ đạo đấu tranh giành thắng lợi từng phần như thế nào, xây dựng căn cứ địa cách mạng thế nào, tấn công để làm chủ, làm chủ để tấn công thế nào... “Ấy là vì chúng tôi bên nhau trong lý tưởng”, bà Bảy Vân mỉm cười giải thích. Bà tô đậm một dòng ông viết: “Tình cảm thương yêu đằm thắm sâu xa giữa anh với em, giữa chúng ta với các con, giữa chúng ta trong sự nghiệp cách mạng, cùng nhau sống và để lại kỷ niệm với đời là các con, và sự nghiệp của chúng ta dính chặt lại làm một”.
Thống nhất đất nước, bà vẫn tiếp tục công tác ở miền Nam, ông vẫn bận rộn với bộn bề công việc tại miền Bắc. “Tôi rất muốn ở lại bên anh, nhưng hiểu anh muốn dành nhiều thời gian hơn cho công cuộc xây dựng lại đất nước”, bà lại mỉm cười, những khắc khoải lặn trong đuôi mắt. Cứ thế cho đến ngày ông ra đi...
Xa cách nhiều hơn gần gụi, nhưng nhắc về ông, bà vẫn bảo: “Chúng tôi bên nhau trọn đời”.
PHẠM VŨ
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/600621/du-the-van-ben-nhau-tron-doi.html
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóaXin lỗi tôi phải xóa nhận xét này.
Xóa