Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Lào đa dạng hoá kinh tế trong lúc gia nhập WTO

Lào đa dạng hoá kinh tế trong lúc gia nhập WTO


Các sạp hàng bán hàng thủ công và lưu niệm cho du khách ở khu chợ đêm của Luang Prabang, Lào, ngày 18/10/2009.

Daniel Schaerf, 27.10.2012

Tổ chức Thương mại Thế giới WTO quyết định thu nhận Lào làm thành viên sau nhiều năm thương thuyết. Quốc gia nghèo khó do đảng Cộng Sản nắm độc quyền cai trị này đã bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế từ trung ương hoạch định sang kinh tế thị trường.

Hôm thứ sáu (26-10-2012) vừa qua, sau 15 năm thương thuyết, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã chính thức mời Lào làm thành viên. Lời mời này là một sự thừa nhận các nỗ lực của Lào nhằm thay đổi luật lệ và chính sách để tuân thủ những yêu cầu của tổ chức mậu dịch quốc tế này và những đòi hỏi của hơn 150 hội viên WTO về vấn đề tiếp cận thị trường. Lời mời này cũng được đưa ra sau nhiều năm kinh tế nước Lào có tỉ lệ tăng trưởng trung bình hơn 6% mỗi năm. Năm nay tỉ lệ này có thể lên tới 8%, là mức cao nhất ở Đông Nam Á.

Ông Michael Ewing-Chow là người đứng đầu chương trình nghiên cứu WTO của Trung tâm Luật Quốc tế ở Singapore. Ông nói rằng tư cách thành viên giúp cho Lào nhận được những lợi ích của WTO, nhưng nó cũng báo hiệu một sự thay đổi có tính chất cơ bản hơn đối với quốc gia này.

Ông nói: "Giá trị thật sự cho nước Lào là họ đang chuyển nền kinh tế của họ từ chỗ tập trung kế hoạch của quá khứ tới một chỗ mới, trong đó họ đang thật sự tìm kiếm những phương cách tốt nhất để xây dựng tinh thần kinh doanh và các thị trường tự do ở nước họ."

Là một nước nhỏ, không giáp biển, và nghèo, nước Lào trong nhiều thập niên nay đã nằm dưới sự lãnh đạo liên tục của đảng Cộng Sản đã lên nắm quyền vào năm 1975.

Giống như hầu hết các quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản, kinh tế Lào do chính quyền trung ương kiểm soát và các hoạt động giao thương tập trung vào các nước thuộc khối Sô Viết cũ.

Nhưng từ những năm giữa thập niên 1980, Vientiane đã từ từ chuyển sang một nền kinh tế có tính chất thị trường nhiều hơn.

Giờ đây, quốc gia từng lệ thuộc vào viện trợ của quốc tế này đang trở thành một điểm đến quan trọng của đầu tư nước ngoài, và FDI của Lào trong năm nay đã vượt mức 2 tỉ đô la.

Lào là nước cuối cùng trong số 10 nước hội viên ASEAN gia nhập WTO.

Ông Peter Ungphakhorn, một viên chức thông tin của WTO, cho biết sau khi Lào phê chuẩn hiệp định gia nhập, ASEAN sẽ có thể lên tiếng như một khối tại câu lạc bộ thương mại toàn cầu này.

Ông nói thêm rằng việc trở thành hội viên WTO sẽ mang lại cho nền kinh tế Lào một sức đẩy lớn, tương tự như trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam, là hai nước từng áp dụng thể chế kinh tế trung ương hoạch định.

Ông Ungphakhorn nói: "Nó cũng có thể làm cho Lào trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì nó sẽ cho thấy là Lào có thể áp dụng những nguyên tắc có thể tiên đoán, minh bạch và dựa trên luật lệ cho nền kinh tế của mình."

Các nhà đầu tư lớn nhất của Lào hiện nay cũng là các đối tác thương mại quan trọng và là nước láng giềng -- Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Nhưng hầu hết các hoạt động đầu tư đều thuộc khu vực tài nguyên thiên nhiên như nông nghiệp, thủy điện và khai thác hầm mỏ, với phần lớn các sản phẩm được mang bán cho các nước láng giềng.

Các nhà phân tích nói rằng việc gia nhập WTO giúp Lào đa dạng hóa các nguồn đầu tư cũng như các hoạt động thương mại sang các khu vực khác.

Ông Nicolai Imboden là Giám đốc của Trung tâm Ý tưởng ở Geneve, một tổ chức chuyên giúp các nước đang phát triển như Lào hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Phát biểu qua điện thoại, ông Imboden cho biết Lào vẫn chưa có khả năng cạnh tranh như một căn cứ sản xuất, cho nên các công ty Âu châu và Hoa Kỳ sẽ đầu tư vào nước này một cách chậm chạp hơn.

Ông Imboden nói: "Thái Lan đã đầu tư rất nhiều. Việt Nam giờ đây mới bắt đầu. Singapore cũng đầu tư khá nhiều và tôi tin là Hàn Quốc cũng sẽ tới. Như quí vị cũng biết là hiện nay đang có một xu thế rõ ràng là chuyển những hoạt động sản xuất với giá thành thấp từ Trung Quốc xuống phía nam và tôi nghĩ rằng Lào sẽ được hưởng lợi từ việc này."

ASEAN đang có kế hoạch thành lập một cộng đồng kinh tế vào cuối năm 2015 để nối kết tất cả các nước trong khu vực.

Trong khi đó, Trung Quốc dự trù chi tiêu nhiều tỉ đô la cho các dự án đường sắt và đường bộ nối với vùng Đông Nam Á thông qua Lào.

Ông Ewing-Chow nói rằng kế hoạch này giúp Lào trở thành một trung tâm chính của những hoạt động thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN.

Ông nói: "Trung Quốc là nước láng giềng lớn ở hướng bắc và nước láng giềng quan trọng về phía nam là Thái Lan. Cả hai nước này ngày càng nắm giữ những vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế Lào và sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều năm tới đây. Tuy nhiên, nếu Lào trở thành một trung tâm chính cho khu vực thì họ có thể gia nhập mạng lưới của các nền kinh tế khác hiện đang muốn vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và nhân lực lên xuống trên hành lang nối liền Trung Quốc với ASEAN."

Tuy có sự phát triển và tăng trưởng nhanh chóng, hiện nay nước Lào vẫn còn hơn một phần tư trong tổng số dân 6 triệu rưỡi người vẫn đang sinh sống trong cảnh nghèo túng.

Theo bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc về trình độ phát triển, Lào đứng hàng thứ 138 trong tổng số 187 quốc gia.

Lào hy vọng việc gia nhập WTO sẽ giúp họ không còn được xếp vào danh sách các nước kém phát triển nhất.

Theo dự liệu, các nhà lập pháp Lào sẽ chính thức chấp nhận lời mời gia nhập của WTO vào tháng 12 tới đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét