Chùm thơ 5 chữ của Thái Bá Tân
ĐÔI LỜI NHẮC NGƯỜI TRẺ
Sống lâu trong giả dối,
Con người thành chai lì.
Nghe thì có nghe đấy,
Nhưng không cảm nhận gì.
Kiểu nước đổ đầu vịt.
Là vì da nó dày.
Dẫu sao cũng nhắc lại
Với lớp trẻ thế này.
Một, ở đời, quan trọng,
Hơn nhau ở cái lòng
Công danh, giàu có - vứt.
Rốt cục là số không.
Hai, cố sống tử tế,
Trung thực và đàng hoàng.
Đời nhiều thử thách đấy,
Ba, học phải ra học,
Làm lại càng ra làm.
Tuyệt đối không lớt phớt
Kiểu “phong cách Việt Nam”.
Bốn, thường xuyên đọc sách,
Thích nữa, chơi nhạc luôn.
Vì chính đó là cái
Làm phong phú tâm hồn.
Năm, không đeo mặt nạ,
Khi giao tiếp ngoài đời.
Tuyệt đối không nói dối.
Nói dối nó nhỏ người.
Sáu, lo toan cuộc sống,
Nhưng đừng quên thiên nhiên.
Phải học sống đơn độc,
Thỉnh thoảng nên ngồi thiền.
Bảy, vứt mẹ cái điện thoại.
Bạn bè cũng ít thôi.
Nếu thích thì bắt chước
Không có bạn, như tôi.
Tám, phải học được cách
Ngồi mòn đít trong phòng.
Tuyệt đối không nhấp nhỏm,
Không tìm cớ chạy rong.
Chín, biết thì thưa thốt,
Không biết thì im đi.
Lặng lẽ mà tích điện
Như cái bình ac-qui.
Mười, không việc gì khó,
Chỉ sợ mình thích lười.
Đã muốn là làm được.
Vậy cố mà thành người.
Mười điều khuyên giản dị,
Mà toàn đúng, tin đi.
Tôi viết nhắc người trẻ.
Theo hay không thì tùy.
Theo thì mình được sướng.
Không theo cũng okay.
Sau thành người vớ vẩn
Đừng kêu than suốt ngày.
Hãy tin luật nhân quả.
Cố gắng thì việc thành.
Lười biếng thì thất bại.
Ở lành thì gặp lành.
Trong mọi cái, khó nhất
Là rèn luyện bản thân.
Từng tí, từng tí một,
Hàng ngày và dần dần.
Dứt khoát không có chuyện
Sống dễ dãi và lười
Mà thành giỏi, tử tế
Và thành đạt hơn người.
Thương thì khuyên như thế,
Nhưng rồi chắc bọn mày
Lại nước đổ đầu vịt.
Là vì da quá dày.
TRUYỆN CƯỜI DÂN GIAN
Người viết: Thái Bá Tân
16/04/2013
NGỬI VĂN
Có một người mù nọ
Nổi tiếng nghề ngửi văn.
Ngửi một cái là biết,
Cả văn xuôi, văn vần.
Một hôm, có ông Tú
Đưa ông bộ Tây Sương.
Ông đáp: “Tây Sương ký.
Vì thấy toàn phấn hương.”
Tiếp đến là Tam Quốc.
“Đây là cuốn sách nào?”
“Là Tam Quốc Diễn nghĩa.
Chỉ toàn mùi binh đao.”
Ông Tú thán phục lắm,
Đưa tập thơ của mình.”
Ông người mù hít, ngửi
Rồi nói: “Thơ của anh!”
“Ồ vâng, ông giỏi quá.
Sao ông biết thơ tôi?”
“Vì mùi nó thum thủm.
Ngửi là biết thơ tồi.”
CÁ GỖ
Xưa có anh trò Nghệ,
Học giỏi nhưng rất nghèo.
Quanh năm một bộ áo,
Nhà là một túp lều.
Anh dùi mài kinh sử
Và rồi đến kỳ thi,
Ngày lên đường, trong túi
Ngoài sách, chẳng có gì.
Anh đẽo một con cá
Bằng gỗ rồi nướng vàng.
Mỗi lần bước vào quán
Anh xin bà chủ hàng
Một vài thìa nước mắm
Dầm với cá rồi ăn.
Ăn xong lại lau sạch,
Sử dụng rất nhiều lần.
Nhờ con cá gỗ ấy,
Anh tiết kiệm được tiền,
Lên kinh, dù rất đói,
Thi đỗ đầu Trạng nguyên.
Sau đó, từ “cá gỗ”
Dùng để chỉ những ai
Quê xứ Nghệ hiếu học
Vượt khó để thành tài.
LẠI CHUYỆN CÁ GỖ
Có anh hà tiện nọ,
Muốn tiết kiệm, một lần
Nghĩ ra trò láu cá
Để khỏi mua thức ăn.
Anh đẽo con cá gỗ,
Đủ cả vẩy, cả vây,
Treo giữa nhà, và nói
Với vợ con thế này:
“Con cá này béo lắm,
Bố dành cho mẹ con.
Nhìn nó, chép chép miệng,
Coi như ăn cá ngon.”
Thằng Út, mới bốn tuổi,
Háu ăn, ngước nhìn lên
Chép miệng luôn mấy cái,
Bị thằng anh ngồi bên
Mách với bố: “Thằng Út
Nó thấy con cá ngon
Nên cứ chép miệng mãi,
Tranh mất phần của con!”
Anh hà tiện nghiêm mặt:
“Anh em phải nhường nhau.
Ăn thế, sau chết mặn
Sẽ không ai thương đâu.”
MAY QUÁ
Có bác hà tiện nọ,
Một hôm đi ra đồng,
Không may vấp phải đá,
Máu me chảy ròng ròng.
Thế mà bác còn nói:
“Thật may mà thế này!”
Một ông đi ngang hỏi:
“Chảy máu, sao còn may?”
“Là vì tôi, may quá,
Để đôi giày ở nhà.
Nếu không, nó sẽ rách.
Bác bảo không may à?”
CON RẮN VUÔNG
Có anh chàng khoác lác,
Một hôm đi đâu về,
Thấy vợ, quen thói cũ,
Chưa kịp chào, đã khoe:
“Tôi vừa thấy con rắn.
Nếu tôi nhớ không nhầm,
Lưng nó sáu mươi mét,
Dài phải đến hai trăm”
Cô vợ nghe, dướn mắt:
“Chắc anh muốn trêu tôi.
Rắn nào hai trăm mét?”
Chồng gãi tai: “Mà thôi,
Chắc chắn thế này nhé.
Con rắn dài cực kỳ.
Dài đúng một trăm mét,
Tin hay không thì tùy.”
“Không tin, - cô vợ đáp. -
Không thể có trên đời
Con rắn dài trăm mét.
Nói thế, người ta cười.”
Anh chồng bực mình lắm.
“Đàn bà thật ngu đần.
Thì tám mươi mét vậy.
Đúng, không kém một phân!”
“Tám mươi vẫn dài quá.”
Anh chồng liền nổi khùng.
Cô hãy nghe cho kỹ.
Tôi nói lần cuối cùng.
Nó dài sáu mươi mét.
Đúng thế, không đùa đâu.
Cô vẫn không tin hả?”
Cô vợ cười, gật đầu:
“Ừ, thì ra là thế.
Nó là con rắn vuông.
Vuông như cái phản gỗ
Ta đang kê trong buồng.”
Anh nói khoác nhíu mặt:
“Vuông là vuông thế nào?”
“Dài, rộng sáu mươi mét,
Hỏi không vuông là sao?”
BA ANH HẦU
Xưa, một phú ông nọ,
Có ba anh người hầu,
Trung thực tốt, khỏe mạnh,
Nhưng tính tình khác nhau.
Một anh rất trung thực,
Luôn bẩm báo “Thưa ông”.
Anh thứ hai cẩn thận,
Thích lo trước, đề phòng.
Anh thứ ba lễ phép.
Ông chủ nói cái gì
Cũng chắp tay cảm tạ,
Thậm chí cả lúc đi.
Một hôm con ông chủ
Trượt chân, ngã xuống sông.
“Anh trung thực” về báo:
“Cậu chủ ngã, thưa ông.”
Khi đến cứu, cậu chủ
Đã chết đuối, mất thây.
Phú ông tức giận lắm,
Bèn đuổi việc anh này.
Ông sai “anh cẩn thận”
Đi mua cỗ quan tài.
Anh này mua, thật lạ,
Không phải một, mà hai.
“Là vì con cẩn thận
Cứ mua trước dự phòng.
Nếu ngộ nhỡ bà chủ
Vô tình rơi xuống sông.”
Tất nhiên ông chủ giận,
Đuổi anh ra khỏi nhà.
Vậy chỉ còn người nữa,
Là anh hầu thứ ba.
Ông yêu anh này lắm.
Một lần sang làng bên.
Anh phải cõng ông chủ
Qua một bãi bùn đen.
Giữa chừng, ông chủ nói:
“Phải nói thật thế này.
Hai thằng kia ta đuổi,
Nhưng rất quí chú mày…”
“Anh lễ phép” lễ phép
Vứt ông chủ xuống sông,
Cúi đầu cung kính nói:
“Con rất biết ơn ông.”
BÁNH TAO ĐÂU?
Có một ông đồ nọ
Tính tham lam, một lần
Được mời dự cơm khách,
Ông tranh thủ cố ăn.
Đến khi ăn kễnh bụng,
Thức ăn vẫn đang còn,
Nhất là chiếc bánh nếp
Vừa to lại vừa ngon.
Ông cầm lấy chiếc bánh,
Rồi thản nhiên như không,
Đưa cho thằng hầu nhỏ
Luôn có mặt bên ông.
Ông nháy mắt ra hiệu:
“Của tao, mang về nhà.”
Thằng bé ngốc, không hiểu,
Tưởng ông cho, thế là
Nó ngấu nghiến ăn hết.
Lúc trở về, dọc đường,
Ông đồ hậm hực lắm.
Cáu kỉnh rất bất thường.
Ông quát: “Thằng này láo.
Sao dám đi ngang hàng?
Anh em với mày hả?”
Thằng hầu liền vội vàng
Để cho ông đi trước.
Nhưng ông lại nói ngay:
“Mày đi sau, như thể
Tao là tù của mày!”
Thằng bé lên đi trước.
Ông mắng: “Thật hỗn hào!
Chỉ thầy mới đi trước.
Mày không biết hay sao?”
Ông đồ cứ vô cớ
Hành hạ mãi thằng hầu.
Cuối cùng ông mới nói:
“Chiếc bánh của tao đâu?”
CƯỠI NGỖNG MÀ VỀ
Một anh keo kiệt nọ,
Bỗng có khách chơi nhà.
Ngoài sân đầy gà ngỗng,
Vẫn nhăn nhó kêu ca:
“Chẳng mấy khi bác đến,
Mà nhà chẳng có gì
Để làm cơm đãi bác.
Vẫn thế đấy, đôi khi…”
“Thì tôi có con ngựa, -
Ông khách đáp ân cần. -
Bác cứ đem làm thịt,
Anh em ta cùng ăn.”
Chủ nhà đáp: “Không được.
Bác còn phải đi xa.
Không ngựa lấy gì cưỡi.
Làm thế nào về nhà?”
Khách đáp: “Ừ thì bác
Xem đàn ngỗng ngoài hè
Có con nào to béo,
Cho tôi mượn cưỡi về.”
TRỨNG NGÓT
Có một cô gái nọ
Lấy chồng, về làm dâu.
Một hôm mẹ chồng bảo
Xuống bếp luộc nồi rau.
Cô luộc xong, thật lạ,
Trước cả một nồi đầy,
Giờ chỉ còn một nửa.
Ôi, biết làm sao đây?
Cô sợ quá, ngồi khóc.
Mẹ chồng hỏi vì sao?
Cô nói hết sự thật.
Mẹ chồng cười: “Ôi dào,
Rau luộc nó phải ngót.
Chuyện bình thường thôi mà.”
Cô gái nghe, mừng lắm,
Bây giờ mới hiểu ra.
Mấy hôm sau, luộc trứng,
Luộc mười quả trong nồi.
Cô lấy ăn một nửa,
Vẫn thòm thèm, và rồi
Khi bà mẹ chồng hỏi:
“Còn năm quả thôi à?”
Cô đáp: “Trứng nó ngót.
Chuyện bình thường thôi mà.”
VẮT CỔ CHÀY RA NƯỚC
Một ông chủ keo kiệt
Có việc ở quê nhà,
Bèn sai anh đầy tớ
Về làm hộ ông ta.
Anh đầy tớ chất phác,
Hiền lành và dễ thương,
Xin ông ít tiền lẻ
Để uống nước dọc đường.
Ông keo kiệt nhăn mặt.
“Khéo vẽ chuyện, đi đi.
Dọc đường đầy sông suối.
Vào quán mà làm gì?”
“Thưa ông, giờ đang hạn.
Sông suối khô từ lâu…”
Ông chủ anh bèn nói,
Sau một lúc gãi đầu:
“Thôi, tao cho mày mượn
Chiếc bao tải bằng đay.
Khát, vắt ra mà uống.
Thừa đủ nước mấy ngày.”
“Dạ, mang bao tải nóng.
Giờ không phải mùa đông.
Hay ông cho con mượn
Chiếc chày nhỏ của ông?”
Ông keo kiệt không hiểu:
“Nó chỉ để giã cua.
Mày cần gì đến nó?
Đúng cái thằng quê mùa.”
“Bẩm, cứ cho con mượn.
Để khi khát, dọc đường
Con vắt nó lấy nước,
Cũng là chuyện bình thường.”
*
“Vắt cổ chày ra nước”,
Câu thành ngữ ngày nay
Để chỉ người keo kiệt,
Xuất phát từ chuyện này.
CHỌN RỂ LƯỜI
Một ông nhà giàu nọ
Có cô con rất xinh.
Nhiều chàng trai ngấp nghé,
Muốn hỏi vợ cho mình.
Nhưng họ phải thất vọng
Vì ông già khác người,
Tuyên bố gả con gái
Chỉ cho anh nào lười.
Tức là loại lười nhất.
Loại lười cực văn kỳ.
Chẳng hiểu ông giàu ấy
Cần rể lười làm gì.
Mà rồi việc kén chọn
Hóa ra không dễ dàng.
Bằng chứng là nhiều tháng
Không ai lấy được nàng.
Ông nhà giàu buồn lắm,
Nghĩ mình đức không dày
Nên mới bị trời Phật
Bắt phải khổ thế này.
Bỗng một hôm ông thấy
Có chàng trai đến nhà,
Như nhiều chàng trước đấy,
Tay bê một mâm quà.
Có điều anh chàng ấy
Không đi đứng bình thường,
Mà giật mùi mới lạ,
Mặt cũng rất chán chường.
Ông hỏi thì chàng đáp
Rằng chàng tính thích lười.
Đi giật lùi hỏi vợ,
Không được, đỡ quay người!
Ông nhà giàu nghe thế,
Vui như bắt được vàng.
Đúng là lười vô địch,
Và gả con cho chàng.
*
Nhân đây chợt nhớ chuyện
Xưa có ông vua già
Phải khổ sở kén rể
Cho con gái ông ta.
Tiêu chuẩn để được chọn
Tiếc là không phải lười,
Mà là ai sạch nhất.
Vâng, sạch nhất trên đời.
Vua cho mười nghìn lính
Lùng sục khắp nước ngài
Để tìm người sạch nhất
Mà chẳng tìm được ai.
Cuối cùng một chàng nọ
Đã được đưa về cung
Kết duyên cùng công chúa,
Vì chàng sạch vô cùng.
Chả là người ta thấy
Chàng đi tè, mỗi lần
Đều dùng một đuôi đũa
Gắp “cái ấy” khỏi quần.
THI NÓI KHOÁC
Bốn ông quan, ngày nọ,
Thi nói khoác với nhau
Xung quanh một bàn rượu.
Quan thứ nhất bắt đầu:
“Tôi nhớ hồi còn trẻ
Từng thấy một con bò
Liếm một cái, chén hết
Cả một sào mạ to.”
Quan thứ hai đáp lại:
“Bò ấy cũng thường tình.
Tôi biết có dây buộc
Lớn gấp mười cột đình.”
“Nó nói lỡm mình đấy, -
Quan thứ nhất hiểu ngay. -
Ý nói sợi dây ấy
Để dắt con bò này.”
Quan thứ ba lên tiếng:
“Các vị không tin đâu,
Nhưng tận mắt tôi thấy,
Dài lắm, một chiếc cầu.
Nó rất dài, đến mức
Một ông bố qua đời.
Anh con sang chôn cất,
Thế mà rồi đến nơi,
Mộ bố đã xanh cỏ.
Ba lần giỗ trôi qua.
Chiếc cầu dài thế đấy.
Các bác không tin à?”
Quan thứ tư lên tiếng:
“Cũng không đến nỗi nào.
Còn tôi thì tôi thấy
Một chiếc cây rất cao.
Đến mức một quả trứng
Rơi từ tổ, tin đi,
Đến lưng chừng trứng nở,
Rồi chim lớn, bay đi.”
Bốn ông quan đắc chí,
Vỗ đùi cười hà hà.
Bỗng có tiếng quát lớn:
“Trói bọn chúng cho ta!”
Các quan sợ hết vía.
Ngoái lại, thấy thằng hầu
Đang cười, đứng bên cạnh.
Hắn lễ phép, cúi đầu:
“Xin các quan tha chết.
Thấy chuyện các quan hay,
Con mạo muội, thất lễ
Đùa một chút thế này.”
HỎI ĐƯỜNG LÊN TRỜI
Một bà già góa nọ
Có cô con khá xinh.
Thuê ông đồ dạy học,
Ăn ở ngay nhà mình.
Ông đồ này giỏi chữ,
Giỏi cả tính trăng hoa.
Miệng nói chuyện Khổng Tử,
Mắt liếc con người ta.
Hai mẹ con bà chủ
Nằm trên gác, ban đêm,
Ông đồ trằn trọc mãi,
Tơ tưởng cái tòm tem.
Rồi ông mò lên gác.
Bà chủ nhà quát to:
“Ai? Làm gì đêm tối…”
Chữa thẹn, ông thầy đồ
Đành nói liều: “Có phải
Đây là đường lên trời?
Tôi hỏi khí không phải.
Không dám phiền hai người.”
CHUỘT THI NÓI KHOÁC
Có ba chú chuột nhắt
Tán gẫu bên gốc cây,
Rồi thi nhau nói khoác.
Một chú nói thế này:
“Tớ có một cái thú,
Là ngủ dậy, hôm nào
Cũng chui vào bẫy chuột
Để chơi trò lộn nhào.”
Con thứ hai liền đáp:
“Thế có gì mà khoe.
Tớ chuyên lấy bả chuột
Pha uống thay cà phê.”
Chú thứ ba lặng lẽ
Bấm điện thoại: “Mèo à?
Mày đến đón anh nhé.
Rồi ta đi uống trà.”
THÀ CHẾT CÒN HƠN
Xưa có anh keo kiệt
Sợ tốn, không đi đâu.
Nhịn ăn, nhịn cả mặc,
Chỉ ki cóp làm giàu.
Một hôm có anh bạn
Rủ lên tỉnh đi chơi.
Tiếc tiền, từ chối mãi,
Cuối cùng cũng nhận lời.
Anh ta vào buồng tối,
Mở hũ lấy năm quan
Dắt lưng, đi lên tỉnh,
Vui, nhưng thấy bất an.
Chợ tỉnh nhiều cái đẹp,
Nhưng mua lại tiếc tiền,
Nên chẳng mua gì cả.
Năm quan vẫn còn nguyên.
Khát không dám vào quán,
Chờ đò tới giữ dòng,
Anh ta cúi, uống nước,
Không may ngã xuống sông.
Anh bạn kêu: “Cứu, cứu!
Thưởng năm quan! Cứu mau!”
Anh hà tiện nói: “Đắt!
Tôi không đồng ý đâu!”
“Thì ba quan!” “Vẫn đắt!
Tôi thà chết! Không, không…
Và rồi anh ta chết,
Xác chìm nghỉm giữa dòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét