Những mảnh đời rách nát
Họ lang thang từ sáng tinh mơ cho đến khi trời sụp tối và chạy đua với thời gian để mong cho bán đắt hàng, mang về gia đình một số tiền lời nho nhỏ trang trải cái ăn, cái mặc, và lo cho các con đi học.
Phong Thu, thông tín viên RFA
Khi nói về những người bán hàng rong tại Việt Nam, chúng ta có thể hình dung ra hình ảnh của những người phụ nữ vất vả, nhọc nhằn, một nắng hai sương lặn lội để kiếm chén cơm manh áo lo cho gia đình. Họ gánh cả ‘giang sơn hạnh phúc’ để mong cho con cái cơm no áo ấm và một giấc mơ về tương lai học hành của con trẻ. Những bước chân của họ đã in đậm nét trên đường phố, hang cùng ngõ hẻm và đã trở thành quen thuộc với người dân Việt Nam từ ngàn xưa.
Khi nói về những người bán hàng rong tại Việt Nam, chúng ta có thể hình dung ra hình ảnh của những người phụ nữ vất vả, nhọc nhằn, một nắng hai sương lặn lội để kiếm chén cơm manh áo lo cho gia đình. Họ gánh cả ‘giang sơn hạnh phúc’ để mong cho con cái cơm no áo ấm và một giấc mơ về tương lai học hành của con trẻ. Những bước chân của họ đã in đậm nét trên đường phố, hang cùng ngõ hẻm và đã trở thành quen thuộc với người dân Việt Nam từ ngàn xưa.
Những gánh hàng rong
Những người làm nghề bán hàng rong đa số là những phụ nữ nghèo khổ, không có chuyên môn nghề nghiệp, không có đất đai, tài sản hoặc chẳng có gì để có vốn làm ăn sinh sống. Họ chỉ có một số tiền rất nhỏ nhoi nên không thể sang một gian hàng hay một nơi cố định. Cuộc sống của họ rất nhọc nhằn và gắn liền với đôi quang gánh oằn nặng trên đôi vai gầy nhỏ bé. Họ gánh theo một gánh cháo, một gánh bắp luộc, bánh bèo, bánh ướt, bún, chè, trái cây…đôi lúc là một gánh hoa hay một nhúm rau. Họ lầm lũi đi dưới những cơn mưa tầm tã, dưới những tia nắng bốc lửa cuả miền Nam hay những tháng mùa đông rét mướt đến cắt da cắt thịt của miền Bắc.
Họ lang thang từ sáng tinh mơ cho đến khi trời sụp tối và chạy đua với thời gian để mong cho bán đắt hàng, mang về gia đình một số tiền lời nho nhỏ trang trải cái ăn, cái mặc, và lo cho các con đi học.
Có đến 90% những người bán hàng rong đa số là phụ nữ. Không phải chỉ có những dân nghèo thành thị là bán hàng rong mà những phụ nữ nông thôn vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ ăn, ở quê nhà không có việc làm nên cũng phải lặn lội lên thành thị mua bán dạo. Những người phụ nữ kĩu kịt trên vai quang gánh thì họ chỉ quanh quẩn những nơi gần địa phương. Họ bán cho những người quen biết vì không thể đi quá xa. Nhưng có nhiều người phải bôn ba lên Hà Nội, Sài Gòn làm thuê hay phải tất tả ngược xuôi làm nghề bán dạo. Họ trôi nổi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Hôm nay, ngồi lê la một góc phố, hay lang thang trên những con đường Sài Gòn thì ngày mai lại thấy họ đang ở Huế, Hà Nội…Số phận của họ nổi trôi như những dề lục bình lênh đênh trên sóng nước mênh mông.
Bà Ngô Thị Lộc quê ở Thôn Tân Sơn, Xã Tân Vĩnh, Huyện Lạng Giang, Tỉnh Bắc Giang làm nghề bán hàng rong từ khi về nhà chồng. Phương tiện chuyên chở của bà là một chiếc xe đạp cũ. Phiá sau ba ga bà cột những thanh gỗ ngang và đặt lên trên là những bao luá hay sắn rất nặng nề. Bà đi buôn nông sản rồi đem về bán lại để kiếm tiền phụ chồng nuôi con. Qua tâm tình bà kể lại cho tôi nghe công việc mưu sinh cơ cực của bà:
“Từ khi bước chân vào nhà chồng, cả cái làng đấy người ta làm ăn buôn bán mình phải làm theo thôi. Toàn buôn những sản phẩm nông nghiệp thôi, buôn sắn, buôn thóc…Mua sắn từ trong làng của người ta xong mang về làng cho người ta nấu rượu, thóc trong nhà dân xong rồi mang về đi phát thành gạo, thành phẩm bán cho những người ăn, bán cho những đại lý người ta buôn bán. Mình phải đi bán dạo. Người ta yêu cầu mình chở đến đâu thì mình chở đến đấy. Bây giờ mình già rồi nên không đi vòng vòng được nên buôn một ít nội tạng trâu bò để bán tại chỗ.”
Nghề bán hàng rong cũng có niềm vui và nỗi buồn. Dù dầm mưa giải nắng rất vất vả, nhưng ngày nào đắt hàng, kiếm được tiền nuôi sống gia đình thì có niềm vui. Những ngày ế ẩm không bán được, có khi lỗ vốn thì tâm trạng bà hết sức buồn và lo lắng. Bà nói:
“Sáng thì bán ở chợ, chiều đi vòng vòng ở các làng ấy. Đi vào ngõ nhà người ta gọi “bác ơi hôm nay bác có ăn gì không?”. Nếu người ta có nhu cầu thì người ta gọi vào. Ừ chị ơi! Hôm nào trót lọt trôi chảy được năm chục nghìn, không thì ế ẩm hàng vẫn tồn đọng thì nằm ở đấy. Nói thiệt với chị vui là những hôm ra đến đầu làng bán hàng thực phẩm này gặp những người mà nhà người ta có công có việc, người ta mua hết cho thì vui vẻ về sớm thì hôm đấy vui. Còn những hôm đi bánh hết làng nọ sang làng kia mà không bán được lại còn gặp trời mưa nữa chớ chị. Đấy nó nhiều cái cực lắm!”
Bà Lộc là một phụ nữ vui tính, cởi mở hay cười và rất thân thiện. Nhưng khi tôi tâm sự với bà mới biết cuộc đời bà cũng trải qua biết bao gian truân. Bà nói rằng đời bà đâu có gì vui. Chồng qua đời khi bà còn rất trẻ. Một mình bơ vơ không ai giúp đỡ. Bà phải thức khuya dậy sớm, bất kể trời mưa hay nắng hoặc mùa đông rét mướt, lạnh buốt xương đi buôn bán tảo tần để nuôi hai con ăn học. Bà bùi ngùi tâm sự:
“Cuộc đời mình đâu có cái gì vui đâu hả chị. Chồng mình mất khi mình chưa đầy 24 tuổi. Bố mẹ anh em nhà chồng ở gần nhưng mỗi người mỗi phận cũng chẳng giúp được gì. Bố mẹ đẻ thì ở xa. Thế thì tự mình bươi chảy thôi. Đầu tiên là bắt đầu đi buôn thóc, buôn sắn, chỡ bằng xe đạp. Bốn giờ sáng là phải đi rồi. Đi cho nó kịp. Đi cách xa toàn bộ 30 cây số thế xong rồi tiếp tục đi bán 30 cây số nữa, về đến nhà là nửa đêm. Trong khi đó, hai đứa con ra đầu làng ngồi ngóng mẹ. Đó là giai đoạn cực nhọc nhất mà chẳng dám kêu ca gì với ai hết.”
Niềm hạnh phúc của bà Lộc hiện nay là nhìn thấy hai con đã khôn lớn nên người. Đó là mơ ước lớn nhất của bà. Bà cảm thấy hãnh diện là mình đã làm tròn bổn phận một người mẹ. Giọng bà thật ấm áp, vui tươi khi nói về các con:
“Đoạn vui nhất của mình là hai đưá con của mình đã lớn, cũng đã có vợ, có con. Các cháu cũng đều có công ăn việc làm. Nói chung là cũng chưa được ổn định lắm nhưng mà cho đến bây giờ thì so với mọi người thì mình cũng không kém những người có vợ có chồng trong làng. Đó là niềm vui của mình. Đó là nghị lực sống. Mình nhìn hai đưá con mình để mình sống.”
Nạn nhân của đô thị hóa
Ngày nay, cả nước sôi động phong trào đô thị hoá, mở rộng phố phường nhà cửa. Một tầng lớp giàu có mới nổi lên trở thành triệu phú; trong đó có người phất nhanh nhờ cấu kết với các quan chức cao cấp mua bán đất đai, tham nhũng... Bên cạnh đó, những người dân mất đất, không có đất để canh tác sinh sống hay họ được đền bù một số tiền nho nhỏ nên chỉ một thời gian sau số tiền này không còn. Họ lại không có chuyên môn, nghề nghiệp nên trở thành những kẻ không nhà, không nơi nương tựa. Những người dân nghèo đã phải lũ lượt kéo nhau về thành phố tìm việc làm. Và tỉ lệ những người bán hàng rong đã tăng lên rất cao. Số phận của họ đau khổ, bi thảm hơn những người bán dạo xa xưa vì bị bần cùng hoá, gia đình tan vỡ. Họ cô đơn, lạc lõng, đói rét, vất vơ vất vưởng, sầu thảm bên cạnh những đô thị xa hoa, lộng lẫy có những toà nhà triệu đô, có những chiếc xe hơi bóng lộn của giới nhà giàu thời đại mới.
Điển hình là bà Đặng Thị Thông, quê Thái Bình. Từ một phụ nữ có gia đình êm ấm, hạnh phúc. Bỗng một ngày giông bão nổi lên. Chính quyền cho người đến cưỡng chế, cướp đất, phá nhà. Bà đi khiếu kiện từ năm 2003 cho đến nay không có kết quả. Vợ chồng bà đã phải ly dị, con một đứa theo cha, một người theo mẹ. Bà phải lang thang kiếm sống nuôi cậu con trai ăn học trong tình trạng không nhà, không cửa sống vất vưởng trong vườn hoa Lý Tự Trọng, Hà Nội từ năm 2003 đến nay đã 10 năm. Bà cho biết:
“Nhà em ở thái Bình nó đến nó phá rồi nó cướp đất. Chẳng có nhà có cửa nên phải sống lang thang ở trên đất Hà Nội này. Làm tấm gỗ em phải che bạt thì đi nhặt những cái bạt rồi giặt sạch sẽ rồi che lên. Thằng con em đi làm thuê, nó vào tận nơi nó đe không cho làm. Sau lại đi kiếm việc chỗ nọ chỗ kia vất vã lắm chị à. Em nằm đây làm từ năm 2003 đến giờ, nó phá nhà từ năm 2003. Thằng con em 17 tuổi lang thang nó bắt vào tù. Nó khai khống xử không có chứng cứ gì. Nó bỏ vào tù để em khỏi đi khiếu kiện. Nó ra mấy năm nay rồi. Nhưng vừa rồi ở Hà Nội, công an xông vào nhà nó đánh tại nhà. Bây giờ không làm gì được nên nó gây sự nó đánh. Nó nói mẹ đi khiếu kiện. Nó bảo em là phản động.”
Bà buôn bán hàng rong từ Thái Bình đến Hà Nội. Đi đến đâu buôn bán đến đó để có tiền độ nhật. Nay, vì bị bệnh tiểu đường, sưng khớp bà không còn lặn lội đi xa được nửa nên từ bốn giờ sáng bà đã thức dậy sớm, đi ra chợ mua rau đầu chợ rồi lân la tìm một góc nhỏ bày ra bán kiếm tiền để mẹ con sống qua ngày. Bà nói:
“Bốn giờ sáng, mua rồi mình ngồi lại bán lấy tiền thuốc uống thôi. Năm chục nghìn tiền Việt Nam thôi chị ạ. Gạo thì hai mẹ con đủ sống trong ngày thôi. Khó khăn lắm. Nhưng một tháng chỉ đi được có 10 ngày thôi. Còn lại thì đi ra ngoài vưòn hoa Lý Tự Trọng đấu tranh rồi đi nhặt đồng nát linh tinh thôi chớ không phải là đi buôn rau hẳn. Chồng em bỏ đi lâu rồi giờ có vợ khác rồi. Đi từ khi cháu mới 3 tuổi.”
Bà không bán một thứ rau cải mà đôi khi bà đổi những món hàng khác. Bà bán khóm hay bán hoa quả. Có ngày bà mua khóm (thơm) cắt ra đi bán lẻ vòng vòng trong chợ. Một trái khóm bà lời được một ngàn đồng. Cậu Nguyễn Thanh Xuân, bây giờ đã lớn. Đứa con trai có mẹ đi khiếu kiện nên cũng bị vạ lây. Anh không có nghề nghiệp, không ai nhận vào làm nên phải phụ mẹ đi bán hàng rong. Có hôm chạy thoát công an, có hôm bị công an bắt phạt hết cả vốn lẫn lời. Trong ngày 14 tháng 4, hai mẹ con đang đi bán dạo đã bị công an đến bắt tịch thu cả xe máy. Bà kể lể:
“Em là Đặng Thị Thông với lại cháu là Nguyễn Thanh Xuân đang bán hàng tại chợ Ngọc Thị, bán hoa quả đấy. Thế là bị công an Phường Ngọc Thị nó bắt xe máy của con em xong rồi nó đưa lên ô tô rồi chở về phường Ngọc thị. Nó bắt phạt. Em bảo hoàn cảnh khó khăn lắm nhà cửa đất đai bị chính quyền nó cướp hết rồi. Bây giờ sống lang thang phải đi kiếm sống để qua ngày đoạn tháng đấy. Nhưng mà nó không nghe, nó cố tình cho xe để chở lên.”
Vì bà không có nhà cửa, phải làm một tấm gỗ rồi che một tấm bạt trong vườn hoa Lý Tự Trọng. Cho nên cái lều tồi tàn, rách mướp của bà lại được công an chiếu cố. Công an phá tan nát, đem tất cả gia sản nhỏ nhoi của bà quăng xuống hồ, hay đem đổ nơi khác. Bà khóc lóc rồi lại phải nhặt lại và tiếp tục sống.
Giấc mơ của những người đàn bà nghèo khổ như bà là chỉ mong nhà nước trả lại đất đai để bà có thể xây một căn nhà nho nhỏ để đục nắng, che mưa và đứa con trai của bà không phải trở thành một đứa trẻ lang bạt vô gia cư. Bây giờ Hà Nội, Sài Gòn và toàn cõi Việt Nam, nhìn bề ngoài khang trang, giàu có, thành phố đông đúc hơn xưa với hàng trăm chung cư cao tầng đua nhau mọc lên đến nhức mắt.
Những căn nhà lầu lộng lẫy, sang trọng của những người giàu có đã được xây dựng trên những vùng đất canh tác của dân nghèo. Người dân mất đất, mất nhà ngơ ngẩn chẳng biết ngày mai làm gì để sống.
Họ đã trở thành những kẻ khốn cùng, nghèo khổ, lang thang rách rưới trong lòng xã hội bất ổn. Họ oán than, khóc lóc, đau khổ, và hạnh phúc gia đình tan nát.Có ai thấu hiểu rằng người bán hàng rong của Việt Nam hôm nay cuộc đời họ khốn cùng, đau khổ hơn những người bán rong của những ngày tháng xa xưa. Họ đã không còn một chốn nương thân, và đau đớn hơn họ không có một mái ấm gia đình để an ủi vỗ về trong những tháng ngày bất hạnh.Có ai muốn số phận mình giống như họ không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét