Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Hiếu Orion: Từ nhạc chế 'nóng hổi' tới du ca đường phố

Hiếu Orion: Từ nhạc chế 'nóng hổi' tới du ca đường phố
Sống trẻ
Là tác giả của những bản chế xăng tăng, Hà Nội nóng, sao cởi truồng... siêu hot trong giới trẻ, mới đây, anh dồn tâm huyết của mình với các buổi chơi guitar, đàn hát trên phố cổ.

Nổi đình nổi đám với những ca khúc chế thời sự trên cộng đồng mạng, mới đây, Hiếu Orion còn tạo một sân chơi rất thú vị cho người yêu đàn. Anh mở một trang học đàn online, và tổ chức những buổi du ca đường phố cùng dự án du ca sinh viên. Từ đó, các chiều Chủ nhật, tại tượng đài Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, bạn sẽ được nghe những tiếng đàn guitar đầy ngẫu hứng, với những tiếng hát của một nhóm các bạn trẻ. Hoặc thỉnh thoảng, đi trên các phố cổ, bạn sẽ thấy một vài chàng trai ôm đàn và hát….

Trước khi có nhạc chế, du ca đường phố, Hiếu Orion còn được biết đến với vai trò là admin nhiều trang mạng hữu ích trong giới trẻ và chủ nhiệm CLB xăm Hà Nội.
Trong buổi chiều đầu xuân năm 2012, tôi hẹn gặp anh với sự tò mò về một người có những clip nhạc chế “đâm bị thóc chọc bị gạo” đầy hài hước, nhưng lại muốn mang những nét mộc mạc, ngẫu hứng của âm nhạc vào cuộc sống đời thường. Dưới đây là những chia sẻ của anh về niềm đam mê nhạc chế và hành trình du ca:
Chế theo kiểu hài chứ không phải hề

-  Điều gì đã đưa anh tới những ca khúc nhạc chế?
-  Trước tiên, nhạc chế được tạo ra với mục đích giúp cộng đồng có được thêm niềm vui, và giúp một tập thể cùng có thể hát một ca khúc nào đó - theo ý của họ. Các cụ có câu: Đồng thanh tương ứng - đồng khí tương cầu. Một tập thể có lẽ sẽ gắn bó nhau hơn khi họ cùng hát một ca khúc với nhau. Bởi vậy ở công ty tôi chúng tôi hay nghĩ ra những ca khúc vui vui để cùng hát với nhau. Những ca khúc đó có lời phù hợp với hoàn cảnh - ví dụ đòi lương thưởng của sếp, hát ca ngợi vợ... tuy nhiên nên là những lời được viết theo những ca khúc quen thuộc - để mọi người có thể hát theo một cách vui vẻ.
Sau này thành thói quen, với những sự kiện lớn, tôi đều thích tung ra những con virus để xem nó phát tán đầy thú vị. Ví dụ bài Hà Nội mùa này phố cũng như sông (chế từ Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa) ở trận ngập lịch sử năm 2008. Sau này là Cây đàn chapi thời tăng giá và thời cởi truồng vì môi trường, Ôi quê tôi dây điện khắp trời, Em ơi Hà Nội nóng….Tất cả đều được "chế" từ những bản nhạc quen thuộc.
-  Tại sao người ta không sáng tác một giai điệu mới mà lại cứ phải chế lời cho một giai điệu bản nhạc có sẵn?
- Có 2 lý do khiến những bản nhạc vui đó được chế trên nền những bản nhạc quen thuộc. Thứ nhất, với 1 bản nhạc có 2 yếu tố tạo nên: Giai điệu và lời. Sự ngấm của người nghe có giới hạn, nếu họ vừa phải nghe giai điệu mới, vừa thuộc lời mới thì cái sự "sướng" của người ta cũng sẽ giảm đi nhiều.
Thứ hai là việc thay đổi 1 giai điệu vốn đã quen thuộc cũng khiến tạo ra 1 sự thú vị cho cộng đồng. Bao giờ cũng vậy, người ta luôn thấy thú vị với việc nhìn một thứ vốn đã quen thuộc với một khuôn mặt khác lạ.
Thế rồi anh có thấy hiệu ứng ngoài sức tưởng tượng của mình không?
- Với bài Hà Nội mùa này phố cũng như sông thì đúng. Buổi sáng ngập lụt, chúng tôi ngồi ở văn phòng trên cao, nhìn xung quanh Mỹ Đình mênh mông nước, thế là cùng nhau sáng tác bài này. Và đến tối thì một số người bạn ở nước ngoài đã phản hồi về là đang nghe bản nhạc này. Còn trên khắp các trang mạng thì mọi người đều đăng tải clip này.
Từ đó, những tác phẩm chế gắn liền với các hiện tượng xã hội nóng hôi hổi “vừa thổi vừa nghe” của anh ra đời?
- Sau khi tạo ra được vài clip lan truyền, tôi bắt đầu thích cái trò tạo ra virus này, và nhận ra nhiều kinh nghiệm từ đó. Ví dụ như việc xác định thời điểm khi tung ra một con virus. Người ta chỉ thích thú, lan truyền một thứ nào đó khi lúc đó là lúc người ta đang thực sự quan tâm, thực sự bức xúc. Chính vì thế, mỗi khi cộng đồng có một luồng quan tâm nào đó lớn, tôi cũng đều thử tung ra một con virus lan truyền: khi trào lưu cởi truồng của các sao nở rộ, tràn khắp các trang báo mạng thì chúng tôi có Cây đàn chapi thời tăng giá và thời cởi truồng vì môi trường, và sau khi tuyển Việt Nam bại trận, trong nỗi thất vọng chung thì có bài thơ Việt Nam ta lại về nhì/Đường phố vắng vẻ người đi thẫn thờ , khi Hà Nội bị mất điện, tôi có bài Em ơi Hà Nội nóng ….
Như thế đâu đã đủ cho một ca khúc chế lan truyền rộng rãi như vậy?
- Đúng vậy, người ta có câu "content is king" - việc quan trọng đầu tiên là nội dung phải hay và thú vị, phải đủ để người ta thích và lan truyền. Người sáng tác phải là một thằng hâm hâm, thích sáng tạo và quan trọng nhất là phải biết làm ra một thứ mà nhiều người thích, một con virus có thể lan truyền. Thứ 2 là thời điểm, xuất hiện đúng vào mối quan tâm của một số lượng đối tượng nhất định như trên tôi vừa chia sẻ và thứ 3 là kênh phân phối. 
"Người sáng tác phải là một thằng hâm hâm, thích sáng tạo và quan trọng nhất là phải biết làm ra một thứ mà nhiều người thích".
Giờ cộng đồng mạng có nhiều người như anh?
- Với sự phát triển của mạng xã hội, hiện cũng có nhiều người có các ý tưởng sáng tạo thú vị lắm. Tuy nhiên để có thể có được một video - một con virus - có thể lan truyền rộng ra cộng đồng và có được sự ủng hộ lớn, thì ý tưởng lạ thôi chưa đủ. Nhiều người nhầm lẫn giữa hề và hài. Với tôi chế thì phải hài, hài chứ không hề. Hề chỉ là làm người ta vui, còn hài là làm cho người ta sướng, sướng đến nỗi tự lan truyền nó sang một hoặc nhiều người khác.
Mà hài thì phải thật thâm thúy, bạn có thể dễ dàng làm người ta cười một lần, nhưng đó chưa đủ, khó nhất là bạn phải biến họ thành chính công cụ lan truyền cho bạn: Sao cho họ phải tự truyền đi tiếp cho người khác cái sự thích thú đó. viral marketing chính là như vậy.
Những clip chế này, ngoài việc vui vẻ còn mang lại cho anh điều gì nữa?
- Tôi làm ở nghề marketing, và chợt nhận ra là việc phát tán này cũng chính là một thành tố trong việc marketing online, ấy là việc tạo ra những con virus marketing, tạo nên sự lan truyền trong cộng đồng mạng, một sự lan truyền dựa trên sự sung sướng và chia sẻ cộng đồng. Việc bạn tạo ra được một thứ mà cộng đồng thích và lan truyền, nó chính là một khái niệm mà thế giới gọi là viral marketing - Thông điệp quảng cáo lan truyền. Ngoài ra tôi cũng đã áp dụng viral marketing này vào trong các con virus dạng khác như ảnh, thơ... Và tôi cũng thường lấy chúng làm ví dụ cho những buổi hội thảo về social media của tôi.
Clip chế xăng tăng của Hiếu Orion:
Du ca đường phố
-  Anh chơi đàn guitar từ lúc mấy tuổi?
- Tôi chơi từ lúc khoảng 10 tuổi. Lúc đó Hà Nội nhiều người chơi đàn ở ven đường lắm.
-  Là admin của một diễn đàn lớn nhất về Hà Nội với hơn 100.000 thành viên, và cũng là sáng lập viên của diễn đàn guitar lớn nhất, phải chăng cộng hưởng của 2 cái khiến anh tạo ra chương trình du ca đường phố tại Hà Nội?
- Thực ra, du ca đường phố là điều tôi đã ấp ủ từ lâu rồi. Tôi nhớ ngày xưa Hà Nội có những người ôm cây đàn đi khắp nơi, rồi có thể ngồi ở một quán nước vỉa hè nào đó và chơi đàn. Rất bay bổng, rất lãng mạn. Nhưng giờ đây điều đó đã không còn nữa.
Cuộc sống mới có nhiều thứ hiện đại với công cụ nghe nhạc tuyệt hảo iPod hay các hình thức biểu diễn âm nhạc khác như hiphop, beatbox… điều này khiến giới trẻ tiếp cận được quá nhiều thứ âm nhạc mới lạ, nhưng ngược lại, nó khiến người ta quan tâm nhiều hơn đến khái niệm âm trong từ "âm nhạc", những ca khúc mới hiện nay thì nó đang thiếu đi cái chất "Nhạc" - thiếu đi giai điệu, và nó quá phức tạp. Bởi vậy có thể nó khiến cho giới trẻ không còn phong trào ca hát như ngày xưa, như cái thời của nhạc sĩ Trần Tiến, Nguyễn Cường. Ngày xưa, khi mọi thứ giản đơn thì chỉ cần cây đàn là đủ. Giờ phức tạp quá!
 Hiếu Orion và các bạn trẻ du ca đường phố.
Và tôi bắt đầu lại với những điều nhỏ nhất, đơn giản nhất. Đó là tổ chức những nhóm chơi đàn, hát ở khu vực Hồ Gươm, các phố cổ, những quán cà phê…
-  Nghĩa là anh đang muốn tạo những khoảng lặng, giàu tính nghệ thuật và sự trẻ trung, mộc mạc trong đời sống hiện đại?
-  Du ca đường phố không phải là biểu diễn âm nhạc, theo tôi bản chất du ca là truyền một "tinh thần" cho người xem. Ngày xưa cũng đã có một số nhóm triển khai du ca ở Hà Nội rồi, ban đầu cũng là những cây đàn đơn giản, nhưng rất tiếc sau đó họ đã quá phức tạp nó lên bằng loa đài ầm ĩ,  và vô tình họ đã biến du ca đường phố thành mini show - như vậy thì thà người ta đến các show ca nhạc hoành tráng còn hơn.
Với âm nhạc đường phố, người ta sẽ quan tâm đến cái tinh thần của người chơi hơn là việc họ chơi gì.  Du ca đường phố là một hình ảnh một nghệ sỹ nào đó đang ngồi ở một chỗ nào đó và chơi một cái gì đó... nhưng đầy say mê
-  Sau khoảng 3 tháng thực hiện, anh thấy hiệu ứng của du ca đường phố như thế nào?
-  Điều đầu tiên tôi thấy là những người yêu thích đàn hát đã gom lại được với nhau. Những người chơi đàn có chỗ chơi. Họ gặp nhau ngoài đường, họ truyền đi rồi họ tìm thấy nhau.  Điều đó cho thấy, du ca đường phố không phải hay ở chỗ họ chơi bản nhạc rất hay mà họ truyền được  cái tinh thần ca hát cho nhau.
Du ca cũng thu hút khá nhiều người dừng chân thường thức. Từ người già, trung niên, người trẻ cho tới em nhỏ và du khách nước ngoài. Họ đang đi, rồi họ dừng lại, lắng nghe, họ tĩnh lặng lại rồi sau đó lại bước tiếp với nhịp sống nhộn nhịp kia.
Thật thích khi giữa những âm thanh bộn bề của cuộc sống, giữa dòng người hối hả, ta được dừng lại một chút, lắng nghe được một giai điệu nhẹ nhàng, và sau đó dịu lòng lại để lại tiếp tục bước tiếp vào dòng người để tiếp tục sống.
Hà Nội là một thành phố đẹp, và thật tiếc nếu như nó thiếu đi những nghệ sỹ đường phố như vậy.
 Có những buổi chiều, không có anh, các bạn trẻ vẫn mải miết đàn hát.
-  Hỏi vui một chút, việc ôm đàn đi lang thang như vậy, các anh có kiếm được đồng nào từ người đi đường không?
-  Có chứ, ít thôi nhưng cũng có. Một số bạn chơi ở ven Hồ Gươm và ngả thùng đàn ra, cũng có nhiều người qua lại để tiền lại. Tiền không phải là mục đích chính của du ca đường phhố, nhưng nó là một phần, một phần rất đặc biệt và là những niềm vui nho nhỏ cho những nghệ sỹ đường phố.
-  Còn dự án du ca sinh viên thì sao, dường như anh đang định tổ chức những chương trình du ca tại các trường đại học?
- Tôi bắt nguồn từ việc diễn đàn học đàn của mình có số đông là giới trẻ, và dù ở thời điểm nào, thì sinh viên các trường đại học vẫn rất thích chơi đàn. Sinh viên thì luôn thiếu thốn mọi thứ mà - nhất là nghệ thuật. Nên trong giới sinh viên thì cây đàn guitar rất được yêu thích. Vì thế, tôi muốn làm một chương trình lớn về du ca sinh viên, dự kiến vào khoảng tháng 5 tới sẽ triển khai.
Clip Hiếu Orion cùng các bạn trẻ du ca đường phố:
THỦY NGUYÊN
Theo Infonet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét