Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

(4) “Những cái khó khăn nhất của dân tộc qua rồi”...

(4) “Những cái khó khăn nhất của dân tộc qua rồi”...


PHẦN HAI (tiếp theo)

PV: Một trong những vấn đề được nhân dân cả nước bàn luận nhiều nhất hiện nay, chính là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy một bầu không khí sục sôi như thế này. Lâu lắm rồi tôi mới thấy từ những tầng lớp trí thức đến những người dân lao động bình thường nói về Nghị quyết Trung ương 4 nhiều như thế này. Họ nói và họ hy vọng vào những lời mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói: Chúng ta phải làm trong sạch đội ngũ Đảng, vì điều đó sẽ có tác động trực tiếp đến sự tồn vong của đất nước. Cá nhân ông, ông kỳ vọng gì vào Nghị quyết Trung ương 4 và những gì mà Đảng đang quyết tâm thực hiện?

LKT: Là một người dân, tôi cũng chỉ biết hy vọng. Tôi hy vọng vì tôi luôn nghĩ rằng, bản năng của một dân tộc trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn sống. Bao giờ cái tốt cũng là cái thúc đẩy sự đi lên của cả dân tộc. Đến một lúc nào đó, cái tốt ấy sẽ phá vỡ mọi sự trì trệ đang tồn tại, dù sự trì trệ đó nó ẩn dưới hình thức nào đi chăng nữa. Tôi chỉ sợ không biết cái chu kỳ tất yếu đó bao giờ đến? Tôi chỉ sợ cái chu kỳ đó sẽ không đến khi tôi còn có thể chứng kiến nó. Nhiều khi chu kỳ của nó chỉ xảy ra nhiều năm sau nữa. Nhưng tôi vẫn hy vọng.

PV: Tôi từng nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về những nhà Cách mạng của chúng ta trước đây. Tôi nhớ một câu chuyện về Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Khi Nguyễn Lương Bằng làm người phụ trách công tác tài chính cho Đảng, trong ngân quỹ của Đảng chỉ còn hơn 20 đồng tiền Đông Dương rách nát. Ngày ngày, ông đẩy xe mật mía đi bán, dù cho có bán được rất nhiều tiền, nhưng cả ngày ông chỉ dám mua 1 xu tiền bánh, 1 xu tiền nước, còn lại để dành tiền gây quỹ cho Đảng. Sau này, dù làm ở bất cứ chức vụ gì, ngay cả khi tình hình cách mạng bớt đi khó khăn, ông vẫn không hề thay đổi. Đi đâu, tiêu 1 xu tiền nước, 1 xu tiền đò, ông cũng ghi lại. Và ông đã đi công cán Trung Quốc với chiếc áo rách mặc bên trong chiếc áo đại cán, đến nỗi trời nắng nóng cũng không dám cởi ra. Khi đi thăm con gái đi học, ông ra bến xe bắt xe khách như một người dân bình thường. Thế hệ những người như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, họ đã cống hiến, đã hi sinh, không một chút toan tính. Nhưng nhìn vào lớp Đảng viên bây giờ, những người như Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng khiến chúng ta vừa xót xa, vừa phẫn nộ. Vinashin đã làm lỗ 80.000 tỷ. GDP đầu người ở Việt Nam là khoảng 40 triệu/ năm. Gần 90 triệu người Việt Nam, sẽ phải đóng thuế bao nhiêu lâu mới bù lỗ được cho một tập đoàn nhà nước làm ăn không hề có trách nhiệm với nhân dân? Nhân dân sẵn sàng hi sinh cả xương máu cho độc lập dân tộc, nhưng không sẵn sàng hi sinh cho những cán bộ nhà nước mất chất như thế. Theo ông, điều gì khiến những người Đảng viên hôm nay đã không còn giữ được cái tinh thần của thế hệ những người Đảng viên thời chống Pháp, chống Mỹ - cái điều khiến người dân đánh mất nhiều niềm tin vào Đảng?

LKT: Cái này chúng ta phải hỏi những người lãnh đạo đất nước. Tôi cũng muốn hỏi thế! Vì tôi thấy điều đó thật vô lý. Khi tôi ra nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo, ra nghĩa trang Trường Sơn ở Quảng Trị, nhìn thấy những nấm mồ của bao nhiêu con người đã nằm xuống ở đó, tôi càng thấy điều đó vô lý. Tại sao trong khó khăn, chúng ta đã sống tốt như thế, đã chiến đấu anh dũng và tự hào như thế. Vậy mà trong thời điểm này, khi chúng ta đang thừa hưởng những thành quả, chúng ta có điều kiện để làm tốt hơn thế gấp nhiều lần, mà chúng ta lại không làm được? Cái khó nhất là giành độc lập dân tộc, chúng ta làm được, mà tại sao xây dựng đất nước trên nền tảng hòa bình, chúng ta lại làm không tốt?
Tôi đã từng nói với nhiều người, đã từng trả lời trên báo chí: ngày xưa khi anh là Đảng viên, anh sẽ bị bỏ tù; anh là bí thư chi bộ, giặc sẽ xử bắn; anh Ủy viên Trung ương, nó sẽ bắn cả nhà. Còn bây giờ, nếu anh là Trưởng phòng, anh phải là Đảng viên; anh muốn là Bộ trưởng, anh phải Ủy viên Trung ương. Các chức vụ trong Đảng luôn đi với chức quyền bên ngoài, kèm theo quyền lợi vật chất. Đảng lúc này khó còn những người dám hi sinh. Sẽ có nhiều người cơ hội đi vào Đảng hơn. Cái “phê và tự phê” để phát triển của chúng ta còn yếu. Chúng ta chưa dám đối mặt với những tiếng nói đối lập. Chính điều này làm chúng ta suy yếu đi. Vì chứa trong lòng nó rất nhiều người cơ hội. Người ta nói con số đó là 1/3, nhưng tôi nghĩ, chắc chắn phải hơn một nửa những người cơ hội có mặt trong Đảng.

PV: Vừa rồi, TBT Nguyễn Phú Trọng đã can đảm thay mặt Đảng, thừa nhận những tồn tại, những yếu kém trong Đảng, thừa nhận việc chúng ta có sửa chữa được những yếu kém đó hay không ,sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Đây là lần đầu tiên chúng ta dám nhìn trực diện vào sự lâm nguy mà chúng ta đang đối mặt…
 

LKT: Cũng là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy sự nguy hiểm đó do chính chúng ta tạo ra. Hôm trước tôi có dịp nói chuyện với nguyên TBT Đỗ Mười, tôi có nói: “Trước một sự lâm nguy, chúng ta phải có những hành động đặc biệt. Cũng giống như là trước họa xâm lăng của đất nước, chúng ta phải tổ chức hội nghị diên hồng, chúng ta phải tổng động viên, phải dừng lại mọi cái, chúng ta phải dốc hết lòng để đánh giặc. Thế còn trước sự lâm nguy của chúng ta hiện nay, chúng ta đã làm những gì đặc biệt? Đến giờ phút này, cháu chưa thấy nó”. Tôi hy vọng những việc mạnh tay mà chúng ta đã làm trong thời gian qua, sẽ là một cái sự khởi đầu cho một hành động đặc biệt nào đó.

PV: Có một sự thật là, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đang giảm đi, với hàng loạt những tệ nạn tham ô, tham những, những bê bối về hình ảnh quan chức trong những năm qua, là con trai của một người Cộng sản, ông có cảm thấy buồn khi điều mà cố TBT Lê Duẩn và thế hệ đó đã tin vào, bây giờ đang bị lung lay?

LKT: Tôi nghĩ niềm tin đó vẫn còn, nó chỉ bị biến tướng đi ở hình thức khác. Điều đó là điều làm tôi đau khổ. Đau khổ vì có một lớp thế hệ người ta lợi dụng sự hi sinh của nhân dân, của các đồng chí, lợi dụng niềm tin của dân tộc để trục lợi cho họ và làm méo mó tất cả. 

PV: Người lãnh đạo cao nhất của Đảng là TBT Nguyễn Phú Trọng đã có những hành động thể hiện rõ sự quyết tâm trong việc làm trong sạch, vững mạnh lực lượng Đảng: thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, yếu kém trong Đảng và quyết tâm sửa chữa những tồn tại đó, không ngại động chạm đến quyền lợi của các cá nhân trong Đảng, dù cho đó là những cán bộ cao cấp. Ông có ghi nhận những nỗ lực của TBT Nguyễn Phú Trọng nói riêng, và của Đảng nói chung?

LKT: Chắc chắn! Và tôi hy vọng chúng ta sẽ còn làm nhiều hơn thế.

PV: Xin hỏi ông một câu hỏi, với tư cách con trai của cố TBT Lê Duẩn và hỏi với tư cách một người đã sống qua hai thời kỳ, cả thời kỳ chiến tranh và thời hòa bình, một người có rất nhiều trăn trở, trong một thời điểm rất đặc biệt, thời điểm mà Đảng đang quyết tâm làm một cuộc Cách mạng thực sự trong nội bộ của mình, vì ý thức được đó chính là yếu tố quyết định sự tồn vong của Đảng – xin hỏi ông trong thời điểm này, ông nghĩ gì về vận mệnh dân tộc?

LKT: Có lẽ đây là hy vọng cuối cùng, đây là cơ hội cuối cùng. Nếu lần này chúng ta không làm được, thì có lẽ sẽ không bao giờ làm được nữa!

PV: Hy vọng cuối cùng – ông có đang bi quan?

LKT: Tôi nhìn vào quỹ thời gian của tôi và hiểu rằng, tôi không còn nhiều cơ hội để hy vọng nữa, không còn nhiều thời gian để chời đợi nữa, nói là cơ hội cuối cùng, hy vọng cuối cùng, có lẽ chỉ là vì vậy. Tôi xin chia sẻ một điều rất cá nhân này, từ khi tôi có cháu nội, thì cái khao khát làm được một cái gì đó bỗng nhiên bùng lên. Trước đó tôi nghĩ là đời mình thôi thế cũng xong, đời con mình như thế cũng xong, nhưng khi tôi có cháu nội, tôi bỗng cảm thấy cuộc sống thật mong manh. Tôi băn khoăn mãi với cái ý nghĩ cuộc sống của cháu nội tôi sau này sẽ thế nào, tôi có thể hình dung ra cuộc sống của con trai tôi và chấp nhận nó một phần, nhưng không thể hình dung ra điều gì sẽ đến với cuộc sống của cháu nội tôi. Việt Nam ta có một câu rất hay: “Thương người như thể thương thân” – chừng nào anh biết thương người khác như thương chính bản thân mình, chừng nào anh biết làm điều tốt cho người khác như chính bản thân mình, thì sức mạnh sinh tồn sẽ trở nên rất mạnh mẽ. Đến cái tuổi này, khi nhìn thấy một sinh linh bé nhỏ như cháu nội tôi chào đời, cần sự bao bọc, che chở của tôi, cái bản năng khao khát được làm cái điều thiện cho những đứa trẻ giống như cháu tôi, cho một thế hệ giống như thế hệ cháu tôi, bỗng nhiên trỗi dậy. Trước đây tôi đi ra ngoài được, gặp người ta bế một em bé đi ăn xin, tôi vô cùng xót xa, nhưng bây giờ nếu ra ngoài đường, cũng gặp một cảnh tương tự, tôi thấy không thể chịu nổi được và chỉ ao ước có thể làm được điều gì đó, có thể có sự thay đổi nào đó. Tôi nghĩ chúng ta không thể không làm gì. Chúng ta phải hành động!
Tôi vẫn tin là, sức sống của một dân tộc, suy cho cùng là vĩnh cửu. Tôi tin không phải lúc này hay lúc khác, dù có sống trong tăm tối, trong đau thương, đổ nát đến bao nhiêu, sẽ có những lúc sức sống của chúng ta trỗi dậy, và vì thế, sẽ không bao giờ là quá muộn để hành động. Nhưng tôi hy vọng, với trí tuệ của người Việt Nam, với lòng can đảm và sức mạnh tinh thần kỳ lạ của người Việt Nam, chúng ta đã vượt qua 1000 năm nô lệ phương Bắc, đã vượt qua những kẻ thù đế quốc thực dân mạnh nhất như Pháp, Mỹ, thì chúng ta cũng biết vượt qua chính mình.

PV: Nhưng Phật đã dạy, “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình” – vượt qua chính mình dường như chưa bao giờ là một chuyện dễ dàng?

LKT: Vượt qua chính mình – với ý nghĩa cá nhân, là một cuộc chiến khó khăn với từng cá nhân, nhưng vượt qua chính mình – với ý nghĩa một tập thể, thì đó sẽ là một cuộc chiến thực sự, một cuộc chiến dữ dội.

PV: Và đôi khi trong cuộc chiến dữ dội đó, chúng ta có thể bị thương, nhưng chúng ta vẫn nhất định phải hành động ?

LKT: Nếu đúng như Chủ nghĩa Mác về phủ định của phủ định, thì sau một cái phủ định, sẽ có một sự phát triển lớn. Hoa tàn đi thì sẽ ra trái, trái già và hỏng đi thì sẽ ra hạt để nảy mầm. Quy luật đương nhiên luôn là như thế. Chỉ có điều là chúng ta đang sống trong thời đại này, chúng ta đủ sức không bị phụ thuộc vào khoảng thời gian, chúng ta càng nỗ lực vượt qua chính mình trong thời gian càng ngắn bao nhiêu, thì sẽ càng tốt cho xã hội bấy nhiêu. Ví dụ, nhìn vào những nước chưa giải phóng, chưa thống nhất trên thế giới, chúng ta thấy chúng ta đã giải phóng đất nước sớm từng đó, nghĩa là về mặt nào đó chúng ta đã đi trước họ, đi trước rất xa. Người Hàn Quốc đến giờ vẫn chưa hình dung được họ sẽ thống nhất đất nước như thế nào và sẽ sống thế nào sau khi thống nhất. Người Bắc Triều Tiên lại càng không thể hình dung ra được. Thời của tôi, cái gì mà không làm được, người ta đều nói “đợi đến Thống nhất”. Nói thế để thấy việc thống nhất đất nước nó quan trọng thế nào, khó khăn, gian khổ thế nào và chặng đường xa vời vợi ra sao. Vậy mà chúng ta đã làm được điều kỳ diệu đó, điều khiến cả thế giới phải khâm phục. Tôi hy vọng rằng, có thể có lúc thế nọ thế kia, nhưng khi cả dân tộc đã cùng đồng lòng, quyết tâm, chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn như hiện nay. Còn nếu chúng ta không vượt qua được, đó sẽ là một điều quá cay đắng, quá phi lý, quá nghiệt ngã.

PV : Xin chân thành cám ơn những lời tâm huyết và chân thực của ông!

(PV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét