Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

(2) HOÀNG HÔN TRÊN SÔNG NIL



Du thuyền cập bến Edfu (hoặc Idfu), là thị trấn trung tâm thương mại với các nhà máy đường và ngành công nghiệp đồ gốm, thời cổ đại thành phố này được gọi là Tbot, Coptic Atbo khoảng 100 km về phía nam của Luxor. Từ bờ sông Nil phải đi bằng xe ngưạ „Fiaker“ đến thăm đền thờ thần Horus, đền nầy xây năm 237 trước CN, lớn thứ hai sau đền Karnak là một trong những công trình cổ được bảo tồn. Phía trước đền có hai tượng đá chim ưng, du khách đi qua sân lớn vào ngôi đền được bao quanh bởi 32 cột đá, trên đầu cột chạm trổ nhiều biểu tượng khác nhau, kiến trúc trong đền cao 36 m và dài 34 m, trên có mái còn lưu trữ cái cáng như chiếc thuyền để kiệu người…

Trong thần thoại Ai Cập Horus là vị thần mặt trời, chiến tranh và bảo vệ trẻ em. Horus con của nữ thần Isis và cha là Osiris, thân người, đầu là con chim ưng “Horus-Apollo” đội vương miện kép màu đỏ và trắng, là biểu tượng quyền lực trên vương quốc Ai Cập, biểu tượng mắt phải là mặt trời, mắt trái là mặt trăng…Horus là một trong các vị thần lâu đời nhất và quan trọng trong tín ngưỡng Ai Cập cổ đại. Hãng hàng không EgyptAir có phù hiệu con mắt và cánh của thần Horus trên đuôi máy bay “Horus the Sky“. Hai bên mũi tàu những du thuyền trên sông Nile với mắt của thần Horus để ngăn chặn sự bất hạnh.


Hoàng hôn về thuyền cập bến Kom Ombo đi dọc theo bờ sông có nhiều hàng quán buôn bán ồn ào, tiếng nhạc xen lẫn tiếng chào hàng của người lớn, trẻ con bu theo du khách đông như kiến, đến đền Kom Ombo được xây từ 304 đến 31 trước CN, thờ thần cá sấu Gottes Sobek, còn gọi là Suchos hoặc Sebak, cơ thể con người và đầu cá sấu là con của nữ thần Neith. Sebak đầu đội vương miện đôi có sừng, đĩa mặt trời và những chùm sao, là vị thần của sự sinh sản được coi là một vị thần của nước, sông và đầm lầy, vị thần nước nầy giúp cho sông Nil đất màu mở để người dân cơm no, áo ấm có đời sống thanh bình và thịnh vượng …bên cạnh là nhà bảo tàng cá sấu được ướp xác còn nguyên vẹn, những con cá sấu này được tôn kính như là con vật linh thiêng thời Ai Cập cổ đại. Bức tượng nổi tiếng của Bảo tàng Luxor Pharao Amenhotep III. đứng bên cạnh thần cá sấu. Thần thoại Ai Cập nói rằng những vị Pharao xử dụng vương trượng của Sobek để kiểm soát mực nước của sông Nil. Vương trượng này cũng được Moses xử dụng vượt Hồng Hải chia nước biển rẽ 2 bên tạo con đường đưa người dân của mình đến Đất Thánh.. tài liệu khác viết: (dân Israel định cư ở phía đông sông Nil, sống giao hòa với người Ai Cập, nhưng về sau người Ai Cập trở nên thù địch với dân Israel, bắt họ phục vụ như những người nô lệ. Thiên Chúa phán bảo Moses trở về Ai Cập để giải cứu đồng bào của ông khỏi ách nô lệ. Thiên Chúa biến cây gậy trong tay Moses thành con rắn cũng như chữa lành tay ông bị phong, bảo cho Moses biết ông được ban cho quyền năng để có thể khiến nước sông tràn ngập mặt đất và biến nước thành máu..).


Bến đỗ cuối cùng trên sông Nil là thành phố Assuan, dân số khoảng 300 ngàn có hồ Nasser rộng 5250 km² có đập thuỷ điện Assuan-Staudamms cung cấp điện cho cả nước do quân đội canh gác, người nghèo xử dụng điện miễn phí. Assuan là một trong các thành phố lớn vùng thượng Ai Cập (đứng sau Luxor, Asyut và Fayyum). Từ bến tàu chúng tôi phải đi xe bus đến bến nhỏ tấp nập ghe thuyền du khách và đi thuyền máy „đuôi tôm“ đến Philae Temple phong cảnh nơi đây hữu tình là đảo nhỏ Agilkia nằm giữa sông nước mênh mông. Đền xây từ thế kỷ thứ 4 trước CN. Đền thờ nữ thần Isis là người con thứ hai của thần Geb và thần Nut, là em gái của Osiris và là chị của Seth bà có con trai là Horus. Isis giúp Osiris đem lại nền văn minh Ai Cập như: dạy phụ nữ nghiền bắp lấy bột cũng như kéo tơ dệt vải, dạy cho dân chúng nghi thức hôn lễ. Bà là một nữ thần vĩ đại của tình yêu và ơn cứu độ. Theo truyền thuyết những người hiếm muộn đến cầu xin được ơn… Sự tôn kính nữ thần Isis từ Ai Cập đến Hy Lạp và khắp đế quốc La Mã cho đến ngày nay… (mời xem hình cuối bài).


Núi đá Aswan là vùng nổi tiếng thế giới, các thạch trụ tồn tại cho tới ngày nay đều lấy đá granit từ Aswan. Những thạch trụ ở Paris, London, Roma và New York đều có dựng cột đá (Obelisken), Obélisque de la Concorde là cây cột đá vốn ở trước cửa đền Luxor, hiện nay trên quảng trường Concorde Paris cao 23m nặng 227 tấn là quà tặng của phó vương Ai Cập Mohammed Ali cho Pháp tháng 5.1830. Chúng tôi đến mỏ đá granit Aswan, có các loại đá màu hồng và đỏ để làm cột tháp. Loại granit được ưa thích hơn vì màu sắc gợi sự liên tưởng đến mặt trời. Nơi nầy còn lại một cột tháp dang dở, vì tảng đá nguyên khối đã bị nứt trong khi khai thác nên bỏ lại, về phương pháp dùng để chạm trổ đá, cắt và vận chuyển của người Ai Cập cổ đại hiện vẫn đang được nghiên cứu. Các học giả tìm được bằng chứng người Ai Cập cổ sử dụng những cái đục bằng đồng đỏ để khai thác sa thạch và đá vôi. Đối với những loại đá cứng hơn như granit hay diorit đòi hỏi phải có những dụng cụ mạnh hơn. Dolerit /diabase là một loại đá lửa màu đen rất cứng được người Aswan xử dụng để khai thác đá granit. Cột tháp nặng hàng trăm tấn và dài vận chuyển từ mỏ đá đến sông Nil người ta dùng xà lang để di chuyển, là một công việc rất khó vì thời đó chưa có máy móc để kéo, dựng lên ở đền Kranak Luxor phải dùng bằng sức người là một kỳ công trong lịch sử nhân loại.


Ngày cuối ở Assuan chúng tôi phải dậy sớm từ 3 giờ sáng lên xe bus đi viếng đền Abu Simbel lớn nhất của vua Ramses II và nữ hoàng Neertai, đền dài 63m chiếm cả mặt tiền là bốn pho tượng khổng lồ của nhà vua, cao khoảng 22m trong khi lối vào giữa các tượng dẫn đến một loạt các phòng khoét sâu trong vách đá hai bên, mỗi bên 4 tượng đá cao 10m. Đền thờ 3 vị thần quan trọng bảo vệ Ai Cập là: Amun-Re, Ptah và Re-Horakhty cũng như đối với chính bản thân Ramses II cũng được thờ phụng ngay khi nhà vua còn sống. Phần lớn các tác phẩm chạm nổi cho thấy khung cảnh lịch sử, tưởng niệm các trận đánh chinh phục của Ramses II ở Syria, Libiya và Nubia…(hình cuối bài)

Ai Cập thời cổ đại hưng thịnh, giàu mạnh cai trị một phần đất của Phi châu. Các tượng Pharao đứng hai tay nắm lại để chéo trước ngực, bộ râu dài được bảo vệ trong hộp, chân trái bước lên phiá trước để chứng tỏ uy quyền của mình. Thời cổ đại nếu không giàu mạnh, không quyền lực thì không thể nào xây được những Kim Tự Tháp, đền đài đồ sộ để lại cho hậu thế. Chắc chắn số người bị bắt làm nô lệ xương máu đổ trên các đền đài không ít! Nhìn lại việc đào kênh đào Suez, trải qua 10 năm với sự tham gia của hơn 2,4 triệu công nhân Ai Cập, nhiều gian nan và hơn 100.000 người phải bỏ mạng nơi đây!


Ngày xưa những tượng các nữ thần như: Isis – Moot – Mut- Hathor – Neith – Nefertem – Shu- Maat- Nephthees được tạc hay khắc sâu vào những bức phù điêu thân hình thật hấp dẫn với y phục đẹp lộng lẫy. Ngược lại ngày nay đàn bà Ai Cập mặc các loại y phục Tshador, Pardesü, Hidschab trùm từ đầu xuống chân, mặt cũng che khăn! Y phục của nam giới Ả Rập là chiếc áo Kaftan từ thời trung cổ thùng thình dài tới chân. Phần lớn người theo Hồi giáo mặc áo quần không đẹp mắt, nhưng vũ điệu múa bụng thì rất khêu gợi. Những buổi tối trên du thuyền thường trình diễn những vũ điệu của Phi châu, tiếng trống tiếng kèn vang dội, ngày sinh nhật của du khách được nhà bếp chú ý làm cái bánh lớn chúc mừng trong những bữa ăn tối.


Bảy ngày trên sông Nil đẹp, đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh, đền đài, chiều chiều ngồi trên boong tàu thưởng thức HOÀNG HÔN TRÊN SÔNG NIL đẹp tuyệt vời và lãng mạn với phong cảnh hai bên bờ yên tĩnh, đàn bò ung dung gặm cỏ bên vườn miá xanh tươi, vườn cây bông vải nở trắng như hoa tuyết, cây chà là xanh nghiêng bóng bên dòng nước… Sông NIL mang lại cho Ai Cập trù phú và phát triển nền văn hóa cổ đại, dù đền đài đã hoang tàn theo thời gian vì động đất và chiến tranh, chính trên dòng sông nầy tạo ra nhiều huyền thoại. Theo ký thuật của Kinh thánh, Moses là con của bà Jochebed người Do Thái, sinh ra trong giai đoạn bị Pharao ra lệnh giết tất cả bé trai thuộc dân tộc Do Thái bằng cách trấn nước ngay khi chúng vừa chào đời tại sông Nil. Jochebed sinh con trai tìm cách giấu bé trong ba tháng, và không thể bảo vệ đứa bé lâu hơn, Jochebed đặt đứa bé vào cái nôi và thả trôi theo dòng sông Nile. Miriam chị của bé theo dõi canh chừng chiếc nôi này cho đến khi nó trôi giạt vào nơi công chúa Thermuthis đang tắm cùng các tỳ nữ. Công chúa thấy đứa bé nằm trong nôi bèn ra lệnh vớt đem vào cung làm con nuôi. Miriam tìm đến và xin công chúa nhận cô làm vú nuôi chăm sóc đứa bé. Về sau Jochebed thay thế con gái làm vú nuôi. Công chúa đặt tên bé là Mosheh, tiếng Hebrew là mashah nghĩa là được“cứu khỏi nước”.Tiếng Hy Lạp là Moses, Moses sinh ra khoảng năm 1593 trước CN (1513 năm trước khi Chúa giáng sinh) nhưng trong sử không ghi rõ đời Pharao nào ra lệnh giết trẻ em?

Phim hoạt họa “Hoàng Tử sông Nil“ hấp dẫn qua nhiều tình tiết rất hay về nhân sinh quan: Chuyện phim kể rằng: một nhà Chiêm tinh nhìn thấy vì sao mới sinh ra dần nuốt chửng vì sao lớn của Pharao. Ông được tin hoàng tử mới chào đời là đứa con mang số mệnh của loài rắn độc được dự báo sau này sẽ giết chết phụ vương của mình. Vị vua trẻ rất đau lòng phải quyết định thả trôi đứa bé trên dòng sông Nil sau khi xăm trên cánh tay nó một dấu ấn của Hoàng gia. Qua nhiều biến động, cuộc đời của vị hoàng tử nhỏ bị đổi với cuộc đời của một cậu bé khác sống trong hoàng cung xa hoa lộng lẫy tên là Leo. Hoàng tử bỏ trôi sông trở thành con trai của tên trộm lừng danh là Icarus „Dù là Pharao hay vua trộm, là vương phi quyền quý hay người phụ nữ nông thôn, đều có một điểm chung là tình yêu dành cho con cái…“ Pharao và vua trộm dạy con trai bài học. Khi Leo bị Sarbi lừa lấy mất ngựa và áo. Pharao nói „tất cả những thứ mà con có: địa vị, quần áo đẹp, thức ăn ngon… đều là thứ mà người khác phải ao ước”. Còn vua trộm thì dạy Icarus: “Có 4 nơi mà kẻ trộm không được vào: nhà nghèo, nhà có người bệnh không di chuyển được, nhà chỉ có trẻ con, và cuối cùng là hoàng cung vì dân chúng toàn Ai Cập có nhiệm vụ phải bảo vệ”…Ai Cập xứ thuộc chuyện cổ tích 1001 đêm, những di tích đền đài đều được Unesco công nhận là di sản thế giới. Cairo có vẽ đẹp riêng của nó với khu Kim Tự Tháp hùng vĩ mà nhiều người từng mơ uớc đến tận nơi chiêm ngưỡng kỳ quan, tôi đã trình bày trong bài „Ai Cập một giấc mơ“.

Từ Luxor chúng tôi sang biển đỏ bằng xe bus phải qua sa mạc nắng cháy dài khoảng 380 km dọc đường có quân đội kiểm soát (quân đội Ai Cập hiện nay mạnh nhất trong khối Ả Rập, họ rút kinh nghiệm bị bại trận trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 với Do Thái, Ai Cập huấn luyện và trang bị quân đội hùng mạnh tăng quân số Hải-Lục-Không quân). Biển Hurghada không có sóng lớn, từ bờ ra 300m nước sâu tới bụng, có nhiều cá đủ màu nếu đi thuyền ra xa hơn có nhiều san hô rất đẹp, (biển Thổ Nhĩ Kỳ là biển chết không có cá).


Khu du lịch biệt lập xa phố thị, yên tĩnh tắm biển để tâm hồn được thảnh thơi. Du khách phần lớn người Nga, trẻ già họ đều uống rượu từ 10 giờ sáng cho tới nửa đêm, (Hotel bao trọn ăn uống). Nhóm người Tàu không tắm biển hay phơi nắng, chỉ ra biển chụp hình, nói chuyện ồn ào, ăn uống lấy cả mâm đầy ăn không hết đem đổ vào thùng rác, phải chăng họ đói con mắt?


Mỗi dân tộc có văn hóa khác nhau, nhân viên phục vụ trong Hotel 5 sao toàn đàn ông rất ít thấy bóng dáng đàn bà, người phục vụ dọn dẹp phòng ngày đầu tiên ngửa tay xin tiền pourboire, nhận tiền xong thì làm việc bê bối (ngược lại trên du thuyền người dọn phòng sạch sẽ không xin tiền, nhưng được cho nhiều hơn). Tất cả mọi phục vụ cho du khách ở Ai Cập đều đòi hỏi cho tiền, việc gì cũng phải hỏi trước giá cả, thí dụ đi xe ngựa họ đồng ý chở đi một vòng thành phố 10$, nhưng lúc trả tiền họ cũng đòi tiền thêm, điều cần thiết phải luôn có tiền trả cho W.C công cộng. Trường hợp xảy ra ở Kim Tự Tháp những người giữ lạc đà mời du khách chụp hình cũng đòi nhiều tiền, nếu muốn cữi lạc đà một vòng 10 phút phải trả giá trước, nếu không sẽ bị hố phải trả đến 30$.. Đời sống bạo loạn du khách sợ không tới nên thành phần nầy đói muốn làm cái „máy chém“. Hướng dẫn viên bán những tour riêng cũng nên cân nhắc vì giá của họ đắt hơn mua trực tiếp ở phòng du lịch. Thí dụ đi với khinh khí cầu 45 phút hướng dẫn viên bán 75€ cho một người, nhưng phòng du lịch ngoài phố bán 40€ mà thôi. Đi tàu xem San Hô bán 45€, mua trực tiếp trả 40$. Từ biển du khách muốn đi phố chơi tránh bị lừa nên nhờ Hotel gọi Taxi dù đắt hơn vài ba đô nhưng họ chiụ trách nhiệm, xe nào đưa mình đi chơi và hẹn đúng giờ đón trở về không sợ bỏ rơi giữa đường, nếu đi 4 người thì chia tiền rất là rẻ .

Những ngày ở biển nắng ấm trôi qua thật nhanh, giả từ Hurghada trở về Munich trời lạnh tuyết rơi trắng cỏ cây. May mắn 16 ngày chúng tôi du lịch Ai Cập bình yên không có biểu tình lớn, sau đó tiếp tục nổi lên sóng gió vì phe đối lập dân chúng bất mãn chống lại đối với cách cầm quyền của ông Morsi và tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, những vụ đụng độ giữa cảnh sát với những người biểu tình làm nhiều người chết, các trụ sở chính phủ ở Suez bị đốt cháy. Dân Ai Cập không muốn chính phủ cai trị theo luật Hồi giáo mà phải theo phương hướng của các nước Tây Phương canh tân đất nước chấm dứt độc tài, tham nhũng và quân phiệt.

Tôi cầu mong thể chế chính trị ở Cairo được giải quyết, nguyện vọng của người dân được đáp ứng thật sự có tự do, dân chủ, nam nữ bình đẳng và nhân quyền được tôn trọng. Để người Ai Cập không bị hổ thẹn với tiền nhân của họ có công dựng nước, phát triển nền văn minh thời cổ đại cho nhân loại.

Kính chúc độc giả có những chuyến đi Ai Cập thỏa mái vui vẽ, có thể tránh những phiền toái ngoài ý muốn.

Nguyễn Quý Đại
http://hoamunich.wordpress.com/2013/02/03/hoang-hon-tren-song-nil-ii/

Hình đền Philea http://bit.ly/10XL7Sf.

Hình đền Simbel http://bit.ly/WYmOg8.

Hình trên Sông-Sa mạc- Biển http://bit.ly/YuiJWe.

Tài liệu tham khảo

Das alte Ägypten (lịch sử Ai Cập)

http://bit.ly/Y4xvik.

http://bit.ly/Vnzz8f.

Chữ tượng hình của Ai Cập trong trang Wikipedia.org tiếng Việt

http://bit.ly/UK0gB4

Phim dài 41 phút về lịch sử cổ đại Ai Cập

http://bit.ly/14ihdWB.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét