Vàng đang ‘sôi’ ở 30 độ C
Kim loại quý này nóng chảy ở 1064,18 độ C. Nhưng trong cái nóng 30 độ C của những ngày đầu hạ, chủ đề về vàng chưa bao giờ “sôi” đến thế. Nó hiện lên khắp các mặt báo, trong các buổi tọa đàm và thậm chí, nhiều khi còn thay cho những câu hỏi mang tính xã giao thông thường.
Ảnh: Vneconomy
Việc thực hiện chủ trương tạm xuất, tái nhập vàng được NHNN một lần nữa khẳng định nhằm đẩy nhanh tiến độ kiểm định, gia công vàng miếng phi SJC thành vàng SJC theo đúng quy định của pháp luật và NHNN đã báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện. Toàn bộ khối lượng vàng phi SJC tạm xuất là vàng miếng đang được lưu thông hợp pháp trên thị trường và chủ yếu thuộc sở hữu hợp pháp của người dân đang gửi tại các tổ chức tín dụng (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước). |
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm chuyên đề Thị trường vàng Việt Nam và những ẩn số đã diễn ra (23/4) , trước câu hỏi liệu giá vàng trong nước có giảm mức chênh lệch, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty CP kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam cho rằng không có đủ dữ liệu để phân tích bởi sau nghị định 24/2012 và sau quyết định 06/2013 (hiệu lực từ 5.3.2013) giá vàng tập trung từ một nguồn cung (NHNN - PV), thì thị trường vàng thật sự khó dự báo.
Ở một phân tích khác liên quan tới các phiên đấu thầu vàng thu hút dư luận trong vòng 1 tháng qua, trên báo Tuổi trẻ (25/4), giám đốc một công ty kinh doanh vàng tại TP HCM cho hay, trên 90% số vàng bán được trong những phiên đấu thầu vừa qua đều chảy về các ngân hàng phục vụ cho việc tất toán trước ngày 30/6.
Trước đây từng có thông tin, các ngân hàng cần 20 tấn vàng để đóng trạng thái, song theo một số nguồn tin thì số lượng vàng mà các ngân hàng cần cho đợt tất toán này có thể lớn hơn rất nhiều. Ví dụ trong báo cáo của ngân hàng SCB gửi đến cổ đông, tính đến ngày 30/12/2012, tổng trạng thái âm nguồn vàng của SCB là 247.031 lượng. Còn theo số liệu của NHNN TP HCM, tổng nguồn vốn bằng vàng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố là 1,6 triệu lượng. Trong đó tiền gửi bằng vàng của khách hàng là 664.776 lượng (25 tấn), số vàng giữ hộ khoảng 24,7 tấn. Số vàng huy động này đều phải trả cho khách hàng chậm nhất vào ngày 30/6.
Cũng theo vị Giám đốc này, việc đấu thầu vàng chỉ giúp cho các ngân hàng giải quyết việc đóng trạng thái chứ chưa có tác dụng bình ổn thị trường, ngay cả sau thời điểm 30/6. Điều này có thể được giải thích bởi vàng trở về tay người dân theo hình thức tất toán các khoản gửi, chứ không thông qua nghiệp vụ mua bán với một lượng tiền mặt có thực được đẩy vào thị trường dẫn đến khả năng pha loãng giá vàng.
Như vậy, chưa có căn cứ để nhìn thấy, giá vàng sẽ trở về với trạng thái tự nhiên của nó. Sự chênh lệch về giá vàng bất thường, và khả năng bình ổn giá vẫn là những vấn đề chưa được xác định.
NHNN phản ứng mạnh mẽ, chuyên gia lên tiếng quyết liệt.
Trong một động thái khác, NHNN đã có phản hồi về bài báo Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng thế giới: Rửa vàng bằng cơ chế trên báo Thanh Niên (24/4) qua một công bố chính thức, theo đó: “NHNN quản lý thị trường vàng đúng quy định của pháp luật”. Trong tuyên bố này, NHNN nhận định những lập luận về việc xuất, nhập khẩu vàng trong bài báo là suy diễn, bóp méo và tạo sự hoài nghi đối với các chủ trương, chính sách quản lý thị trường vàng của cơ quan này.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương tạm xuất, tái nhập vàng được NHNN một lần nữa khẳng định nhằm đẩy nhanh tiến độ kiểm định, gia công vàng miếng phi SJC thành vàng SJC theo đúng quy định của pháp luật và NHNN đã báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện. Toàn bộ khối lượng vàng phi SJC tạm xuất là vàng miếng đang được lưu thông hợp pháp trên thị trường và chủ yếu thuộc sở hữu hợp pháp của người dân đang gửi tại các tổ chức tín dụng.
Cũng trong ngày 24/4, NHNN đã đề nghị Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật về thông tin khả năng trục lợi từ chính sách để “rửa” vàng lậu trong bài báo trên.
Trong khi NHNN lên tiếng bảo vệ tính đúng đắn trong chính sách điều hành và quản lý thị trường vàng thì các chuyên gia phân tích kinh tế độc lập cũng có những góc nhìn riêng, thẳng thắn và không kém phần quyết liệt.
TS Lê Đăng Doanh nhận định trên báo Pháp luật TP HCM (25/4): “Có thể nói tất cả các chính sách điều hành về thị trường vàng của NHNN áp dụng đến nay đã thất bại hoàn toàn”. Theo TS Doanh, thị trường vàng đã rơi vào giai đoạn nguy cấp bởi hễ một mặt hàng nào có chênh lệch giá từ 5 triệu đồng trở lên thì không có lực lượng hải quan nào quản nổi.
Trong khi đó, giá vàng trong nước hôm nay, 25/4, đắt hơn quốc tế gần 6 triệu đồng/lượng. Việc NHNN bán vàng không bình ổn được giá như tuyên bố đã đành, nhưng việc khiến cho khoảng chênh lệch về giá càng lúc càng giãn rộng không thể không dấy lên sự nghi ngờ của dư luận.
Đối với phản ứng mạnh mẽ bất ngờ của NHNN, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Sự phê phán về tình trạng độc quyền trong nhập khẩu vàng nguyên liệu, chế tác và đấu giá vàng miếng và kiến nghị NHNN trả lại vàng cho thị trường đều có cơ sở, có căn cứ và cần được lắng nghe thấu đáo”.
Trường Giang
Vụ bài "rửa vàng" trên báo Thanh Niên: Ngân hàng Nhà nước: Quản lý thị trường vàng đúng quy định của pháp luật (TN 25-4-13) -- Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp xử lý thông tin “rửa vàng” (DT 25-4-13) -- Bộ Công an được đề nghị cùng xử lý thông tin “rửa” vàng (VnE 25--13) -- “Rửa vàng” từ chính sách của NHNN (RFA 25-4-13) -- Báo Thanh Niên gỡ bài về "rửa vàng" (BBC 25-4-13) -- Bài báo của Thanh Niên chỉ sai về mặt kỹ thuật, về bản chất không có gì sai cả (Blog Nguyễn Vạn Phú 25-4-13) Thấy gì qua vụ bài báo "Rửa vàng bằng cơ chế" bị bóc? (Võ Văn Tạo - Blog Huỳnh Ngọc Chênh 24-4-13)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét