Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Ban Nội chính Trung ương sẽ là "cú đấm thép" vào nạn tham nhũng

Hy vọng "Cú đấm thép" này không giống như "Quả đấm thép" (các tập đoàn kinh tế) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
(GDVN) - “Những người được chọn vào Ban Nội chính Trung ương phải là những người rất có bản lĩnh và tất nhiên bản thân là phải gương mẫu, trong sạch. Tuy nhiên, nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao hơn thì sẽ thuận lợi hơn để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho...”, bà Nguyễn Thị Khá nói.
Chỉ sau một ngày Ban Nội chính Trung ương chính thức đi vào hoạt động, Bộ Chính trị đã có quyết định điều động ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng (được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An khoá XVII vào tháng 10/2010, là một cán bộ với chuyên môn nghiệp vụ về an ninh và là một Cử nhân luật) về làm Phó Trưởng Ban này.

Bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội 
Đánh giá cao việc bổ nhiệm lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương của Bộ Chính trị, bà Nguyễn Thị Khá – Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng việc bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thanh – Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, ông Phan Đình Trạc – Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, Phạm Anh Tuấn - Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là những người có năng lực và bản lĩnh làm lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho thấy Bộ Chính trị đã cân nhắc cẩn trọng đến cỡ nào.

Điều này đã được thể hiện phần nào qua ý kiến thể hiện sự sẵn sàng trước nhiệm vụ mới ở Ban Nội chính Trung ương của ông Phan Đình Trạc: “Tôi không bất ngờ về quyết định này của Bộ Chính trị. Là người của Đảng thì luôn sẵn sàng, bảo đi là đi, bảo ở là ở”.

“Những người được chọn vào Ban Nội chính Trung ương phải là những người rất có bản lĩnh và bản thân là phải trong sạch. Tuy nhiên, dù những cán bộ đó rất có bản lĩnh nhưng nếu không được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao hơn thì cũng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ”, bà Khá nói tiếp.

Chia sẻ với ý kiến của ông Phạm Anh Tuấn về lý do không lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, TP về phòng chống tham nhũng, bà Nguyễn Thị Khá nói: “Ban Nội chính Trung ương sau khi được thành lập đã bổ nhiệm những người có năng lực làm lãnh đạo Ban.

Nếu khi hoạt động mà được cấp trên ủng hộ nữa thì việc các Thành uỷ, tỉnh uỷ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng chắc chắn phải hơn Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng chống tham nhũng như trong thời gian vừa qua”.

Tân Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc (Ảnh: quynhluuonline.com.vn)

Bà Khá cũng bày tỏ hy vọng sẽ có được sự phối hợp tốt, sự đồng thuận cao giữa các cấp, giữa Ban Nội chính Trung ương và các Thành uỷ, tỉnh uỷ trong công tác phòng chống tham nhũng.

Về những điều cần chú ý để Ban Nội chính Trung ương thực sự trở thành “cú đấm thép” trước nạn tham nhũng, ông Thang Văn Phúc – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã từng cho rằng: “Thứ nhất là về thể chế hoạt động để tổ chức có thể thực thi công việc của mình được tốt.

Thứ hai là đội ngũ nhân sự để thực hiện sứ mệnh này. Cá nhân ông Nguyễn Bá Thanh là một yếu tố tốt nhưng còn cả một hệ thống tổ chức bây giờ được lập lại là một vấn đề không đơn giản. Đội ngũ cán bộ trong ban phải là những người “tinh nhuệ”, dám nghĩ, dám làm. 

Thứ ba là quy định thẩm quyền của Ban Nội chính Trung ương được thể chế hóa như thế nào để có thể phát huy được hiệu quả trong điều kiện mới trên tinh thần thượng tôn pháp luật chứ không phải được thực hiện bằng các văn bản khác. Đó cũng là những thách thức trực tiếp”.

Với việc Bộ Chính trị vừa bổ nhiệm các cán bộ vốn là những người trực tính, dám nói, dám làm được nhân dân tin tưởng làm lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, dư luận đang trông chờ một “cú đấm thép” từ Trung ương Đảng vào nạn tham nhũng đang hoành hành. 

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Ban Nội chính Trung ương trước đó cho biết: ngày hôm nay (4-2) là ngày chính thức ra mắt Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và cũng là ngày ra mắt cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là Ban Nội chính Trung ương. Bộ máy lãnh đạo của Ban Nội chính Trung ương gồm 1 trưởng ban và 3 phó ban.

Trong phiên họp đầu tiên, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xác định những định hướng công tác năm 2013.

Trước đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam ông Tuấn cho hay: về mặt tổ chức nhân sự, ngày 31/1, đã chuyển 86 cán bộ, nhân viên của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sang Ban Nội chính Trung ương. Như vậy về mặt cơ học, Ban Nội chính Trung ương có 108 cán bộ, công chức không tính lãnh đạo Ban”.

Hồng Chính Quang

http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Ban-Noi-chinh-Trung-uong-se-la-cu-dam-thep-vao-nan-tham-nhung/274330.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét