Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Công nghệ kỹ thuật số, tương lai của kinh tế Pháp ?

Công nghệ kỹ thuật số, tương lai của kinh tế Pháp ?

88% sinh viên ngành tin học tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp (AFP)
Thanh Hà
Đến nay đã có không biết bao nhiêu bài viết, diễn đàn chỉ trích nước Pháp chậm chân trong lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật số. Nhưng đang có nhiều dấu hiệu báo trước, đây sẽ là chìa khóa đem lại tăng trưởng cho kinh tế Pháp trong tương lai.
Nhân hội thảo về công nghệ kỹ thuật số của Pháp, tổ chức tại Paris vào cuối tháng 2/2013 các bộ liên quan cho biết : từ năm 1995 đến 2010, 700 000 việc làm đã được tạo ra nhờ vào Internet. Nhìn rộng ra hơn, công nghệ kỹ thuật số hiện nay đang sử dụng đến 3,7 % lực lượng lao động trên toàn quốc.
Quan trọng hơn nữa là các doanh nghiệp đang dầu tư vào Internet và các tập đoàn trong ngành công nghệ thông tin dự trù tuyển dụng đến 22 % nhân viên thạo tay nghề trong lĩnh vực này. Cũng cần biết rằng 88 % sinh viên trong ngành vừa tốt nghiệp là đã tìm ngay được việc làm, tỷ lệ đó cao hơn mức trung bình đến 17 điểm.

Theo phân tích của ông Séverin Naudet, nguyên cố vấn của cựu thủ tướng François Fillon về công nghệ tin học thì có nhiều yếu tố giải thích vì sao ngành công nghệ kỹ thuật số sẽ là đòn bẩy kinh tế của nước Pháp. Lý do đầu tiên theo ông Naudet, hệ thống đào tạo của Pháp luôn nổi tiếng là chiếc nôi cho ra đời rất nhiều các thiên tài : Trong hai thập niên qua, 18 giải thưởng Fields được trao cho 7 nhà nghiên cứu đã làm việc tại Pháp.

Nước Pháp nổi tiếng là đất lành chim đậu, nơi thu hút các nhà nghiên cứu trên thế giới. Hiềm một nỗi là các chuyên gia Pháp thường gặp khó khăn trong việc chuyển một công trình nghiên cứu thành một sản phẩm hay dịch vụ, hay nói cách khác là khai thác, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của họ.

Một khuyết điểm khác nữa của hệ thống giáo dục trên quê hương Molière là các trường đại học đến nay chưa hợp tác đúng mức với các công ty, các doanh nghiệp, các ngành kỹ thuật ở Pháp không được công chúng quan tâm đến nhiều. Trong khi, đấy chính là những kênh tạo công ăn việc làm cho tương lai.

Thế nhưng, tất cả những nhược điểm vừa nêu đang từng bước được khắc phục.

Một công trình nghiên cứu của cơ quan tư vấn McKinsey cho thấy Internet ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Pháp. Theo thống kê của năm 2009, ngành kỹ thuật số đem lại hàng năm 60 tỷ euro cho nền kinh tế Pháp, tương đương với 3,2 % GDP của nước này –- và vẫn theo McKinsey, nếu như Pháp đẩy mạnh lĩnh vực kinh tế này thì đến năm 2015, ngành công nghệ kỹ thuật số sẽ đóng góp tới 160 tỷ euro cho kinh tế của Pháp.

Trung bình, những tập đoàn sử dụng nhiều Internet có thể nhân lên gấp đôi kim ngạch xuất khẩu so với một đối thủ không biết khai thác công cụ tin học này. Internet là phương tiện giúp cho người dân dễ tìm kiếm thông tin, dễ tìm việc làm, tạo điều kiện thuận lợi trong cuộc sống về mọi phương diện cho tất cả mọi người.

Một vài trang mạng của Pháp như Meetic hay Dailymotion dù đã chào đời trước cả Youtube, nhưng mới chỉ đứng hàng thứ 30 trong số những website được tham khảo nhiều nhất trên thế giới. Dù vậy trong bảng xếp hạng của cơ quan tư vấn Deloitte năm ngoái, Pháp lọt vào « top 10 » trong số 500 công ty tin học hoạt động có hiệu quả nhất của khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Đây là lần thứ ba liên tiếp, 90 hãng của Pháp chen chân được vào danh sách này.

Đáng chú ý hơn nữa là mỗi ngày khu vườn công nghệ kỹ thuật số của Pháp đều lại thêm hoa : Milibris, trang web của những tờ báo trên mạng, Captain Dash, một dạng start-up chuyên cung cấp những thông tin về thương mại. Dù mới chỉ hoạt động chưa đầy một năm, nhưng doanh thu của Captain Dash đã lên tới 13 triệu euro !

Hiện nay đã có tới 73 % dân Pháp không thể sống thiếu Internet ; 26 triệu con cháu của Voltaire thường xuyên tham gia mạng xã hội Facebook và chỉ riêng trong năm 2011, số người đăng ký tham gia Twitter đã được nhân lên gấp đối so với năm 2010 : Tính đến đầu 2013, đã có 5 triệu rưỡi người sử dụng Twitter trên đất Pháp. Cả Google lẫn Twitter đều đã mở cửa văn phòng tại Pháp và đang tuyển dụng thêm nhân viên.

Đành rằng trong nhóm G20, nước Pháp chỉ đứng thứ 8 về phát triển công nghệ thông tin, nhưng hiện nay, có tới ba trường đào tạo các chuyên gia của ngành công nghệ số và ông chủ tập đoàn cung cấp dịch vụ tin học Free đã đầu tư đến 70 triệu euro vào một trong ba trường đó, để cho ra lò mỗi năm khoảng 1000 chuyên gia Internet made in France !

RFI

1 nhận xét: